Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Kinh doanh bất động sản ở Việt Nam sẽ được mở rộng cho người Việt ở nước ngoài, nôm na là nhà đầu tư Việt kiều. Mục đọc báo trên mạng tuần này chúng tôi sẽ điểm hai bài tường thuật được VietnamNet đưa lên mạng ngày 15/9/2005, liên quan tới tình hình ảm đạm của thị trường bất động sản Việt Nam, cũng như dự luật kinh doanh bất động sản vừa được sửa đổi hoàn chỉnh và đệ trình quốc hội.
Thị trường ngầm giao dịch địa ốc
Theo các báo cáo trong nước, có một thực tế là ở Việt Nam có một thị trường ngầm về giao dịch bất động sản. Thị trường ngầm này gây thiệt hại nhiều mặt, đến độ Thứ Trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường Đặng Hùng Võ khi phát biểu trứơc quốc hội ngày 25/8/2005 đã khẳng định rằng, đang có tình trạng đầu cơ nhà ở.
Những tay trung gian và ngừơi đầu cơ kiếm lợi lớn, nhưng thị trường giao dịch chính thức thì đóng băng.
Tình trạng phức tạp lộn xộn theo các chuyên gia là do pháp luật của Việt Nam vừa thiếu vừa không minh bạch. Chính vì thế một dự luật kinh doanh bất động sản hoàn chỉnh hơn, được chuyển qua quốc hội xem xét trong kỳ họp tháng 10 sắp tới.
VietnamNet đưa lên mạng tin này cho biết, dự luật được sửa đổi theo hứơng qui định mở hơn đối với người Việt Nam định cư ở nứơc ngoài và người nứơc ngoài múôn đầu tư, kinh doanh bất động sản tại Việt Nam. Đây là điểm mới nhất vừa được bổ sung vào dự luật.
Theo nội dung này, tổ chức cá nhân nứơc ngoài được phép thuê quyền sử dụng đất để đầu tư tạo lập nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, thành lập sàn giao dịch bất động sản, cung ứng các dịch vụ môi giới tư vấn, định giá, đấu giá, quảng cáo và quản lý bất động sản.
Việt kiều được kinh doanh bất động sản
Theo VietnamNet riêng đối với người Việt Nam định cư ở nứơc ngoài còn có thêm các quyền khác như là, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để bán, cho thuê hoặc đầu tư hạ tầng để bán hay cho thuê.
Khi nhà nước Việt Nam cho phép việt kiều về kinh doanh trong vấn đề địa ốc, thì việc đầu tiên mà nhà nứơc phải làm là ban hành các luật lệ rành mạch, chỗ nào có thể làm được…chỗ nào không làm được… thì như vậy, thì người Việt kiều ở ngoài về cũng như con cá nằm trên thớt rồi…sao lại nghĩ rằng họ có thể tung hoành.
Nhà đầu tư Việt kiều cũng được phép thuê quyền sử dụng đất để cho thuê lại hoặc đầu tư hạ tầng để cho thuê, hoặc thuê nhà, thuê công trình xây dựng để cho thuê lại.
Một nhà đầu tư việt kiều ở TP.HCM, nói rằng nếu pháp luật của Việt Nam minh bạch thì có thể triệt tiêu mối lo ngại của những tư tưởng bảo thủ, cho rằng việt kiều nhiều khả năng tài chánh có thể lũng đoạn thị trường địa ốc:
“Khi nhà nứơc VN cho phép việt kiều về kinh doanh trong vấn đề địa ốc, thì việc đầu tiên mà nhà nứơc phải làm là ban hành các luật lệ rành mạch, chỗ nào có thể làm được…chỗ nào không làm được… thì như vậy, thì ngừơi Việt kiều ở ngoài về cũng như con cá nằm trên thớt rồi…sao lại nghĩ rằng họ có thể tung hoành. Nếu mình có luật lệ đàng hoàng rõ ràng rồi, anh mua nhà anh lời bao nhiêu, anh phải đóng thuế bao nhiêu?
Thí dụ anh lời một triệu anh đóng thuế 50%, nếu anh lời 2 triệu đô la thì anh phải đóng thuế 70% chẳng hạn. Như thế là rành rọt hết, làm sao mà một người Việt kiều ở nứơc ngoài về có thể phá rối thị trường được.”
