Vụ bắt giữ ký giả Hoàng Khương
Ngay trong ngày đầu năm Dương Lịch, công an thành phố Hồ Chí Minh đã đọc lệnh bắt giam và khởi tố nhà báo Hoàng Khương của tờ Tuổi Trẻ, liên quan đến những phóng sự của ông về nạn nhận hối lộ của cảnh sát giao thông.
Tuy lệnh bắt của công an chỉ ghi ngắn gọn là phóng viên Hoàng Khương bị bắt vì hành vi “đưa hối lộ”; nhưng thực chất đây là một câu chuyện dài, nhiều uẩn khúc và liên quan đến cả cuộc chiến trường kỳ tại Việt Nam: Đó là cuộc chiến chống tham nhũng – một vấn nạn mang tầm cỡ quốc gia mà nhiều thế hệ lãnh đạo Việt Nam đều tuyên bố quyết tâm tận diệt.
Lên tiếng trên đài Á Châu Tự Do ngay sau khi sự việc xảy ra, nhà báo Thanh Thảo từ Việt Nam cho biết:
“Nhà báo Hoàng Khương không có ý hối lộ gì cả mà chẳng qua là tổ chức một cái sự việc, cố ý làm cái việc gọi là đưa tiền hối lộ cho cảnh sát giao thông, mà thực chất viên cảnh sát giao thông đã vui vẻ nhận tiền chứ không phải bị ép buộc gì.”
Trong khi đó nhà báo lão thành Bùi Tín, nguyên Tổng biên tập tạp chí Quân đội Nhân dân Chủ nhật, Phó tổng biên tập báo Nhân Dân, nay định cư ở Paris cho rằng:
"Tôi nghĩ đây là đòn trả thù Hoàng Khương của công an thôi. Vì nguyên tắc của công an VN là khi đánh một kẻ nào đó sẽ làm cho những người lương thiện khác run sợ khiến họ không dám phanh phui hành động sai trái của công an nữa.
Tôi nghĩ đây là đòn trả thù Hoàng Khương của công an thôi.
Nhà báo Bùi Tín
Vừa qua công an VN có dính líu tới những vụ nghiêm trọng lắm liên quan tham nhũng nước ngoài. Như ở Úc Châu, có vụ đại tá công an VN liên quan tham những lên tới 10 triệu đô-la. Nhưng VN vẫn bịt kín, không khởi tố mặc dù phía quốc tế có khởi tố rồi. Nên tôi nghĩ vụ Hoàng Khương rất quan trọng và dư luận rất quan tâm."
Về khía cạnh pháp lý của vụ án, trả lời Quỳnh Chi của Đài Á Châu Tự Do, luật sư Nguyễn Thanh Lương, phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Bến Tre phân tích sự việc:
"Tính đến nay, luật báo chí Việt Nam không có chế định về trường hợp miễn trừ báo chí. Nếu có chế định này thì có lẽ phóng viên Hoàng Khương sẽ được áp dụng. Do đó, đối với luật báo chí hiện hành thì tôi cho rằng chưa có hành lang an toàn pháp lý cho hoạt động của phóng viên, nhà báo. Cho nên, cần xem xét lại luật báo chí và nó cũng là một nhu cầu của xã hội."
Đây không phải lần đầu tiên tại Việt Nam một nhà báo viết bài chống tham nhũng gặp rắc rối với công an. Cách đây vài năm, nhiều phóng viên đặc trách mảng chống tham nhũng của một số tờ báo lớn trong nước cũng đã từng phải lâm vào cảnh tù tội khi phanh phui vụ tham nhũng lớn PMU18, liên quan đến các quan chức cấp cao thuộc Bộ giao Thông vận tải Việt Nam.
Tuy nhiên, khác với trước đây, vụ nhà báo Hoàng Khương ghi nhận sự kiện lần đầu tiên cơ quan chủ quản là báo Tuổi Trẻ đã ngay lập tức cùng với gia đình đứng ra mời luật sư bảo vệ quyền lợi cho Hoàng Khương.
Trả lời Đài Á Châu Tự Do, luật sư Phan Trung Hoài ở thành phố Hồ Chí Minh, xác nhận điều này, và cho biết ông đang trong quá trình thu thập hồ sơ của vụ án.
Vụ công an bắt giữ ký giả Hoàng Khương một lần nữa khiến dư luật đặt câu hỏi về tính thực chất của những lời kêu gọi chống tham nhũng mà các nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn thường xuyên nêu ra? Cũng như nên hiểu thế nào về vai trò của báo chí trong cuộc chiến chống tham nhũng tại Việt Nam; Và liệu vụ bắt giữ này có làm chùn chân giới ký giả hay không?
Trả lời Đài Á Châu Tự Do, nhà báo kỳ cựu Thanh Thảo, từ trong nước nhận định:
Chính điều đó làm cho cái nhiệt tình, nhiệt huyết chống tham nhũng của các nhà báo bị giảm đi nhiều.
Nhà báo Thanh Thảo
“Từ việc này dẫn tới nhiều nhà báo khác nhìn vào cái gương đó thấy là chuyện chống tham nhũng một cách tích cực dẫn tới hậu quả tai hại cho bản thân mình, thì chính điều đó làm cho cái nhiệt tình, nhiệt huyết chống tham nhũng của các nhà báo bị giảm đi nhiều.”
