Những bất cập về nguồn nước ở Việt Nam

0:00 / 0:00

Từ đầu năm 2000, Việt Nam bắt đầu thực hiện một cuộc cách mạng về an toàn và vệ sinh nước. Cam kết này đã được chuyển thành Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, nhằm cải thiện an ninh nguồn nước ở Việt Nam bằng cách cung cấp cho 62% đến 82% dân số được tiếp cận với nước sạch và cải thiện điều kiện vệ sinh.

Theo Borgen Magazine, vào thời điểm đó, các mục tiêu vừa nêu dường như hoàn toàn chỉ là mong muốn. Vào những năm trước đó, khoảng 40% người Việt Nam không được tiếp cận với nguồn nước uống an toàn, dẫn đến nhiều bệnh tật cho người lớn và trẻ em như tả, thương hàn...

Vào năm 2008, Việt Nam đã ban hành các quy định cho tất cả các công ty cấp nước đô thị để thực hiện các kế hoạch an toàn về nước. Chỉ bốn năm sau, các quy định này đã đi xa hơn khi yêu cầu tất cả 68 nhà cung cấp nước tại Việt Nam thực hiện các cải cách, cải thiện an ninh nước, loại bỏ ô nhiễm và ngăn ngừa ô nhiễm trở lại trong khi lưu trữ và phân phối nước.

Tính đến năm 2015, 98% dân số, tương đương 90 triệu người Việt Nam, được tiếp cận với nước uống được cải thiện. Từ năm 2013 đến năm 2018, thêm 1,8 triệu người đã được sử dụng nước sạch. Trong khi đó, các quy định đã cắt giảm 58% thời gian xây dựng cơ sở hạ tầng cấp nước, vệ sinh và giảm 63% chi phí.

Có những vùng miền, trong một số thời điểm nguồn nước bị thiếu, hoặc quá dư, hoặc có vấn đền về chất lượng như ô nhiễm, mặn, hay nhiễm phèn... Đó là những ảnh hưởng đến nước sản xuất và nước sinh hoạt của người dân.
-Tiến sĩ Lê Anh Tuấn

Dù đã đạt được những tiến bộ được đánh giá ‘phi thường’, nhưng theo Borgen Magazine, Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề về an ninh nguồn nước. Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Y tế cho biết, hiện vẫn có 9.000 người chết hàng năm do điều kiện vệ sinh và chất lượng nước kém và khoảng 200.000 người bị ung thư liên quan đến ô nhiễm nguồn nước.

Ngoài ra, Việt Nam vẫn phải đối mặt với những trở ngại trong việc cung cấp nước sạch cho 100% dân số. Ngập lụt, ô nhiễm, thiếu hụt nước trong mùa khô và các chất gây ô nhiễm trong nguồn cung cấp nước đã góp phần làm suy giảm nguồn cung cấp nước sạch.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, chuyên gia Biến đổi Khí hậu và Tài nguyên nước – Viện Nghiên Cứu Biến Đổi Khí Hậu, Đại Học Cần Thơ, khi trả lời RFA hôm 21/5, nhận định:

“Vấn đề nguồn nước ở Việt Nam có nhiều đánh giá khác nhau. Nếu xem xét tổng thể thì Việt Nam không phải quốc gia thiếu nước đến mức mất an ninh. Tuy nhiên có những vùng miền, trong một số thời điểm nguồn nước bị thiếu, hoặc quá dư, hoặc có vấn đền về chất lượng như ô nhiễm, mặn, hay nhiễm phèn... Đó là những ảnh hưởng đến nước sản xuất và nước sinh hoạt của người dân. Tùy theo cách đánh giá, có những lúc tôi rằng Việt Nam không phải là quốc gia khó khăn lắm về nguồn nước. Lượng nước trên đầu người của Việt Nam vẫn cao hơn mức trung bình trên thế giới.”

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, có những thời điểm tại những vùng miền nam trung bộ tức Phan Rang, Phan Thiết, Bình Thuận... thì mùa khô rất thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất. Ngược lại, có những vùng thường xuyên bị lũ lụt trong mùa mưa bão, thì nguồn nước quá nhiều. Hay những vùng gần khu công nghiệp thì nước bị ô nhiễm do sản xuất. Những vùng ven biển thì nhiễm mặn khi mùa khô tới... Cho nên theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, phải tùy theo cách đánh giá của từng vùng...

b59c4d2c-b177-4fe6-ad7b-3d2a677725c0.jpeg
Sông Mê Kông, đoạn chảy qua thành phố Cần Thơ. Reuters .