Theo VietnamNet thì sớm lắm phải qua đầu năm 2006 thì luật bất động sản mới được quốc hội thông qua. Tuy vậy báo Hà Nội Mới điện tử ngày 12/9 đưa tin là Thành Phố Hà Nội sẽ ban hành một qui định về giao đất cho các tổ chức kinh tế, người VN đang định cư ở nứơc ngoài thuê đất xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê. Nếu điều này diễn ra như tin của báo Hà Nội Mới thì đây quả là một bứơc đột phá ngoạn mục.
Thị trường đóng băng
Giao dịch nhà đất hay kinh doanh bất động sản ở Việt Nam đang lâm vào tình trạng đóng băng lần thứ ba trong vòng 10 năm qua. Hai lần đóng băng trứơc xảy ra vào năm 1994 và 1996 để lại nhiều hậu quả nặng nề.
VietnamNet trích lời ông Mai Ái Trực, bộ trưởng tài nguyên môi trường nói rằng, 2 lần đóng băng thị trường nhà đất vừa nói đã làm nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản bị phá sản, nhiều ngân hàng thương mại gặp khó khăn lớn.
Bạn nghĩ gì về việc này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org
Theo bộ trưởng Trực, lần đóng băng hiện nay có qui mô lớn hơn, phạm vi rộng hơn, tính chất phức tạp hơn so với đợt đóng băng những năm 1994-1996 nên có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn.
VietnamNet trích thông tin từ Bộ Tài Nguyên Môi Trường cho thấy, từ cuối năm 2004 đến nay khối lượng giao dịch về nhà đất trên thị trường ngày càng giảm sút, gây khó khăn cho phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Đây là hậu quả của tình trạng buông lỏng quản lý qui hoạch đầu tư phát triển các dự án hạ tầng khu dân cư, để cho nạn đầu cơ đất đai và nạn kích cầu ảo lan tràn. Theo Vietnam Net Bộ Tài Nguyên Môi Trường nhận định rằng, thị trường bất động sản ở VN hiện nay là một thị trường nhiều người bán, lác đác người mua, các đơn vị môi giới đóng cửa, nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản bên bờ vực phá sản.
Tìm cách vực dậy thị trường địa ốc
Bộ Tài Nguyên Môi Trường đã đề xuất với thủ tướng chính phủ 3 giải pháp cấp bách để làm tan băng thị trường nhà đất. Thứ nhất là kích cầu về nhà ở, tìm cách giúp người dân có nhu cầu mua nhà được trả góp thông qua các biện pháp của nhà nứơc, nhà đầu tư và ngân hàng.
Giải pháp thứ hai là tạm thời giảm cung về nhà đất để không làm trầm trọng thêm sự mất cân đối về cung cầu quá lớn hiện nay, bằng việc giảm diện tích đất đưa ra đấu giá quyền sử dụng cho các dự án kinh doanh nhà ở, giảm số lượng và qui mô của các dự án nhà đất mới, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Biện pháp này có ảnh hưởng đến thu ngân sách từ đất đai và giảm qui mô đầu tư của các địa phương nhưng lại hết sức cần thiết.
Giải pháp thứ ba là, xử lý vốn cho các doanh nghiệp kinh doanh nhà ở để các doanh nghiệp này duy trì hoạt động. Trong tình hình kinh doanh nhà ở đang im ắng như hiện nay, Bộ Tài Nguyên Môi Trường cho rằng các ngân hàng có lý do để từ chối các khoản vay và tăng cường đôn đốc việc thu hồi nợ của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Nhưng nếu làm như vậy thì nhiều doanh nghiệp loại này sẽ bị phá sản và ngân hàng cũng bị tác động theo. Theo Bộ TNMT các cơ quan quản lý nhà nứơc cần ngồi lại với nhau để phá vỡ vòng luẩn quẩn này, khiến giá nhà đất tiếp tục giảm nhằm cứu được các doanh nghiệp cũng như tạo điều kiện để nhà, đất đến được tay người dân có nhu cầu thật sự.