Khó khăn gặp phải khi làm ăn ở Việt Nam?

Các chuyên gia Nhật Bản vừa qua đã gửi công văn đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xin lùi thời hạn kết thúc dự án thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor do Hà Nội hôm 9/7/2019 đã xả hơn 1,5 triệu m3 nước Hồ Tây vào sông Tô Lịch, cuốn trôi tất cả kết quả nghiên cứu của họ. Trong khi đó, công ty thoát nước Hà Nội - cơ quan mở cửa xả - cho rằng họ làm đúng theo quy trình. Từ câu chuyện của các chuyên gia Nhật Bản, cho thấy sự phối hợp không đồng bộ của các cơ quan chức năng trong việc điều phối, quản lý …ngay cả với những dự án đã được cơ quan các cấp đồng thuận thực hiện…

Khó khăn gặp phải

Sông Tô Lịch chảy qua thủ đô Hà Nội, con sông này bị ô nhiễm nặng nề do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh ở thành phố này. Chỉ trên đoạn sông dài chưa đến 15km đã có hàng trăm cống nước thải ra dòng sông, chưa kể hàng chục loại rác thải do người dân vứt xuống dọc sông.

Con sông này đã từng được đề xuất làm sạch bằng rất nhiều công nghệ nhưng bất thành. Hai tháng qua, nước sông dần có sự chuyển biến khi người Nhật áp dụng phương pháp Nano Bioreactor kích hoạt những vi sinh vật có lợi sẵn trong môi trường tự phân hủy các chất gây ô nhiễm và chất độc hại khiến các vi sinh vật có lợi phát triển, tăng khả năng tự làm sạch sẵn có của tự nhiên. Khi dự án sắp kết thúc thì toàn bộ kết quả đều bị dòng nước Hồ Tây cuốn đi….

Đây không phải lần đầu chuyện này xảy ra trên cùng một dòng sông.

GS Lương Ngọc Huỳnh chia sẻ kinh nghiệm của ông với báo chí trong nước cũng như trên tài khoản facebook cá nhân của ông rằng cuối năm 2009 đến đầu năm 2010, ông đã vấp phải muôn vàn khó khăn khi đưa công nghệ xử lý nước thải bằng từ tính của Nga kết hợp với Israel về để làm sạch sông Tô Lịch và các hồ nước không sạch nhằm chào mừng 1.000 năm Thăng Long.

Ông xin làm thí điểm ở một đoạn sông Kim Ngưu. Công việc tiến triển từng ngày. Đến ngày thứ 3 tự nhiên nước dâng lên đột ngột, các loại nước bẩn ầm ầm kéo đến tràn vào khu vực thực nghiệm cuồn cuộn cuốn phăng kết quả thí nghiệm. Nguyên nhân là công ty cấp thoát nước mở cống xả không thông báo trước.

Đồng cảm với câu chuyện của chuyên gia Nhật, ông David Dương, Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Xử lý Chất thải Việt Nam (Vietnam Waste Solution - VWS), kể cho RFA những khó khăn mà không ít doanh nghiệp hay nhà đầu tư gặp phải, đó là nạn văn bản được diễn giải theo ý của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Ông chia sẻ:

“Thứ nhất là phải thường xuyên phải cạnh tranh với công ty trong nước. Thứ hai là các văn bản chồng chéo với nhau từ lãnh đạo này tới lãnh đạo kia. Hôm nay ra văn bản này, ngày mai lại ra văn bản khác. Đặc biệt mỗi lần họ thay đổi lãnh đạo, cấp dưới muốn đưa ra hướng nào thì vấn đề sẽ theo hướng đó.

Nhiều khi họp với lãnh đạo cấp cao ra những quyết định như thế này, nhưng cấp dưới lại ra văn bản khác với những quyết định đó, có khi ngược hẳn, có khi họ thêm những điều không có trong cuộc họp nên nó gây khó khăn rất nhiều.”

Theo ông những chuyện như thế xảy ra thường xuyên bởi sau buổi họp, thường lãnh đạo sẽ giao cho cấp dưới ra văn bản rồi cho phát hành luôn. Nếu nhà đầu tư có mối quan hệ với lãnh đạo thì yêu cầu lãnh đạo coi lại, nếu không thì phải điều đình với cấp dưới cho đến khi văn bản được sửa đúng như tinh thần trong cuộc họp với cấp cao trước đó. Điều này đưa đến nhiều phiền toái cho nhà đầu tư bởi cấp dưới họ “dẫn” nhà đầu tư phải đi theo hướng của họ.

