Sau 6 tháng đầu năm 2019, Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) đã kỷ luật hàng chục tổ chức đảng và hàng ngàn đảng viên. Bên cạnh đó, dư luận cũng đặc biệt quan tâm việc kỷ luật đảng đối với nhiều cán bộ lãnh đạo cấp bộ trong thời gian gần đây.
Liệu Đảng CSVN sẽ trong sạch và vững mạnh khi ngày càng có nhiều đảng viên bị kỷ luật như thế?
Những số liệu được công bố
Các cơ quan, bộ ngành ở Việt Nam đồng loạt tổ chức hội nghị sơ kết công tác đảng 6 tháng đầu năm 2019. Và truyền thông quốc nội đăng tải một số thông tin như Ủy ban Kiểm tra các cấp của Hà Nội đã thi hành kỷ luật 18 tổ chức đảng và gần 450 đảng viên hay ở khu vực Miền Trung-Tây Nguyên có đến 33 tổ chức đảng và hơn 1.150 đảng viên bị kỷ luật trong 6 tháng vừa qua.
Hồi tháng 1 năm 2019, báo giới cũng cho biết từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng XII đến thời điểm lúc đó đã có hơn 53 ngàn cán bộ, đảng viên bị kỷ luật. Riêng trong năm 2018, hơn 650 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái và hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật.
Đặc biệt trong thời gian gần đây, một số những cán bộ lãnh đạo cấp cao liên tục bị kỷ luật đảng và được nêu danh trên truyền thông như gần nhất vào ngày 19 tháng 7 Bộ Chính trị Đảng CSVN kỷ luật cảnh cáo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh. Trước đó những quan chức cao cấp khác bị kỷ luật có thể kể ra là cựu Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng-Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Nguyễn Hồng Trường…Hình thức kỷ luật đảng được áp dụng cho các nhân vật vừa nêu hầu hết là “cảnh cáo”.
<i>Kỷ luật cái quái gì khi cách chức mà người ta không còn giữ nữa, còn phạm những tội tày đình nhưng trong Đảng cũng chỉ đến mức cảnh cáo thôi. Việc kỷ luật như thế thì người ta làm nhiều đấy, nhưng chỉ chứng tỏ hai điều; một là phẩm chất của các bộ Đảng bị xuống cấp, bị tha hóa nhiều quá rồi và thứ hai là những kiểu thi hành kỷ luật như thế chỉ để vuốt ve dư luận chứ không có tác dụng. Không thể nói vì như thế rồi để có thể làm trong sạch và làm vững mạng Đảng được đâu. Tôi không tin<br/>-Giáo sư Nguyễn Đình Cống</i>
Mặc dù dư luận chú tâm theo dõi những thông tin liên quan Đảng CSVN quyết tâm làm trong sạch đội ngũ đảng viên, qua chiến dịch chống tham nhũng do Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát động nhưng theo ghi nhận của RFA thì giới quan sát tình hình Việt Nam cho rằng không lấy làm lạc quan và có hy vọng tình hình của Đảng CSVN lãnh đạo sẽ tốt hơn. Giáo sư Nguyễn Đình Cống, tuyên bố ra khỏi Đảng hồi năm 2016, vào tối ngày 19 tháng 7 lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do rằng việc kỷ luật đảng như thế không mang lại hiệu quả gì. Giáo sư Nguyễn Đình Cống giải thích:
“Là tại vì kỷ luật cái quái gì khi cách chức mà người ta không còn giữ nữa, còn phạm những tội tày đình nhưng trong Đảng cũng chỉ đến mức cảnh cáo thôi. Việc kỷ luật như thế thì người ta làm nhiều đấy, nhưng chỉ chứng tỏ hai điều; một là phẩm chất của các bộ Đảng bị xuống cấp, bị tha hóa nhiều quá rồi và thứ hai là những kiểu thi hành kỷ luật như thế chỉ để vuốt ve dư luận chứ không có tác dụng. Không thể nói vì như thế rồi để có thể làm trong sạch và làm vững mạng Đảng được đâu. Tôi không tin.”
Không chỉ Giáo sư Nguyễn Đình Cống không có niềm tin mà không ít người còn cho rằng tình trạng đảng viên bị tha hóa, bị suy đồi đạo đức ngày càng nghiêm trọng hơn, mặc cho công cuộc “đốt lò” của ông Nguyễn Phú Trọng được nói là đang bùng cháy qua việc các cán bộ, đảng viên bị “đưa vào lò” trong những vụ đại án tham nhũng chức quyền như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh…
Nhà báo Võ Văn Tạo từng đưa ra nhận định của ông với RFA trong vấn đề này:
“Tỷ lệ phát hiện xử lý rất là ít, không đáng kể so với những cán bộ hư hỏng, chất lượng kém về tư cách đạo đức và nhiều chục năm qua việc cán bộ gọi là tha hóa rất phổ biến, nhiều nhà báo đưa ra và nhiều tranh luận tại nghị trường.”
