Khả năng “hầu toà” của Nguyễn Tấn Dũng trong vụ MobiFone mua AVG?

0:00 / 0:00

Ngày 20/12/2019, Viện kiểm sát (VKS) đã đề nghị mức án phạt đối với các bị cáo trong vụ MobiFone mua lại 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG). Trong đó, Nguyễn Bắc Son bị đề nghị án cao nhất là ‘tử hình’.

Tuy nhiên, trước đó tại tòa ông Nguyễn Bắc Son khai trong vụ này ông thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của thủ tướng lúc bấy giờ là ông Nguyễn Tấn Dũng, qua Công văn 2678 ngày 14 tháng 12 năm 2015 của Văn Phòng Chính phủ truyền đạt chỉ đạo của thủ tướng.

Nhân vật này từng được lãnh đạo đảng đề cập đến là ‘đồng chí X’. Công luận và giới quan sát lâu nay quan tâm liệu trong công cuộc đốt lò chống tham nhũng của ông Trọng nhân vật X này có thể bị phán xét hay không?

Có hay không khả năng Nguyễn Tấn Dũng phải “hầu toà”?

Một chi tiết thu hút sự chú ý dư luận trong phiên sơ thẩm vụ án này chính là lời khai của bị cáo, cựu Bộ trưởng Thông tin vàTruyền thông (TT&TT) Nguyễn Bắc Son vào chiều ngày 18/12 rằng đã thực hiện phi vụ này theo “tinh thần chỉ đạo của thủ tướng” lúc bấy giờ là ông Nguyễn Tấn Dũng.

Theo học giả Đỗ Thông Minh, cụm từ “làm theo tinh thần chỉ đạo” mà ông Nguyễn Bắc Son đã khai trong phiên xử rất mơ hồ:

"Đây là một tình tiết rất mới. Trước đây ví dụ như bị Cù Huy Hà Vũ tố hoặc (Nguyễn Tấn Dũng - PV) bị người này người kia tố, thế nhưng lần này nó dính trực tiếp đến một siêu vụ án mà một trong những thủ phạm chính có thể bị tử hình.

Ông ấy làm theo “tinh thần chỉ đạo” của Thủ tướng lúc bấy giờ là ông Nguyễn Tấn Dũng. Chữ “tinh thần chỉ đạo” như thế nào thì mình không rõ, nó là một công văn rõ ràng hay là chỉ cảm thấy như thế.”

Dù vậy, học giả cũng không loại trừ khả năng cựu Thủ tướng Việt Nam có thể phải ra toà:

"Tình trạng này là 50/50. Nhưng mà tôi thấy khi đã đưa ra hai ông Bộ Trưởng của thời Nguyễn Tấn Dũng cộng với chuyện đưa Hoàng Trung Hải (Bí thư Hà Nội)ra nữa thì có thể nói là đã sờ tới gáy của Nguyễn Tấn Dũng rồi. Thành ra có lẽ cũng không xa lắm có thể Nguyễn Tấn Dũng sắp bị nhập khám, nhập kho.

Nguyễn Tấn Dũng bị gạt ra với một hình thức là cho "hạ cánh an toàn" nhưng mà phải im miệng. Còn nếu trong trường hợp mà Nguyễn Tấn Dũng phản ứng lại thì có thể sẽ lại bị khui ra, khép thêm vào các tội khác là chống lại Đảng."

Các bị can trong vụ MobiFone mua AVG: Lê Nam Trà (ngoài cùng bên trái), Phạm Nhật Vũ (giữa), Nguyễn Bắc Son
Các bị can trong vụ MobiFone mua AVG: Lê Nam Trà (ngoài cùng bên trái), Phạm Nhật Vũ (giữa), Nguyễn Bắc Son (Courtesy of VNMedia -RFA edited)

Theo blogger Nguyễn Lân Thắng, chuyện ông Nguyễn Tấn Dũng có phải “hầu toà” hay không đã được đồn đoán trong dư luận từ cách đây rất lâu rồi. Có rất nhiều nhà báo cũng như những nhà phân tích bình luận chính trị xã hội đề cập đến vai trò của cựu Thủ tướng trong cương vị là người đứng đầu Chính phủ trong giai đoạn đó.

Nhưng theo ông, chuyện này là khó có khả năng xảy ra, vì:

"Tôi nghĩ điều này cũng rất khó bởi vì thực ra ông Dũng cũng đã về hưu rồi. Hơn nữa ông ấy vẫn còn nắm trong tay một số những bằng chứng cũng như những việc rất động trời, cho nên những phe khác mà muốn tấn công ông Dũng thì cũng phải dè chừng. Bởi vì một khi ông ấy đã bị dồn đến đường cùng rồi thì rất có thể sẽ còn những chuyện động trời khác tung ra và chỉ sẽ gây bất lợi cho những phe tấn công ông Dũng.

Luật pháp ở Việt Nam không nghiêm minh và nhiều khi các ý kiến chỉ đạo của những người đứng đầu Chính phủ, đứng đầu Nhà nước được thực thi nhưng lại không có những văn bản giấy tờ minh chứng cho chuyện đó, nên cũng rất khó để xét trách nhiệm của những người này.”

