Tết Nguyên Đán đối với nhiều người lâu nay là dịp sum họp gia đình, nghỉ ngơi sau một năm lao động vất vả. Giới công nhân đi làm ăn xa càng mong mỏi được về quê đón Xuân.
Thực tế một số người lao động đón Xuân ra sao? Tình cảnh của họ lâu nay thế nào?
Kẻ vui, người buồn
Đến lúc này nhiều người đang cùng gia đình đón tết ở quê nhà hay cùng người thân du Xuân đâu đó. Thế nhưng có một số người đang đi làm ăn xa, lại không có cơ hội để về quê ăn tết cùng gia đình.
Chị Nhanh, một công nhân làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết hoàn cảnh của bản thân:
“Cũng mong muốn về quê lắm, nhưng điều kiện mình không có thì phải chịu thôi.”
Cuối năm em thấy tiền thưởng không có bao nhiêu. Vật giá ngày càng lên mà cắt giảm tiền thưởng nữa thì họ không có tiền về quê.<br/>-Một công nhân ở Đồng Nai
Một công nhân khác làm việc tại công ty Bon Chen ở Đồng Nai cho biết lý do vì sao nhiều công nhân không thể về quê đón Tết Mậu Tuất:
“Năm nay họ muốn cắt giảm tiền thưởng tết của công nhân, nhưng do cuối năm công nhân phản đối nhiều quá nên họ không dám, họ đưa ra chính sách thưởng 1 tháng lương thay vì mọi năm là tiền thưởng tăng theo bậc. Cuối năm em thấy tiền thưởng không có bao nhiêu. Vật giá ngày càng lên mà cắt giảm tiền thưởng nữa thì họ không có tiền về quê. Một người công nhân mà muốn về quê với gia đình thì họ phải chuẩn bị từ 50 đến 70 triệu trở lên. Thành ra có nhiều người 2, 3 năm mới về một lần chứ không được về mỗi năm.”
Chị cũng chia sẻ về đời sống khó khăn của đa số công nhân tại công ty chị làm việc:
“Đa số công nhân là mượn tiền “ăn trước, trả sau”. Đó là họ mượn một khoản nợ để sống rồi sau đó lãnh lương, thưởng ra, họ phải trả với tiền lãi cao.”
Anh Trường, quê ở một tỉnh phía Bắc, hiện là công nhân tại công ty ở Khu Công Nghiệp Long Bình, Thành Phố Biên Hòa - Đồng Nai, cho biết về những khó khăn trong đời sống công nhân:
“Lương công nhân thì ít, chưa được bốn triệu bạc, mà mình phải trả tiền nhà, tiền giữ trẻ, tiền ăn, rồi các chi phí đều cao. Tôi làm thì chỉ đủ ăn.”
Công nhân gặp khó khăn không chỉ trong dịp chuẩn bị Tết mà gần như trong năm tình hình cũng không khá gì hơn. Theo thống kê của Lao Động Việt, trong năm 2017 tại Việt Nam có 314 cuộc đình công, nguyên nhân chủ yếu của các vụ đình công là do thu nhập công nhân thấp, trong khi đó lạm phát ngày càng cao, lương công nhân không đủ sống. Ngoài ra, còn các nguyên nhân khác như: chủ sử dụng lao động không trả lương đúng thời hạn, nợ lương, tăng lượng sản xuất, nhưng không tăng lương, công nhân bị ép tăng ca quá sức nhưng tiền tăng ca thấp, công nhân không đồng ý với quy định bảo hiểm xã hội, tiền thưởng Tết, điều kiện vệ sinh, an toàn lao động không được bảo đảm…
Ông Đoàn Huy Chương, một thành viên sáng lập Phong trào Lao Động Việt, một tổ chức công đoàn độc lập không chịu sự quản lý của nhà nước cho chúng tôi biết thêm về những khó khăn mà công nhân phải đối mặt trong năm 2017 cũng như dịp cận Tết Mậu Tuất 2018:
“Trong năm nay, nhiều công ty sa thải công nhân rất nhiều vào cuối năm, điển hình là công ty Bon Chen ở Tân Tạo, Bình Tân, Bình Chánh. Và có những công ty, giám đốc trốn luôn, chẳng hạn như công ty Sao Việt ở khu công nghiệp Bàu Xéo. Hàng ngàn công nhân bị giật tiền lương, không được đóng bảo hiểm, không có tiền thưởng nên những công nhân đó không có tiền về quê ăn tết. Đó là những điển hình.”
