Tại kỳ họp cuối năm 2023, Quốc hội sẽ thực hiện lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo do Quốc hội bầu, phê chuẩn tại kỳ họp 6 (tháng 10 năm 2023), bao gồm Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội.
Có ba mức phiếu tín nhiệm, gồm tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Nhiều người cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm của Quốc Hội đối với các chức danh chủ chốt không là dấu hiệu tiến bộ dân chủ, vì không có phiếu nào “không tín nhiệm” cả. Đây có thể chỉ là cách để các phe phái hạ uy tín của nhau.
Một luật sư không muốn nêu tên vì lý do an toàn, từng đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản, nói với RFA nhận định của ông vào ngày 28 tháng 9:
“Cách lấy phiếu tín nhiệm này khác hẳn các nước dân chủ. Việt Nam lấy phiếu tín nhiệm nhưng chỉ có ba mức là tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Như thế, mặc nhiên các chức danh này đã có tín nhiệm. Mà đã có tín nhiệm thì đương nhiên các ông vẫn được giữ chức. Họ không có mức “không tín nhiệm” để phế truất như những nước dân chủ.
Dù Quốc hội trên danh nghĩa là do dân bầu, nhưng thực chất là do Đảng bởi ứng cử viên là do Đảng đưa ra. Nhìn vào thành phần Quốc hội thì hết 95% là đảng viên nên đây rõ ràng chỉ là Đảng bỏ phiếu cho Đảng thôi. Mà trong Đảng thì chắc chắn có phe phái đánh nhau. Mao Trạch Đông đã nói “trong đảng có phái và ngoài đảng có đảng” mà. Các phe phái dòm ngó nhau. Bỏ phiếu tín nhiệm cũng nhằm hạ uy tín nhau, triệt hạ nhau. Như thế họ cũng cảnh giác hơn là không có ai soi họ. Thôi thì có còn hơn không!”
Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ truởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân Vận Trung ương nói với RFA hôm 28 tháng 9:
" Chưa biết họ sẽ dùng kết quả lấy ý kiến tín nhiệm này để làm gì. Có thể họ dùng để gây sức ép bắt anh này thôi, anh kia không được mon men đến những chức vụ lớn hơn như chủ tịch nước hay tổng bí thư chẳng hạn. Cũng có thể họ muốn miễn chức, tức là bác bỏ chức của ông nào đấy nên họ lấy ý kiến để có cơ sở nói 'anh nên thôi, anh đừng làm việc này việc kia…'. Mục đích thực sự của việc lấy phiếu tín nhiệm này là gì thì mình chưa rõ vì họ giấu kín. "
Các chức danh do Quốc hội bầu gồm: Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Phó chủ tịch nước, bốn Phó chủ tịch Quốc hội, 13 Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước.
Chưa biết họ sẽ dùng kết quả lấy ý kiến tín nhiệm này để làm gì. Có thể họ dùng để gây sức ép bắt anh này thôi, anh kia không được mon men đến những chức vụ lớn hơn như chủ tịch nước hay tổng bí thư chẳng hạn. Cũng có thể họ muốn miễn chức, tức là bác bỏ chức của ông nào đấy nên họ lấy ý kiến để có cơ sở nói ‘anh nên thôi, anh đừng làm việc này việc kia…’. Mục đích thực sự của việc lấy phiếu tín nhiệm này là gì thì mình chưa rõ vì họ giấu kín. - Giáo sư Nguyễn Khắc Mai
Các chức danh Quốc hội phê chuẩn gồm: bốn Phó thủ tướng Chính phủ, 18 bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổng thanh tra Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Chính phủ.
