Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 được khai mạc hôm 12 tháng 11 năm 2020. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là một trong các kết quả được cho là mong chờ nhất tại Hội nghị ASEAN lần này.
Ban đầu, có 16 quốc gia tham gia đàm phán RCEP, nhưng đến tháng 11 năm 2019 thì Ấn Độ đã rút lui vì lo ngại thỏa thuận sẽ gây thiệt hại cho các nhà sản xuất trong nước. Số nước còn lại tham gia hiệp định bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và năm quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do bao gồm Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.
Tiến trình đàm phán RCEP chính thức bắt đầu tại hội nghị cấp cao ASEAN 2012 tại Cambodia. 15 quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã tuyên bố mục tiêu hoàn tất hiệp định tại Hội nghị Cấp cao RCEP lần thứ 4 khi Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020. Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia Azmin Ali gọi việc ký kết hiệp định RCEP là đỉnh cao của “8 năm đàm phán bằng máu, mồ hôi và nước mắt”. RCEP từng được kỳ vọng sẽ hoàn tất việc ký kết trước năm 2015.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, hiệp định này được thông qua có thể gây sức ép cho một số công ty Mỹ và các công ty đa quốc gia khác bên ngoài khu vực, đặc biệt là sau khi Mỹ rút ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương-TPP (sau này là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương-CPTPP). RCEP là Hiệp định được nhiều người kỳ vọng sẽ đem lại lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam.
PGS-TS. Ngô Trí Long nhận định rằng, khác với EVFTA hay CPTPP, lợi thế của Việt Nam ở RCEP đầu tiên là trình độ của các nước trong khu vực không chênh lệnh lắm dù Việt Nam có thấp hơn một số nước trong khu vực. Tất nhiên trong khu vực phạm vi hẹp và tính tương đồng gần như nhau thì đó là thuận lợi cho Việt Nam tuy còn nhiều thách thức lớn. Ông nêu một vài thách thức mà Việt Nam phải đối phó:
“Cái thách thức lớn nhất phải nói là năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc rất thấp. Trong xu thế là Việt Nam vẫn đang cố gắng. Trong nghị quyết đến năm 2045 phấn đấu thành một nước công nghiệp phát triển. Theo chỉ tiêu thì năm 2020 Việt Nam phải trở thành một nước công nghiệp nhưng phải bỏ đi vì không đạt được. Hay đến năm 2020 thì thu nhập bình quân đầu người phải là 3.500 đô la nhưng đến nay chưa đến 3.000 đô la.
Vấn đề là mình tiến một bước thì các nước khác cũng tiến ít nhất một bước. Muốn hơn hay bằng người ta thì có bước nhảy vọt, nhưng hiện nay vấn đề thể chế là vấn đề cốt lõi cần được quan tâm. Phải cải tổ, cải cách làm sao để đẩy mạnh việc thay đổi thể chế thì mới tạo động lực quan trọng cho kinh tế Việt Nam phát triển.”
Ông Long nói thêm, Việt Nam đã ký rất nhiều hiệp định rồi. Cho đến nay, ngoài hiệp định WTO còn có 16 hiệp định song phương, đa phương khác nữa. Bây giờ đạt được hiệp định này nữa thì Việt Nam sẽ mở rộng mối quan hệ về kinh tế của Việt Nam với các nước trong khu vực. Đồng thời tạo thuận lợi cho Việt Nam tiếp cận thêm những hướng mới.
Điều quan trọng là hiệp định này cũng như Hiệp định EVFTA và CPTPP đã nâng vị thế của Việt Nam trong mắt thế giới song năng lực cạnh tranh của Việt Nam so với các nước vẫn còn rất thấp.
Theo thống kê của The Diplomat, tổng dân số của 15 quốc gia tham gia RCEP là hơn 3 tỷ người, có tổng GDP khoảng 17 nghìn tỷ USD, và chiếm khoảng 40 phần trăm tổng thương mại thế giới.
RCEP là một nỗ lực của các nước chống lại chủ nghĩa bảo hộ cho dù nước Mỹ thời ông Trump chủ trương sử dụng các biện pháp bảo hộ thương mại. Sau khi rút Mỹ khỏi TPP, chính quyền của Tổng thống Trump đã áp thuế quan lên nhiều mặt hàng từ các đối tác thương mại của Mỹ mà ông cho là có hành vi thương mại bất bình đẳng.
Chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trong bối cảnh như vậy thì RCEP cần cấp bách hoàn tất. Ông nói thêm về những gì Việt Nam hưởng lợi nếu hiệp định này được thông qua:
“Thực ra thì Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực có một tác động tương đối lớn với các quốc gia trong khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng. Cái đầu tiên là sự hợp tác về mặt kinh tế tương đối toàn diện. Trong đó có vai trò và vị thế của các quốc gia trong khu vực khi hợp tác với Trung Quốc. Hợp tác về đầu tư và các vấn đề chung cũng như các yêu cầu về phát triển. Như vậy nếu đạt được RCEP thì vị thế các quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam, sẽ tăng lên. Trước hết là với Trung Quốc. Sau nữa là tăng lên với các quốc gia trên thế giới.
Cái hưởng lợi cho Việt Nam là hiện nay Việt Nam cũng đang có quan hệ rất tốt với Trung Quốc. Đặc biệt là Việt Nam đang nhập khẩu từ Trung Quốc rất nhiều. Nhưng thực sự mà nói thì việc thâm nhập của hàng hóa Việt Nam nói riêng vào thị trường Trung Quốc rõ ràng còn có giới hạn. Do đó, nếu Việt Nam có thể thâm nhập vào thị trường Trung Quốc tốt hơn, cả về khoa học kỹ thuật thì đây sẽ là một bước giúp cho nền kinh tế Việt Nam có những cái động năng mới để từ đó phát triển nền kinh tế tốt hơn.”
Ông Đinh Trọng Thịnh nói thêm, nhiều người cũng lo lắng Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, đặc biệt là nguồn nguyên vật liệu. Việt Nam cũng nhìn thấy bài học đó trong thời gian vừa qua, đặc biệt là đối tác hai bên quá chênh lệch. Sắp tới nếu Việt Nam thu hẹp được khoảng cách chênh lệch chừng nào thì tốt chừng đó.
RCEP có mức độ cam kết khiêm tốn hơn so với TPP, nhưng quy mô rộng hơn, bao gồm nhiều nền kinh tế và hàng hóa. TPP bao gồm điều khoản bảo vệ quyền của người lao động và bảo vệ các tiêu chuẩn về môi trường, cải cách các doanh nghiệp nhà nước, bảo hộ chặt chẽ sở hữu trí tuệ, cắt giảm thuế quan.
Tờ Thời báo Kinh tế Việt Nam dẫn lời bà Deborah Elms - Giám đốc công ty tư vấn Asian Trade Centre - nói rằng, RCEP chủ yếu mang lại lợi ích cho thương mại hàng hóa vì sẽ giảm mạnh thuế quan đối với nhiều mặt hàng. Ngoài ra, thỏa thuận sẽ cho phép các doanh nghiệp bán cùng một mặt hàng tại tất cả các quốc gia trong thỏa thuận mà không cần phải thực thi các thủ tục riêng lẻ tại từng thị trường. Hình thức này sẽ giúp các nhà sản xuất châu Á bán được nhiều sản phẩm hơn tại thị trường khu vực.
Trong khi đó, bà Alicia Garcia Herrero, Kinh tế trưởng phụ trách châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng đầu tư Natixis (trụ sở ở Paris, Pháp), có cái nhìn thận trọng hơn về RCEP. Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, bà Herrero nhận định rằng, RCEP xuất hiện đúng thời điểm để tiếp thêm sinh lực cho sự khôi phục của chủ nghĩa đa phương, khi xu hướng phi toàn cầu hóa đang trở nên dữ dội hơn và thêm nhiều chính phủ đang đề cao chủ nghĩa bảo hộ nhằm đạt được lợi ích đơn phương.