Những khó khăn của Việt Nam trong tiến trình hội nhập WTO

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Hy vọng trở thành hội viên Tổ Chức Thương Mại Thế Giới gọi tắt là WTO của nhà nước Việt Nam, có vẻ vượt qua cột mốc cuối năm 2005 và có thể còn chậm hơn nữa ngay cả với thời điểm giữa năm 2006. Điểm báo trên mạng hôm nay chúng tôi trình bày thông tin từ các báo điện tử ở Việt Nam liên quan tới vấn đề này.

MotorScooter200.jpg
Con đường khó khăn mà Việt Nam phải vượt qua để mở cánh cổng WTO còn quá nhiều chông gai. AFP PHOTO

Ngay từ cuối tháng 6 vừa qua, vào khi dư luận trong nước đang còn lạc quan về khả năng Việt Nam sớm vào WTO, thì tiến sĩ Lê Đăng Doanh chuyên gia kinh tế được nhiều người biết tiếng đã đưa ra những dự báo dè dặt, khi ông từ Hà Nội trả lời câu hỏi của chúng tôi:

“Con đường vào Tổ Chức Thương Mại Thế Giới của Việt Nam là vất vả, mặc dầu có những tiến bộ đáng kể. Nhưng tôi hiểu rằng những biện pháp kỹ thuật, những biện pháp cần tiến hành tiếp tục đàm phán với Hoa Kỳ đòi hỏi những nỗ lực không nhỏ, những nỗ lực đó không những là phải thực hiện trên giấy tờ, luật pháp, trong những qui định…mà trước hết các doanh nghiệp các cơ quan thực thi của Việt Nam phải hiểu và thực hiện cái đó.”

Quả đúng như nhận định của tiến sĩ Lê Đăng Doanh, con đường khó khăn mà Việt Nam phải vượt qua để mở cánh cổng WTO, còn quá nhiều chông gai. Những thực tế này được một người trong cuộc là Đại sứ Ngô Quang Xuân, trưởng đoàn đại diện Việt Nam tại Geneve tiết lộ trên báo điện tử Tin Nhanh Việt Nam.

Như một lời than thở

Tựa bài của Việt Nam Express như thể một lời than thở “Đàm phán WTO khó đáp ứng hết yêu cầu của Mỹ”, bài được tải lên mạng vào ngày 6/10 và được nhiều báo mạng trích đăng lại trong đó có Thời Báo Kinh Tế Việt Nam.

Vn Express phỏng vấn đại sứ Ngô Quang Xuân, trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam tại Geneve Thuỵ Sĩ. Ông Xuân hé lộ một vài tình tiết dù rằng vẫn giữ ngôn ngữ cẩn trọng của một nhà ngoại giao. Đại sứ Xuân cho biết, trong các phiên đàm phán đa phương và song phương, phía Mỹ thường thắc mắc nhiều nhất và đặt nhiều câu hỏi nhất.

Con đường vào Tổ Chức Thương Mại Thế Giới của Việt Nam là vất vả, mặc dầu có những tiến bộ đáng kể.

Vị trưởng đoàn đại diện của Việt Nam đưa ra một nhận xét khá cay đắng. Ông Xuân nói rằng, nếu để đáp ứng hết các yêu cầu của Mỹ trong đàm phán WTO, thì Việt Nam phải là một nước phát triển ở trình độ rất cao.

Điều ông Xuân không nói ra nhưng ai cũng biết, Việt Nam là nước đang phát triển, một nước nghèo thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 480 đô la một năm, so sánh với Malaysia là 3.780 đô la và Thái Lan 2.190 đô la. Trong khi ở các nước phương tây mức này là hàng vài chục ngàn đô la một năm. Đây là số liệu năm 2003 do Ngân Hàng Thế Giới công bố.

Ðối tác khó khăn nhất

Theo Đại sứ Ngô Quang Xuân, dư luận trong ngoài nước đều cho rằng trong đàm phán của Việt Nam, Mỹ vẫn là đối tác khó khăn nhất. Điều này theo ông cũng là bình thường và dễ hiểu. Đại sứ Xuân nói theo nguyên văn rằng, có lẽ người ta thấy Việt Nam có tiềm năng rất lớn, và khi vào WTO rồi, Việt Nam sẽ là một nền thương mại có sức cạnh tranh.

Vì vậy, họ cũng muốn làm rõ rất nhiều vấn đề, nhất là các vấn đề liên quan đến chính sách thương mại toàn diện trước khi Việt Nam trở thành hội viên chính thức của tổ chức này.

