Trung Quốc bưng bít thông tin về virus Vũ Hán?
Cả thế giới đang lo ngại về một loại virus lạ, khởi phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Virus này đang lây lan với tốc độ chóng mặt ra nhiều nước trên thế giới. Hôm 20/1, Cơ quan Y tế Quốc gia Trung Quốc xác nhận bệnh viêm phổi lạ lây từ người sang người. Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng xác nhận, virus có khả năng "lây lan hạn chế", giữa các thành viên trong gia đình.
Tài khoản Trường An Kiếm của Ủy ban Chính pháp Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày hôm qua (21 /1/2020 ) chửi những kẻ bưng bít tình hình bệnh dịch viêm phổi Vũ Hán là "thiên cổ tội nhân”. Sau đó, post này đã bị xoá mà không rõ lý do.
Peter Cordingley, từng là người phát ngôn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong suốt thời kỳ khủng hoảng SARS ở Trung Quốc cho rằng "chính quyền Bắc Kinh đã dối trá về virus Vũ Hán từ khi nó mới bắt đầu". [1]
Một tờ báo của Anh trong một bài viết ngày 20/1/2020 cũng đặt ra câu hỏi ngay trong tựa một bài viết: "Trung Quốc có thể che giấu sự thật của bệnh dịch lạ đang bùng phát". [2]
Trước đó, ngày 15/1/2020, một chuyên gia người gốc Hoa đã viết trên trang web của CFR về việc cảnh sát địa phương đe doạ bỏ tù những người nào phát tán "tin giả" về virus Vũ Hán. [3] Và kết quả là người dân Trung Quốc không thể biết thật sự về căn bệnh này, còn các chuyên gia y tế trên thế giới cũng không thể biết chính xác bao nhiêu người bị nhiễm để có thể giúp nghiên cứu đưa ra phác đồ điều trị.
Từ virus viêm phổi SARS
Người ta còn nhớ, năm 2002, một loại virus viêm phổi cấp lạ cũng khởi phát từ Trung Quốc bùng phát khắp thế giới. Virus này nguy hiểm đến mức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phải công bố dịch bệnh này “đe doạ sức khoẻ toàn thế giới”.
Virus SARS bắt đầu được phát hiện tại thành phố Phật Sơn, Quảng Đông vào khoảng giữa tháng 11 năm 2002. Sau đó, virus này tiếp tục được tìm thấy tại Hà Nguyên và Trung Sơn (cũng thuộc Quảng Đông, Trung Quốc). Vào ngày 2 tháng 1 năm 2003, một nhóm chuyên gia y tế đã được gửi đến Hà Nguyên và chẩn đoán chứng bệnh viêm phổi cấp đang bùng phát này do một loại virus đặc biệt đã được xác định.
Tất cả các thông tin về căn bệnh SARS này đã được gửi đến Bộ Y tế Trung Quốc tại Bắc Kinh qua một bản Báo cáo. Tuy nhiên Báo cáo này lại được đóng dấu “tuyệt mật”, cho nên chỉ có một số ít quan chức cấp cao mới được đọc bản Báo cáo này.
Trong suốt gia đoạn Tết Nguyên đán, mặc dù bệnh dịch bùng phát nhưng công chúng không được biết về thông tin dịch bệnh này. Theo quy định trong Luật thi hành bí mật nhà nước của Trung Quốc thì tất cả các thông tin về y tế công cộng nằm trong danh mục bí mật quốc gia và chỉ “được thông báo bởi Bộ Y tế và các cơ quan có thẩm quyền của Bộ Y tế”.
Tức là, khi Bộ Y tế không đưa ra thông báo chính thức thì không một chuyên gia hoặc báo chí được phép thông tin về vấn đề này. Vì nếu thông tin sẽ vi phạm tới quy định "lộ bí mật quốc gia". Đã có một số người bị bắt vì đưa tin về bệnh dịch này. [4] Thông tin từ Bộ Công an Trung Quốc cho biết đã điều tra 107 trường hợp vì sử dụng internet hoặc điện thoại thông báo thông tin về dịch bệnh này cho người khác. [5] Cho dù nhiều chuyên gia luật pháp đã cho rằng chính quyền Trung Quốc nếu bưng bít thông tin về dịch bệnh, có thể đã vi phạm tới quy định của pháp luật về quyền con người.
Sau khi bệnh dịch hoành hành, không thể chịu được nữa, đến ngày 11/2/2003, chính quyền tỉnh Quảng Đông mới chính thức thông tin đến báo chí về tình hình dịch bệnh, theo đó, đã có 305 ca nhiễm bệnh tại Quảng Đông. Sự bùng phát SARS sau đó đã được chặn đứng với sự hợp tác của nhiều cơ quan và chuyên gia trên thế giới.
Vụ dịch bệnh SARS là một trường hợp điển hình cho việc chính quyền Trung Quốc “thao túng”, bóp méo, thậm chí là bóp nghẹt thông tin. Điều này bắt nguồn từ chính sách cai trị của Đàng Cộng sản Trung Quốc.
