“Việt Nam có nhiều bước tiến, thuộc nhóm những nước có kết quả tốt” là nhận xét chung của hai giáo sư Mỹ khi nói về kết quả nghiên cứu của họ thông qua dự án RISE. Tin được báo chí Nhà nước Việt Nam trích đăng rộng rãi hôm 24/1 vừa qua.
RISE là tên một chương trình nghiên cứu cải thiện hệ thống giáo dục cho các nước, được 2 chuyên gia đại học Minnesota của Mỹ là Tiến sĩ Paul Glewwe và Tiến sĩ Joan Dejaeghere, tiến hành tại Việt Nam 5 năm qua.
Mục đích của RISE là tìm hiểu sự phát triển và kết quả các chính sách giảng dạy có tầm ảnh hưởng đến giáo dục phổ thông từ Tiểu học đến Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông trong quốc gia đó.
Theo Giáo sư Paul Glewwe, xét về PISA tức kết quả đánh giá học sinh quốc tế, có thể thấy Việt Nam vẫn giữ vững đà phát triển. Từ năm 2018, ông nói, Việt Nam luôn nằm trong nhóm những nước có kết quả tốt.
Có đôi điều cần bàn rõ về sự đánh giá giáo dục Việt Nam thuộc nhóm những nước có kết quả tốt, là ý kiến của tiến sĩ Nông Duy Trường, người chủ xướng và điều hành mạng ICEVN Học Viện Công Dân Việt Nam ở Texas, Hoa Kỳ.
Ông nói nếu chỉ dùng dữ kiện về PISA (Program For International Student Assessment), tức chương trình xác định khả năng của học sinh quốc tế thực hiện từ năm 2000 mà đến 2018 Việt Nam mới tham gia, thì e là không mấy chính xác:
“PISA có kỳ thi mỗi 3 năm một lần. Kỳ thi đầu tiên gồm 15 nước và đến 2018 thì có 79 nước tham gia trong đó có Việt Nam. Nói rằng từ năm 2018 Việt Nam vẫn luôn thuộc các nước được kết quả tối thì có 2 điều cần nói. Thứ nhất, kết quả tốt như thế nào thì không thấy nêu rõ ràng đứng hạng mấy trong bao nhiêu nước? Thứ hai, kỳ thi PISA này có thực sự đánh giá những tiến triển về giáo dục hay không”.
Vẫn theo tiến sĩ giáo dục Nông Duy Trường, PISA là kỳ thi gồm học sinh các nước từ 15 tuổi trở lên, 3 môn thi chính là Đọc, Toán và Khoa Học, để xem những em học sinh 15 tuổi này có biết áp dụng kiến thức của ba môn học đó vào tình huống thực tế ngoài đời hay không.
“Khi PISA đánh giá những khả năng như vậy thì không thể dùng nó để đánh giá những khả năng khác. Đánh giá là sự tiến triển của học sinh đạt điểm cao trong đó thì trình độ giáo dục của một nước sẽ tăng lên là không chính xác”
“Các nước khác người ta dùng máy tính thành họ công bố kết quả qua máy tính. Các nước như Argentina, Jordan, Lebanon, Moldova, Macedonia, Romania. Saudi Arabia, Ukraine và Việt Nam vẫn thi bằng giấy”
“Theo tôi tìm hiểu thì Việt Nam trong kỳ thi 2018 đứng hàng thứ 13 về đọc, thứ 24 về Toán và thứ tư về Khoa Học. Với 3 cái điểm như vậy thì không biết được xếp hạng như thế nào trong thứ bậc kết quả để mà so sánh”.
Khi PISA đánh giá những khả năng như vậy thì không thể dùng nó để đánh giá những khả năng khác. Đánh giá là sự tiến triển của học sinh đạt điểm cao trong đó thì trình độ giáo dục của một nước sẽ tăng lên là không chính xác - TS Nông Duy Trường
Do vậy dùng kết quả PISA như một chứng cứ hay một công cụ (instrument) đo lường mức độ tiến triển của giáo dục Việt Nam 5 năm qua là chưa ổn lắm theo nhận xét của tiến sĩ Nông Duy Trường.
Theo Tiến sĩ Joan DeJaeghere, đồng tác giả chương trình nghiên cứu RISE- dự án cải thiện hệ thống giáo dục cho Việt Nam- thì giáo dục phổ thông là bước tiến vô cùng quan trọng của nền giáo dục Việt Nam mấy năm qua.
Bên cạnh những thành tựu như tỉ lệ nhập học, tỉ lệ tốt nghiệp các bậc giáo dục cơ bản cũng như thành tích đầu ra, tiến sĩ DeJaeghere còn nhấn mạnh đến vai trò và tầm ảnh hưởng của đội ngũ giáo viên.
Mặc dù kết quả học tập của học sinh chịu tác động phần lớn từ gia đình, bà DeJeaeghere phân tích tiếp, nhưng giáo viên ở trường lại giữ một vai trò quyết định.