Đồng quan điểm rằng sẽ không có chuyện cựu Thủ tướng bị khởi tố, Tiến sỹ Lê Minh Nguyên, nhà quan sát chính trị, nhận định rằng hiện giờ, ông Nguyễn Phú Trọng chỉ muốn hạ uy tín của Nguyễn Tấn Dũng mà thôi:

"Ông Trọng làm để nhục mạ và trả thù ông Dũng, nhưng truyền thống của đảng Cộng sản là họ không đem những ông "Tứ trụ" ra để xử, để bắt nhốt, và để loại những đàn em của Nguyễn Tấn Dũng còn lại trong hệ thống đang lăm le trong Đại hội 13 sắp tới.

Họ sẽ không truy tố Nguyễn Tấn Dũng về trách nhiệm hình sự, không bắt ông Dũng phải ra tòa hay ngồi tù bởi vì họ muốn bảo vệ hệ thống đảng Cộng sản của họ. Nếu họ thực sự làm chuyện đó thì Đảng Cộng Sản rất dễ bị tan vỡ.”

Bất đồng về các mức án đề nghị!

Những mức án cho các bị cáo còn lại trong cùng vụ gồm ông Trương Minh Tuấn từ 14-16 năm tù, Lê Nam Trà 23-25 năm, Cao Duy Hải từ 14-16 năm. Bốn người này cùng bị cuộc tội “Vi phạm quy định về quản lí và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “nhận hối lộ”.

Riêng Phạm Nhật Vũ bị đề nghị từ 3-4 năm tù vì tội “đưa hối lộ”.

Học giả, nhà nghiên cứu Đỗ Thông Minh từ Nhật, nhận định với RFA rằng đây là bản án xứng đáng dành cho các bị cáo trong vụ đại án này:

"Nếu nhìn một cách tổng quát thì bản án khá tương xứng với tội họ làm. Chúng ta cũng thấy đó là những chuyện động trời. Tôi gọi đó là siêu án của nhà cầm quyền. Các quan chức cấu kết với nhau, lấy tiền nhà nước để mua những cơ sở không đáng ra gì hết rồi lấy tiền mà chia nhau."

Hình minh họa. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (giữa) đang đi đằng sau ghế của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (trái) và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại đại hội đảng ở Hà Nội hôm 26/1/2016
Hình minh họa. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (giữa) đang đi đằng sau ghế của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (trái) và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại đại hội đảng ở Hà Nội hôm 26/1/2016 (AFP)

Trong khi đó nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng từ Hà Nội cho biết ông không có niềm tin vào công lý về hệ thống toà án ở Việt Nam, và mức án dành cho các bị cáo là không tương xứng. Bởi vì, theo đánh giá của ông Thắng, Phạm Nhật Vũ là người chủ mưu móc nối đưa hối lộ nhưng chỉ chịu hình phạt 3-4 năm tù giam là phi lý:

"Hơn nữa, trong quá trình xét xử, đề nghị các thủ tục đặc biệt về mặt pháp lý đối với ông Phạm Nhật Vũ như vậy thì nó không công bằng giữa các công dân với nhau. Đó là điểm mà tôi cho rằng toàn bộ phiên tòa này chỉ là một trò hề.

Chẳng qua chúng ta chỉ đang nhìn thấy một sự tấn công giữa các phe phái với nhau, chứ không phải là một quá trình thực thi công lý trên đất nước Việt Nam."

Tiến sỹ Lê Minh Nguyên cho rằng những bản án này là một phần trong chiến dịch “đốt lò” chống tham nhũng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mà các bị cáo trong vụ án này như là những “con dê tế thần”.

Dù vậy, theo ông Lê Minh Nguyên thì dù có các mức án nặng cũng không giải quyết được vấn nạn tham nhũng:

"Trong chế độ Cộng Sản họ nhận thấy rằng vấn đề tham nhũng có thể làm sụp đổ chế độ, thành ra ông Nguyễn Phú Trọng muốn đốt lò trị tham nhũng để cho dân chúng thấy rằng chế độ làm việc một cách nghiêm chỉnh, minh bạch. Đảng có nhu cầu là phải có "con dê tế thần" để cương quyết trị tham nhũng, thành ra đề nghị Nguyễn Bắc Son án tử hình.

Nhưng mà theo cái nhìn của tôi thì Nguyễn Bắc Son chưa chắc bị án tử hình, dù có bị án tử đi nữa thì cũng được Chủ tịch nước tha, vì nghề của họ là giơ cao đánh khẽ.

Chính căn bản hệ thống độc tài cần phải thay đổi nếu không thì sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề tham nhũng trong hệ thống chính quyền."

Bộ Công an đã khởi tố vụ án về thương vụ Mobifone mua lại 95% cổ phần công ty AVG vào 7/2018.

Ông cựu Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son bị cáo buộc là chủ mưu khi đã bút phê chỉ đạo bán AVG cho Mobifone với giá 8.900 tỷ đồng. Trong khi đó, tài sản của AVG chỉ có tổng giá trị là 1.970 tỷ đồng.

Sau khi hoàn thành thương vụ, Ông Nguyễn Bắc Son nhận 3 triệu đô la Mỹ còn Trương Minh Tuấn nhận 200.000 đô la Mỹ tiền “cảm ơn” từ Phạm Nhật Vũ.

Theo thông tin từ báo chí nhà nước, phiên toà sơ thẩm sẽ diễn ra liên tục từ ngày 17/12/2019 cho đến hết tháng 12 năm nay.