Lại cảnh cáo
Chỉ vài ngày sau khi tập đoàn dầu khí ExxonMobil của Mỹ loan báo phát hiện một mỏ khí đốt trong thềm lục địa Việt Nam, Bắc Kinh đã lập tức lên tiếng cảnh cáo rằng các công ty nước ngoài không được hoạt động trong vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Vẫn với cách nói cố hữu lâu nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Hai 31 tháng 10 cho rằng “Trung Quốc có chủ quyền hiển nhiên tại Biển Đông, vì vậy các công ty nước ngoài không nên tham gia vào các dự án thăm dò và khai thác dầu khí trong vùng biển có tranh chấp”.
Mặc dù Bắc Kinh không nêu đích danh công ty nước ngoài nào, nhưng lời cảnh cáo của Trung Quốc được đưa ra chỉ 3 ngày sau khi ExxonMobil loan báo phát hiện một mỏ khí đốt có trữ lượng lớn ngoài khơi bờ biển Đà Nẵng.
Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc tìm cách gây áp lực lên các tập đoàn dầu mỏ nước ngoài khi họ muốn hợp tác với Việt Nam khai thác các dự án ở Biển Đông.
Cách nay 3 năm, Bắc Kinh đã từng khiến cả ExxonMobil của Mỹ và BP của Anh phải rút khỏi dự án tại Việt Nam.
Video: Những sự kiện đáng chú ý tại Việt Nam trong tuần
Không chỉ các công ty Anh - Mỹ, công ty dầu khí quốc gia Ấn Độ ONGC Videsh cũng bị Trung Quốc hăm dọa khi ngỏ ý hợp tác với Việt Nam.
Tuy nhiên, khác với các tập đoàn Phương Tây, công ty dầu khí Ấn Độ mạnh mẽ tuyên bố là họ sẽ không vì các áp lực từ Bắc Kinh mà từ bỏ kế hoạch hợp tác với Việt Nam.
Việt – Nhật hợp tác
Cũng liên quan đến Biển Đông, tuần này nhân chuyến viếng thăm Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Yoshihiko Noda đã ký kết bản tuyên bố chung Việt – Nhật, theo đó hai nước sẽ “tăng cường hợp tác về an ninh, vì hòa bình và phồn vinh của khu vực”.
Theo ông Đỗ Thông Minh, một học giả gốc Việt sinh sống lâu năm ở Tokyo, việc Nhật Bản và Việt Nam gia tăng các quan hệ hợp tác chiến lược, xuất phát từ nhu cầu bức thiết của cả hai nước trong việc ứng phó với Trung Quốc:
Nhật Bản và Việt Nam có mối lo chung về sự bành trướng của Trung Quốc.
Đỗ Thông Minh
“Nhật Bản và Việt Nam có mối lo chung về sự bành trướng của Trung Quốc. Nhật Bản có tranh chấp với Trung Quốc về đảo Tiêm Các mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, vùng có nhiều mỏ hơi đốt; còn Việt Nam thì tranh chấp với Trung Quốc về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nơi có nhiều dầu hỏa, hơi đốt, khoáng sản, cũng như là cá.
Tài nguyên là nguồn tranh chấp chính tại vùng Biển Đông. Các quốc gia liên hệ, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam đều ráo riết tăng cường vũ trang nên dù các bên liên hệ thường trên mặt chính thức đều dùng những ngôn ngữ ngoại giao hòa bình, nhưng điều ấy cũng cho thấy vẫn có thể dẫn đến những nguy cơ xung đột.”
Từ mượn đến không trả
Trong lĩnh vực Nhân quyền và Tự do Tôn giáo, Việt Nam Tuần Qua ghi nhận cùng lúc diễn ra các cuộc tranh chấp giữa chính quyền với giáo xứ Thái Hà - Hà Nội, và sự kiện nhiều thành viên Pháp Luân Công bị công an bắt giữ khi tọa thiền trước các cơ quan ngoại giao của Trung Quốc ở Việt Nam.
Theo các nguồn tin từ trong nước, một tuần sau khi giáo dân tập trung yêu cầu chính quyền trả lại tu viện Thái Hà cho giáo hội, hôm thứ Năm 3 tháng 11, công an đã ra tay trấn áp, bắt giữ nhiều Linh mục, tu sĩ cũng như giáo dân.
Trả lời Đài Á Châu Tự Do về nguyên nhân của vụ tranh chấp này, nhà báo tự do Nguyễn Hữu Vinh từ Hà Nội cho biết:
Sau đó rồi thì năm 70, 71, 73 thì mượn để làm bệnh viện Đống Đa.
Nhà báo Nguyễn Hữu Vinh
“Dòng Chúa Cứu Thế của Hà Nội đóng trên phía đất của GX Thái Hà đã được thành lập từ năm 1928. Đến năm 1959 đến 1970 nhà nước mượn một số vị trí, một số cơ sở lúc đầu để làm chỗ ở. Sau đó rồi thì năm 70, 71, 73 thì mượn để làm bệnh viện Đống Đa.