Sự đánh giá vừa nói không phản ảnh hoàn toàn thực trạng giáo dục Việt Nam, là suy nghĩ của nhà giáo Phạm Minh Hoàng, từng nhiều năm giảng dạy trong Đại Học Bách Khoa TPHCM:
“Thu nhập thấp đẻ ra những tiêu cực trong cuộc sống của giáo viên Việt Nam. Vừa bỏ phấn xuống thì cô giáo thầy giáo phải cắm đầu dạy thêm. Không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con đi học thêm, mà nếu không học thêm thì thành tích học tập của các em là không được tốt. Nếu giáo viên gọi như là dùng áp lực để bắt học sinh đi học thêm thì ảnh hưởng đó không tốt chút nào”
“Điểm thứ hai, 2 vị giáo sư nói tỷ lệ Trung học Phổ thông ở Việt Nam rất cao, hơn 90%, để nói đây là nền giáo dục tốt thì tôi không chia sẻ cái đấy được. Nơi tôi đang ở là nước Pháp, tỷ lệ đậu Tú Tài hơn 70% thôi, thì có thể kết luận giáo dục của Pháp dở hơn Việt Nam hay không?”
“Bắt các em học nhiều quá để có tỷ lệ tốt nghiệp cao là chuyện chạy theo thành tích. Gánh nặng học hành nhiều quá, phải học thêm nhiều quá là không đúng xu hướng giáo dục tốt của các nước trên thế giới”.
Một bước tiến khác của giáo dục Việt Nam trong mắt 2 chuyên gia Paul Glewwe và Joan Dejaeghere là tỉ lệ học sinh học qua Internet cũng như trên truyền hình tăng rất cao.
Biểu đồ mà báo cáo đưa ra cho thấy trên 80% học sinh các thành phố trực thuộc trung ương học trực tuyến, kế tiếp là Đồng Bằng sông Hồng 72 đến 74%, vùng Tây Nam Bộ 75,5% , miền núi phía Bắc 47,3%.
Nhà giáo Phạm Minh Hoàng nói ông hoàn toàn đồng ý với những con số cao thấp về việc học trực tuyến ở Việt Nam:
“Cái nhận xét là kỹ thuật số phục vụ cho giáo dục trực tuyến thì tôi công nhận 2 vị Giáo sư này đúng. Ở Việt Nam tỷ lệ dùng Internet đến bây giờ là trên 70%. Có lần tôi đi về một vùng tạm gọi như nông thôn, tôi bắt sóng WiFi hay sóng 4G rất là tốt”
“Điều này có nghĩa Nhà Nước đầu tư về hạ tầng cơ sở rất tốt. Nếu học trực tuyến là xu hướng bây giờ thì rõ ràng Việt Nam đã có những điều kiện tương đối đầy đủ”.
Từ Đại Học Maine, Hoa Kỳ, Giáo sư Ngô Vĩnh Long cũng cho rằng biểu đồ so sánh sự khác biệt vùng miền về kỹ thuật số trong việc học trực tuyến của học sinh là điểm tích cực và đáng quan tâm nhất trong báo cáo của 2 chuyên gia đại học Minnesota.
Giáo sư DeJaeghere thì nhận xét thêm rằng Việt Nam đang thể hiện sự chuyển dịch theo hướng tiếp cận phát triển năng lực. Bà khẳng định đây là nỗ lực rất lớn của Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập.
Nhà xã hội học Tăng Thị Duyên Hồng, giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Coins For Change, cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề tranh cãi trong giáo dục Việt Nam, không phải khảo sát nào hay báo cáo nào cũng sát với thực tế. Với cô thì báo cáo về giáo dục Việt Nam của các chuyên gia Mỹ không đủ sức thuyết phục:
"Mình không được đọc hết báo cáo đó, nhưng với những trích dẫn trên báo mà chúng ta đọc được thì có thể thấy họ không phê bình cụ thể, không đi vào chi tiết, không so sánh nước mình với nước khác. Chênh lệch 0.05% thôi cũng là một sự khác biệt phải được đưa ra mổ xẻ trong tất cả những báo cáo khoa học chứ không thể nói chung chung được. Tôi có cảm giác như vậy khi đọc những lời trích của các giáo sư này trên báo, còn nếu được đọc nguyên cái full report thì có thể cảm giác nó sẽ khác đi".
Nhận định về giáo dục Việt Nam trong 5 năm tới, Giáo sư Paul Glewwe cũng như Giáo sư Join DeJaeghere đều nhấn mạnh rằng giáo dục Việt Nam đang trên đà phát triển nhanh và sẽ có nhiều thay đổi chóng mặt.
Với đà tiến triển đó, 2 vị Giáo sư khẳng định, Việt Nam cần triển khai ngay các chương trình nghiên cứu chuyên sâu để có thể tự lượng định mức độ ảnh hưởng của các chính sách các biện pháp mới đang được áp dụng.
Tuy nhiên theo nhiều người ở Việt Nam hiện nay, giáo dục Việt Nam còn nhiều bất cập mà suốt bao năm ‘cải cách’ vẫn chưa thể giải quyết được gì.