Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc nói gì về việc tuân thủ Luật biển Quốc tế?

0:00 / 0:00

Ông Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc chúc mừng ông Tập Cận Bình tiếp tục nắm quyền ở nhiệm kỳ thứ 3. Như RFA đã đưa tin, bản Tuyên bố chung nhân chuyến thăm này có một điểm mới so với bản tuyên bố chung năm 2017 (và cả bản tuyên bố chung năm 2011), là nêu trực tiếp rằng hai bên sẽ tuân thủ công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS).

Tuy nhiên, mục số 9 của bản Tuyên bố chung này, ngay trước khi nhắc đến UNCLOS, đã rào trước nội dung sau đây: "Hai bên nhất trí tiếp tục (...) tích cực bàn bạc về các biện pháp giải quyết mang tính quá độ, tạm thời không ảnh hưởng đến lập trường, chủ trương của mỗi bên ; tìm kiếm giải pháp cơ bản lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được ."

"Lập trường và chủ trương" của Việt Nam và Trung Quốc đối với Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa vốn trái ngược nhau. Vậy những "biện pháp giải quyết mang tính quá độ, tạm thời" là những biện pháp nào để có thể "không ảnh hưởng" đến hai lập trường vốn loại trừ nhau?

RFA phỏng vấn Thạc sỹ Phạm Ngọc Minh Trang, nhà nghiên cứu làm việc tại Viện Max Planck về Hòa bình quốc tế và Tinh thần pháp quyền về vấn đề này.

RFA: Có thể nói câu văn trên sẽ vô hiệu hóa nội dung liên quan đến UNCLOS trong bản Tuyên bố chung hay không?

Phạm Ngọc Minh Trang: Các tuyên bố chung của hai nước Việt Nam và Trung Quốc là các văn bản mang tính chất ngoại giao, chính trị; chúng không có giá trị pháp lý để có thể "loại bỏ" hay "vô hiệu hoá" các cam kết pháp lý của Việt Nam và Trung Quốc trong Công ước luật biển 1982 mà cả hai nước này đều là thành viên.

Do đó, về mặt chính trị, đối với các vấn đề ở Biển Đông, Hà Nội và Bắc Kinh có thể tiếp tục bàn bạc, đàm phán hay tham vấn về các biện pháp để giải quyết các tranh chấp, bất đồng mà hai bên chấp nhận được, như đã nêu trong Tuyên bố chung.

Ngoài ra, các biện pháp pháp lý như Trọng tài, Toà án trong Công ước vẫn được sử dụng khi một hay hai bên cảm thấy phù hợp với lợi ích của mình.

RFA: Xin bà cho một thống kê ngắn về những “lập trường và chủ trương” vi phạm UNCLOS của Trung Quốc đối với các đảo, đá trên Biển Đông và Biển Đông. Việt Nam và các nước khác bị thiệt hại gì nếu "bàn bạc về các biện pháp giải quyết mang tính quá độ, tạm thời mà không ảnh hưởng đến lập trường, chủ trương" của Trung Quốc?

Phạm Ngọc Minh Trang: Hiện nay Trung Quốc vẫn luôn khẳng định họ tôn trọng luật pháp quốc tế trên biển khi họ vẫn tôn trọng quyền tự do đi lại của tàu thuyền nước ngoài trong các vùng biển mà họ cho rằng đó là vùng biển cả.

Tuy nhiên, họ lại không công nhận quyền đi lại vô hại của một số loại tàu thuyền trong lãnh hải (chưa kể yêu sách về lãnh hải của họ khó có thể nói là tuân theo Công ước luật biển).

Ngoài ra, Trung Quốc dựa vào các nội luật của họ năm 19921998, cho rằng họ có quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển vượt quá giới hạn cho phép của UNCLOS. Bên cạnh đó, cách họ tuyên bố chủ quyền đối với các thực thể trên Biển Đông mà họ cho rằng đó là các "Đảo" về mặt pháp lý cũng trái ngược với luật quốc tế.

Họ ngăn cản việc khai thác tài nguyên thiên nhiên của các quốc gia ở Biển Đông trong phạm vi đường chín đoạn (mà đường này đã được chứng minh bởi Toà trọng tài quốc tế là không có giá trị pháp lý). Họ cũng không công nhận phán quyết của Toà trọng tài được thành lập hợp pháp theo Công ước. Đây là các hành vi xem thường Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển của Bắc Kinh.

Và tất nhiên các hành vi này sẽ dẫn đến phản ứng của các nước liên quan, ví dụ như Philippines và Malaysia phản ứng trước lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc trong các khu vực mà các nước này cũng yêu sách quyền chủ quyền, hay Mỹ phản ứng trước các hành vi của Trung Quốc làm ảnh hưởng đến quyền tự do đi lại của các tàu chiến của Mỹ ở Biển Đông. Đây là mấu chốt dẫn đến các bất ổn cho an ninh và hoà bình của khu vực này.

RFA: Khi ký Công ước Liên Hiệp quốc về Luật biển, Trung Quốc đã tuyên bố có "bảo lưu" những đòi hỏi của mình như Điều 298 của Công ước cho phép. Tuy nhiên, những bảo lưu của Trung Quốc lại trái với chính UNCLOS. Xét từ lợi ích tổng thể của Trung Quốc ở Đông Nam Á, bao gồm ảnh hưởng "quyền lực mềm" trong chính trị, kinh tế, văn hóa, nhận được sự thân thiện từ Đông Nam Á..., nước này chọn chiến lược nào trong hai chiến lược dưới đây thì đem lại lợi ích cho họ nhiều hơn?

  1. Tuân thủ UNCLOS, tổn trọng lợi ích các nước xung quanh Biển Đông.
  2. Tiếp tục lập trường cứng rắn hiện nay: chiếm 80% Biển Đông, chiếm hai vùng đảo Hoàng Sa, Trường Sa, quân sự hóa các đảo này.

Rõ ràng cho đến nay họ vẫn đang chọn lập trường sau (2). Tại sao?

Phạm Ngọc Minh Trang: Theo tôi, Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục lập trường cứng rắn ở Biển Đông, vì lợi ích của họ có được từ các hành vi này là lớn hơn các tổn hại.

Họ xây dựng và củng cố các căn cứ quân sự ở các Đảo trên Biển Đông, từ đó, kiểm soát tốt hơn việc đi lại và khai thác tài nguyên thiên nhiên ở đây. Thực tế, các hoạt động khai thác của các quốc gia trong khu vực đã bị gián đoạn hoặc ngừng hoạt động, và đây là mục tiêu mà Trung Quốc hướng đến.

Từ đó, họ có lợi hơn trong việc đàm phán Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên (COC). Phản ứng của các nước trong khu vực, những nước bị ảnh hưởng trực tiếp, là khá yếu ớt và dường như không có tác dụng lên hành vi của Trung Quốc.

Các nước lớn, đặc biệt là Mỹ, chưa có một lý do chính đáng để phản ứng mạnh mẽ hơn với Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc vẫn đang thắng thế tại Biển Đông, chiến thuật của họ cho đến giờ là vẫn hiệu quả, và họ không có lý do gì để không duy trì và phát huy hơn nữa các hành vi này.

RFA xin trân trọng cảm ơn nhà nghiên cứu Phạm Ngọc Minh Trang đã chia sẻ với khán thính giả chúng tôi những phân tích của mình.