Đang có nhiều đồn đoán trên mạng xã hội về người sẽ được Quốc hội VN phê chuẩn chính thức trở thành Chủ tịch nước Việt Nam trong tháng 5/2023. Trong đó, cái tên được nêu ra nhiều nhất là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng.
Hôm 20/2, Giáo sư, nhà nghiên cứu Chính trị Việt Nam Carl Thayer đã viết trên trang mạng xã hội cá nhân của mình rằng theo một nguồn tin của ông cho biết, Bộ Chính Trị đã họp bàn để chọn ra người kế nhiệm ông Nguyễn Xuân Phúc. Trong cuộc họp này, Ông Tô Lâm đã xin rút không nhận chức Chủ tịch nước để tiếp tục chức vụ Bộ trưởng công an. Và do đó, ông Võ Văn Thưởng sẽ là tân Chủ tịch nước Việt Nam. Đài Á châu Tự do đã thực hiện một cuộc phỏng vấn với vị giáo sư người Úc xoay quanh chủ đề này.
RFA: Trong một bài viết trên Facebook, ông có đề cập rằng Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng sẽ là tân Chủ tịch nước VN. Vì sao ông cho rằng ông Thưởng sẽ là người được chọn để thay thế ông Nguyễn Xuân Phúc?
Khi ông Trần Đại Quang chết (năm 2018-PV) mà Phó chủ tịch nước (lúc bấy giờ là bà Đặng Thị Ngọc Thịnh-PV) lại không có đủ thế lực chính trị. Bà ấy không phải là thành viên của Bộ Chính trị. Và thế là trong trường hợp của ông Quang, như chúng ta đều biết, bà Phó Chủ tịch nước bị thay thế bởi ông Nguyễn Phú Trọng, người kiêm nhiệm hai chức vụ.
Trong trường hợp hiện nay, đã có nhiều tin đồn rằng tân Chủ tịch nước sẽ được Quốc hội phê chuẩn tại kỳ họp đầu tiên của năm là vào tháng năm, nên bà Phó Chủ tịch nước sẽ được giữ chức quyền Chủ tịch nước cho đến lúc đó.
Theo một nguồn tin của tôi ở Hà Nội, một người đã liên lạc với tôi và một người khác đã xác nhận cùng ngày cho biết Bộ Chính trị đã họp và đề cử một người cho chức vụ Chủ tịch nước để giới thiệu cho Trung Ương Đảng. Vì vậy, sẽ có một cuộc họp đặc biệt của Trung ương Đảng.
Nguồn tin nói với tôi rằng cuộc họp sẽ diễn ra vào cuối tuần này và thứ hai. Tôi không có thông tin từ nguồn nào chính thức, tôi chỉ biết có vậy. Do đó, chúng ta phải chờ xem.
Tại sao ứng viên khác được đánh giá có tiềm năng là Tô Lâm không được chọn?
Cũng có thông tin Tô Lâm tự xin rút tên tại cuộc họp của Bộ Chính trị, bày tỏ nguyện vọng được hoàn thành nhiệm kỳ thứ hai với tư cách là Bộ trưởng Bộ Công an.
Tôi đoán rằng có thể ông ấy cảm thấy rằng mình sẽ làm được nhiều việc trong chức vụ hiện tại hơn là một nguyên thủ quốc gia mà chỉ mang tính chất nghi thức.
Đặc biệt, vì đây sẽ là nhiệm kỳ thứ hai của ông ấy với tư cách là Bộ trưởng Bộ Công an. Tại Đại hội Đảng tiếp theo vào năm 2026, ông Tô Lâm sẽ cần được đặc cách về tuổi tác để được tiếp tục tại vị. Vì vậy, nếu ông ta làm Chủ tịch nước bây giờ, tại sao lại cho ông ta cần tại vị thêm năm năm nữa? Ông ấy đã hoàn thành nhiệm vụ của mình với tư cách là một Bộ trưởng công an và Chủ tịch nước. Bấy giờ sẽ là lúc để thay đổi tứ trụ.
Nếu ông Võ Văn Thưởng sẽ là Chủ tịch nước tiếp theo, ông nghĩ điều này có ảnh hưởng gì tới chính sách đối nội, đối ngoại của Việt Nam hay không?
Vâng. Rất nhiều người đã hỏi tôi điều đó và câu trả lời của tôi là đừng quá kỳ vọng vào một cá nhân. Khi là thành viên trong tứ trụ, ông Thưởng sẽ có năm năm trong Bộ Chính Trị. Ông ấy phải là một phần của một nhóm gắn kết. Nhóm đó sẽ làm chính sách, không phải riêng cá nhân ông Thưởng.
Các chính sách như cải thiện quan hệ với Mỹ, ký kết các Hiệp định tự do với Úc đều là do Bộ Chính trị quyết định.
Vì vậy, chính sách đối ngoại cũng như chính sách kinh tế lâu dài của Việt Nam đều đã được Đại hội Đảng đề ra, và sau đó, các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng qua từng thời kỳ sẽ thực hiện những điều đó như thế nào.
Bây giờ, do chính quyền Biden đã thua trong cuộc bầu cử giữa kỳ. Vì những điều như thế, Bộ Chính trị phải xem xét lại về mặt chiến thuật. Nhưng tôi nghĩ về mặt chiến lược, nó không tạo ra nhiều sự khác biệt trong hiện giờ.
