Nỗi lo lây nhiễm virus Corona trong dịp Tết

0:00 / 0:00

Bộ Y tế Việt Nam họp khẩn

Tại cuộc họp khẩn vào ngày 24/1/20, Bộ Y tế Việt Nam xác nhận có hai trường hợp được Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh kết luận dương tính với virus corona.

Hai người nhiễm bệnh này được cho biết là hai cha con người Trung Quốc nhập viện tại Bệnh viện Chợ Rẫy vào ngày 22/1, sau khi lần lượt có biểu hiện sốt vào ngày 17 và ngày 20/1.

Truyền thông quốc nội loan tin người cha và vợ đi từ thành phố Vũ Hán, nơi phát dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra, đến Hà Nội vào ngày 13/1. Sau đó hai người gặp con trai tại Nha Trang. Và cả ba cùng đi đến thành phố Hồ Chí Minh và Long An.

Cơ quan chức năng y tế Việt Nam cho rằng kết quả xét nghiệm hai cha con bệnh nhân người Trung Quốc dương tính với virus corona chỉ là kết luận ban đầu, vì theo đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa có mẫu thử chuẩn do đây là dịch mới. Tuy nhiên, kể từ ngày 24/1, tức ngày 30 Tết Nguyên đán, Trung tâm Khẩn cấp của Bộ Y tế Việt Nam bắt đầu hoạt động để ứng phó với dịch coronavirus mới này.

Nỗi lo bị lây nhiễm

Đài RFA ghi nhận qua trang fanpage của báo giới trong nước cũng như qua các trạng mạng xã hội liên quan những tin tức về dịch virus corona, không ít người bày tỏ sự lo lắng có nguy cơ bị lây nhiễm trong dịp nghỉ 7 ngày Tết Nguyên đán Canh Tý khi di chuyển, đi lại và nhất là lỡ bị cảnh sát giao thông dừng xe để thử nồng độ cồn.

Ông Trần Văn Sáu, ở Bình Dương chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do:

<i>Một điều mà mọi người đang rất quan tâm là hiện giờ đang có chiến dịch thử độ cồn mà theo tôi biết cái dụng cụ thử độ cồn đó phải dùng miệng để đo hơi thở. Do đó, tôi ngại vô tình nó sẽ là một phương tiện gây lây lan nhanh chóng hơn nữa. Thật là nguy hiểm<br/>-Ông Trần Văn Sáu</i>

“Hiện giờ cũng chưa biết rõ virus Corona lây lan như thế nào, nhưng thường là những bệnh như vậy lây lan từ môi trường hơi thở và nước miếng…trong không khí. Một điều mà mọi người đang rất quan tâm là hiện giờ đang có chiến dịch thử độ cồn mà theo tôi biết cái dụng cụ thử độ cồn đó phải dùng miệng để đo hơi thở. Do đó, tôi ngại vô tình nó sẽ là một phương tiện gây lây lan nhanh chóng hơn nữa. Thật là nguy hiểm!”

Bác sĩ Lê Văn Dũng, từng làm việc ở Viện Y học Dự phòng, lên tiếng xác nhận với RFA liên quan điều lo lắng mà ông Trần Văn Sáu vừa nêu:

“Virus Corona lây qua hai đường gồm đường hô hấp (đường thở) và đường tiêu hóa, mà khi dùng hay ngậm chung dụng cụ thử nồng độ cồn thì có cả nước bọt và cả hơi thở nên càng tạo điều kiện lây lan nhiều hơn. Vả lại, trong thời gian ủ bệnh đến 14 ngày, cả hai tuần không có triệu chứng, con virus mầm bệnh vẫn nằm trong cơ thể và giai đoạn đấy sẽ bị lây lan nhiều.”

Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện giao thông tại thành phố Nha Trang.
Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện giao thông tại thành phố Nha Trang. (Courtesy: mt.gov.vn)

Một môi trường dễ bị lây nhiễm virus corona còn có thể nhắc đến là đi du lịch trong dịp nghỉ Tết dài ngày. Báo mạng VTC News cũng đề cập đến các công ty lữ hành vướng phải tình trạng bị một số hướng dẫn viên du lịch hủy tour dẫn khách sang Trung Quốc vì lo sợ bị mắc bệnh. Ngược lại, các hướng dẫn viên du lịch ở trong nước cũng lo ngại không kém. Từ Sài Gòn, anh Khánh, một hướng dẫn viên du lịch nói với RFA:

“Số lượng khách đến Việt Nam đi tới Sài Gòn, Nha Trang, Đà Nẵng…mà số khách đó là những cư dân đến từ thành phố gọi là trung tâm của dịch bệnh và phát tán ra ở Việt Nam thì mình sẽ cảm thấy không an toàn. Còn như đi tour với khách Trung Quốc thì mình cảm thấy lo sợ chứ!”

Trả lời RFA về biện pháp nào có thể giúp phòng ngừa bị nhiễm virus corona, Bác sĩ Lê Văn Dũng nhấn mạnh vì đây là một dịch bệnh mới nên trước mắt ngành y tế chỉ có những khuyến cáo về các biện pháp phòng bệnh cơ học:

“Con virus này có hai đường lây, một là lây qua đường hô hấp và hai là lây qua đường tiêu hóa, xâm nhập qua đường tiêu hóa để vào trong cơ thể. Về nguyên tắc về đường hô hấp thì phòng bị lây nhiễm là phải che chắn để tránh hít phải những chất của người bệnh thải ra qua không khí như che mạng, rửa tay, rửa mũi và tránh tiếp xúc với người có nguy cơ bị bệnh. Còn đường tiêu hóa thì phải tránh dùng chung chén, cốc…khi ăn uống. Nói là nói như thế thôi chứ khi nguồn bệnh đã ra môi trường do người ta đã hắt hơi thì tính theo mỗi lần hắt hơi thì khả năng phát tán đến vài chục mét và hàng trăm, hàng ngàn giọt tiết ra từ nước bọt và dịch mũi bay ra và loan tỏa trong không khí thì phải có những dụng cụ bảo hộ đặc biệt và lọc được các virus đó thì mới bảo vệ được hoàn toàn.”

Tổ chức Y tế Thế giới: “Tình trạng khẩn cấp”

Chủng coronavirus lạ được ghi nhận khởi phát tại thành phố Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc và lây lan sang nhiều thành phố lớn khác tại Hoa Lục gồm Bắc Kinh, Thượng Hải và đặc khu hành chánh Hong Kong.

Tính đến ngày 24/1/20, Trung Quốc xác nhận có 830 trường hợp nhiễm virus corona và đã có 26 người bị tử vong vì loại virus lạ này.

<i>Con virus này có hai đường lây, một là lây qua đường hô hấp và hai là lây qua đường tiêu hóa, xâm nhập qua đường tiêu hóa để vào trong cơ thể. Về nguyên tắc về đường hô hấp thì phòng bị lây nhiễm là phải che chắn để tránh hít phải những chất của người bệnh thải ra qua không khí như che mạng, rửa tay, rửa mũi và tránh tiếp xúc với người có nguy cơ bị bệnh. Còn đường tiêu hóa thì phải tránh dùng chung chén, cốc…khi ăn uống<br/>-Bác sĩ Lê Văn Dũng</i>

Một số trường hợp nhiễm coronavirus lạ cũng được xác nhận tại những quốc gia khác trên thế giới gồm Singapore, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ và Việt Nam.

Tổ chức Y Tế Thế giới (WHO) cho biết hiện tại chưa có vắc-xin đối với loại virus corona. WHO vào ngày 23/1 gọi đợt bùng phát dịch coronavirus lạ hiện nay là tình trạng khẩn cấp, tuy nhiên chưa công bố đó là dịch.

Một trong những giải pháp nhằm ứng phó, phòng ngừa dịch coronavirus phát tán tại Việt Nam được đăng tải trên Báo Người Lao Động Online vào hôm 24/1 là “nên sẵn sàng đóng cửa biên giới với Trung Quốc” và được nhiều độc giả ủng hộ giải pháp này.