Ô nhiễm đô thị và công nghiệp
Báo cáo kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (World Bank) được công bố hôm 31/5 tại Hà Nội cho thấy, quá trình đô thị hóa nhanh chóng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước, trong đó nước thải công nghiệp là nguồn gây ô nhiễm lớn nhất.
Thống kê của Bộ Xây dựng năm 2019 cho thấy chỉ có 46% hộ gia đình ở đô thị được kết nối với hệ thống thoát nước và 12,5% nước thải đô thị được qua xử lý trước khi xả vào nguồn nước. Có 326 khu công nghiệp trên cả nước mới đi vào hoạt động vào năm 2018, trong đó có 220 khu công nghiệp có nhà máy xử lý nước thải, các hệ thống xử lý tập trung chỉ xử lý 71% lượng nước thải công nghiệp và phần lớn còn lại được thải trực tiếp ra môi trường.
Báo cáo kết quả của Ngân hàng Thế giới dự kiến trong vòng 15 năm tới nước thải đô thị sẽ chiếm phần lớn tới 60%, trong khi khu công nghiệp chỉ chiếm 25%-28% và nước thải tại khu vực nông thôn từ 12%-15%.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, giám đốc Trung tâm Công nghệ Môi trường khẳng định Việt Nam có qui định về hệ thống xử lý nước thải trước đi đổ ra môi trường, tuy nhiên vẫn có nơi không thực hiện với lý do tài chính:
“Nước thải tại Việt Nam riêng nước thải công nghiệp thì cũng đã được kiểm soát khá tốt vì hầu hết các khu công nghiệp đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung trước khi thải ra môi trường rồi. Các nhà máy đều có hệ thống xử lý nếu không sẽ bị phạt và đóng cửa. Trừ khi nguồn thải ra nhiều mà chưa qua xử lý nhiều là chủ yếu ở các đô thị, ví dụ như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội thì hiện nay cũng chỉ một phần nhỏ nước thải được xử lý thôi, bởi vì kinh phí nó lớn lắm mà Việt Nam minh chưa đủ nguồn kinh phí để làm đầu tư xử lý nước thải tại các khu đô thị.”
Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ thừa nhận hiện nay tại hai thành phố lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh có khoảng 20%-30% nước thải có qua xử lý, phần còn lại chủ yếu qua bể tự hoại rồi thải trực tiếp ra môi trường.
Đồng ý với điều này, Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Phạm Ngọc Đăng, Giám đốc Trung tâm Môi trường Đô thị và Công nghiệp lý giải thêm.
“Cũng khó khăn trong việc đầu tư xây dựng nhà máy cũng như toàn bộ hệ thống xử lý nước thải của Việt Nam không giống như các nước trên thế giới tức là tách nước mưa ra khỏi nước thải và người ta chỉ xử lý nước thải thôi. Còn tại Việt Nam xử lý nước mưa và nước thải cùng đổ lẫn vào đường ống nên bị pha loãng ra thành ra việc xử lý rất là khó khăn vì tổng lượng nước thải rất là lớn nên không đủ khả năng xử lý cái đó.”
Tiến sĩ Phạm Ngọc Đăng còn chia sẻ thêm một số khu đô thị đã lên kế hoạch xây dựng hệ thống tách riêng nước mưa và nước thải, tiến sĩ đưa ví dụ như Hà Nội đã xây dựng 7 nhà máy để xử lý nước thải nhưng tiến sĩ cho rằng đến năm 2030 may ra mới có thể thực hiện được điều này.
Nguồn vốn đầu tư ít
Một nguyên nhân khác chủ yếu của tình trạng ô nhiễm nguồn nước được Ngân hàng Thế giới đưa ra là thiếu nguồn vốn đầu tư vào thu gom và xử lý nước thải.
