Việt Nam sẽ thế nào dưới thời ông Tô Lâm?

0:00 / 0:00

Chỉ trong năm 2024, ông Tô Lâm đã có hai lần thăng tiến lên vị trí cao nhất trong hệ thống chính trị Việt Nam. Ngày 22/5/2024, ông từ vị trí bộ trưởng Bộ Công an lên chức chủ tịch nước. Chỉ hai tháng rưỡi sau, ông lên vị trí cao nhất là tổng bí thư, sau khi cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời.

Chính trị Việt Nam từ thời ông Nguyễn Phú Trọng đã xuất hiện một khái niệm mới là "nhóm lãnh đạo chủ chốt". Khái niệm này được sử dụng công khai khi ra các quyết sách lớn nhưng không nằm trong các văn kiện chính thức. Đến thời ông Tô Lâm, khái niệm này tiếp tục được sử dụng. Sự đăng quang của Tô Lâm thu hút chú ý của truyền thông và các nhà bình luận khắp thế giới. Nhiều cuộc thảo luận đã diễn ra, xoay quanh tương lai chính trị Việt Nam khi đã có lãnh đạo mới.

Trao đổi với RFA về khả năng ông Tô Lâm làm cải cách, Giáo sư Vũ Tường, Trưởng khoa Chính trị học ở Đại học Oregon, cho rằng có hai khả năng là lạc quan và bi quan.

Về khả năng lạc quan, trao đổi với RFA qua email, GS Vũ Tường cho rằng "cũng có thể ông Tô Lâm khi đạt được đỉnh cao quyền lực sẽ nới lỏng sự kiểm soát của nhà nước để cho xã hội dễ thở hơn. Cũng có thể ông ấy tích cực cải cách kinh tế và chính sách ngoại giao để Việt Nam xa dần Nga-Trung Quốc và thân phương Tây hơn."

Nhưng theo GS Vũ Tường, cũng có khá nhiều dấu hiệu cho thấy tình hình sẽ vẫn như cũ hoặc trầm trọng hơn. Về khả năng tình hình sẽ bi quan hơn, dưới quyền ông Tô Lâm, có thể nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục trượt dài trên con đường mà đích đến là một chế độ công an trị toàn diện.

Giáo sư Zachary Abuza ở Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ cho rằng nếu có người nào muốn giữ cả hai chức vụ Tổng Bí thư và Chủ tịch nước thì đó là ông Tô Lâm. Theo GS Zachary, mong muốn này có logic ngoại giao của nó, ngay cả khi Việt Nam có truyền thống lãnh đạo tập thể. Bởi lẽ, tổng bí thư là nguyên thủ cao nhất ở Việt Nam nhưng chỉ là lãnh đạo một đảng phái chính trị trong con mắt quốc tế.

"Chính trị Việt Nam có ổn định hơn không?" là câu hỏi RFA đặt ra cho một số nhà quan sát. Theo GS Zachary Abuza, chính trị Việt Nam từ nay sẽ ổn định hơn. Sau khi ông Nguyễn Phú Trọng qua đời, Bộ chính trị Việt Nam muốn ông Tô Lâm nắm quyền tổng bí thư ngay lập tức là để ổn định chính trị. Ông trao đổi với RFA qua email:

"Hãy nhìn xem, phần lớn sự bất ổn chính trị mà chúng ta theo dõi trong 20 tháng qua là do tham vọng của ông Tô Lâm gây ra. Nó phục vụ mục đích của ông ấy và ông ấy đã đạt được điều mình muốn, vì vậy tôi đang mong đợi sắp tới sẽ là một khoảng thời gian tương đối yên tĩnh. Ưu tiên của ông ấy bây giờ là làm những công việc hậu trường trước đại hội đảng."

Giáo sư Zachary cho biết ông thực sự nghĩ rằng ông Tô Lâm sẽ tốt cho nền kinh tế Việt Nam. Lý do là cũng giống như Tập Cận Bình, ông Nguyễn Phú Trọng quan tâm nhiều đến việc kiểm soát đảng hơn là tăng trưởng. Đối với ông Trọng, tăng trưởng kinh tế là một điều tồi tệ nếu nó gây tổn hại đến sự kiểm soát của đảng. Ông Tô Lâm không phải là con người ý thức hệ giáo điều như ông Trọng mà được cho là rất thực dụng. Giáo sư Zachary trao đổi với RFA:

"Tôi đoán là ông ấy hiểu rằng tính hợp pháp của đảng, và do đó, an ninh của đảng, phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế. Một lượng đáng kể đầu tư nước ngoài đã đổ vào Việt Nam là để giảm thiểu rủi ro từ Trung Quốc. Nhưng 20 tháng bất ổn chính trị có thể khiến một số người sợ hãi. Vì vậy, tôi nghĩ các nhà đầu tư sẽ hết sức tìm kiếm một thời kỳ ổn định chính trị."

Tuy nhiên, theo Giáo sư Nguyễn Văn Chữ, nguyên trưởng khoa Kinh tế ở Đại học Houston at Downtown, có nhiều khả năng chính trị Việt Nam từ nay sẽ ổn định hơn, nhưng vẫn có khả năng nó chưa ổn định thực sự. Ông giải thích:

"Cái vấn đề chính trị của Việt Nam ổn định hay không tùy thuộc vào việc ông Tô Lâm giải quyết các vấn đề chính trị. Ví dụ như ông Phạm Minh Chính là người rất tâm cơ. Ông ấy cứ không nói gì nhưng chắc chắn ông ấy không ngồi yên. Vẫn có khả năng ông ấy liên kết với quân đội. Thành ra tôi nghĩ chính trị Việt Nam chưa chắc đã ổn định."

Sự thăng tiến của các vị tướng công an, quân đội vào vị trí lãnh đạo chính trị trong thời gian qua cũng là vấn đề nhiều nhà quan sát lưu tâm. GS Zachary cho biết, đối với ông, "không còn nghi ngờ gì nữa, ảnh hưởng của Bộ Công an đối với Bộ Chính trị là rất lớn: 5 trong số 14 ủy viên hiện nay đều xuất thân từ Bộ Công an." GS Zachary đặt ra trường hợp trong tương lai, nếu Lương Tam Quang được bầu vào Bộ Chính trị, tỷ lệ này sẽ tăng lên 43%. Ông trao đổi với RFA rằng điều đó thực sự nói lên sự bất an của chế độ trước diễn biến hòa bình và các cuộc cách mạng màu. Theo ông, chúng ta nên chuẩn bị sẵn tinh thần để tiếp tục "đón đợi" những cuộc đàn áp các phương tiện truyền thông độc lập của xã hội dân sự và phương tiện truyền thông xã hội.

Cũng về vấn đề ổn định chính trị và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, theo Giáo sư Vũ Tường, nếu trường hợp Việt Nam tiếp tục trượt dài trên con đường mà đích đến là một chế độ công an trị toàn diện xảy ra, "kinh tế có thể tăng trưởng ở mức độ trung bình (5-6%) và chắc chắn sẽ tiếp tục lệ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài sử dụng lao động rẻ. Năng suất lao động tiếp tục thấp. Người lao động tiếp tục bị bóc lột bởi các doanh nghiệp nước ngoài và thiếu cơ hội vươn lên trong nước, phải đi làm thuê ở nước ngoài ngày càng nhiều. Tham nhũng sẽ tiếp tục hoành hành. Nhiều khả năng là sau khi ông tướng công an về hưu và trao quyền cho một người lãnh đạo khác có hiểu biết và quan điểm cởi mở hơn thì tình hình mới có thể cải thiện."

Đối với một nước như Việt Nam, chính sách đối ngoại, khả năng cải cách và tăng trưởng đều gắn bó chặt chẽ với nhau. Về vấn đề này, Giáo sư Nguyễn Văn Chữ cho rằng tình thế địa chính trị của Việt Nam khiến quốc gia này khó lòng thay đổi chính sách. Ông nói:

"Mình biết ở Việt Nam nhóm nào thắng thì không thể bỏ Trung Quốc. Cho nên chính sách ngoại giao đu dây, cây tre sẽ vẫn tiếp tục. Cũng giống như một con đường cao tốc có nhiều làn, có thay đổi thì chỉ là mình chuyển làn thôi, chuyển làn một làn hai, bên phải hay bên trái, chứ trên đường cao tốc thì vẫn cứ hướng đó mà chạy. Tôi không nghĩ mình có con đường nào khác để mà đi. Cái vị thế của Việt Nam khiến cho Việt Nam phải luôn luôn đu dây. Vấn đề chỉ là tùy lúc thì mình chuyển làn để gần bên nào hơn thôi."