Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc
Phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ IX Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), vào sáng ngày 19 tháng 9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh MTTQ cần làm tốt vai trò trong chủ trì hiệp thương, phân công, phối hợp với các tổ chức thành viên trong việc thực hiện giám sát và phản biện xã hội, phải chủ động góp ý kiến với việc hoạch định chính sách, làm người phản biện sắc sảo, chân tình giúp Đảng và chính quyền tự điều chỉnh, tự hoàn thiện để lãnh đạo, chỉ đạo tốt hơn.
Thủ tướng Việt Nam còn lưu ý MTTQ nên lựa chọn các nội dung, vấn đề phản biện liên quan tới quyền, lợi ích chính đáng của người dân và những vấn đề bất cập mà dân chúng quan tâm trong bối cảnh một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên quan liêu, tham nhũng cũng như đang có những diễn biến mới, phức tạp trong khu vực và thế giới trước tình hình căng thẳng ở Biển Đông, đe dọa hòa bình, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ…có thể dẫn đến nguy cơ gây mất ổn định và tác động đến niềm tin của nhân dân.
Từ Sài Gòn, ông Lê Công Giàu, nguyên Phó bí thư thường trực Thành đoàn Thanh niên Cộng sản thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), nguyên Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM nói với RFA rằng yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không có gì là mới mẻ:
<i>Theo tôi, việc ông Phúc kêu gọi những lời phản biện xã hội từ một cơ quan là Mặt trận Tổ quốc, một nơi hoạt động nhờ vào ngân sách của Nhà nước, thì tôi cho rằng không có tác dụng gì phản biện nhiều. Sự phản biện phải đến từ các cá nhân, cũng như các tổ chức hoàn toàn độc lập về mặt ngân sách cũng như về mặt đảng và hành chính thì mới có tác dụng. Thế còn tất cả những ý kiến phản biện của những chuyên gia, của các cá nhân độc lập hoặc những tổ chức xã hội dân sự từ trước đến nay đều bị bỏ ngoài tai và thập chí rằng người ta còn coi đây là những ý kiến trái chiều, thậm chí là ý kiến của 'thế lực phản động'<br/>-Blogger Nguyễn Lân Thắng</i>
“Thông thường mà nói thì những ý kiến phát biểu như thế đã diễn ra nhiều lần rồi, chứ không phải là lần đầu tiên hay gần đây thôi. Tại vì Mặt trận Tổ quốc có danh nghĩa là phải góp ý với Nhà nước, cho nên ông Phúc phải nói theo công thức đó, theo nội dung đó tức là kêu gọi MTTQ phải nên lấy ý kiến của mọi người phản ánh với Đảng và Chính phủ…Thật ra ông Phúc phải nói như thế, chứ còn không có cách nào khác.”
Còn Blogger Nguyễn Lân Thắng ở Hà Nội không những khẳng định lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam không có tác dụng phản biện mà thậm chí còn nêu lên thực trạng về những tiếng nói phản biện ở Việt Nam không được Đảng và Nhà nước lưu tâm:
“Theo tôi, việc ông Phúc kêu gọi những lời phản biện xã hội từ một cơ quan là Mặt trận Tổ quốc, một nơi hoạt động nhờ vào ngân sách của Nhà nước, thì tôi cho rằng không có tác dụng gì phản biện nhiều. Sự phản biện phải đến từ các cá nhân, cũng như các tổ chức hoàn toàn độc lập về mặt ngân sách cũng như về mặt đảng và hành chính thì mới có tác dụng. Thế còn tất cả những ý kiến phản biện của những chuyên gia, của các cá nhân độc lập hoặc những tổ chức xã hội dân sự từ trước đến nay đều bị bỏ ngoài tai và thập chí rằng người ta còn coi đây là những ý kiến trái chiều, thậm chí là ý kiến của ‘thế lực phản động’”.
Chính phủ sẵn sàng cho phản biện?
