Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ phấn đấu có từ 25 đến 50 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là người ngoài Đảng.
Ông Trần Văn Túy, Trưởng ban Công tác đại biểu, Hội đồng bầu cử Quốc gia, cho biết thông tin vừa nêu tại Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất giới thiệu người ứng cử ĐBQH hôm 4/2/2021.
Trả lời RFA từ Thanh Hóa hôm 5/2, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, nói:
“Các nhiệm kỳ trước đây, các ĐBQH là người ngoài đảng có số lượng ít, cho nên dư luận xã hội mong muốn ngày càng có nhiều đối tượng là ĐBQH ngoài đảng tham gia đông hơn, sẽ đại diện cho tiếng nói của nhân dân đông hơn trong các lĩnh vực. Nhưng mà quá trình đi qua các bước chuẩn bị hiệp thương, căn cứ vào các điều kiện tiêu chuẩn để tăng số lượng người ngoài đảng, tuy nhiên qua thực tế từng con người cụ thể lại gặp khó khăn, không được đồng thuận rộng rãi, kết quả không như mong muốn. Cho nên lần này trước khi bầu cửa ĐBQH, trung ương đề ra phải phấn đấu làm sao để tỷ lệ thành phần này cao hơn, để đáp ứng mong mỏi của nhân dân.”
Ông Túy cũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến số lượng ĐBQH khóa XV là 500 người. Trong đó, đại biểu ở Trung ương là 207 người và đại biểu ở địa phương là 293. Tuy nhiên trước đây, đối với những người tự ứng cử ĐBQH với tư cách người ngoài đảng thường bị gây khó khăn cản trở ngay từ địa phương.
Em nghĩ là bên an ninh tới để bỏ phiếu em, rồi người ta cho người lên đấu tố, nói chuyện xấu tùm lum... sau đó họ ôm phiếu vô miếu kiểm phiếu, thì em bị rớt từ vòng đầu, không được vô vòng hai.
-Luật sư Võ An Đôn
Luật sư Võ An Đôn, người từng hai lần tự ứng cử ĐBQH với tư cách người ngoài đảng, khi trả lời RFA từ Phú Yên hôm 5/2, kể lại thực tế mà anh gặp phải:
“Năm 2011 em là người đầu tiên tự ứng cử ĐBQH, em cũng là người đầu tiên không có đảng ứng cử ở Phú Yên. Khi đó họ lấy ý kiến cử tri ở thôn em thì 100%, nhưng vô vòng hai thì không biết lý do gì người ta loại em ra. Lần thứ hai em tự ứng cử là năm 2016, thì lần này người ta sợ em, họ nói em là thành phần phản động rất nguy hiểm. Và khi lấy ý kiến nơi cư trú vớ ứng viên tự do thì họ không thông báo cho dân biết, dân địa phương chỉ vài người, còn đa số là người lạ. Em nghĩ là bên an ninh tới để bỏ phiếu em, rồi người ta cho người lên đấu tố, nói chuyện xấu tùm lum... sau đó họ ôm phiếu vô miếu kiểm phiếu, thì em bị rớt từ vòng đầu, không được vô vòng hai.”
Theo Luật sư Võ An Đôn, Quốc Hội nói trên báo chí thôi, thực tế không bao giờ có như vậy. Ở Việt Nam, những ĐBQH không có đảng là không bao giờ có cơ hội, nếu có họ chỉ đóng vai quần chúng, chứ thật sự họ là những đảng viên của đảng cộng sản Việt Nam.
Vào năm 2016, khi diễn ra bầu cử Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021, đã xuất hiện một phong trào tự ứng cử bởi các ứng viên độc lập vào Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp trên toàn quốc ở Việt Nam. Mặc dù những người tự ứng cử thật sự ngoài đảng khi đó đều không trúng cử, tuy nhiên dư luận khi đó đều cho rằng, hành động tự ứng cử ĐBQH đã là một thành công cho những người muốn thực thi quyền công dân, dân chủ.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, người từng tự ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021, khi trả lời RFA từ Hà Nội hôm 5/2, nhận định về tuyên bố tăng ĐBQH là người ngoài đảng năm nay:
“Tôi nghĩ cũng có thể và cũng có thể không, vì dẫu là người trong hay ngoài đảng thì họ cũng phải sắp xếp. Bởi vì người ngoài đảng cũng có nhiều loại, có người thật sự mang mác ngoài đảng, nhưng họ vẫn đi họp chi bộ ở đâu đấy, thì không ai mà biết được. Tôi có biết một người đã từng như vậy, ngoài đảng, doanh nghiệp tư nhân, nhưng mà đến phiên họp thì ông ta vẫn vào trong chi bộ nào đấy để họp đảng... Tức là dẫu có mấy chục người chăng nữa, mà bảo đấy không phải đảng viên thì những người đó cũng phải được qua bốn năm lần sàng lọc của họ. Để đảm bảo chắc chắn rằng họ có thể đóng một vai trò làm cảnh cho nó đẹp.”