Thạc sĩ Hồ Long Phi – Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu Đại học Quốc gia TPHCM, khi trả lời RFA cho rằng, Việt Nam phải đối xử với nước như một nguồn tài nguyên quý, chứ không phải như hiện nay khi vẫn dùng một cách bừa bãi. Phải thay đổi từ trong ý thức, từ sản xuất cho đến tiêu dùng nước và các loại hình nước. Theo ông Phi, hiện nay Việt Nam còn rất phí phạm nước, vì cứ nghĩ tài nguyên nước vẫn còn nhiều. Tuy nhiên theo ông Phi, thứ nhất là số lượng và thứ hai về chất lượng càng ngày càng suy giảm. Ông nói tiếp về vấn đề Việt Nam phải đối mặt với những nguy cơ về an ninh nguồn nước từ bên ngoài lãnh thổ:

“Khi phát triển kinh tế trong điều kiện biến đổi khí hậu thì các nước phía trên có nhu cầu sử dụng nước ngày càng nhiều hơn, nên phải can thiệp để giữ lại nguồn nước mà họ cho rằng nó sản sinh trên lưu vực của họ. Các quốc gia này cho rằng đó là điều công bằng vì lâu nay họ không có điều kiện để kiểm soát thì nước chảy xuống hạ lưu cho Việt Nam dùng, bây giờ tới phiên họ kiểm soát được thì họ có quyền đó. Điều này các cơ quan quốc tế như Ủy Hội Sông Mê Kông cũng không có quyền hay khả năng can thiệp.”

Nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn - Nguyễn Xuân Cường khi phát biểu tại Hội nghị Giải trình về Vấn đề An ninh Nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý hồ, đập tổ chức vào tháng 8 năm 2020 cho biết, Chính phủ Hà Nội đang phải đối mặt với thách thức lớn về an ninh nguồn nước quốc gia.

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Việt Nam có tổng cộng hơn 200 con sông, tuy nhiên có đến hơn 50% con sông từ nước ngoài chảy vào, với khoảng 520 tỷ m3, tương ứng 63% tổng lượng nước mặt sản sinh ở bên ngoài lãnh thổ.

Hiện nay Việt Nam đang ở mức phát triển trung bình nên chưa thấy được hệ quả của việc thiếu nước. Nhưng dần dần nước trở thành tài nguyên hữu hạn và dẫn đến tình trạng thiếu nước thì không phát triển kinh tế được.
-Thạc sĩ Hồ Long Phi

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn nhận định việc Chính phủ Hà Nội đang phải đối mặt với thách thức lớn về an ninh nguồn nước từ bên ngoài quốc gia:

“Việt Nam là nơi cuối cùng của các con sông lớn, vì sông chảy ra biển. Hai con sông lớn như sông Hồng hay sông Cửu Long thì phần lớn nước đi tới con sông đó chảy từ bên ngoài. Sông Hồng thì từ TQ, còn sông Cửu Long thì chảy từ TQ đi xuống Miến Điện, xuống Lào rồi qua Thái Lan, xuống Campuchia... Đặc biệt sông Cửu Long là nguồn nước nhiều nhất ở Việt Nam, nhưng hơn 80% nước đó từ nước ngoài vào. Với việc các đập thủy điện bên ngoài thì Việt Nam sẽ không kiểm soát được lượng nước đi đến. Có những lúc các đập điều hòa được lượng nước, nhưng khi căng thẳng thì sẽ gặp khó khăn, mình sẽ không biết khi nào họ xả, hay lượng nước trong mùa khô, đó cũng là vấn đề của nguồn nước.”

Tóm lại, theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, nguồn nước của Việt Nam có những đe dọa sau: Thứ nhất là nguồn nước phụ thuộc nước ngoài; Thứ hai là vấn đề cân bằng nước trong mùa mưa và mùa khô, trong khi các nước có bốn mùa thì lượng mưa rải đều trong năm thì Việt Nam mùa mưa nước quá nhiều và mùa khô nước quá ít; Kế tiếp là nhu cầu sử dụng nước của người Việt Nam ngày càng tăng lên vì dân số tăng và sản xuất ngày càng nhiều; Kế tiếp là chất lượng nước gần khu sản xuất nông nghiệp, công nghiệp thì ít nhiều bị ô nhiễm; Đồng thời tác động của biến đổi khí hậu như nước biển dâng hay đất lún làm ảnh hưởng chất lượng nước của Việt Nam. Tiến sĩ Lê Anh Tuấn nhận định về những động thái của chính phủ liên quan vấn đề này:

“Động thái của Chính phủ thì rất là nhiều. Hàng năm Việt Nam có kiểm kê lại nguồn nước, rồi cũng có những quy hoạch sử dụng nước, làm các công trình điều tiết nước như hồ chứa, công trình thủy lợi... hoặc các công trình dẫn thủy nhập điền trong nông nghiệp... hay các công trình khai thác nước sinh hoạt. Có thì có nhưng mà khó khăn là nguồn vốn đầu tư cho những dự án đó thường rất lớn, trong khi có nhiều thứ nằm ngoài kiểm soát của Việt Nam. Ví dụ như lượng nước chảy từ quốc gia khác, hay có xung đột nước xuyên biên giới chẳng hạn, giữa Việt Nam và TQ chẳng hạn... Thì những cái đó là rào cản cho việc sử dụng nước ở Việt Nam.”

Theo Thạc sĩ Hồ Long Phi, hiện nay Việt Nam đang ở mức phát triển trung bình nên chưa thấy được hệ quả của việc thiếu nước. Nhưng dần dần nước trở thành tài nguyên hữu hạn và dẫn đến tình trạng thiếu nước thì không phát triển kinh tế được.