“Sách giáo khoa vừa học đã phải thay đổi, sửa chữa vì chưa qua thử nghiệm rõ ràng. Một nền giáo dục loay hoay tìm triết lý sẽ tạo ra sản phẩm như vậy, chỉ biết cóp nhặt, a dua và không nói thật.”
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu, phát biểu như vừa nêu tại phiên thảo luận về vấn đề giáo dục của Quốc hội ngày 3 tháng 11 năm 2020.
Loay hoay tìm triết lý giáo dục
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, một chuyên gia về ngôn ngữ học, hiện đang giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm TP.HCM, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 4 tháng 11 năm 2020, nhận định:
Nói cóp nhặt cũng đã là may, tại vì không phải cóp nhặt cái gì cũng được đâu. Cái quan trọng giáo dục chỉ là một bộ phận của quản trị đất nước, mà quản trị đất nước đã được định sẵn tôn thờ chủ nghĩa Mác Lenin, thế còn nói gì nữa.<br/>-PGS. TS. Hoàng Dũng
“Nói cóp nhặt cũng đã là may, tại vì không phải cóp nhặt cái gì cũng được đâu. Cái quan trọng giáo dục chỉ là một bộ phận của quản trị đất nước, mà quản trị đất nước đã được định sẵn tôn thờ chủ nghĩa Mác Lenin, thế còn nói gì nữa. Đã là giáo dục thì phải là khai phóng tự do, chấp nhận những quan điểm trái ngược, ở Việt Nam không làm được cái đó. Thành ra có thể làm được gì thì họ cứ làm, chứ còn ngay bây giờ mà đặt ra vấn đề triết lý giáo dục, thì tôi cho rằng không thực tiễn chút nào hết, bởi vì không làm được.”
Sau một tháng khai giảng năm học 2020-2021, nhiều phụ huynh, giáo viên phản ánh chương trình học Tiếng Việt lớp 1 nặng và khó, dùng từ địa phương không phù hợp, sử dụng truyện ngụ ngôn bị cho là dạy thói xấu cho học sinh... Bộ Giáo dục và Đào tạo vào tối ngày 15/10/2020 đã yêu cầu tác giả sách Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều chỉnh sửa nội dung chưa phù hợp, gửi Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 để thẩm định phê duyệt vào ngày 15/11/2020.
Tuy nhiên Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng cho rằng, cần có sự phân biệt giữa sai sót của sách giáo khoa và một nền giáo dục không có triết lý rõ ràng:
“Vấn đề sách giáo khoa đã đặt ra nhiều lần bởi nhiều người, chứ không phải chỉ ông Nguyễn Lân Hiếu. Tất nhiên sách giáo khoa có vấn đề của sách giáo khoa, nhưng không thể ngáng sách giáo khoa cho chuyện không có triết lý giáo dục được. Những cái trong sách giáo khoa vừa rồi mà ta cho là khuyết điểm, sai lầm thì thật ra nó không liên quan gì đến triết lý giáo dục. Triết lý giáo dục cao hơn nhiều, và sách giáo khoa nếu có sai đi nữa thì nguyên nhân rất cụ thể, chứ không thể nói thế được.”
Từ Sài Gòn, Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già khi trả lời Đài Á Châu Tự Do cho rằng:
“Từ sau năm 1975, nền giáo dục của chế độ xã hội chủ nghĩa không có triết lý, mà tôi tạm gọi là triết lý mãnh lực đồng tiền. Vì vậy nó là cội rễ làm cho nền giáo dục ngày càng xuống dốc thảm hại, không có gì đáng ngạc nhiên hết và những biểu hiện của việc xuống dốc thảm hại đó có lẽ quá nhiều và không cần phải chứng minh.”
Triết lý giáo dục để xây dựng một con người nhân bản
Giáo sư Lê Xuân Khoa, Thứ trưởng Bộ Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975, trong một lần trả lời phỏng vấn của Đài Á Châu Tự Do, có đưa ra giải thích về triết lý giáo dục dưới thời Việt Nam Cộng Hòa:
“Nền giáo dục phải chú trọng đến con người và phát triển con người toàn diện, một con người với giá trị phổ quát của nhân loại. Trong khi nói về tính cách với cơ sở nhân loại như vậy thì vẫn phải có cá tính của Việt Nam, là cá tính dân tộc. Về vấn đề khai phóng, chuyên về khoa học nhiều hơn. Bởi vì Việt Nam trong hoàn cảnh là một quốc gia chậm tiến; do đó khai phóng là mở cửa ra đón nhận tất cả những tinh hoa, đặc biệt về khoa học công nghệ thế giới, nhất là của Tây phương.
Theo Giáo sư Lê Xuân Khoa, đón nhận như vậy thì vừa có có sở nền tảng con người nhân bản, vừa có đặc tính của dân tộc Việt Nam và vừa đón nhận được khoa học tiến bộ của Tây phương thì con người như vậy là con người toàn diện.
Nền giáo dục Việt Nam không phải chỉ lạc hậu mà còn lạc đường. Vì lạc đường nên nó loay hoay mãi không có lối ra. Mình sai thì còn có thể sửa chứ đi lạc đường mà lại tin tưởng con đường đó đúng thì không bao giờ thoát ra khỏi cái hệ lụy đó được.<br/>-GS. Nguyễn Đăng Hưng
Giáo Sư, Tiến Sĩ Nguyễn Đăng Hưng, từng giảng dạy nhiều năm tại Đại học Liège, Vương quốc Bỉ. Ông đồng thời là sáng lập viên và điều phối viên chương trình cao học Bỉ & Việt, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do cho rằng:
“Nền giáo dục Việt Nam không phải chỉ lạc hậu mà còn lạc đường. Vì lạc đường nên nó loay hoay mãi không có lối ra. Mình sai thì còn có thể sửa chứ đi lạc đường mà lại tin tưởng con đường đó đúng thì không bao giờ thoát ra khỏi cái hệ lụy đó được.”
Giáo Sư, Tiến Sĩ Nguyễn Đăng Hưng cho rằng, cái lạc đường của Việt Nam là do không đánh giá đúng triết lý giáo dục phù hợp với con người. Giáo dục Việt Nam không phục vụ con người theo ý nghĩa con người tự do, con người nhân văn, con người có hiểu biết, con người có tinh thần phê phán và sáng tạo.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, nhận định thêm:
“Đi tìm một sự thay giáo dục Việt Nam ngay tức khắc thì tôi không tin là ta làm được. Tôi đọc một số bài viết mới đây của các học giả quốc tế, có nghiên cứu giáo dục Việt Nam, thì họ có những cái nhìn tương đối lạc quan. Nhưng tôi không chia sẻ những lạc quan đó, vì tôi không tin đầu vào của những số liệu của họ, chắc là họ được nhà nước cung cấp. Nhưng mà trong tương lai, nhất định chúng ta sẽ thay đổi, giáo dục sẽ đóng góp vai trò rất lớn vào con đường thay đổi đất nước.”
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng cho biết, sở dĩ ông tin tưởng như vậy vì đó là con đường duy nhất, không còn con đường nào khác. Theo ông, nói thay đổi đất nước mà không đẩy giáo dục lên hàng đầu, thì chỉ là chuyện ảo tưởng.