Trong đợt bùng phát dịch COVID lần thứ tư này, đáp lại hàng trăm lời kêu cứu mỗi ngày trên các nền tảng mạng xã hội, nhiều hội nhóm thiện nguyện được thành lập. Họ mang theo lương thực, thuốc men và dụng cụ hỗ trợ y tế đến từng nhà cần được giúp đỡ. Tuy nhiên, công việc từ thiện trong thời điểm này gặp quá nhiều khó khăn do các quy định gắt gao của Chỉ thị 16. Một tình nguyện viên nói rằng nếu chính quyền không có khả năng giúp dân thì cũng đừng gây thêm khó khăn, hãy để người dân tự giúp nhau.
Dân lập nhóm giúp đỡ nhau trong mùa dịch
Ông Đ, là một tình nguyện viên ròng rã hai tháng nay chạy khắp thành phố để trao quà đến cứu trợ cho những người lâm vào hoàn cảnh khó khăn mùa dịch.
Ông nói, khi nhìn thấy quá nhiều người lao động thất nghiệp lên mạng xã hội kêu cứu, ông cùng những người bạn của mình cùng nhau đóng góp. Ban đầu là hỗ trợ thực phẩm, rau củ tới các khu vực bị phong toả, những xóm trọ nghèo không có tiền ăn do thất nghiệp. Sau này, khi số ca nhiễm bệnh ngày một tăng cao, ông Đ, còn hỗ trợ cả thuốc men, thiết bị y tế đến tận nhà. Cứ ai cần gì mà nhóm ông có là hỗ trợ hết:
"Anh thấy bà con bây giờ khổ quá mà mình có khả năng thì mình đi đến những nơi bị cách ly để mình cho đồ từ những anh em mạnh thường quân giúp cho mình, và mình đem đến cho những nơi thiếu thốn lương thực.
Anh nhận được những lời kêu của họ ở trên Facebook và bạn bè của anh. Những khu công nhân với người lao động nghèo trong thời gian giãn cách quá dài này thì họ không có công ăn việc làm, và khi những con hẻm đó có người bị cúm Tàu cả hẻm đó sẽ bị cách ly. Ở trong đó tiền bạc cũng không có, lương thực thiếu thốn thì họ kêu cứu. Nói chung là anh có cái gì thì cho cái đó.
Có những chỗ khi mà anh vừa đem đồ tới thì họ gần giống như là hai tay chắp lại, cúi xuống cảm ơn mình. Nó gần giống như là họ trong cơn tuyệt vọng mà đón nhận được một tia sáng gì đó.”
Bên cạnh nhóm của ông Đ, còn rất nhiều hội nhóm khác vẫn đang chung tay giúp đỡ hàng ngàn lao động nghèo gặp khó khăn. Trên Facebook, nhóm Giúp nhau mùa dịch, Hội thiện nguyện Sài Gòn… là nơi để người dân hỗ trợ lẫn nhau, ai thiếu thì xin, ai có thì cho, tương trợ nhau qua mùa dịch này.
Giúp nhau không phân biệt tôn giáo
Giới Doanh nhân Công giáo Tổng Giáo phận Sài Gòn hôm 2/8 ra thư ngỏ cho biết sẽ tiếp tục chương trình “Lan toả yêu thương”, để trao tặng hàng trăm ngàn phần gạo đến các gia đình nghèo trên toàn thành phố trong mùa dịch này, không phân biệt Lương hay Giáo.
Bà Chiêu Nghi, một thành viên phụ trách chương trình cho biết mỗi năm, Doanh nhân Công giáo đều gây quỹ và trao tặng khoảng ba tỷ đồng cho người nghèo. Nhưng từ hai năm nay, do dịch COVID và nghe theo lời kêu gọi của Tổng Giám mục Giáo phận Sài Gòn, nên nhóm quyết định làm thêm một chương trình phát gạo cho bà con nghèo, thất nghiệp mùa dịch:
"Chương trình chính của mùa dịch này là cho gạo tới mỗi gia đình. Mỗi gia đình được 5 kg gạo mỗi tuần, cho tất cả các giáo xứ trong giáo phận thành phố Hồ Chí Minh.
Các giáo xứ họ đưa lên bao nhiêu phần, cần bao nhiêu phần là mình đều cho hết. Kể cả người Lương lẫn người Công giáo đều cho hết trong đợt COVID này.
Cái này mình không có liên hệ với Chính quyền. Bởi vì chính quyền họ không thể nào kiểm soát hết được kênh này được nữa rồi.
