Nam Nguyên, phóng viên RFA
Năm ngày sau loạt bài của Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do trình bày vụ ông Trịnh Vĩnh Bình, một công dân Hà Lan gốc Việt kiện chính phủ VN ra toà án quốc tế đòi bồi thường 100 triệu đô la, Đêm 19-5 Tờ Thanh Niên Online có bài về sự kiện vừa nói, chúng tôi sẽ hầu chuyện quí thính giả với đề tài này.
Tiếng nói từ Việt Nam
Tờ Thanh Niên Online nhắc lại rằng, từ năm 1990 đến 1996. Ông Trịnh Vĩnh Bình một doanh nhân Hà Lan gốc Việt đã bỏ vốn đầu tư vào Bà Rịa Vũng Tàu, TP.HCM và Đồng Nai. Sau đó ông Bình đã bị toà án nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kết án tù về điều mà tờ báo gọi là các hành vi vi phạm các qui định về quản lý và bảo vệ đất đai và đưa hối lộ, đồng thời bị tịch thu tài sản tại Việt Nam.
Báo Thanh Niên không nói rõ là nhà đầu tư Trịnh Vĩnh Bình bị án tù tới 11 năm, và số tài sản bị tịch thu lên tới hơn 30 triệu đô la, tích luỹ sinh lời từ vốn đầu tư ban đầu khoảng 4 triệu đô la. Tờ báo cũng không nhắc tới việc ông Trịnh Vĩnh Bình đào thoát sau khi ngồi tù 18 tháng và sau cùng trở về Hà Lan. Chúng tôi xin trích phát biểu của ông Trịnh Vĩnh Bình trên đài chúng tôi ngày 15/5/2005, theo đó ông cho rằng Toà Án Bà Rịa Vũng Tàu đã xử tội ông một cách oan sai.
Sau khi nhắc lại chuyện ông Trịnh Vĩnh Bình đã khởi kiện ở một cơ chế phân xử quốc tế, đòi nhà nứơc VN phải bồi thường 100 triệu đô la thiệt hại, báo Thanh Niên đã phỏng vấn ông Trần Hữu Huỳnh, trưởng ban pháp chế của Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam, ông Huỳnh cũng là thư ký của Trung Tâm Trọng Tài Quốc Tế VN.
Cơ sở nào để kiện?
Tờ báo đặt câu hỏi về việc một cá nhân, một nhà đầu tư như ông Trịnh Vĩnh Bình dựa trên cơ sở nào để kiện một quốc gia ra trung tâm trọng tài quốc tế. Ông Trần Hữu Huỳnh giải thích rằng, khi một nhà đầu tư cho rằng quyền lợi của mình bị xâm phạm thì nhà đầu tư đó có thể kiện bằng nhiều hình thức, trứơc hết là giải quyết qua trọng tài phân xử, hoặc là tại toà án quốc gia.
Về vụ ông Trịnh Vĩnh Bình, ông Trần Hữu Huỳnh giải thích với báo Thanh Niên rằng: 'trong trường hợp nhà đầu tư muốn có các quy định để bảo vệ mình khỏi những chính sách bất hợp lý của nước chấp nhận đầu tư, hoặc giữa các nước muốn có một quan hệ ở cấp cao hơn có một khung pháp lý toàn diện, thì họ dựa vào các hiệp định về bảo vệ và khuyến khích đầu tư. Trong hiệp định sẽ có điều khoản cho phép nhà đầu tư kiện quốc gia đó, thông thường là ra trọng tài. Có một tổ chức trọng tài nằm bên cạnh Ngân Hàng Thế Giới gọi là Tổ chức Trọng tài giải quyết các tranh chấp về đầu tư nhưng với điều kiện, quốc gia bị kiện phải là nước đã tham gia công ước về tổ chức này. Nhưng dù thế nào cũng phải có Hiệp định về bảo vệ và khuyến khích đầu tư.'
Ông Trần Hữu Huỳnh nói rằng: trong vụ kiện này, ông không biết có quy định cụ thể gì về quyền, lợi ích của các nhà đầu tư Hà Lan đầu tư vào Việt Nam.
