Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mới đây cho rằng tính ưu việt của chế độ Xã hội Chủ nghĩa (XHCN) tại Việt Nam đã phát huy cao độ trong thời gian qua. Ông Nguyễn Phú Trọng đưa ra tuyên bố vừa nêu khi phát biểu bài diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 4 của Đảng Cộng sản Việt Nam hôm 7/10/2021.
Cụ thể, ông Trọng khẳng định “Tính ưu việt của chế độ Xã hội Chủ nghĩa ở Việt Nam, truyền thống đoàn kết, yêu nước, thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều... của dân tộc lại tiếp tục được phát huy cao độ, nhờ đó đã kiểm soát được đợt dịch bùng phát lần thứ ba...”
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ khi trả lời RFA từ Na Uy hôm 8/10 cho rằng, thực ra từ lâu chế độ của Việt Nam đã không còn là một chế độ xã hội chủ nghĩa hay có bất cứ một hình thức hay chính sách nào gọi là liên quan đến xã hội chủ nghĩa nữa, ngoại trừ cái tên gọi, mà nó thực chất là một chế độ tư bản phi dân chủ, nơi mà mọi thứ đều hoạt động ít hay nhiều theo cơ chế thị trường ngầm hay nổi và vận hành bằng đồng tiền. Chính vì duy trì một chế độ phi dân chủ nên nó dẫn đến rất nhiều tác hại cho đất nước Việt Nam cả về ngắn hạn và dài hạn. Ông Vũ giải thích:
“Thứ nhất là vì chế độ không có dân chủ, không có bầu cử, tranh cử tự do, nên người dân không thể bầu ra những lãnh đạo ưu tú dẫn dắt đất nước mình. Hậu quả là người dân đang chịu đựng một chính quyền bất tài. Các chính sách chống dịch từ trên xuống dưới mà chúng ta đã chứng kiến là một sự hỗn loạn và huỷ hoại kinh tế Việt Nam. Nó chứng tỏ giới chức lãnh đạo từ trên xuống dưới không có khả năng và không biết điều hành chính sách.
Thứ hai là vì chế độ không có dân chủ cho nên những người đang nắm quyền không thể hiện cho nguyện vọng và ý chí của người dân. Điều đó dẫn đến các chính sách đưa ra không phù hợp với mong muốn và nhu cầu của họ. Hậu quả là những gì người dân đang cảm nhận là một sự chịu đựng. Họ chịu đựng những chính sách tồi dở và họ chịu đựng sự cai trị của những người cầm quyền.”
Một hệ thống phi dân chủ như Việt Nam đang kềm hãm sự phát triển của đất nước, làm mất đi cơ hội của dân tộc, và khiến cho người dân phải chịu đựng với những hậu quả thảm khốc của chính sách. Nhìn những đoàn người đói nghèo, bằng đủ mọi phương tiện, bỏ Sài Gòn để về quê, để thấy rằng họ đang hoảng sợ những chính sách của nhà cầm quyền như thế nào.
-Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ
Trong bài diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 4 của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng cho rằng chính quyền đã kịp thời ứng phó và hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững... góp phần ổn định chính trị-xã hội...
Tuy nhiên theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, người dân sẽ trở nên chống đối các chính sách tồi dở và sự bất tài của chính quyền, cho nên muốn cai trị người dân, giới cầm quyền phải dùng đến bạo lực. Việc huy động tất cả các lực lượng an ninh và quân đội, nhằm đe doạ bất cứ một sự nổi loạn và trừng phạt bất cứ một sự chống đối nào, nó cho thấy chính quyền không ngại ngần dùng bạo lực để trấn áp người dân. Tiến sĩ Vũ nói tiếp:
“Một chế độ phi dân chủ, sẵn sàng bỏ tù bất cứ người dân nào động chạm đến chế độ hoặc những cá nhân của chế độ, nó dẫn đến một hệ thống tham nhũng bao che cho nhau. Hậu quả là những cá nhân cấu kết với nhau để tham nhũng dựa vào sự lũng đoạn chính sách mặc cho những tác hại dẫn đến cho nhân dân và cho nền kinh tế. Những gì chúng ta chứng kiến trong đại dịch cho thấy rõ điều đó. Việc tham nhũng diễn ra từ phân bổ tiền, hàng cứu trợ, cho tới các test kit virus Covid-19.
Và cuối cùng, trong thế giới các quốc gia cạnh tranh với nhau, việc một quốc gia vươn lên trên vũ đài thế giới được hay không đó là nhờ ở sự lèo lái của những người cầm quyền. Một hệ thống phi dân chủ như Việt Nam đang kềm hãm sự phát triển của đất nước, làm mất đi cơ hội của dân tộc, và khiến cho người dân phải chịu đựng với những hậu quả thảm khốc của chính sách. Nhìn những đoàn người đói nghèo, bằng đủ mọi phương tiện, bỏ Sài Gòn để về quê, để thấy rằng họ đang hoảng sợ những chính sách của nhà cầm quyền như thế nào.”