Gần đây trên báo chí người ta có nhận được một thông tin là nhà nước đã duyệt chi 75 tỷ cho nâng cấp bệnh viện này. Giáo dân đã đưa đơn và yêu cầu trả lại Tu Viện Đại Chúng Thái Hà. Ngày 27 đã có một đoàn lên tận UBND quận để đưa đơn yêu cầu trả lại và đồng thời dựng bảng điện tử để yêu cầu trả lại đất đó.”
Thêm 21 thành viên Pháp Luân Công bị bắt
Cũng tại Hà Nội, tuần này công an cũng bắt giữ thêm nhiều thành viên Pháp Luân Công, khi họ cùng tọa thiền trước Đại sứ quán Trung Quốc.
Theo anh Phạm Thành Trung, một thành viên Pháp Luân Công thì mục đích của cuộc tọa thiền là nhằm phản đối việc chính quyền bắt giữ hai tín đồ Pháp Luân Công thực hiện các chương trình phát thanh sang Trung Quốc.
“Việc bắt giữ và xét xử 2 anh xuất phát từ sức ép của chính quyền Trung Quốc. Hai anh đã thực hiện phát sóng radio sang Trung Quốc, chính vì thế mà họ gây áp lực và 2 anh đã bị giam giữ cho đến nay cũng đã hơn 16 tháng mà cũng chưa qua xét xử. Việc làm ấy rất là sai cho nên học viên có thỉnh nguyện như thế.
Ngồi được khoảng 30 phút thì công an phường đến yêu cầu giải tán và sau đó họ bắt toàn bộ lên xe và đưa về công an phường.
Phạm Thành Trung
Hôm qua là ngày thứ hai thì các học viên Pháp Luân Công tại Hà Nội và trong Saigon đã ra ngoài ĐSQ Trung Quốc ở Hà Nội để thỉnh nguyện về việc chấm dứt đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc, và cũng có thỉnh nguyện là trả tự do cho Anh Trung và Anh Thành. Có khoảng 21 người ngồi trực diện trước ĐSQ Trung Quốc. Ngồi được khoảng 30 phút thì công an phường đến yêu cầu giải tán và sau đó họ bắt toàn bộ lên xe và đưa về công an phường.”
Được biết, trước đó nhiều thành viên Pháp Luân Công cũng đã cùng tọa thiền trước lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Hồ Chí Minh với mục đích tương tự, và cũng bị công an giải tán, bắt giữ một số người.
Mất tiền để đòi lại thương hiệu
Và thưa quý khán thính giả, cuối cùng Việt Nam cũng chấp nhận mất tiền với hy vọng lấy lại được thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột, đã bị công ty Trung Quốc đăng ký bản quyền.
Hôm thứ Tư 2 tháng 11, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Đắc Lắc xác nhận sẽ chi 600 triệu đồng để xúc tiến các thủ tục đòi lại thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột từ Trung Quốc.
Trả lời Nam Nguyên của Đài Á Châu Tự Do, ông Lê Thành Vinh thuộc Công ty Luật Bross & Partner, người phát hiện vụ Trung Quốc tiếm đoạt thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột phát biểu:
“Trong bối cảnh như vậy việc chọn con đường khiếu kiện là phù hợp, nó bảo vệ được vị thế của chúng ta. Tôi vui mừng về khía cạnh đó, chúng ta lựa chọn con đường pháp lý để bảo vệ tài sản của mình. Đó là lẽ đương nhiên.”
Trong bối cảnh như vậy việc chọn con đường khiếu kiện là phù hợp, nó bảo vệ được vị thế của chúng ta.
Lê Thành Vinh
Theo chính quyền tỉnh Đắc Lắc, tiến trình lấy lại thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuộc đó thể kéo dài, thậm chí có thể phải nhờ đến tòa án phân xử; nhưng Ủy Ban Nhân Dân tỉnh khẳng định sẽ theo đuổi đến cùng như là một bài học kinh nghiệm, cho dù phải mất thêm thời gian và tiền bạc.
Tưởng cũng nên nhắc lại, Cà phê Buôn Ma Thuộc từ lâu đã được coi là một thương hiệu cà phê nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà trên cả thị trường thế giới; tuy nhiên từ năm ngoái, nhãn hiệu "BUON MA THUOT COFFEE" đã bị các doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký độc quyền tại tỉnh Quảng Đông.
Theo dòng thời sự:
- Trung Quốc cảnh báo các Cty ngoại quốc thăm dò dầu khí tại Biển Đông
- Mở rộng quan hệ, đối phó với "láng giềng hữu nghị"
- Trung Quốc cánh cáo các tàu tìm kho báu ở Biển Đông
- Học viên Pháp Luân Công sẽ tọa thiền đến khi nào?
- Giáo dân Thái Hà đòi lại Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế
- Báo chí trong nước tấn công Giáo Xứ Thái Hà
- Hai học viên Pháp Luân Công sẽ ra tòa ngày 10/11
- Mất bò mới lo làm chuồng
- Giải pháp để Trung Quốc trả nhãn Cà phê Buôn Ma Thuột