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, chừng nào mà không có thay đổi thực sự về Luật Bầu cử, mà vẫn toàn bộ là do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cánh tay phải của đảng, tổ chức cái gọi là ‘hiệp thương’. Mà ‘hiệp thương’ có nghĩa là đàm phán với nhau, thỏa thuận gì đấy, nhưng ông cho rằng thật sự từ ‘hiệp thương’ ở đây không có nghĩa chút nào là ‘hiệp thương’... Ông giải thích thêm:
“Nó không có nghĩa là ‘hiệp thương’ bởi vì chỉ có họ quyết định với nhau thì ‘hiệp thương’ cái gì? Cho nên hừng nào mà không có thay đổi thực sự về Luật Bầu cử ở Việt Nam... thì đều là đảng cử dân bầu cả... giờ bảo muốn thế.... thì đều là ý muốn của đảng...”
Vào năm 2016, các ứng cử viên ĐBQH tự do ở Hà Nội, đã gặp rất nhiều khó khăn khi làm hồ sơ ứng cử ĐBQH khóa 14... Những việc như tự làm hồ sơ, gồm đơn ứng cử, sơ yếu lý lịch, tiểu sử tóm tắt, bản kê khai tài sản và thu nhập... đến khi đi xin dấu xác nhận tại Ủy ban Nhân dân (UBND) cấp xã, phường đã bị gây khó dễ. Chưa kể ứng viên còn bị kỷ luật vì đã đi biểu tình chống TQ, bị cho là gây rối trật tự. Nhiều người còn cho biết, Cơ quan an ninh đã cung cấp hồ sơ của họ cho UBND phường để gây khó dễ...
Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một đảng viên đảng cộng sản Việt Nam, đã từ bỏ đảng, nhận định với RFA hôm 5/2 từ Hà Nội rằng, ‘phấn đấu 25 đến 50 ĐBQH là người ngoài Đảng’ là một dự kiến có vẻ mang ý đồ tốt, nhưng chứa đựng bản chất độc tài và thiếu khoa học. Ông dẫn chứng:
“Độc tài ở các điểm sau :
1-Bầu đại biểu quốc hội là cử tri chọn người làm đại diện. Người ta thích ai thì bầu. Làm sao lại phải cơ cấu và qui định số lượng cho người ngoài đảng. Người đề ra cơ cấu là muốn thực hành sự áp đặt. Trong việc bầu cử ban tổ chức chỉ có thể chủ động trong việc lập danh sách ứng viên và qui định số ứng viên được bầu chọn. Khi lập danh sách ứng viên mà đã có ý đồ cơ cấu để hướng cho cử tri bầu người này, loại người kia là việc làm phạm luật.
2-Quan trọng nhất trong bầu cử là các ứng viên tự ứng cử và tranh cử. Mặt trận thực chất là bộ phận nối dài của Đảng. Việc Mặt trận dành quyền giới thiệu người vào danh sách đề cử (mà người ta ngụy biện là giới thiệu người ứng cử) là một thể hiện độc đoán “Đảng cử dân bầu”. Hãy xóa bỏ việc này và hãy để cho mọi người tự ứng cử. Ứng cử vào Quốc hội thì người trong và ngoài Đảng là bình đẳng.”
Để có được một Quốc hội thực sự là đại diện của dân, thì cần có những cải cách cơ bản, chứ không phải chỉ làm vài việc hình thức có tính lừa dối.
-Giáo sư Nguyễn Đình Cống
Còn về việc thiếu khoa học, thì theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, bầu chọn ai là quyền và ý của cử tri. Chỉ sau khi có kết quả, làm thống kê, tổng kết mới biết có bao nhiêu đảng viên, bao nhiều người ngoài đảng trúng cử. Trước khi bầu mà muốn có 50 người ngoài đảng trúng cử thì phải làm thế nào, có biện pháp gì không. Người ta có thể dự đoán kết quả bầu cử sau một thời gian vận động và điều tra. Trước khi tổ chức bầu cử mà dự kiến cơ cấu là việc làm duy ý chí, thiếu khoa học.Ông nói tiếp:
“Cứ theo dự kiến của Ủy ban thường vụ QH thì sắp tới sẽ có thêm người ngoài đảng được bầu vào QH, nhưng họ là ai, phải chăng là do Mặt trận lựa chọn, đề cử hay là những tinh hoa của dân tự ứng cử. Có nhiều khả năng họ được lựa chọn và chỉ để làm vật trang trí. Như vậy thì 50 hay nhiều hơn nữa cũng chẳng để làm gì.”
Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng, để có được một Quốc hội thực sự là đại diện của dân, thì cần có những cải cách cơ bản, chứ không phải chỉ làm vài việc hình thức có tính lừa dối.
Theo cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Quốc hội Việt Nam khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021, được bầu vào ngày 22 tháng 5 năm 2016 với 496 đại biểu. Trong đó, có 21 người ngoài đảng trúng cử ĐBQH, chiếm 4,20%.