Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Một năm rưỡi đã đi qua sau loạt bài sau loạt bài gây chấn động dư luận của báo Tuổi Trẻ ‘ Những Cung Đường Đen Mãi Lộ’. Báo chí đã bóc trần chân dung thảm hại của cảnh sát giao thông Việt Nam, với sự nhũng nhiễu tham ô có tổ chức.
Thời gian qua đi, người dân Việt Nam những tưởng nhà nứơc đã chấn chỉnh hàng ngũ những chiến sĩ cầm còi, nhưng thực tế lại không phải như vậy. Hôm nay chúng tôi sẽ điểm các bài trên Người Lao Động Online, VietnamNet và VNExpress liên quan tới sự tái sinh của những cung đường đen mãi lộ.
Công khai thu tiền mãi lộ
Ngày 7/9 Báo Người Lao Động đưa lên mạng bài tường thuật với tựa ‘ Lại phát hiện cảnh sát giao thông ăn hối lộ’. Bài báo có phần dẫn nhập đáng chú ý, theo đó ‘Có trường hợp bị bắt quả tang khi nhận hối lộ, viên cảnh sát giao thông đã chạy vào nhà vệ sinh cố thủ để tiêu huỷ tang chứng.
Liên tiếp trong thời gian ngắn, trên các tuyến đường từ TP.HCM đi ninh Thuận, Đắc Lắc, Vũng Tàu, Tổ Kiểm Tra Đặc Biệt của Tổng Cục Cảnh Sát đã phát hiện 3 vụ gồm 6 cảnh sát giao thông có hành vi tiêu cực và 3 vụ khác gồm 3 tổ với 6 cán bộ chiến sĩ, đã vi phạm qui trình và điều lệnh nội vụ. Trong 6 vụ mãi lộ bị phát hiện thì cảnh sát giao thông Đồng Nai dính líu tới 3 vụ.
Các thông tin của Người Lao Động, VietnamNet và VNExpress có lẽ phát xuất từ cùng một nguồn, nên có những chi tiết giống nhau. Các báo ghi nhận sự kiện được kể là có một không hai, một trung uý cảnh sát giao thông chạy vào cố thủ trong nhà vệ sinh khi bất ngờ bị thanh tra. Theo đó, chiều 20/7/2005 các giới chức Tổng Cục Cảnh Sát theo dõi và phát hiện 2 cảnh sát giao thông Biên Hoà Đồng Nai là, đại uý Đặng Hồng Châu và trung uý Trần Quốc Hoà có dấu hiệu tiêu cực.
Chân dung Cảnh sát giao thông
Hai sĩ quan cầm còi này đang chặn 2 xe ô tô trên đường, khi bất ngờ bị thượng cấp kiểm tra, từ tay đại uý Châu rơi xúông đất 2 tờ 100 ngàn đồng. Mặc dù theo điều lệnh, cảnh sát giao thông chỉ được mang theo 50 ngàn trong người khi làm nhiệm vụ, nhưng trong ví đại uý Châu có tới 1 triệu 300 ngàn. Ông này giải trình rằng, đó là tiền lương 800 ngàn và 500 ngàn mang theo để đóng phí điện thoại.
Còn trung uý Trần Quốc Hoà thì khi thấy sĩ quan Tổng Cục, ông này đã bỏ chạy vào nhà dân gần đó và cố thủ trong nhà vệ sinh. Sau một thời gian thuyết phục, ông Hoà mới chịu mở cửa nhà vệ sinh. Nhân viên kiểm tra đã móc được từ trong bồn cầu ra số tiền 1 triệu 250 ngàn đồng, trung uý Hoà không giải thích được đây là tiền gì mà lại ở trong bồn cầu.
Một độc giả các báo ở Việt Nam, đã đưa ra nhận xét của mình về tình trạng tái sinh các cung đường mãi lộ:
“Ví dụ bạn ngồi trên xe đò đi về một tỉnh nào đó, sẽ thấy là cứ đến trạm chẳng cần cảnh sát giao thông ngừng xe, lơ xe lập tức kẹp tiền vào giấy tờ xe trình cho cảnh sát. Chuyện này diễn ra bình thường, lơ xe hành khách xe đò xe tải đều làm như vậy.
Ngay cả những xe không kinh doanh cũng bị đòi tiền mãi lộ, vì có những đoạn đường bị hạn chế tốc độ chỉ cho chạy 40km/giờ dù là đường trống, nên người sử dụng xe rất dễ phạm luật. Ngoài ra những xe vận tải hàng hoá thường thường chở quá tải, rất là nguy hiểm, nhưng qua trạm đưa tiền là có thể đi.”
Vừa ăn hối lộ vừa tìm cách giấu tiền
Một trong các điểm nóng nhức nhối là trạm Dầu Giây thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai, từ tháng Tư năm ngoái Tuổi trẻ có loạt bài phóng sự Những Cung Đường Đen Mãi Lộ, lúc ấy phóng viên của báo đã gặp nguy hiểm khi theo dõi hoạt động của cảnh sát giao thông ở khu vực này. Loạt bài dẫn tới sự kiện công an đồng Nai bị thanh tra toàn diện, nhiều người bị truy tố hoặc buộc nghỉ việc.