Trước đây, ông Nguyễn Xuân Phúc với tư cách là Chủ tịch nước đã khá quen với công việc ngoại giao vì ông ta cũng đã làm Thủ tướng được năm năm và gặp gỡ nhiều nhà lãnh đạo trên toàn thế giới.
Trong trường hợp của ông Võ Văn Thưởng, ông ta sẽ làm việc chủ yếu về đối ngoại. Năm nay sẽ là một năm rất bận rộn về ngoại giao. Tất nhiên, ông ấy sẽ không nói điều gì một cách tự phát. Có một bản tóm tắt được chuẩn bị sẵn và ông ta chỉ làm theo thôi. Hầu hết các cuộc tiếp xúc của ông Thưởng ở nước ngoài đều đi cùng các quan chức cấp cao của Đảng.
Vâng. Vấn đề then chốt với Hoa Kỳ là liệu có thể nâng cấp mối quan hệ lên mối quan hệ có thể được nâng lên thành Đối tác chiến lược toàn diện hay không. Và Chủ tịch nước không thể quyết định. Ông ta có tiếng nói tại bàn đàm phán, nhưng ông ấy chỉ là một trong 16 tiếng nói khác.
Ông biết gì về những thành tựu, cũng như các vụ bê bối (nếu có), trước đây của ông Võ Văn Thưởng?
Về tai tiếng, tôi đã thực hiện một tìm kiếm lớn trong cơ sở dữ liệu. Có thể có những thứ bị che đậy mà chúng ta không biết, nhưng hiện giờ không có gì đáng chú ý.
Tôi không nghĩ rằng ông ta sẽ được chọn vào chức vụ Chủ tịch nước nếu có vụ bê bối nào bị phanh phui. Các cuộc đấu đá quyền lực và bè phái, tôi thường nghe nói về nó, đặc biệt là ở TPHCM, những cán bộ hay phe cánh bị cách chức vì tham nhũng đôi khi thích chặn đường tiến của phe đối thủ.
Về thành tựu của ông Thưởng (người từng là Phó Bí thư Thành Uỷ TPHCM từ 2014-2016 - PV), ông ta đã có bằng cấp về Chủ nghĩa Mác-Lênin và triết học, rồi học tiếp lên cao hơn ở Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Sự nghiệp chính trị của ông ấy là làm công tác xây dựng Đảng, công tác quản lý cán bộ, lý luận, tuyển dụng, giảm quan liêu…
Ông ta đúng nghĩa là một người của Đảng. Sau khi tìm hiểu về điều này, tôi càng tin rằng ông Thưởng là người phù hợp. Nói cách khác, ông ta là một phần của bộ máy, ông ta sống và hít thở nó.
Ông ấy tham gia từ Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh, rồi trở thành Bí thư Đoàn thanh niên Cộng sản TPHCM. Cả đời ông Thưởng đã làm công việc xây dựng Đảng.
Và sau đó ông Thưởng được đề bạt, luân chuyển, bổ nhiệm, rồi tham gia vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, loại bỏ những người bị cho là không đạt tiêu chuẩn. Vì vậy, một lần nữa, tôi nghĩ rằng ông Thưởng và Trọng, nếu họ làm việc cùng nhau là rất đơn giản. Họ nói cùng một ngôn ngữ và tin vào cùng một chính sách.
Và vì vậy, khi bạn hỏi những thành tựu đáng chú ý, tôi không tìm thấy gì. Tôi không có ý chê bai ông ta, nhưng nói cách khác, danh sách những thành tích mà anh ấy đạt được là đã không phạm lỗi. Ông ấy là một người dành cả sự nghiệp cho việc xây dựng Đảng, vươn lên trong Đảng và hỗ trợ cho những lãnh đạo khác. Điều đó đã kéo ông ta đi lên trong suốt sự nghiệp chính trị của mình.
Nếu nhìn vào các ứng viên tiềm năng, Võ Văn Thưởng, mặc dù không có nhiều thành tựu, nhưng Thưởng là Phó Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực , và ông ấy ở trong Ban Bí thư.... Và vì vậy, có thể tin tưởng ông Thưởng sẽ cư xử như một cán bộ cấp cao của Đảng, ủng hộ hệ tư tưởng, ủng hộ các chính sách đã được thông qua hơn là làm chệch hướng.
Ông có nghĩ ông Võ Văn Thưởng có cơ hội trở thành Tổng bí thư trong các nhiệm kỳ tới không?
Điều gây chú ý đối với tôi, mặc dù anh ấy sinh ra ở tỉnh Hải Dương ở phía Bắc, nhưng gia đình anh ấy là những người miền Nam tập kết ra Bắc. Bố mẹ anh ấy là người miền Nam.
Xưa nay bao giờ Tổng bí thư cũng phải là người ngoài Bắc. Ông Thưởng cũng có thể xem là trường hợp lai giữa hai miền. Điều đó sẽ làm cho ông ấy trở nên đáng tin cậy hơn. Nhưng ông ta vẫn có mối liên hệ với miền Nam.
Tuy nhiên, ông Thưởng chỉ mới 56 tuổi tại Đại hội Đảng tiếp theo. Đó là độ tuổi trẻ của chính trị Việt Nam. Nói cách khác, nếu tuân thủ tuổi nghỉ hưu là 65 tuổi, ông ta có thể tại vị thêm 10 năm nữa. Và trong Bộ Chính trị, chỉ có năm trong số 16 người vẫn dưới 65 tuổi tại Đại hội đảng tiếp theo.
Xin cảm ơn giáo sư rất nhiều vì đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này.