Ngoài những khó khăn về văn bản, giấy tờ. Một khó khăn nữa mà các nhà đầu đầu tư cả trong và ngoài nước đều có thể gặp phải, đó là sự canh tranh không lành mạnh từ các công ty ‘sân sau’ của lãnh đạo:

“Trong nước họ gọi là sân sau, tức là bà con, bạn bè thân thuộc của họ làm trong ngành nghề đó, hoặc họ muốn lấy thầu một dự án nào đó. Chuyện đó xảy ra thường xuyên và mình bị đối xử không công bằng nhưng mình không biết sân sau của họ là ai.

Nói về chuyện "mơ hồ" từ cách thực hiện văn bản đến cách xử lý công việc tại hệ thống công quyền Việt Nam mà không ít nhà đầu tư trong và ngoài nước gặp phải khi trực tiếp "đụng chuyện", Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính - ngân hàng, hiện là cố vấn cấp cao tại National Citizen Bank trụ sở tại Hà Nội, từng về nước làm việc từ đầu những năm 1990 chia sẻ kinh nghiệm cụ thể của mình: "Tôi phải mất một thời gian rất lâu để thích nghi. Cũng may hồi tôi làm luận án tiến sĩ đề tài của tôi là nghiên cứu về sự độc lập của các ngân hàng trung ương trên thế giới. Tôi hiểu Ngân hàng Trung ương họ vận hành như thế nào, và tại sao gọi là Ngân hàng Trung ương, chức năng của nó như thế nào.

Khi đem kiến thức đó về đến Việt Nam thì tôi thấy ở Việt Nam, ngân hàng này lại là một bộ phận của chính phủ Việt Nam. Chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tương đương với Bộ trưởng Tài chính. Việt Nam không có tên gọi Ngân hàng Trung ương vì họ không thực sự có tính độc lập.”

Cách giải quyết

Theo ông David Dương, khi về nước đầu tư, chủ doanh nghiệp bắt buộc phải nắm thật chắc luật để khi làm việc, phải đưa luật ra “ứng phó”. Đó là “chìa khóa” để tránh phải đút lót hay tốn thêm chi phí không đáng có. Đặc biệt, theo ông Dương, việc tham khảo với luật sư và nắm rõ luật pháp Việt Nam khi mình muốn đầu tư vào ngành nghề gì cũng rất cần thiết. Bởi lẽ, ở Việt Nam có những văn bản thấy vậy nhưng không phải vậy. Thậm chí có những văn bản ra sau lại “ngáng chân” cái trước. Ông nói:

“Nếu mình có luật sư và nắm vững về pháp lý thì mình ép họ phải tuân thủ pháp lý. Tuy nhiên pháp lý ở Việt Nam thì họ muốn nói như thế nào là họ nói. Nhiều khi mình nói đúng luật đúng lý nhưng nếu lãnh đạo họ không thích họ cũng ra oai, bởi vì tất cả những văn bản được hiểu tùy theo người. Mình hiểu theo ý của mình nhưng người thực hiện hiểu theo ý của họ, bởi khi ra văn bản hay luật họ thòng thêm câu “trong trường hợp khác” để những người thực hiện có quyền theo suy nghĩ của họ, hoặc để họ lấy câu thòng thêm đó để họ áp đảo việc thay cả luật.”

Bất cứ doanh nghiệp hay nhà đầu tư nào về Việt Nam vì việc đầu tiên họ nhắm đến là lợi nhuận trên nền tảng kinh doanh hợp pháp, lâu dài. Còn phía Nhà nước Việt Nam thì được hưởng lợi với việc tăng trưởng kinh tế, tiếp nhận công nghệ tiên tiến, giảm tỷ lệ thất nghiệp trong nước, tăng nguồn thu cho ngân sách…tức là đôi bên cùng có lợi. Nhưng nếu họ không được đối xử công bằng dẫn đến thiệt thòi về quyền lợi, doanh thu thì họ sẽ khởi kiện các cơ quan chức năng vi phạm.

Luật sư Lê Công Định, một chuyên gia về Luật thương mại quốc tế, từng là chuyên viên pháp lý Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lên tiếng với RFA:

“Tôi nghĩ không chỉ có những vụ kiện của doanh nghiệp trong nước, mà những nhà đầu tư nước ngoài nếu bị chính quyền Việt Nam gây khó khăn, thiệt hại cho những dự án kinh doanh của họ thì họ hoàn toàn có thể kiện chính phủ Việt Nam ra tòa trọng tài quốc tế.”

Tuy nhiên theo một nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) được công bố vào tháng 11/2018 thì do giảm niềm tin vào hệ thống tư pháp, trong các biện pháp giải quyết tranh chấp của doanh nghiệp có cả sử dụng xã hội đen.

Cụ thể, 9% doanh nghiệp đã tiếp xúc với toà án lựa chọn biện pháp sử dụng xã hội đen, 41% nhờ cán bộ nhà nước tác động, 23% chọn giải pháp đưa ra báo chí, 47% chọn trọng tài thương mại.