Vai trò của công đoàn?
Gặp nhiều khó khăn, bị giới chủ đối xử không công bằng, người công nhân mong nhận được sự giúp đỡ từ phía công đoàn nhà nước, tuy nhiên nữ công nhân ở công ty Bon Chen Đồng Nai cho biết:
“Không có giúp đỡ gì. Giống như bên công đoàn, khi công nhân gặp chuyện gì, họ không có can thiệp vô. Phép năm của công nhân một năm có 12 ngày nhưng bây giờ có nhiều xưởng họ bắt công nhân phải nghỉ phép hết 5 ngày khi không có hàng.
Hôm rồi em gặp một số các chị làm bên xưởng D cho biết bị bắt nghỉ phép 5 ngày. Họ bắt nên đành chịu vì không có hàng,họ bắt buộc phải nghỉ.”
Chúng tôi chỉ hỗ trợ họ về mặt pháp lý hoặc hướng dẫn họ cách để bảo vệ quyền lợi, chẳng hạn như hướng dẫn cách viết đơn khiếu kiện đến công ty hay đòi những quyền lợi chính đáng của họ mà bị các giới chủ bóc lột.<br/>-Đoàn Huy Chương
Theo Chị công nhân này, phép năm là của công nhân, không phải của công ty và công nhân có quyền tự quyết. Công ty không có quyền áp đặt như vậy. Khi công ty hết hàng thì bắt buộc công ty nghỉ và cho hưởng 70% lương cơ bản theo luật lao động, chứ không có quyền bắt công nhân nghỉ phép năm của mình. Chị cho biết thêm:
“Nếu các chị công nhân nghỉ hết phép năm và phép bịnh, đến cuối năm phép năm và phép bịnh bị lố 15 ngày thì sẽ bị trừ tiền thưởng theo qui định của công ty.
Đa số công nhân ở đó là nữ. Nhiều người có con nhỏ nên nhiều khi con họ bịnh thì họ phải nghỉ thôi. Nghỉ như vậy nên họ sẽ trừ tiền thưởng nên cuối năm họ không bao nhiêu tiền thưởng hết.”
Đối với những tổ chức độc lập chuyên hỗ trợ công nhân như Phong trào Lao Động Việt, họ cũng chỉ có thể giúp giới công nhân hiểu biết về các quyền lợi để lên tiếng chứ không thể giúp về tài chính, ông Đoàn Huy Chương thừa nhận:
“Riêng Phong trào Lao Động Việt luôn sát cánh với những người công nhân mà họ bị giới chủ sa thải hoặc áp bức. Chúng tôi không có tài chính để hỗ trợ cho công nhân vì có đến hàng ngàn người. Chúng tôi chỉ hỗ trợ họ về mặt pháp lý hoặc hướng dẫn họ cách để bảo vệ quyền lợi, chẳng hạn như hướng dẫn cách viết đơn khiếu kiện đến công ty hay đòi những quyền lợi chính đáng của họ mà bị các giới chủ bóc lột.”
Gần nhất đối với trường hợp gần 2 ngàn công nhân Công ty KL Texwell Vina tại Khu Công nghiệp Bùi Xéo, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. bị nợ lượng trước Tết, và ban giám đốc người Hàn Quốc bỏ về nước, cơ quan chức năng Việt Nam phải can thiệp giúp đỡ.
Chị Lan, công nhân Công ty KL Texwell Vina ở Đồng Nai tâm sự trên trang mạng xã hội của mình:
“Hôm nay cũng nghe sơ sơ là công đoàn, chủ tịch gì đó, em cũng không nghe rõ, là sẽ trả lương cho mọi người 50%, để cho mình tạm ứng về quê trước, còn mấy cái vụ tiền bảo hiểm, rồi công đoàn này nọ qua Tết sẽ tính tiếp. Kêu qua Tết mình vô làm bình thường trở lại.”
Tình trạng nhiều công ty sa thải công nhân hàng loạt vào cuối năm để né thưởng Tết, điển hình là công ty Bon Chen ở Tân Tạo, Bình Tân, Bình Chánh, cũng khiến cuộc sống người công nhân lao đao. Và cái khó nữa của họ là sau Tết, trở vào thành phố, họ lại phải tìm việc mới hoặc ký lại hợp đồng với công ty cũ như lúc mới làm. Và lúc này, mọi thứ quyền lợi lại bắt đầu từ đầu. Chính vì kiểu ký hợp đồng theo năm của các công ty nên đa phần công nhân là người chịu thiệt.