Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) vừa kiến nghị Bộ Nội vụ nhiều chính sách thu hút người tài. Cụ thể TPHCM đề xuất cần đa dạng loại hình hỗ trợ người tài như áp dụng một lần hỗ trợ ban đầu; phụ cấp tiền lương và sinh hoạt phí hàng tháng; tiền thưởng theo tỷ lệ lợi nhuận từ sản phẩm nghiên cứu; các chính sách khác như hỗ trợ kinh phí thuê, mua nhà, tiền đi lại…
Việc thu hút nhân tài được TPHCM bắt đầu thí điểm từ năm 2014. Đến năm 2019, chương trình chuyển sang giai đoạn chính thức bằng quyết định 17 với nhiều thay đổi, nhưng được đánh giá khi đó là không thành công khi chỉ ký hợp đồng với một người và không thu hút được nhân tài mới.
Theo quyết định 17 của Sở Nội vụ đề xuất và được Chính phủ chấp thuận, chính sách thu hút nhân tài khi đó cũng áp dụng mức hỗ trợ ban đầu 50 triệu đồng và hàng tháng được hỗ trợ sinh hoạt phí tùy vị trí; hỗ trợ kinh phí thuê nhà… Ngoài ra, cứ mỗi đề tài nghiên cứu được công nhận bằng văn bản, sẽ được thành phố thưởng 1% tổng kinh phí công trình đó.
Dù đã nhiều lần TPHCM kiến nghị thay đổi, bổ sung chính sách thu hút người tài, nhưng khi trả lời báo nhà nước hôm 28/4/2022, ông Lâm Hùng Tấn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết trong ba năm TPHCM chỉ thu hút được 5 nhân tài.
Trong lần kiến nghị mới đây, ngoài việc hỗ trợ một lần, lương, thưởng… thì điểm mới là TPHCM kiến nghị cần có khung tối thiểu và tối đa để địa phương xây dựng đề án thu hút người tài cho cơ quan nhà nước.
Đã nhận người tài không đúng, thì khó lòng chính sách tiếp theo mà đúng được. Đó là chưa kể đối với người tài không phải đơn giản anh đưa họ một công việc, mà việc sử dụng họ như thế nào.
-Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng
Khi trả lời RFA hôm 13/6/2022 từ Sài Gòn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, người có hơn 30 năm kinh nghiệm giảng dạy đại học, hiện là giảng viên tại Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, nhận định:
“Không thay đổi gì quan trọng, việc thu hút nhân tài là phải hỏi thế nào là người tài? Ở Việt Nam thường coi người tài nghĩa là có bằng, nhưng khái niệm người có bằng khác nhau. Vô số người đang học đại học bỏ ngang, nhưng ai cũng thừa nhận họ đóng góp rất lớn cho loài người, chứ không chỉ cho đất nước của họ. Đã nhận người tài không đúng, thì khó lòng chính sách tiếp theo mà đúng được. Đó là chưa kể đối với người tài không phải đơn giản anh đưa họ một công việc, mà việc sử dụng họ như thế nào.”
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, trong khuôn khổ của nhà nước Việt Nam hiện nay, người tài không có ‘đất’ để làm việc. Ông Dũng cho rằng, người tài làm việc cho nhà nước khó có thể sống sót trong khuôn khổ khung luật pháp Việt Nam như hiện nay. Ông Dũng cho biết, ông không tin rằng lần thay đổi này có hiệu quả.
Chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài được Việt Nam đề ra từ rất lâu và đã được thể hiện qua văn kiện của Đảng CSVN trước đây như: Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 18/6/1997 của Hội nghị Trung ương lần thứ ba, khóa VIII. Nhiều năm sau đó, Bộ Nội vụ, Thủ tướng Chính phủ VN nhiều nhiệm kỳ cũng thường xuyên nhắc lại, đốc thúc thực hiện chính sách này...
Các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh.v.v... cứ vào mỗi đầu năm lại đưa ra “cơ chế đãi ngộ đặc biệt” để thu hút nhân tài nhưng dường như mọi nỗ lực đều đang bị …thất bại.