Báo cáo nêu rõ, có 587 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động nhưng chỉ có 55 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải, chiếm không tới 10%. Hầu hết nước thải từ các hộ gia đình trong 5000 làng nghệ thủ công Việt Nam xả trực tiếp ra môi trường không qua xử lý và phần lớn các bệnh viện hay phòng khám tư nhân vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ trình bày về điều này:
"Thật ra chi phí để xử lý nước thải tại các đô thị hiện nay rất là tốn kém và mắc, chỉ có một số đô thị lớn có tiền họ mới đầu tư cho việc xử lý nước thải đô thị, mặc dù vậy nó vẫn còn chậm, bây giờ phải đầu tư dần dần đi chứ làm sao mà đầu tư hàng tỷ USD một lúc được. Mặc dù hiện nay có một số dự án quốc tế mà Việt Nam vay vốn để thực hiện, nó vẫn đang trong quá trình thực hiện chưa xong nên tôi nhận định rằng nguyên nhân chính là do mình thiếu vốn đầu tư thôi."
Còn đối với Giáo sư Phạm Ngọc Đăng thì lại cho rằng vấn đề không chỉ riêng là nguồn vốn.
“Không phải chỉ là nguồn vốn mà từ quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, từ thời kỳ Pháp thuộc đến nay người ta đều làm theo một kiểu hệ thống chung như vậy, cho nên sau này các khu đô thị mới phát triển sau cũng dựa vào việc quy hoạch đô thị tương lai cũng sẽ có xử lý nước thải nên họ chỉ xử lý sơ bộ tại công trình thôi để tiết kiệm vốn đầu tư thu lãi nhiều hơn.”
Ngoài ra, giáo sư còn nói thêm hiện nay tiền nước thải mà nhà nước hay các công ty họ thu từ người dân chỉ là 10% của nước cất. Khoản này rất ít nên không có khả năng tích lũy đủ vốn để xây dựng hệ thống hạ tầng thoát nước, xử lý nước thải đô thị.
Theo thống kê Bộ Tài chính từ năm 2016 đến nay số tiền phí thu được lên đến hơn 2000 tỷ đồng mỗi năm. Khoản này chỉ đủ đáp ứng một phần yêu cầu bảo vệ môi trường từ nước thải gây ra nhưng chưa có nguồn cho việc xử lý nước thải sinh hoạt trước khi xả ra môi trường.
Phương thức xử lý
Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ nêu rõ, nguồn nước nào có chủ thể rõ ràng thì việc kiểm soát rất dễ nhưng đối với nước thải từng hộ gia đình đô thị thì việc kiểm soát là điều không hề đơn giản.
“Chính phủ Việt Nam kiểm soát bằng cách yêu cầu khu nhà mới xây dựng phải có bể tự hoại, phải xử lý nước thải trước khi ống nối vào để thả ra chỗ xử lý tập trung.
Giáo sư Tiến sĩ Phạm Ngọc Đăng dẫn ra một ví dụ, như sông Tô Lịch tại Hà Nội đã có nhà máy xử lý nước thải theo công nghệ Nhật tuy nhiên nó cũng chỉ là giải pháp tạm thời.
“Ví dụ trước mắt như sông Tô Lịch thì dùng phương pháp Nano của Nhật là xử lý tức thời thôi mà theo thôi việc xử lý này nó chỉ có ý nghĩa trong một thời gian thôi chứ nguồn thải vào vẫn như thế mà sau 6 tháng hay 1 năm mà không tiếp tục có các hoạt động xử lý tại chỗ thì nó lại trở về ô nhiễm như ban đầu.”
Ô nhiễm tài nguyên nước là một trong năm mối quan tâm hàng đầu của Việt Nam, nếu không có hành động can thiệp để ngăn chặn các mối đe dọa thì nền kinh tế Việt Nam có thể bị tổn thất khoảng 6% GDP mỗi năm. Chỉ riêng tác động ô nhiễm nước đối với sức khỏe người dân có thể giảm 3,5% GDP của cả nước.