Điều gì sẽ xảy ra sau phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế?

0:00 / 0:00

Phán quyết của Tòa trọng tài PCA không nằm ngoài dự kiến của các chuyên gia công pháp quốc tế về đường chín đoạn và các hành động vượt luật pháp của Trung Quốc, tuy nhiên thái độ của Bắc Kinh sau phán quyết đang là điều gây sự chú ý của thế giới và nó có thể làm cho cục diện Biển Đông trở thành điểm nóng trong bối cảnh Hoa Kỳ đang hết sức chú ý tới khu vực này. Bài phỏng vấn TS Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hà Lan, nguyên Tổng biên tập tuần báo Quốc Tế thuộc Bộ Ngoại Giao Việt Nam nói thêm ý kiến của một chuyên gia ngoại giao về sự kiện này.

Trung Quốc rất cay cú trước phán quyết của Tòa. Mặc dù bên ngoài họ tỏ ra không quan tâm nhưng thực tế suốt mấy tháng nay Trung Quốc đã vận động khắp các nơi để hạ thấp giá trị của Tòa để vô hiệu hóa phán quyết.<br/> - TS Đinh Hoàng Thắng

Mặc Lâm: Thưa tiến sĩ (TS), như ông biết phán quyết của Tòa trọng tài PCA vừa đưa ra vào chiều hôm nay, 12 tháng 7, với nội dung mà Philippines trình bày đều được Tòa chấp nhận và quan trọng nhất là Tòa đã bác bỏ đường 9 đoạn mà Trung Quốc đã đòi hỏi. Là người hoạt động trong ngành ngoại giao ông dự kiến ra sao về thái độ của Trung Quốc khi họ không chấp nhận phán quyết này và tương lai thì bước tiếp theo họ sẽ làm gì?

TS Đinh Hoàng Thắng: Rất là khó phán đoán vì chính sách của Trung Quốc cho đến nay vẫn là chính sách dựa trên sức mạnh, không phải căn cứ trên nền tảng luật pháp quốc tế. Cho nên chiều nay sau khi có tin tòa CPA phán quyết như vậy thì chúng ta đồng thời cũng biết rằng Trung Quốc, theo nguồn tin của một số trang mạng tại Bắc Kinh, tiết lộ rằng Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình đã phát đi lệnh chuẩn bị tác chiến, yêu cầu quân đội sẵn sàng chiến đấu.

Tin này không ai có thể thẩm định được nhưng người ta không ngạc nhiên vì rõ ràng Trung Quốc rất cay cú trước phán quyết của Tòa. Mặc dù bên ngoài họ tỏ ra không quan tâm nhưng thực tế suốt mấy tháng nay Trung Quốc đã vận động khắp các nơi để hạ thấp giá trị của Tòa để vô hiệu hóa phán quyết.

Mặc Lâm: Thưa TS, như ông thấy thì phản ứng của quốc tế rất tích cực, hầu hết các nước đều nhìn nhận phán quyết này chỉ có Trung Quốc là không chấp nhận mà thôi. Theo ông những nhìn nhận chung của quốc tế sẽ ảnh hưởng thế nào trên bước đường ngoại giao của Trung Quốc sau này?

TS Đinh Hoàng Thắng: Tôi nghĩ việc này có hai mặt. Mặt thứ nhất, quốc tế có phản ứng thận trọng, vừa phải. Tất nhiên ai cũng thấy phán quyết đó là phán quyết vì lẽ phải nhưng đồng thời người ta cũng thận trọng trong đánh giá tình hình bởi vì người ta chưa biết, chưa lường được hết phản ứng của Trung Quốc.

Tên lửa tàu khu trục nhỏ Yuncheng của Trung Quốc phóng tên lửa đối hạm trong một cuộc tập trận ngày 8 tháng 7 năm 2016.
Tên lửa tàu khu trục nhỏ Yuncheng của Trung Quốc phóng tên lửa đối hạm trong một cuộc tập trận ngày 8 tháng 7 năm 2016. (AFP PHOTO)

Ngay cả bản thân Philippines, là bên nguyên, cũng có thái độ rất co giãn và họ cũng không phải thừa thắng xông lên để làm điều gì đó ầm ĩ. Tôi nghĩ tân Tổng thống của Philippines sẽ dùng phán quyết này như một công cụ để mà tiếp tục đấu tranh.

Thế giới chẳng ai muốn bạo lực, chẳng ai muốn chiến tranh, người ta muốn làm thế nào đó để một bộ phận quan trọng trong công luận Trung Quốc thức tỉnh để thấy rằng thế giới văn minh hiện nay sống trên luật pháp quốc tế chứ anh không thể một mình một chợ, không thể sống trong luật rừng được. Theo tôi nghĩ phản ứng quốc tế là thuận lợi.

