“Đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam không giống ai”: Câu chuyện không bao giờ có hồi kết!

0:00 / 0:00

Kết quả đạt được lạc quan?

Tại Hội thảo “Các giải pháp, chính sách nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, gắn với nhu cầu nghiên cứu khoa học và nhóm nghiên cứu”, Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết số lượng và chất lượng công bố quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học tăng hơn 3 lần so với 7 năm trước. Kết quả này cho thấy sự chú trọng hội nhập thế giới cũng như năng lực nghiên cứu khoa học của các trường đại học ở Việt Nam.

Bộ Giáo dục-Đào tạo từng thực hiện Đề án 911, với mục tiêu đặt ra là đào tạo bổ sung ít nhất 20.000 tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020 góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam. Tuy nhiên sau 5 năm thực hiện Đề án 911 được đánh giá đã không đạt được kế hoạch, chỉ có 3.800 nghiên cứu sinh đã và đang được đào tạo tính đến thời điểm năm 2016.

Tiếp theo đó, Bộ Giáo dục Đào tạo Việt Nam đưa ra dự thảo chi 12.000 tỷ đồng để đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2025 nhằm góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và phát triển khoa học, công nghệ cho đất nước.

Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng, vào tối hôm 3/6 xác nhận với RFA rằng quá trình đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam trong thời gian qua gặt hái được một số kết quả nhất định:

<i>Ngành Khoa học Tự nhiên, Khoa học Công nghệ thì có ảnh hưởng quốc tế nhiều. Các thành viên đã được đào tạo ở Mỹ và Châu Âu về thì họ có phong cách bị ảnh hưởng ở các nước Tây phương cho nên họ hướng dẫn luận văn tiến sĩ, thứ nhất họ có những đề tài hợp lý và thứ hai là họ có phong cách làm việc có giá trị thành ra tôi thấy có những đổi thay…Nhưng về mặt Khoa học Xã hội thì tôi nhận thấy không thay đổi bao nhiêu. Nhất là như Viện Khoa học-Xã hội Việt Nam mà viện đó bị tai tiếng dữ dội, nghĩa là mỗi năm đào tạo 365 tiến sĩ, tức là mỗi ngày 1 tiến sĩ thì vẫn không thay đổi gì và nó vẫn chiếm cứ một thế thượng phong; mà từ đó nó có những đề tài rất buồn cười như đề tài 'Phong cách nịnh tại Việt Nam'. Những đề tài như vậy mà cũng được cấp bằng tiến sĩ. Cách đào tạo này tôi thấy họ vẫn đang tiếp tục<br/>-Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng</i>

“Ngành Khoa học Tự nhiên, Khoa học Công nghệ thì có ảnh hưởng quốc tế nhiều. Các thành viên đã được đào tạo ở Mỹ và Châu Âu về thì họ có phong cách bị ảnh hưởng ở các nước Tây phương cho nên họ hướng dẫn luận văn tiến sĩ, thứ nhất họ có những đề tài hợp lý và thứ hai là họ có phong cách làm việc có giá trị thành ra tôi thấy có những đổi thay.”

Tuy nhiên, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cũng khẳng định sự đổi thay tích cực đó không được đồng đều. Theo ghi nhận của Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng thì có những nơi và có những người họ mang quan điểm khoa học theo quan niệm quốc tế về nước để làm việc. Nhưng vẫn có các trường mà có thể nói là không có tiếng tăm và ‘ăn xổi ở thì’ thì họ làm như cũ.

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng nhấn mạnh:

“Nhưng về mặt Khoa học Xã hội thì tôi nhận thấy không thay đổi bao nhiêu. Nhất là như Viện Khoa học-Xã hội Việt Nam mà viện đó bị tai tiếng dữ dội, nghĩa là mỗi năm đào tạo 365 tiến sĩ, tức là mỗi ngày 1 tiến sĩ thì vẫn không thay đổi gì và nó vẫn chiếm cứ một thế thượng phong; mà từ đó nó có những đề tài rất buồn cười như đề tài ‘Phong cách nịnh tại Việt Nam’. Những đề tài như vậy mà cũng được cấp bằng tiến sĩ. Cách đào tạo này tôi thấy họ vẫn đang tiếp tục.”