Đảng Cộng sản Trung Quốc bóp nghẹt truyền thông
Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thành công trong việc kiểm soát toàn bộ Trung Hoa lục địa vào năm 1949. Kể từ đó, dưới chế độ “chuyên chính vô sản” mà thực chất là sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tất cả mọi hoạt động truyền thông đều nằm trong tầm kiểm soát của Đảng.
Theo một Báo cáo của tổ chức Ngôi nhà Tự do (Freedom House) năm 2018 cho biết: "Đảng Cộng sản cầm quyền đang siết chặt sự kiểm soát lên các hoạt động truyền thông, bày tỏ quan điểm trên internet, các nhóm sinh hoạt tôn giáo, các hội đoàn xã hội dân sự. Trong khi đó, Đảng lại tự làm suy yếu cuộc cải cách chế độ pháp quyền của mình. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc - Tập Cận Bình lại đang củng cố hơn nữa quyền lực cá nhân của mình đến mức độ chưa từng thấy so với trước đó." [6]
Từ khi Tập nắm quyền, ông ta đã đẩy mạnh việc kiểm soát và sử dụng truyền thông như một công cụ chính trị phục vụ cho riêng mình. Chính vì vậy, hiện nay, người dân Trung Quốc như đang sống trong một thế giới riêng, tách biệt hoàn toàn khỏi các diễn biến thông tin về thế giới hiện tại. Mọi thông tin đều do chính quyền kiểm duyệt và “thao túng”, đương nhiên, tất cả các thông tin được các phương tiện truyền thông đưa tin đều đã được “chế biến” cho hợp “khẩu vị” của lãnh đạo Trung Quốc.
Chính bởi chính sách “bóp nghẹt thông tin”, phục vụ ý đồ cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho nên người dân Trung Quốc đã nhiều lần phải trả giá cho chính sách đó, mà dịch bệnh SARS trong quá khứ, hay dịch bệnh Vũ Hán là những trường hợp tiêu biểu.
Còn Việt Nam?
Việt Nam là một quốc gia hàng xóm của Trung Quốc. Việt Nam cũng bị cai trị bởi Đảng Cộng sản Việt Nam với đường lối và chính sách sao chép từ Trung Quốc.
Về chính sách kiểm duyệt thông tin thì Việt Nam cũng học “y chang” từ ông anh Trung Quốc. Tất cả các cơ quan báo chí ở Việt Nam phải chịu cảnh “một cổ, hai tròng”, đó là sự quản lý của Bộ Thông tin truyền thông (Cơ quan quản lý chuyên môn của Chính phủ) và Ban Tuyên giáo Trung Ương (Cơ quan phụ trách tuyên truyền giáo dục của Đảng Cộng sản Việt Nam). Tất cả các thông tin đưa lên các cơ quan truyền thông của Việt Nam đều phải được sự cho phép của Ban Tuyên giáo Trung ương này. Nên mọi người thường nói rằng “tuy ở Việt Nam có hơn 900 tờ báo nhưng chỉ có một Tổng Biên tập là ông Trưởng Ban Tuyên giáo Trung Ương”.
Năm 2002, ở Thành phố Hồ Chí Minh xảy ra một vụ hoả hoạn ở Trung tâm thương mại ITC. Theo một nhân chứng làm trong Hội chữ thập đỏ cho biết, họ đã kéo ra khoảng 200 xác người chết, nhưng báo chí nhà nước dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Thành uỷ cung cấp con số nạn nhân giới hạn 60 người.
Việt Nam vì là hàng xóm sát vách với Trung Quốc, cho nên nguy cơ ảnh hưởng bệnh dịch từ Trung Quốc rất cao. Chưa kể hàng ngày có hàng chục ngàn người Trung Quốc qua lại Việt Nam nên nguy cơ nhiễm dịch bệnh từ Trung Quốc là rất lớn.
Hiện nay, với sự bùng nổ của công nghệ, việc bưng bít thông tin là rất khó, cho dù chính quyền Trung Quốc và Việt Nam luôn sử dụng sức mạnh nhà nước để đàn áp. Chính bản thân các cơ quan nhà nước của hai đất nước này là bên vi phạm pháp luật nhiều nhất, nhưng họ luôn bắt bớ người dân và chụp mũ “vi phạm pháp luật”. Trong một xã hội phát triển, các hội đoàn xã hội dân sự sẽ đóng vai trò giám sát sự thực thi pháp luật và trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Chính vì vậy, trước tình hình và diễn biến khó lường của nhiều vấn đề trên thế giới, cách tốt nhất để bảo vệ người dân là cần công khai và minh bạch thông tin.
[1] https://www.scmp.com/news/china/politics/article/3046984/china-warns-cadres-cover-spread-virus-and-be-nailed-pillar
[2] https://www.express.co.uk/news/world/1230766/coronavirus-outbreak-china-chinese-authorities-virus-SARS-number-of-cases-cover-up
[3] https://www.cfr.org/in-brief/why-experts-are-worried-about-new-virus-china
[4] http://www .people.com .cn/GB/shehui/47/20030426/980282.html.
[5] http://www .people.com .cn/GB/shehui/44/20030508/987610.html.
[6] https://freedomhouse.org/report/freedom-world/2018/china