Tại sao người tài quay về rồi lại rời đi?
Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi giáo dục là nền tảng của sự phát triển bền vững đất nước, tạo ra những thế hệ có kiến thức và kỹ năng cao, góp phần ổn định chính trị xã hội, xây dựng đất nước. Các lãnh đạo Việt Nam, qua các thời kỳ, đều luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, nên các chính sách cho giáo dục đều do Đảng đặt ra với mục đích đào tạo ra những sinh viên ‘vừa hồng vừa chuyên’ theo tư tưởng của ông Hồ Chí Minh, biến học đường thành chỗ tuyên truyền chính trị.
Nhiều người Việt hoạt động trong lãnh vực giáo dục đang sống ở nước ngoài muốn về Việt Nam đóng góp, nhưng không ít người trong số họ, sau khi về lại Việt Nam đã phải “ngậm ngùi” ra đi vì nhiều lý do.
Trong số đó, đã từng có người không được trọng dụng vì "dám" lên tiếng với những sai trái của lãnh đạo hoặc có người bị xúc phạm do "đụng" đến những điều bị coi là cấm kị liên quan đến ông Hồ Chí Minh và cũng có những người do chán nản vì những góp ý tích cực của họ rơi vào thinh không…
Thứ nhất, nhà nước phải có chính sách trả lương tương xứng với khả năng của họ. Thứ hai, ngành giáo dục Việt Nam phải có những cải tổ sâu rộng. Cho đến ngày hôm nay vẫn còn những vấn đề như bệnh thành tích, quan liêu, văn bằng giả… đó là những cái làm cho họ chùn chân khi họ muốn về Việt Nam. Thứ ba, nếu có gì sai trái mà họ lên tiếng thì phải coi đó là một việc bình thường.- Nhà giáo Phạm Minh Hoàng
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cho biết ý kiến của mình với RFA về vấn đề này:
“Trước nhất phải tạo điều kiện cho người ta sống thoải mái, vợ con người ta sống được. Đó là điều tối thiểu nhưng không phải là mấu chốt. Mấu chốt là phải có một môi trường cởi mở, rộng rãi, trung thực để những người tài, những người có chuyên môn có thể về làm việc, đóng góp hiệu quả cho đất nước. Điều này khó vì các trường đại học, ngay cả những trường tư, hiệu trưởng là người được mấy ông trong khoa giáo của địa phương chỉ định, cơ cấu. Những người này phần lớn là những người không được đào tạo bài bản, không có hiểu biết chuyên môn mà chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên. Mà trong 10 chỉ đạo thì hết tám chỉ đạo là sai lầm thì đụng chạm tới các nhà khoa học. Khoa học mà chỉ đạo sai trái thì ai làm được!”
Vị giáo sư này nói thêm rằng, điều mà ông nói liên tục là đừng có biến học đường thành chỗ tuyên truyền chính trị. Ai muốn dạy chủ nghĩa này hay công văn nọ của Đảng thì đem vô trường Đảng mà dạy. Không nên dùng những trường học của đại chúng, công chúng làm chỗ để tuyên truyền, bắt học sinh học những điều không đúng thực tế. Tuy vậy, theo giáo sư Hưng, những điều đó bây giờ ngày càng trở nên trầm trọng hơn chứ không bớt đi tí nào.
Nhà giáo Phạm Minh Hoàng, người từng bị tước quốc tịch Việt Nam và trục xuất về Pháp vì bị coi là đã vi phạm pháp luật và xâm phạm an ninh quốc gia, nêu quan điểm của mình:
“Thứ nhất, Nhà nước phải có chính sách trả lương tương xứng với khả năng của họ. Thứ hai, ngành giáo dục Việt Nam phải có những cải tổ sâu rộng. Cho đến ngày hôm nay vẫn còn những vấn đề như bệnh thành tích, quan liêu, văn bằng giả… Đó là những cái làm cho họ chùn chân khi họ muốn về Việt Nam. Thứ ba, nếu có gì sai trái mà họ lên tiếng thì phải coi đó là một việc bình thường. Đó là những điều kiện tạm gọi là tiên quyết để thu hút người tài trở về đóng góp cho đất nước.
Những người sống ở nước ngoài trở về Việt Nam và chứng kiến những cảnh trái tai gai mắt thì thường là họ không chịu được và phải lên tiếng. Nhưng mỗi khi lên tiếng thì nó không đem lại ích lợi gì cho họ.
Việt Nam phải thay đổi cách sử dụng người tài, phải thay đổi cách tiếp nhận những ý kiến trái chiều để người ta mạnh dạn nêu ý kiến mà không bị gì cả. Mà tiếp nhận thì phải thực hiện chứ không phải tiếp nhận rồi vứt thư người ta vào sọt rác.”