Đáp câu hỏi của Việt Nam Express về vướng mắc lớn nhất trong quá trình đàm phán giữa hai bên, đại sứ Xuân nói rằng, trong cả hai lĩnh vực đàm phán, hàng hoá và dịch vụ, phía Mỹ đều rất quan tâm và nêu rất hiều câu hỏi. Vẫn theo ông Xuân, tại các phiên đàm phán đa phương Mỹ thường là đối tác nêu nhiều câu hỏi nhất, nhiều thắc mắc nhất với đoàn đàm phán Việt Nam.

Các phiên song phương cũng vậy, đại sứ Xuân cho rằng, ở một nền kinh tế đang chuyển đổi như Việt Nam, có một số điểm còn tương đối nhạy cảm. Quyền thương mại là một ví dụ, theo đại sứ Xuân, phía Mỹ rất quan tâm tới vấn đề này, đặc biệt là những điều liên quan tới doanh nghiệp nhà nước.

Vị đại sứ trưởng đoàn đại diện Việt Nam kể lại rằng, mỗi khi hai bên gặp nhau, phía Việt Nam đều giải thích rằng nếu phía bạn yêu cầu quá cao về quyền thương mại thì Việt Nam rất khó đáp ứng ngay, cần có thời gian nhất định.

Nhiều vấn đề phức tạp

Việt-Nam phải trả một giá đắt vì những suy tính sai lầm trong nửa thế kỷ vừa qua và vì sự chậm trễ trong việc cải tổ kinh tế. Trước sau Việt-Nam sẽ vào WTO. Việt-Nam sẽ phải trả một giá đắt hơn nếu chần chờ như đình hoãn ký Hiệp Định Thương Mại với Hoa-Kỳ trước đây hay đứng ngoài WTO.

Đại sứ Ngô Quang Xuân thẳng thắn nhìn nhận, là còn nhiều vấn đề phức tạp khác trong đàm phán song phương Việt-Mỹ. Song ông nghĩ rằng, chính sự chênh về trình độ phát triển, chênh nhau về hệ thống luật lệ, về mức độ tham gia thị trường quốc tế đã làm nảy sinh những khó khăn.

Ông Xuân thêm rằng, Mỹ đang hỗ trợ Việt Nam rất nhiều song yêu cầu rất cao, mà Việt Nam thì khó có thể mở cửa toàn bộ thị trường cho mọi thành viên WTO. Ông Xuân đưa ra nhận định của mình, rằng nếu Việt Nam đáp ứng được hết các yêu cầu của Mỹ thì Việt Nam đã là một nước phát triển rất cao rồi. Cuối cùng Đại sứ Ngô Quang Xuân cho rằng, các nhà đàm phán hai bên cần hiểu rõ nhau và nếu phía Mỹ thông cảm thì cũng bớt phức tạp cho Việt Nam.

Đáp câu hỏi của Việt Nam Express, đại sứ Ngô Quang Xuân cho biết là hai đoàn đàm phán Việt Nam và Mỹ đang sắp xếp để có thể gặp lại nhau trong tháng 10. Ông Xuân thêm rằng, ở Geneve hôm kết thúc phiên đa phương thứ 10, vị chủ tịch Ban Công Tác về vấn đề Việt Nam gia nhập WTO tuyên bố là thời điểm cho phiên đa phương tiếp theo vẫn để ngỏ.

Nhân vật vừa nói cũng kêu gọi các nước còn những vấn đề gì trong đàm phán song phương thì tích cực gặp Việt Nam để giải quyết, giúp thúc đẩy quá trình gia nhập của Việt Nam được nhanh hơn.

Chúng tôi xin trích lời ông Nguyễn Quốc Khải, giáo sư kinh tế học tại Maryland Hoa Kỳ bình luận về vấn đề Việt Nam gia nhập WTO: "Việt-Nam phải trả một giá đắt vì những suy tính sai lầm trong nửa thế kỷ vừa qua và vì sự chậm trễ trong việc cải tổ kinh tế.

Trước sau Việt-Nam sẽ vào WTO. Việt-Nam sẽ phải trả một giá đắt hơn nếu chần chờ như đình hoãn ký Hiệp Định Thương Mại với Hoa-Kỳ trước đây hay đứng ngoài WTO.”

Nhận định của ông Nguyễn Quốc Khải, giáo sư kinh tế học tại Maryland Hoa Kỳ đã kết thúc mục điểm báo trên mạng hôm nay. Nam Nguyên thân chào quí thính giả và các bạn nghe đài.