Thực tiễn đào tạo tiến sĩ

Phát biểu tại Hội thảo hôm 27/5, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Minh Cương, thuộc Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng tuy có đổi mới quy chế đào tạo tiến sĩ phải quốc tế hóa về mặt công nghệ, chuẩn về quy trình, đạt chuẩn có bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI-Scopus...nhưng trên thực tế việc đào tạo tiến sĩ đang có nhiều điểm không giống ai. Tiến sĩ Đỗ Minh Cương nói rằng ngành giáo dục Việt Nam đang có sự lúng túng khi chưa có hình mẫu nào để học theo và do đó cần có một hình mẫu chuẩn phù hợp về đào tạo tiến sĩ để hướng tới.

Tiến sĩ Đỗ Minh Cương còn nêu lên vấn đề cần phải xem xét lại việc đào tạo tiến sĩ hiện nay mục đích để làm gì, cũng như mối quan hệ giữa chất lượng và số lượng đã phù hợp hay chưa.

Liên quan vấn đề vừa nêu, Báo mạng Giáo dục Việt Nam, vào ngày 1/6 dẫn nhận định của Tiến sĩ khoa học Phan Hồng Giang, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam rằng thực trạng đào tạo tiến sĩ nhiều năm qua là không đạt yêu cầu và nặng về số lượng, nhẹ chất lượng, đua nhau làm tiến sĩ. Tiến sĩ Phan Hồng Giang khẳng định “nhiều vị khi có chức danh về quản lý Nhà nước thì lại cố kiếm bằng tiến sĩ để sang trọng hơn là để làm việc". Tiến sĩ Phan Hồng Giang còn xác quyết rằng đào tạo là để có được những nhà khoa học chất lượng cao, trước tiên là để giảng dạy đại học và sau đó là nghiên cứu khoa học đóng góp cho trường, cho xã hội.

Bằng Tiến sĩ của Việt Nam.
Bằng Tiến sĩ của Việt Nam. (Courtesy: Tiin.vv)

Vào ngày 3/6, Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn, thuộc Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan và Đại học New South Wales, ở Úc qua ứng dụng messenger chia sẻ ghi nhận của ông với RFA về thực tiễn đào tạo tiến sĩ tại các trường đại học ở Việt Nam. Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn viết:

" Theo tôi thấy cách làm hiện nay đã bị biến chất và nó có hiệu quả làm nhục nghiên cứu sinh hơn là giúp cho họ nghiên cứu tốt. Chẳng những thành viên hội đồng phản biện , mà ngay cả nhân viên hành chánh cũng có thể hành hạ và làm nhục nghiên cứu sinh . Trường không hề can thiệp, hay giả làm ngơ cho nhân viên hành chánh hành hạ nghiên cứu sinh 'lên bờ xuống ruộng'. Học viên ai cũng chịu nhục để gọi là 'nín thở qua sông' , sẵn sàng hạ thấp nhân phẩm."

Trong khi đó, Tiến sĩ Hoàng Dũng, giảng viên Đại học Sư Phạm TP.HCM, người trực tiếp tham gia đào tạo tiến sĩ chỉ ra một vấn đề quan trọng liên quan chất lượng đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam:

“Hiện tại Khoa học Xã hội Việt Nam chưa có một tạp chí nào được xếp hạng ISI-Scopus. Do đó, dẫn đến chuyện là những bài hay nhất thì người ta phải lo đi công bố ở nước ngoài và nếu ở Việt Nam mãi mãi không có một tạp chí khoa học nào được xếp vàp có tiếng tăm trên thế giới, bởi vì tạp chí xếp hạng có tiếng tăm trên thế giới đăng những bài hay, thì thực sự đe dọa khoa học Việt Nam. Tôi thấy rằng ông Giáo sư Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học đã nói rất mạnh mẽ về chuyện đó. Ngoài ra không thấy mấy ai nói và cho đến nay tiếng kêu của Giáo sư Phùng Hồ Hải là vô vọng.”

Thay đổi thế nào để được hiệu quả?

Đại diện của hơn 24 trường đại học tham dự Hội thảo hôm 27/5 thảo luận và đóng góp ý kiến về sửa đổi quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ với chú trọng đội ngũ hướng dẫn và nhóm nghiên cứu quyết định chất lượng tiến sĩ, đồng thời “phải làm tiến sĩ” thay vì “học tiến sĩ”.