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong một lần tiếp xúc với cử tri thành phố Hồ Chí Minh hồi tháng 5 năm 2011, cũng đã nói rằng ông thấy xấu hổ khi nghe những lời ta thán có quá nhiều những “con sâu” ở trong Đảng. Báo chí còn dẫn lời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chia sẻ khi đó rằng “Mai kia người ta nói một bầy sâu là ‘chết’ cái đất nước này”.
Đảng CSVN sẽ thế nào?
Nhà văn Thùy Linh cho biết theo quan điểm của bà thì tình trạng cán bộ, đảng viên trong mắt của người dân Việt Nam thường là những người lạm quyền, tham nhũng, xa rời dân chúng, tha hóa đạo đức…là do hệ quả của sự độc quyền chính trị. Nhà văn Thùy Linh phân tích:
“Có lẽ là trong Hiến pháp đã thể hiện mầm mống và sự bắt đầu của sự suy thoái, đó là Điều 4 khi cho phép đảng lãnh đạo độc quyền và tuyệt đối. Và bản thân bất kể những cái gì độc quyền sẽ trở nên lạm quyền và lạm quyền thì tất yếu sẽ dẫn đến sự suy thoái. Con người cũng vậy thôi, chứ đừng nói một đảng phái. Nhưng sự độc quyền, độc quyền quá lâu và thiếu sự minh bạch trong một thời gian dài nên đã dẫn tới tình trạng như hiện nay. Đó là tình trạng tha hóa đạo đức của cán bộ lãnh đạo, là khá nhiều.”
Đồng quan điểm với Nhà văn Thùy Linh, Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, một cựu tù nhân chính trị từng là Biên tập viên Tạp chí Cộng sản lý giải thêm:
“Đó là vấn đề mang tính bản chất. Vì chúng ta cần hiểu rằng nếu không có đối trọng quyền lực, không có giám sát, kiểm soát một cách độc lập, khách quan thì chắc chắn sẽ dẫn đến sự lạm quyền và tha hóa. Đó là nguyên lý. Trên thực tế ở VN nó đang diễn ra như vậy và đó là điều hiển nhiên mà ai cũng nhận thấy.”
<i>Đó là vấn đề mang tính bản chất. Vì chúng ta cần hiểu rằng nếu không có đối trọng quyền lực, không có giám sát, kiểm soát một cách độc lập, khách quan thì chắc chắn sẽ dẫn đến sự lạm quyền và tha hóa. Đó là nguyên lý. Trên thực tế ở VN nó đang diễn ra như vậy và đó là điều hiển nhiên mà ai cũng nhận thấy<br/>-Nhà báo Nguyễn Vũ Bình</i>
Một số nhà quan sát tình hình Việt Nam mà RFA tiếp xúc đều khẳng định rằng bởi do bản chất của Đảng CSVN là như vậy thì biện pháp kỷ luật cho dù mạnh tay đến đâu cũng không thay đổi được hiện tượng. Hầu hết giới chuyên gia quan tâm tình hình chính trị tại Việt Nam cho rằng Đảng CSVN cần phải thay đổi cho đa nguyên chính trị. Tuy nhiên, Đảng lãnh đạo Việt Nam tỏ rõ quan điểm qua hai lần từ chối khuyến nghị của Cộng hoà Czech về tạo điều kiện cho đa nguyên chính trị và dân chủ ở Việt Nam. Lần từ chối mới nhất của Nhà nước Việt Nam được Nhóm Làm việc Liên Hiệp Quốc về Hoạt động Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát công bố trong báo cáo vào hạ tuần tháng 6 vừa qua.
Chúng tôi nêu câu hỏi với Giáo sư Nguyễn Đình Cống rằng Đảng CSVN cần thiết phải làm gì để dân chúng Việt Nam có thêm niềm tin cũng như nâng cao uy tín lãnh đạo quốc gia trên trường quốc tế khi vẫn duy trì sự độc tôn và được ông trả lời:
“Nếu như họ không có những thay đổi thật là quan trọng, đặc biệt trong Đại hội Đảng XIII sắp tới, nếu như họ tỉnh ngộ ra và có những thay đổi quan trọng về đường lối, về tổ chức của Đảng thì có thể vớt vát về uy tín. Còn nếu như họ cứ trượt theo con đường cũ, nghĩa là vẫn cứ theo những cách từ trước tới nay thì càng ngày sự mất lòng tin và sự rối loạn của xã hội càng tăng. Và đến như thế thì người dân phải chịu.”
Giáo sư Nguyễn Đình Cống còn khẳng định trong trường hợp Đảng CSVN không muốn thay đổi thì họ sẽ sử dụng hai biện pháp gia tăng tuyên truyền và tăng cường đàn áp người dân để tiếp tục thống trị đất nước Việt Nam.