Khi mình làm qua kênh của các giáo xứ, ở một giáo xứ có các trưởng khu, những trưởng khu đó họ sẽ biết được trong khu của mình có bao nhiêu người nghèo, bao nhiêu người thất nghiệp trong mùa COVID này, họ rành lắm. Cho nên mình sẽ rót xuống các giáo xứ và giáo xứ sẽ cho xuống từng nhà. Nó chính xác lắm, không mất đi đâu được!”
Bà Chiêu Nghi cho biết từ đầu đợt giãn cách cho đến nay, nhóm đã gửi 118.500 phần gạo, chưa kể nước rửa tay, khẩu trang và các nhu yếu phẩm khác. Sắp tới, Doanh nhân Công giáo sẽ liên tục phát gạo và quà đến từng hộ gia đình.
Ngoài ra, các tổ chức thiện nguyện tôn giáo cũng có nhiều hoạt động thiện nguyện cứu đói người dân từ khi dịch COVID xuất hiện ở Việt Nam đầu năm ngoái.
Linh mục Nguyễn Hoàng Lê Nguyên phụ trách nhà thờ Tân Sa Châu, quận Tân Bình đã sáng tạo ra chương trình “ATM lướt ống”, nhằm phát thực phẩm cho bất kỳ ai cần mà vẫn giữ được khoảng cách an toàn.
Theo báo Tuổi Trẻ, tính đến ngày 21/7, có 310 tăng ni và phật tử, cùng với 430 tu sĩ Công giáo tình nguyện đến các bệnh viện để chăm sóc bệnh nhân COVID-19.
Chính quyền không đủ năng lực, hãy để cho dân tự giúp nhau
Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu mọi người chỉ được ra khỏi nhà trong trường hợp cần thiết. Người dân ra đường phải mang theo các loại giấy tờ như Chứng minh nhân dân, bằng lái xe, giấy tờ xe và các loại giấy tờ khác để chứng minh lý do ra đường.
Những quy định này đang gây khó khăn, cản trở rất nhiều cho những người đang làm công việc thiện nguyện, chuyển quà đến tận nhà người cần được hỗ trợ.
Với ông Đ, những ngày lái xe đi trao quà, ông thường xuyên bị cán bộ chặn xe xét hỏi giấy tờ. Chỉ có các tổ chức thân Chính quyền thì được cấp giấy thông hành, còn những người làm từ thiện độc lập như ông thì phải trình bày, năn nỉ cán bộ canh chốt thì mới được cho qua:
"Cái vấn đề khó khăn khi mà đi cứu trợ ở Sài Gòn trong thời điểm này là vấn đề gác chốt.
Thứ hai là ở những vùng xa, chính quyền ở đó muốn lấy thành tích. Anh cũng gặp trường hợp là dân ở dưới Bình Chánh họ xin và năn nỉ anh là khi xuống trao quà cố gắng đừng có gây lộn với chính quyền địa phương. Bởi vì nếu chính quyền địa phương biết họ nhắn tin cho các mạnh thường quân ở trên Facebook thì họ sẽ bị làm khó vì đã làm xấu mặt địa phương. Người dân họ nói như vậy.”
Ông nói hiện giờ ông không còn quan tâm hay trông mong vào chuyện chính quyền sẽ cứu đói cho dân như lời hứa của các lãnh đạo. Ông chỉ cần thông đường cho xe của các tổ chức thiện nguyện nhanh chóng đến được với dân. Còn đối với chính quyền, nếu không có năng lực thì để yên cho dân làm:
"Cái mà một người đi cứu trợ như anh cần là thông đường cho anh đi, không cản trở.
Còn cái chuyện Nhà nước có giúp được cho dân hay không là chuyện anh không quan tâm tới. Chuyện Nhà nước không giúp được dân là chuyện mà hầu như ở Việt Nam ai cũng đã biết hết rồi.
Còn bây giờ là chuyện dân giúp cho dân, nếu mà Nhà nước làm không được thì hãy để cho người dân làm, để cho người dân tự cứu nhau”.
Hơn hai tháng kể từ ngày thực thi lệnh giãn cách xã hội ở TP.HCM, chính quyền liên tục tuyên truyền “không để dân thiếu đói”, “không để ai bị bỏ lại phía sau”, “chăm lo chu đáo cho đời sống của người dân”…
Nhưng thực tế, mỗi ngày có hàng trăm lời kêu cứu từ những con hẻm, những xóm trọ và các hộ gia đình nghèo không còn khả năng mua thực phẩm sống qua ngày. Trong khi Chính quyền TP.HCM khẳng định rằng 100% những người lao động tự do trên toàn thành đã nhận được tiền hỗ trợ.