Mặc Lâm: Thưa ông trước công bố của PCA thì những cơ quan truyền thông lớn của Mỹ như CNN đều loan tải tin này như một Breaking News rất quan trọng. Phải chăng đây là một sự chuẩn bị cho các hành động của Mỹ chính thức tại Biển Đông hay không?

TS Đinh Hoàng Thắng: Tôi nghĩ rằng tin này rõ ràng là một tin quan trọng và việc họ đưa tin ồ ạt như thế thì đương nhiên thôi bởi vì trong lịch sử hiếm khi có một tin như thế này. Nhất là lịch sử tại Biển Đông thì đây là lần đầu tiên và cho tới bây giờ chưa ai đánh giá được tác động của việc này đối với tình hình khu vực, đối với tập hợp lực lượng ở đây có thể có mặt hại tức là thúc đẩy cuộc đấu tranh nhưng nó cũng có thể có cái mặt trái là phân hóa lực lượng. Trong bối cảnh như vậy thì mọi người phải chờ đợi.

Riêng tôi nghĩ thì Mỹ đã tiên liệu tất cả bởi vì nước Mỹ không thiếu những chiến lược gia. Mỹ và Trung Quốc đều tiên liệu cái “outcome” này, cái kết quả chung cuộc, chứ đây không phải là điều quá bất ngờ đối với các bên. Mọi nước đi của hai phía đều nằm trong tính toán chứ không phải là bộc phát. Đặc biệt chúng ta nhớ đến cuộc hội thảo hôm mùng 5 tháng 7 ở Mỹ vừa qua thì thấy rằng cả Mỹ và Trung Quốc đều nói rằng phải kiềm chế, không thể để cho hai bên có những tuyên bố có thể gây hiểu nhầm dẫn đến hành động ngoài tầm kiểm soát. Tôi không nghĩ có thảm họa gì sẽ diễn ra sau phán quyết này.

Mỹ và Trung Quốc đều nói rằng phải kiềm chế, không thể để cho hai bên có những tuyên bố có thể gây hiểu nhầm dẫn đến hành động ngoài tầm kiểm soát.<br/> - TS Đinh Hoàng Thắng

Mỹ chuẩn bị cho chuyện đó là đương nhiên vì họ phải cảnh giác đề phòng những việc mà chúng ta thấy gần đây khi Trung Quốc huy động hải lục quân, tất nhiên Mỹ phải có đề phòng nhưng tôi nghĩ mọi việc vẫn nằm trong trật tự.

Mặc Lâm: Xin được một câu hỏi cuối. Việt Nam là một yếu tố rất quan trọng trong vấn đề tranh chấp với Trung Quốc, đặc biệt đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, qua vụ thắng kiện của Philippines thì Việt Nam rút được kinh nghiệm gì thưa ông?

TS Đinh Hoàng Thắng: Tôi nghĩ trước khi có phán quyết này thì Việt Nam từ lãnh đạo cho tới các cấp chuyên gia đã nhiều lần nói rằng sẽ sử dụng công cụ pháp lý và nó vẫn nằm trong biện pháp hòa bình mà Việt Nam không loại trừ biện pháp này, đấy là trước đây.

Còn bây giờ, đối với kết quả thắng lợi này của Philippines có thể nói rằng nó có một phần hỗ trợ cho Việt Nam trong vấn đề bác bỏ tính pháp lý của đường 9 đoạn. Không riêng gì Việt Nam mà tất cả các nước có đòi hỏi chủ quyền đều thấy đây là nhân tố mới, thuận lợi cho cuộc đấu tranh về mặt pháp lý.

Còn Việt Nam rút ra được bài học gì thì có lẽ tôi cho bài học quan trọng nhất là trong thời đại ngày nay thì sức mạnh “cứng” nó quan trọng nhưng sức mạnh “mềm” chính là chuẩn bị cuộc chiến pháp lý, cuộc chiến truyền thông. Chuẩn bị giành trái tim khối óc của cộng đồng trong khu vực ủng hộ nước mình thì cái này có ý nghĩa quyết định. Việt Nam trong chiến tranh đã có ý thức hành động theo hướng này nhưng với phán quyết chiều 12 tháng 7 hôm nay thì nhãn tiền Việt Nam đã hiểu được giá trị của pháp lý trong tương lai. Và đã là công cụ pháp lý thì một nước như Việt Nam không thể buông cái công cụ hữu hiệu ấy được.

Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.