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận, trong nhiều năm qua, không ít lần giới nhân sĩ trí thức cũng như các cựu lãnh đạo, cán bộ lão thành đóng góp ý kiến và đã tham gia ký tên vào nhiều kiến nghị với Chính phủ về các vấn đề của Việt Nam; tuy nhiên hầu như Chính phủ Việt Nam không hề lưu tâm hay có những phản hồi liên quan các ý kiến đóng góp đó.
Không những vậy, một tình trạng mà những chính phủ trên thế giới và các tổ chức nhân quyền quốc tế cáo buộc Chính quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền vì sử dụng Luật An ninh mạng để đàn áp và bắt bớ, giam cầm những tiếng nói phản biện độc lập của người dân Việt Nam, với bằng chứng hàng loạt người bị bắt giữ và tuyên án tù trong thời gian gần đây.
Mới nhất trong tháng 9 năm nay, Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) đánh giá Việt Nam là một trong 10 quốc gia kiểm duyệt tự do ngôn luận tệ hại nhất trên thế giới.
Trước lời kêu gọi của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam về phản biện xã hội, phải chủ động góp ý kiến cho Đảng và chính quyền để lãnh đạo quản trị và điều hành đất nước được tốt hơn, ông Nguyễn Khắc Mai-nguyên Trưởng Ban nghiên cứu Ban Dân vận Trung ương khẳng định rằng Chính phủ cần thiết phải tổ chức các cuộc đối thoại với giới phản biện độc lập ở trong nước. Ông Nguyễn Khắc Mai nói:
“Bây giờ quan trọng nhất là tổ chức đối thoại rất nghiêm chỉnh rất khoa học giữa những người đau đáu với tình hình đất nước, là những người có trí tuệ, có bản lĩnh, có lập trường, có kinh nghiệm thì người ta sẽ bàn tính những phương cách đến nơi đến chốn với nhóm lãnh đạo của Đảng. Như thế thì may ra mới có cơ hội.”
Theo ông Lê Công Giàu thì để tỏ rõ ý nguyện mong muốn của Chính phủ là muốn lắng nghe phản biện xã hội, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nên bắt đầu lưu ý đến những kiến nghị của giới nhân sĩ trí thức và của người dân liên quan vấn đề dự án cao tốc Bắc Nam hay vấn đề căng thẳng với Trung Quốc tại bãi Tư Chính ngày càng leo thang.
“Gần đây, chúng tôi đã có ký tên để kêu gọi Đảng và Chính phủ có lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc ở Biển Đông. Ví dụ, chúng tôi đề nghị là phải kiện Trung Quốc ra tòa và thứ hai là phải liên minh với những nước ủng hộ Việt Nam và ủng hộ tự do ở biển Đông. Nếu mà Thủ tướng muốn làm như lời ông đã nói thì hãy xem xét và thực hiện hai điều mà chúng tôi vừa kiến nghị đi.”
<i>Bây giờ quan trọng nhất là tổ chức đối thoại rất nghiêm chỉnh rất khoa học giữa những người đau đáu với tình hình đất nước, là những người có trí tuệ, có bản lĩnh, có lập trường, có kinh nghiệm thì người ta sẽ bàn tính những phương cách đến nơi đến chốn với nhóm lãnh đạo của Đảng. Như thế thì may ra mới có cơ hội<br/>-Ông Nguyễn Khắc Mai</i>
Còn Tiến sĩ Nguyễn Quang A-nguyênViện trưởng Viện Nghiên Cứu Phát Triển IDS, lên tiếng qua trang Facebook cá nhân, kêu gọi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hãy hủy Quyết định số 97/2009/QĐ-Ttg như một việc làm nhỏ đúng thẩm quyền để chứng minh cho mong muốn của chính ông và nếu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm được như thế thì sẽ có vô số người phản biện sắc sảo cho đất nước Việt Nam.
Quyết định số 97/2009/QĐ-Ttg do cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành về danh mục các lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ chức khoa học và công nghệ, trong đó có nội dung quy định “Nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cần gửi ý kiến đó cho cơ quan Đảng, Nhà nước có thẩm quyền, không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học và công nghệ.”