Sự kiện công an Việt Nam bắt giam ký giả Hoàng Khương không những đánh động dư luận trong nước, mà nhiều tổ chức quốc tế cũng ngay lập tức lên tiếng cho rằng những việc làm của phóng viên Hoàng Khương chỉ mang tính nghề nghiệp và có lợi cho công chúng, chứ không vì mục đích tư lợi cá nhân.
Cả hai Tổ chức Phóng viên không biên giới có trụ sở ở Paris và Tổ chức Bảo vệ nhà báo quốc tế trụ sở ở New York cùng đồng thanh kêu gọi chính quyền Việt Nam hãy trả tự do ngay lập tức cho ký giả Hoàng Khương; Và thay vì bắt giam người ký giả này, Việt Nam nên có những hành động phù hợp đáp lại các bài phóng sự chống tham nhũng của ông.
Vụ bắt giam bà Bùi Thị Minh Hằng
Kính thưa quý vị, nếu vụ án ký giả Hoàng Khương chỉ là vấn đề nội bộ của Việt Nam là vấn đề chống tham nhũng, thì vụ bắt giam bà Bùi Thị Minh Hằng lại được công luận chú ý tới dưới góc độ của tinh thần dân tộc và làn sóng chống Trung Quốc tại Việt Nam.
Tuần này, cả Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch đều lên tiếng bày tỏ sự quan tâm trước việc công an Việt Nam bắt giam và đưa bà Bùi Minh Hằng vào trại phục hồi nhân phẩm.
Trong thông cáo báo chí phổ biến hôm thứ Năm 5 tháng 1, Tòa đại sứ Mỹ bày tỏ sự quan tâm sâu xa về việc bà Bùi Thị Minh Hằng bị bắt giam vào trại cải tạo không xét xử, chỉ vì tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa phản đối Trung Quốc.
Tòa đại sứ Mỹ đồng thời kêu gọi Việt Nam hãy trả tự do cho bà Hằng và tất cả các tù nhân chính trị. Thông cáo xác định không một người nào có thể bị giam giữ vì thực hiện quyền tự do bày tỏ ý kiến hay tụ họp ôn hòa, hay thực hiện những quyền con người được quốc tế công nhận.
Cùng lúc đó, tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch cũng lên tiếng chỉ trích việc Việt Nam bắt giữ bà Minh Hằng.
Việc làm của bà Bùi Thị Minh Hằng không có gì sai trái để phải bị bắt giữ.
Ô. Phil Robertson
Trả lời Mặc Lâm của Đài Á Châu Tự Do, ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách khu Á Châu của Human Rights Watch cho rằng, không thể có một lý do chính đáng nào để giam giữ một người biểu tình ôn hòa vào một trại lao động cưỡng bức:
"Có hai điểm chính yếu tôi muốn nói, trước nhất là việc làm của bà Bùi Thị Minh Hằng không có gì sai trái để phải bị bắt giữ. Bà ấy chỉ thực hiện cái quyền được bày tỏ ý kiến một cách ôn hòa qua việc biểu tình bất bạo động vậy thì trước tiên nhà cầm quyền không thể bắt giữ bà ấy.
Điều quan trọng thứ hai là chính quyền đã bẻ cong luật pháp khi bắt giữ bà ấy. Bà bị giam tại một trại cải tạo giáo dục và bị bắt làm việc hàng ngày như một tù nhân.
Bà không được lên tiếng bảo vệ quyền lợi của một công dân, không được ra tòa để bào chữa những gì mà UBND thành phố Hà Nội cáo buộc. Bà ấy bị giam giữ tại một nơi xa với thành phố như một phạm nhân.
Chính quyền đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật khi bắt giữ hàng loạt người và giam giữ họ mà không xét xử. Điều tệ hại hơn cả là chính quyền có toàn quyền bắt giữ bất cứ ai mà không cần bất cứ lý do nào."
Bà Bùi Thị Minh Hằng, năm nay 47 tuổi, đã bị bắt tại Sài Gòn hồi cuối tháng 11 năm 2011, trong lúc cùng nhiều người tham gia biểu tình ủng hộ việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị quốc hội soạn thảo luật biểu tình. Sau đó, bà bị chuyển thẳng đến trại phục hồi nhân phẩm ở Thanh Hà, miền Bắc Việt Nam.
Bà Bùi Thị Minh Hằng cũng là một trong những người tham gia tích cực vào các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội hồi mùa hè năm ngoái.
Theo dòng thời sự:
- Công tác phòng chống tham nhũng còn nhiều hạn chế
- Bắt giữ người tố cáo để bảo vệ uy tín?
- Vụ phóng viên Hoàng Khương qua cái nhìn của một nhà báo
- Chống Trung Quốc bị đưa đi Phục Hồi Nhân Phẩm?
- Khi những người yêu nước bị biến thành tội phạm
- Bà Bùi Thị Minh Hằng bị áp giải ra trại Thanh Hà, Vĩnh Phúc
- Phiên tòa xét xử vụ PMU-18
- Quốc nạn tham nhũng