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam lại tiếp tục được phát huy cao độ, nhờ đó đã kiểm soát được đợt dịch bùng phát lần thứ ba.
Thực tế như lời ông Trọng nói là Việt Nam từng tự hào và được khen ngợi về thành tích chống dịch COVID-19 trong ba đợt dịch COVID-19 từ đầu năm 2020 cho đến tháng ba năm 2021. Tuy nhiên cho đến thời điểm ông Trọng đang phát biểu thì đợt bùng phát dịch thứ tư từ ngày 27/4/2021, đã khiến trên 800 ngàn người nhiễm COVID-19 và có hơn 20 ngàn người tử vong tính trên cả nước.
Sau khi lệnh phong tỏa được nới lỏng từ ngày 1/10, cả trăm ngàn lao động ngoại tỉnh đang rời khu trọng điểm kinh tế phía Nam gồm TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai để trở về quê nhà của họ bằng xe máy, xe đạp, phương tiện thô sơ và thậm chí đi bộ... Nhiều nơi người dân bị ngăn cản về quê đã xảy ra xung đột... Thực tế này làm dấy lên lo ngại số ca nhiễm COVID-19 có thể lây lan sang nhiều nơi khác.
Những lời ông Trọng nói ra được trên hai trăm ủy viên trung ương nghe một cách thờ ơ như những cái máy, nếu có ai không đồng ý cũng không dám phản biện. Rồi các báo, đài của Đảng ra sức ca ngợi, tung hô. Thế nhưng đại đa số nhân dân, cũng giống như trước đây, chẳng mấy ai tin vào điều ông Trọng nói.
-Giáo sư Nguyễn Đình Cống
Trả lời RFA từ Hà Nội hôm 8/10, Giáo sư Nguyễn Đình Cống, nhận định về việc ông Nguyễn Phú Trọng cho rằng ‘Tính ưu việt của chế độ XHCN nước ta tiếp tục phát huy cao độ trong thời gian vừa qua!’... khi chống đại dịch COVID-19 ở Việt Nam:
“Đó là một nhân định mang nặng tính chủ quan, không phản ánh đúng sự thật. Thứ nhất là đại đa số nhân dân Việt Nam chẳng thấy tính ưu việt của chế độ XHCN ở đâu cả mà chỉ thấy phải sống dưới chế độ độc tài toàn trị của Cộng sản. Nếu có một số người nói rằng chế độ XHCN ưu việt thì đó chẳng qua là số rất ít được hưởng đặc quyền đặc lợi, được chế độ ưu đãi.
Đại đa số người dân thấy rất rõ rằng chế độ XHCN tồn tại được ở Việt nam là nhờ vào hai gọng kìm do Đảng Cộng sản (ĐCS) tạo ra là “Công an trị” và “Tuyên truyền”. Trước đây ở một số nơi người ta cho rằng chế độ XHCN có ưu việt trong việc giáo dục và y tế miễn phí và mọi điều liên quan đến đời sống của mọi người dân được Nhà nước chăm lo. Mà thực ra khi có như vậy thì Nhà nước cũng lấy ngân sách từ sự đóng góp của người dân và khai thác tài nguyên chứ đâu phải do ĐCS làm ra.”
Tóm lại theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, ‘Tính ưu việt của chế độ XHCN’ là một thủ đoạn tuyên truyền của cộng sản chứ không phải là môt sự thật khách quan. Ông nói tiếp:
“Thứ hai, trong việc điều hành và quản lý đất nước thì Chính quyền của Việt Nam theo chế độ XHCN tỏ ra yếu kém trong nhiều chuyện, đặc biệt trong bốn đợt chồng đại dịch vừa qua thì dưới sự khống chế của ĐCS mà chính quyền càng để lộ rõ sự bất lực, sự độc đoán. Sự u mê và hống hách của một số người được trao quyền hành đã thể hiện khá rõ, rộng khắp.
Quả là chính quyền có tổ chức cứu trợ, đem quân đội và công an đến giúp dân ở vài nơi, nhưng nhìn chung thì tác hại do chính quyền gây ra cho dân và cho Nhà nước là rất lớn. Thế thì phát huy tính ưu việt chỗ nào.”
Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng, ông Trọng kêu gọi hãy nhìn vào sự thật, nhưng bản thân ông chẳng thấy được sự thật ở đâu cả, hoặc chỉ thấy một phần rất nhỏ của sự thật do cấp dưới trích ra mà thôi. Những lời ông Trọng nói ra được trên hai trăm ủy viên trung ương nghe một cách thờ ơ như những cái máy, nếu có ai không đồng ý cũng không dám phản biện. Rồi các báo, đài của Đảng ra sức ca ngợi, tung hô. Thế nhưng theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, đại đa số nhân dân, cũng giống như trước đây, chẳng mấy ai tin vào điều ông Trọng nói.