Về điểm này, chúng tôi được biết là là chính phủ hai nứơc có ký kết một hiệp ước mang tên ‘Thoả Hiệp Về Khuyến Khích và Đồng Bảo vệ Đầu Tư Giữa Vương Quốc Hà Lan và Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” vào ngày 10 tháng Ba năm 1994 tại Hà Nội. Và theo lời nhà báo Trọng Kim ở Houston Hoa Kỳ, ông Trịnh Vĩnh Bình đã dựa vào hiệp định vừa nói để khởi kiện.
Việt Nam có bị chế tài?
Trở lại bài báo mà Thanh Niên Online đưa lên mạng vào đêm 19/5,
Tờ báo đặt câu hỏi là nếu vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình được trọng tài tiếp nhận và xét xử thì có chế tài nào để buộc chính phủ VN phải thực hiện phán quyết của trọng tài. Ông Trần Hữu Huỳnh trưởng ban pháp chế Phòng Thương Mại và Công nghiệp VN cảnh báo rằng: Nơi xét xử sẽ có cơ chế để phán quyết trọng tài được thực thi như phong toả tài sản, vì tài sản của một quốc gia luôn có ở khắp mọi nơi. Luật pháp quốc tế là khá hoàn chỉnh và chặt chẽ, ông Huỳnh nhấn mạnh rằng, khi VN tham gia một cam kết quốc tế nào đấy thì cũng phải theo những qui định về nghĩa vụ thực hiện. và cơ chế để giải quyết và thực hiện các cam kết đó là rất rõ ràng.
Ông Trần Hữu Huỳnh xác định một điều mà chúng tôi cho là VN đã không ý thức trong một thời gian khá lâu, theo ông khi đã ký vào các cam kết quốc tế thì các qui định trong cam kết phải được chuyển thành các qui định trong luật quốc gia. Vẫn theo lời ông Huỳnh, các cơ quan cán bộ nhà nước khi thực hiện các qui định cũng phải luôn chú ý đến những cam kết của quốc gia với các nứơc. Còn nếu vi phạm, hậu quả của nó nhiều khi rất to lớn.
Thêm một bài học kinh nghiệm
Theo bài báo của Thanh Niên On line, trưởng ban pháp chế Phòng Thương Mại Công Nghiệp VN kết luận rằng, thật là đáng tiếc và VN phải rút kinh nghiệm, khi một số vụ việc kiện tụng mà VN gặp phải xảy ra với phần thiệt về phiá VN. Tuy Ông Trần hữu Huỳnh không nói ra, nhưng quí thính giả ở VN chắc chưa quên vụ Liên Đoàn Bóng Đá VN vì kém hiểu biết luật pháp quốc tế nên phải bồi thường ông Christian Letard, cựu huấn luyện viên đội tuyển VN một số tiền lên tới 197 ngàn đô la.
Bạn nghĩ gì về vụ này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org
Và gần đây nữa là vụ Hãng Hàng Không Quốc Gia VN cũng bị một luật sư người Ý kiện đòi bồi thường mấy triệu đô la. Trong cả hai vụ án vừa nói, cả hai bị đơn của Hà Nội không tham dự phiên xử dù được triệu tập. Vụ bóng đá, chế tài buộc tuân hành phán quyết trọng tài, là sự đe doạ không cho các đội bóng VN tham dự các giải đấu ở nứơc ngoài. Còn vụ Hàng Không VN là việc phong toả tài sản ở nứơc ngoài.
Thưa quí thính giả qua bài báo của tờ Thanh Niên Online, chúng tôi nhận thấy rằng, những nhận định rành mạch của một chuyên gia như ông Trần Hữu Huỳnh cần được các cấp chính quyền ở VN quan tâm. Vụ khởi kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình được xem là sự thách thức uy tín đối với chính phủ Việt nam, nhất là trong giai đoạn Hà Nội chuẩn bị hội nhập sâu rộng với cộng đồng thế giới.