Ngày nay, theo Người Lao Động, VietnamNet và VNExpress, cung đường mãi lộ đó đã xuất hiện trở lại, cảnh sát giao thông công an Đồng Nai liên tục lập những chốt kiểm tra có khi kéo dài cả ngày, hoàn toàn không tuân thủ qui định của ngành, nhân viên cảnh sát chặn xe nhưng không mang theo giấy chứng nhận cảnh sát nhân dân, không có thẻ tuần tra.
Xa hơn nữa trên quốc lộ 1A thuộc địa phận huyện Ninh Hải tỉnh Ninh Thuận, vào lúc 8 giờ tối ngày 9/7 các giới chức Tổng Cục Cảnh sát phát hiện các tờ tiền mệnh giá 20 ngàn được vo gấp, vứt bừa bãi cả dứơi cỏ lẫn trên bụi gai ngay cạnh vị trí xe tuần tra đậu, đếm số tiền này được khoảng 250 ngàn. Ngoài ra một tài xế khi trình sổ kiểm định kẹp sẵn 200 ngàn đồng cho sĩ quan cảnh sát giao thông.
Vì sao không chống được?
Ở các nơi khác như trạm 4 TP.HCM, cảnh sát đi xe mô tô cũng có đầy tiền trong hai cóp xe. Nhân viên cảnh sát này bị bắt quả tang đang nhận cuốn sổ kiểm định xe mà bên trong có kẹp một tờ 50 ngàn đồng.
Khi các giới chức Tổng Cục Cảnh sát kiểm tra hai cóp xe mô tô thì phát hiện trong cóp phải 450 ngàn đồng, cóp trái 100 ngàn và trong túi quần viên cảnh sát còn có 600 ngàn đồng.
Cộng chung, trung uý Đào Văn út có trong ngừơi và cóp xe hơn một triệu đồng, trong khi điều lệnh chỉ cho phép CSGT làm nhiệm vụ mang theo 50 ngàn đồng tiêu vặt.
Người dân TP.HCM đưa ra ý kiến của mình về việc tại sao nạn CSGT ăn hối lộ cứ tiếp diễn mãi mà không giải quyết được:
“Cứ có đoàn thanh tra thì mọi chuyện tốt đẹp, sau đó ngưng kiểm tra thì mọi chuyện lại như cũ. Tại vì bản thân người điều khiển xe, chủ xe đò xe vận tải thường phạm luật tạo điều kiện cho cảnh sát giao thông làm khó dễ và đòi tiền mãi lộ.
Những người bị đòi tiền mãi lộ thường là không đi tố cáo vì e ngại, theo luật người đưa và người nhận hối lộ đều có thể bị truy tố. Chuyện này giống như một căn bệnh kinh niên.”
Ðạo đức của Cảnh sát giao thông?
Cùng đề tài, VNExpress đưa lên mạng ngày 7/9 bài ‘Cảnh sát giao thông nhận mãi lộ kín đáo hơn’. Theo VNExpress thì Tổng Cục Cảnh sát đã cho kiểm tra đặc biệt một số tuyến đường từ TP.HCM đi Ninh Thuận, Ðắc Lắc và Vũng Tàu.
Thời gian kiểm tra kéo dài 3 tuần lễ từ ngày 3 đến 23/7/2005, sau đó Tổng Cục Cảnh Sát đưa ra kết luận nằng, nạn tiêu cực nhận mãi lộ của cảnh sát làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát giao thông vẫn phức tạp, nhưng thủ đoạn kín đáo hơn. Tình trạng vi phạm qui trình làm việc còn phổ biến, thực hiện nhiệm vụ không có kế hoạch và cũng không ghi nhật ký tuần tra.
Theo VNExpress, kể từ ngày 5 đến 20/9 Tổng Cục Cảnh Sát mở chiến dịch cao điểm tuần tra kiểm soát toàn tuyến quốc lộ 1 từ Hà Nội tới Cà Mau. Chiến dịch này sẽ chú tâm tới những vi phạm trên đường, như chở quá tải, đi không đúng luồng, chạy quá tốc độ cho phép, người điều khiển xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm.
Khi đăng bài ‘Lại phát hiện cảnh sát giao thông ăn hối lộ’ Người Lao Động Online cũng đóng khung thông tin về chỉ đạo của thủ tứơng Phan Văn Khải. Theo đó cảnh sát giao thông phải chuẩn hoá về nghiệp vụ, thủ tứơng chính phủ đồng ý về nguyên tắc giao cho Bộ Công An chuẩn bị thực hiện đề án gọi là, tăng cường biên chế, trang thiết bị, đào tạo cũng như ấn định chính sách cho lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ.
Tờ báo trích dẫn thông tấn xã Việt Nam, về sự kiện thủ tứơng Khải đồng ý bổ sung tăng cường quân số cảnh sát giao thông, đồng thời yêu cầu Bộ Công An, Bộ Nội Vụ phải huấn luyện, đào tạo chuẩn hoá cảnh sát giao thông về nghiệp vụ, về ngoại ngữ.
Ông Khải nhấn mạnh tới việc đặc biệt rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao tinh thần trách nhiệm ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cảnh sát giao thông.