Là vị giáo sư từng từng tham gia hướng dẫn cho nghiên cứu sinh Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn khẳng định rằng “các em ấy không hề thua kém sinh viên Mỹ, các em ấy tốt nghiệp với những công trình nghiên cứu đạt chuẩn mực khoa học quốc tế”. Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho rằng Việt Nam có thể đào tạo tiến sĩ tập trung vào cách chọn đề tài nghiên cứu, tài trợ, công bố khoa học và bình duyệt.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn trình bày chi tiết qua messenger:

" Thứ nhứt là vấn đề chọn đề tài nghiên cứu thì cần có những tiêu chuẩn cụ thể cho một luận án tiến sĩ, và bộ tiêu chuẩn này có thể tìm thấy đây đó của các hiệp hội khoa học quốc tế. Thứ hai, tài trợ cho nghiên cứu là tài trợ có thể đến từ labo của thầy hay của một quỹ khoa học. Thứ ba là công bố kết quả : hiện nay, đã có qui định nghiên cứu sinh phải công bố 2 bài báo khoa học để được bảo vệ luận án. Nhưng cần phải bổ sung là tập san phải 'chánh thống', chớ những tập san không thuộc một hiệp hội khoa học thì không nên công nhận. Nếu đã có 2 bài báo khoa học thì không có lí do gì để duy trì hội đồng cơ sở; chỉ 1 hội đồng cấp đại học là đủ . Và thứ tư là luận án và bình duyệt thì hãy bỏ qui định về số tài liệu tham khảo trong nước bao nhiêu, nước ngoài bao nhiêu; chỉ tham khảo những bài báo trên các tập san ISI đã qua bình duyệt. Cần sự bình duyệt từ các giáo sư ngoài trường và nước ngoài. Không cần gởi bản tóm tắt ra vài chục tiến sĩ như hiện nay. "

<i>Riêng về ngành Khoa học Xã hội thì phải gỡ bỏ cái vòng kim cô chính trị đi thì mới được. Tôi nói một ví dụ cụ thể sau vụ Nhã Thuyên thì tất cả các trường đại học được lệnh phải rà soát lại toàn bộ chương trình đào tạo và danh sách ai hướng dẫn đề tài gì đều phải báo cáo với Bộ. Việc này gọi là một cuộc khủng bố vì những đề tài hơi nhạy cảm một chút là giáo sư phải rút bỏ. Nghiên cứu rồi lại sợ là không được nghiên cứu cái mảng mà mình cho là có vấn đề, mà có vấn đề thì mới nghiên cứu thì như vậy làm sao nghiên cứu cho tốt được? Việc nghiên cứu là phải có tự do học thuật. Tự do học thuật là mình muốn nghiên cứu đề tài gì thì phải được phép. Một khi không có tự do học thuật thì đừng nghĩ rằng Khoa học Xã hội giúp đỡ một cách căn bản cho đất nước<br/>-Tiến sĩ Hoàng Dũng</i>

Tiến sĩ Hoàng Dũng nêu lên quan điểm của ông, với lưu ý quan trọng:

“Riêng về ngành Khoa học Xã hội thì phải gỡ bỏ cái vòng kim cô chính trị đi thì mới được. Tôi nói một ví dụ cụ thể sau vụ Nhã Thuyên thì tất cả các trường đại học được lệnh phải rà soát lại toàn bộ chương trình đào tạo và danh sách ai hướng dẫn đề tài gì đều phải báo cáo với Bộ. Việc này gọi là một cuộc khủng bố vì những đề tài hơi nhạy cảm một chút là giáo sư phải rút bỏ. Nghiên cứu rồi lại sợ là không được nghiên cứu cái mảng mà mình cho là có vấn đề, mà có vấn đề thì mới nghiên cứu thì như vậy làm sao nghiên cứu cho tốt được? Việc nghiên cứu là phải có tự do học thuật. Tự do học thuật là mình muốn nghiên cứu đề tài gì thì phải được phép. Một khi không có tự do học thuật thì đừng nghĩ rằng Khoa học Xã hội giúp đỡ một cách căn bản cho đất nước. Chẳng hạn một khi Nghị quyết ghi rằng ‘kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’ thì tất cả những nhà kinh tế chỉ được nói trong cái vòng kim cô đó thôi.”

Mặc dù đưa ra những ý kiến như vậy, nhưng cả ba Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng, Hoàng Dũng và Nguyễn Văn Tuấn đều khẳng định việc đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam là một câu chuyện dài không có hồi kết, vì chủ trương giáo dục ở Việt Nam vẫn duy trì luôn là “hồng hơn chuyên”.

Đài RFA xin được kết thúc bài ghi nhận hạn hẹp này qua chia sẻ của một tiến sĩ Việt Nam chọn ở lại Anh quốc làm việc. Tiến sĩ An Hà nói với RFA rằng "Nghiên cứu khoa học cần sáng tạo, cần nghĩ điều người khác không dám nghĩ, làm những điều người khác chưa dám làm. Tuy nhiên ở Việt Nam, nói chung guồng máy không hoan nghênh những người dám nghĩ dám làm như thế".