Dẫn chứng cho những gì mình vừa phát biểu, ông Phạm Minh Hoàng nêu trường hợp của Giáo sư Ngô Bảo Châu, người từng đạt giải thưởng Toán học Fields vào năm 2010, sau đó đã bị báo chí Nhà nước cũng như dư luận viên chửi bới nặng lời chỉ vì ông viết trên mạng xã hội Facebook rằng: "Có quý mến ai thì mong họ thoát khỏi vòng luân hồi, đừng bắt họ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta".
Status được viết vào ngày 19 tháng 5 năm 2016 - đúng 126 năm ngày sinh của ông Hồ Chí Minh.
Giáo dục là thực chất, không phải đối phó
Giáo dục Việt Nam ngày càng xuống cấp, đến độ chính GS.TSKH Trần Ngọc Thêm phải thốt lên tại buổi tọa đàm về giáo dục vào ngày 2 tháng 5 năm 2019 rằng, nếu nói giáo dục Việt Nam là một trong 10 nền giáo dục tệ nhất thế giới có thể hiểu được, còn top 10 tốt nhất thì thật khó hiểu, khi đang mang nặng tính đối phó.
Lúc bấy giờ, GS Trần Ngọc Thêm đã đề xuất, phải xây dựng hệ giá trị của giáo dục là thực chất chứ không phải đối phó, thành tích như hiện nay.
Từ quản lý giáo dục từ trung ương xuống tới trường, giáo viên chủ nhiệm, quan hệ thầy trò, nội dung sách giáo khoa, chất lượng giáo dục như vậy thì người ta thấy ngay chất lượng giáo dục, con người học sinh sinh viên được đào tạo ra sẽ méo mó, lệch lạc. Đấy là vấn đề lo lắng của toàn xã hội đối với vấn đề giáo dục. - Phó Giáo sư Mạc Văn Trang
Từng có hơn 30 năm công tác ở Viện Khoa học Giáo dục, Phó Giáo sư Mạc Văn Trang, hiện đang sinh sống tại Sài Gòn nhận định về tình hình giáo dục hiện nay với RFA:
“Từ quản lý giáo dục từ trung ương xuống tới trường, giáo viên chủ nhiệm, quan hệ thầy trò, nội dung sách giáo khoa, chất lượng giáo dục như vậy thì người ta thấy ngay chất lượng giáo dục, con người học sinh sinh viên được đào tạo ra sẽ méo mó, lệch lạc. Đấy là vấn đề lo lắng của toàn xã hội đối với vấn đề giáo dục.”
Ông Đinh Kim Phúc, từng giảng dạy tại Khoa Đông Nam Á học, Đại học Mở TP.HCM nêu ý kiến của ông:
“Vấn đề học sinh tiểu học - từ bảy đến 11 tuổi - học cái gì, thì hơn 40 năm qua, giáo dục Việt Nam đã làm rất nhiều chuyện nhưng không có chuyện nào thành công, không có chuyện nào đến đâu cả. Một số nhà giáo dục học Việt Nam học ở Nga về thì lấy mô hình của Nga, học ở Pháp về thì lấy mô hình của Pháp, học ở Mỹ thì đem mô hình của Mỹ về mà không căn cứ vào cái khí chất của học sinh Việt Nam cũng như hoàn cảnh lịch sử và trình độ kinh tế của Việt Nam.
Cái mục đích cuối cùng của việc giáo dục học sinh trong nhà trường là cái gì thì hiện nay rất mơ hồ. Theo tôi, nền giáo dục của học sinh tiểu học miền Nam trước năm 1975 như thế nào thì cứ tiếp tục như thế, chắc chắn sẽ thành công.”
Nói đến nền giáo dục Việt Nam, nhiều người cảm thấy ngán ngẩm do quá nhiều tiêu cực không được giải quyết tận gốc. Giáo viên lên tiếng tố cáo thì bị trù dập đến mất việc. Tư cách một số thầy cô giáo không còn đáng để học sinh noi theo.
Mới đây nhất là trường hợp thầy giáo Lê Trần Ngọc Sơn, dạy tiếng Anh tại trường Tiểu học An Lợi ở Đồng Nai đã viết đơn nghỉ việc. Lý do nghỉ việc được giáo viên này đưa ra là do nền giáo dục hiện nay có quá nhiều điều phi giáo dục cùng với vấn nạn dối trá mà theo thầy giáo Sơn, thì với bấy nhiêu điều đó, khiến ông cảm thấy mình không còn phù hợp để tiếp tục công việc giảng dạy.
Với những trở ngại như vừa nêu ở trên, liệu mục tiêu mà lãnh đạo Bộ Kế hoạch đầu tư Việt Nam đề ra hồi cuối năm 2020 rằng, Việt Nam mong muốn sẽ thu hút được khoảng 1.000 tri thức Việt kiều đóng góp cụ thể hơn trong từng lĩnh vực đất nước đang cần, sẽ thành hiện thực?