Trở lại với kiến nghị thu hút nhân tài mới đây của TPHCM, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, một chuyên gia giáo dục Việt Nam, nguyên là giảng viên đại học Liège - Bỉ, khi trả lời RFA hôm 13/6/2022 trong lúc công tác tại TPHCM, cho rằng:
“Tôi xin trả lời ngay là không đủ và chưa đúng vì vấn đề ở đây không phải chỉ là vấn đề lương tiền thuần túy, vấn đề là người Việt kiều có tài có tâm... có thể thực thi được cái hiểu biết của họ, cái đóng góp của họ cho dân cho nước, đặc biệt là cho TPHCM? Cái này đòi hỏi thay đổi về mức tín nhiệm đối với người tài nói chung, trong đó có thể là người Việt kiều. Nếu người tài không được chọn lựa một cách đúng đắn và không để cho họ quyền thực thi để có thể hành động, thì mọi ưu đãi đưa ra sẽ không có sức hấp dẫn. Thí dụ như thường chỉ để họ làm phó, chứ không để họ làm chánh trong những công việc có trách nhiệm.”
Theo Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, quan niệm này phải bỏ. Thứ hai ông Hưng cho rằng, cần tạo môi trường làm việc chứ không chỉ có tiền bạc. Ông Nói tiếp:
“Cần phải có tinh thần thoải mái, tinh thần tôn trọng dân chủ, có nghĩa là phải tôn trọng cái đúng, khuyến khích được lòng tin yêu, khuyến khích được sự tin tưởng… thì người làm việc mới có thể thích thú mà làm. Việt Nam hiện nay nếu mà không có sự thay đổi, sự phản biện, không có sự làm lại từ đầu… thì không thể giúp thành phố phát triển. Tóm lại, theo tôi có hai điều kiện, thứ nhất là não trạng của lãnh đạo khi cầu người tài phải thay đổi. Thứ hai là môi trường phải tạo điều kiện để người ta làm việc, phải cụ thể… thì mới có hiệu quả được.”
Tóm lại, theo tôi có hai điều kiện, thứ nhất là não trạng của lãnh đạo khi cầu người tài phải thay đổi. Thứ hai là môi trường phải tạo điều kiện để người ta làm việc, phải cụ thể… thì mới có hiệu quả được.
-Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng
Nhiều người cho rằng, trong hệ thống chính quyền, hay các trường đại học công lập, muốn thu hút nhân tài để người ta cống hiến thì không chỉ đồng lương đãi ngộ, mà là vấn đề tự do học thuật, tự do sáng tạo... đó chính là vấn đề hạn chế để thu hút người tài ở Việt Nam hiện nay.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, nhận định thêm:
“Cái đó cho thấy khu vực nhà nước có vấn đề, vì một khi người ta thấy chỗ đó làm việc được, thu nhập khá thì người ta sẽ không đi. Nhưng một khi mà kéo đi hàng loạt thì tức là chỗ đó có chuyện. Cái này vừa hay mà vừa dở. Dở thì nhà nước phải coi cái đó là hiện tượng mà nghiên cứu để thay đổi, chứ không thể kêu là chảy máu chất xám, phảu nêu câu hỏi tại sao mình không giữ được để không chất xám. Nhưng mặt khác nó hay ở chỗ này, sau khi Việt Nam trải qua một thời gian dài bao cấp, người ta cứ chăm chăm tìm cách lọt vào nhà nước. Công việc gì nhỏ, dù lương có kém thì cứ vào nhà nước là yên tâm.”
Dù vậy, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng cho rằng, hiện tượng hàng loạt nhân sự bỏ việc nhà nước để ra khu vực bên ngoài cũng có cái hay riêng. Vấn đề này cho thấy rằng khu vực bên ngoài dần dần có hấp lực mạnh mẽ hơn rất nhiều so với khu vực nhà nước. Một xã hội mà công việc ngoài nhà nước có sức hút như vậy, thì phải coi là một xã hội lành mạnh.