Doanh nghiệp nói gì về chống tham nhũng vặt tại Việt Nam?

0:00 / 0:00

“Diễn ra tương đối phổ biến”

Tại báo cáo về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019 trình Ủy ban Tư pháp Quốc hội thẩm tra, diễn ra vào sáng ngày 3 tháng 9, Đại diện Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công an-Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết trong năm qua đã có 281 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ, giảm so với năm 2018.

Thứ trưởng Bộ Công an-Thượng tướng Lê Quý Vương nhấn mạnh rằng các vụ án tham nhũng được đẩy nhanh tiến độ xử lý, tuy nhiên tình trạng tham nhũng vặt vẫn còn diễn ra tương đối phổ biến, nhất là ở cơ sở. Thượng tướng Lê Quý Vương đã viện dẫn trường hợp tham nhũng vặt điển hình liên quan vụ 3 cán bộ thuộc Đoàn thanh tra Bộ Xây dựng bị khởi tố về tội nhận hối lộ khi đến thanh tra tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Trước đó tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến Chỉ thị số 10/CT-TTg, diễn ra vào sáng ngày 27/06 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình thẳng thắn cho rằng cán bộ, công viên chức của nhiều ngành, ở nhiều cấp lợi dụng chức vụ, kẽ hở về chính sách và pháp luật, lợi dụng lòng tin và sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân và doanh nghiệp để sách nhiễu, gây phiền hà, giải quyết không đúng quy định…dẫn đến hậu quả cản trở sự phát triển kinh tế xã hội.

Đài RFA ghi nhận Báo cáo mới nhất do Phòng Thương Mại-Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Báo cáo thường niên về Chỉ số Cạnh tranh Cấp tỉnh (PCI) tại Việt Nam hồi cuối tháng 3 năm 2019, cho thấy có đến 58% doanh nghiệp trong nước vẫn còn bị nhũng nhiễu, 54% doanh nghiệp vẫn phải trả phí bôi trơn.

<i>Từ xưa tới giờ, lúc nào cũng vậy, đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. Người ta không đòi. Nhưng tôi tự nguyện đưa vì nó ảnh hưởng đến việc kinh doanh của tôi, thành ra tôi phải để phong bì. Nếu có những đợt truy kích từ quận đưa xuống thì phường tự động báo với tôi vào giờ đó, ngày đó sẽ có đội trật tự đi gom đồ và tôi sẽ không dọn ra hoặc tôi sẽ cho người đứng đó để dẫn xe khách đi chỗ khác. Tại vì bây giờ mua bán cạnh tranh rất là nhiều, cạnh tranh chỗ đậu xe, cạnh tranh mặt bằng, cạnh tranh thức ăn, cạnh tranh giá cả, cạnh tranh chất lượng…và để được những cái như vậy thì tôi phải móc túi ra<br/>-Chủ doanh nghiệp ở Sài Gòn</i>

Trao đổi với một số doanh nghiệp tư nhân ở trong nước, Đài Á Châu Tự Do được nghe giới doanh nhân Việt Nam nói rằng, những chi phí mà họ phải trả cho việc “bôi trơn” hay khi bị “nhũng nhiễu” được xếp vào là loại phí dành cho “tham nhũng vặt” và loại phí này thì rất vô chừng.

Một số doanh nhân còn giải thích với RFA rằng theo họ, tình trạng “tham nhũng vặt” mà Chính phủ Việt Nam đề cập tới là tham nhũng hành chính hay tham nhũng quan liêu, một kiểu tham nhũng diễn ra thường ngày khi các nhân viên công chức tiếp xúc với dân chúng trực tiếp. Riêng trong lĩnh vực kinh doanh, những vụ tham nhũng vặt còn thường xuyên xảy ra khi các doanh nghiệp tìm cách né tránh nghĩa vụ và các khoản thuế và khi các viên chức lạm dụng quy định (theo ý của họ) để tìm cách “bòn rút” tiền từ doanh nghiệp.

Trong thực tế, tình trạng tham nhũng vặt như vừa nêu lại xảy ra được cho là hàng ngày, hàng giờ với tinh thần “tự nguyện” của doanh nghiệp vì lợi ích kinh doanh của họ đối với đủ loại quan chức, chính quyền các cấp.

Bà Lan, chủ một chuỗi quán ăn ở Sài Gòn chia sẻ, các quán của bà rất đông khách và thường xuyên không đủ chỗ cho thực khách để xe, nên phải lấn ra hành lang vỉa hè và bà chủ động đưa phong bì cho nhân viên làm việc ở các cơ quan công quyền chuyên trách về trật tự đô thị. Bà Lan nói:

“Từ xưa tới giờ, lúc nào cũng vậy, đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. Người ta không đòi. Nhưng tôi tự nguyện đưa vì nó ảnh hưởng đến việc kinh doanh của tôi, thành ra tôi phải để phong bì. Nếu có những đợt truy kích từ quận đưa xuống thì phường tự động báo với tôi vào giờ đó, ngày đó sẽ có đội trật tự đi gom đồ và tôi sẽ không dọn ra hoặc tôi sẽ cho người đứng đó để dẫn xe khách đi chỗ khác. Tại vì bây giờ mua bán cạnh tranh rất là nhiều, cạnh tranh chỗ đậu xe, cạnh tranh mặt bằng, cạnh tranh thức ăn, cạnh tranh giá cả, cạnh tranh chất lượng…và để được những cái như vậy thì tôi phải móc túi ra.”

Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát động chiến dịch chống tham nhũng tại Việt Nam.
Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát động chiến dịch chống tham nhũng tại Việt Nam. (AFP)

Chính phủ kêu gọi…suông

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong buổi gặp mặt Đoàn Đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam và một số doanh nhân tiêu biểu tại trụ sở Chính phủ hồi trung tuần tháng 6, đã đưa ra đề nghị rằng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cùng tham gia chống tham nhũng, tiêu cực trong kinh doanh, nói không với tham nhũng tiêu cực.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến Chỉ thị số 10/CT-TTg, cũng yêu cầu tình trạng “tham nhũng vặt” cần phải sớm chấm dứt ở Việt Nam. Các khẩu hiệu của quan chức về chống tham nhũng luôn được đưa ra trong các cuộc họp, nhưng để lời nói đi đôi với hành động lại là câu chuyện khác…

Ông Duy Lê, một chuyên gia về quản trị thường xuyên làm việc với nhiều đối tác là doanh nghiệp nhận xét về tình hình chính phủ và doanh nghiệp trong chiến dịch chống tham nhũng tại Việt Nam:

“Bây giờ thấy là Chính phủ cũng đang nỗ lực và cố gắng chống tham nhũng. Đánh giá khách quan thì thấy tốt hơn. Thứ nhất là môi trường thông tin được mở hơn nên muốn gây khó cho doanh nghiệp cũng không phải dễ. Còn Chính phủ thì cũng có những động thái vừa phải và xử lý tham nhũng thấy cũng có nhiều vụ án trọng điểm được đưa ra. Cho nên các doanh nghiệp tốt hơn nhiều, họ đỡ sợ, đỡ lo bị quấy rầy, bị làm phiền. Nhưng nhớ rằng có hai loại doanh nghiệp: một loại doanh nghiệp sống bằng nghề đút lót thì chắc là vẫn còn và một loại doanh nghiệp thứ hai thì làm ăn đàng hoàng tử tế.”

<i>Bây giờ thấy là Chính phủ cũng đang nỗ lực và cố gắng chống tham nhũng. Đánh giá khách quan thì thấy tốt hơn. Thứ nhất là môi trường thông tin được mở hơn nên muốn gây khó cho doanh nghiệp cũng không phải dễ. Còn Chính phủ thì cũng có những động thái vừa phải và xử lý tham nhũng thấy cũng có nhiều vụ án trọng điểm được đưa ra. Cho nên các doanh nghiệp tốt hơn nhiều, họ đỡ sợ, đỡ lo bị quấy rầy, bị làm phiền. Nhưng nhớ rằng có hai loại doanh nghiệp: một loại doanh nghiệp sống bằng nghề đút lót thì chắc là vẫn còn và một loại doanh nghiệp thứ hai thì làm ăn đàng hoàng tử tế<br/>-Chuyên gia Duy Lê</i>

Bà Thanh Nguyễn, chủ một doanh nghiệp về xử lý rác thải còn nói với RFA rằng bà ghi nhận có một sự tích cực khi tiếng nói của doanh nghiệp được nhân viên, cán bộ những cơ quan chức năng lắng nghe. Có được điều đó, theo bà Thanh Nguyễn là do chính sách của Nhà nước càng ngày càng tốt hơn và doanh nghiệp nắm bắt kịp thời những thông tin liên quan về các chính sách, thủ tục và luật định. Bà Thanh Nguyễn nhấn mạnh:

“Bản thân là doanh nghiệp thì tôi thấy thủ tục, giấy tờ hành chính, kể cả bên thuế, tất cả mọi thứ đều nhẹ nhàng hơn trước đây, chớ không phải khó khăn như hồi xưa. Ví dụ những năm trước, doanh nghiệp gặp Hải quan thì không dám nói tiếng nào hoặc phải thuận theo những chủ trương chứ không thể cãi. Nhưng bây giờ, doanh nghiệp cũng khác rồi, doanh nghiệp có tiếng nói của họ để buộc cơ quan nhà nước cũng phải điều chỉnh theo kiến nghị của doanh nghiệp, không như hồi xưa một chiều là doanh nghiệp răm rắp làm theo.”

Mặc dù không ít doanh nhân khẳng định việc chống tham nhũng trong kinh doanh tại Việt Nam có dấu hiệu lạc quan, thế nhưng cũng có những vị lên tiếng rằng muốn việc chống tham nhũng được hiệu quả thì điều kiện quan trọng nhất là cán bộ Nhà nước phải liêm chính. Trong thời gian gần đây, có hàng trăm cán bộ từ địa phương tới trung ương bị kỷ luật và khởi tố do liên quan đến tham nhũng, nên nhiều doanh nghiệp cho rằng không cách nào khác hơn là vẫn cứ phải “hợp tác với tham nhũng” vì sự sống còn của doanh nghiệp, rồi tính sau...

Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) cho Việt Nam bị tụt 10 bậc trong Báo cáo thường niên năm 2018 về Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng (CPI).