Lần đầu tiên Quốc hội sử dụng quyền giám sát tối cao đối với những chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu và phê chuẩn bằng hình thức lấy phiếu tín nhiệm là năm 2013, cũng với ba mức là tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Lúc bấy giờ, bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, nói với RFA:
“Thực ra cũng phải đánh giá đây là lần đầu tiên mà Quốc hội ở Việt Nam có tổ chức lấy phiếu lấy ý kiến như vậy, so với bao nhiêu năm trước đây chưa làm được thì cũng có thể coi đây là một chút bước tiến về dân chủ, theo cách qua đó Quốc hội là đại biểu của dân, đại diện cho cử tri có thể lên tiếng đánh giá những người lãnh đạo giữ những chức vụ do Quốc hội bầu ra.
Tuy nhiên cách làm này cũng chưa được như mong muốn của nhiều người, tôi cho là đây là bước đầu tiên thì tạm chấp nhận như vậy. Nhưng mà mong rằng sau này Quốc hội có thể áp dụng các biện pháp khác phù hợp hơn, có thể như cách ở các nước khác đã làm và nó sẽ có được những kết quả thể hiện được đầy đủ hơn những đánh giá của mọi người và yêu cầu của cử tri đối với các chức vụ khác nhau.”
Có thể thấy sau chín năm, mọi thứ không thay đổi gì vì vẫn chỉ có ba mức tín nhiệm. Có thể hiểu là ai cũng có tín nhiệm.
Ở các nước dân chủ, một vị lãnh đạo điều hành kém hay thất bại trong việc quản lý các công việc của nhà nước sẽ phải chịu quy trình bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội. Lá phiếu sẽ chỉ là tín nhiệm và bất tín nhiệm mà thôi. Cách nay vài tháng, các đảng đối lập của Thái Lan đã đệ đơn bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Prayuth Chan-ocha và 10 bộ trưởng trong nội các, cáo buộc họ có hành vi mua chuộc, quản lý kinh tế yếu kém, tham quyền cố vị và phá hoại nền dân chủ.
Nhiều người cho rằng, ba vị trí Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội do Quốc hội bầu nên Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm, còn vị trí Tổng Bí thư thuộc về bên Đảng nên nếu có bỏ phiếu tín nhiệm thì Đảng sẽ thực hiện. Thực tế ra sao? Vị luật sư ở Hà Nội cho biết:
"Chức Tổng bí thư thì trong nội bộ Đảng họ cũng có lấy phiếu tín nhiệm, trong hội nghị trung ương chẳng hạn, nhưng họ không công bố thôi. Cái đó thuộc phạm trù nội bộ của Đảng. Mà không có luật về Đảng nên dân không có quyền được biết."
Giáo sư Nguyễn Khắc Mai nêu quan điểm của ông:
“Lấy phiếu tín nhiệm Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội tức về mặt Nhà nước thì họ làm. Còn lấy phiếu tín nhiệm của dân về Đảng thì họ không làm. Thậm chí ngay trong Đảng mà họ cũng không làm chứ đừng nói là ngoài xã hội.
Ví dụ bây giờ lấy ý kiến của đảng viên đối với những chức danh lớn của Đảng thì họ cũng chưa bao giờ làm dù đúng ra là họ nên làm. Họ cho là họ ngoài xã hội nên không cần lấy ý kiến của ai hết. Hiện nay hệ thống Đảng vẫn theo một cái định nghĩa của Engels cách đây 150 năm. Đấy là một lũ quan liêu không bao giờ bị sai lầm và luôn luôn đúng.
Ông Trương Duy Nhất, người đang phải thụ án thứ hai 10 năm tù, là chủ nhân của trang blog 'Một góc nhìn khác'. Sau khi có cuộc bỏ phiếu tín nhiệm hồi năm 2013, trên Blog 'Một góc nhìn khác' có những mục 'Chấm điểm bộ tứ nguyên thủ', 'Chấm điểm thủ tướng', 'Bỏ phiếu cùng quốc hội', 'Chất lượng chính phủ: quá tệ' ghi nhận ý kiến của công chúng về những lãnh đạo lúc bấy giờ. Những mục này bị đem ra làm chứng cứ để kết tội ông trong bản án thứ nhất vào năm 2014 với cáo buộc tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân".