Cuộc chiến chấm dứt 45 năm trước qua cái nhìn của du học sinh!

0:00 / 0:00

Từ niềm tự hào được “định hướng”

Như hết thảy trẻ em ở Việt Nam, Đình Kim được giáo dục về sự kiện 30/4/1975 là “Đại thắng mùa xuân”, ngày “Giải phóng miền Nam, thống nhất hoàn toàn đất nước”, với lòng tự hào rằng Việt Nam đã đánh bại cả “Thực dân” Pháp và “Đế Quốc” Mỹ.

Kim nói với RFA rằng anh có thói quen tra cứu mọi thông tin mình muốn tìm hiểu trên mạng Internet. Từ đó, anh phát hiện thêm nhiều sự thật khác về ngày 30/4 mà sách lịch sử giáo khoa đã không đề cập đến:

"Mình có thói quen hay đọc Wikipedia. Mình mới thấy rằng Wikipedia nói về ngày 30/4 mà tại sao lại là ngày "Quốc Hận", "tháng Tư đen"… Khi đó mình mới bắt đầu lên Google tìm kiếm những cụm từ này thì mới ra một số trang blog kể về sự đau khổ, mất mát của những đang sống ở một nước nước khác khi người ta nhớ lại biến cố đó, thì mình mới biết rằng có một bộ phận người Việt đang ở bên nước khác là những người đã vượt biên. Sau này, khi ra nước ngoài, được đọc nhiều hơn thì mình mới thực sự thay đổi quan điểm về ngày 30/4 này."

Hình minh hoạ. Lễ kỷ niệm 40 năm kết thúc cuộc chiến ở Sài Gòn hôm 30/4/2015
Hình minh hoạ. Lễ kỷ niệm 40 năm kết thúc cuộc chiến ở Sài Gòn hôm 30/4/2015 (AFP)

Minh, người chuẩn bị du học thạc sỹ ngành Nhân quyền và Chính sách công tại Thuỵ Điển cũng thay đổi quan điểm nhờ vào việc đọc nhiều hơn các tài liệu bằng tiếng Anh:

"Trước đây, học lịch sử ở trường thì em chỉ biết ngày 30/4 là ngày chính quyền miền Nam Việt Nam đầu hàng, quân đội Bắc Việt chiếm Dinh Độc lập và ngày đấy được coi là ngày thống nhất đất nước.

Sau này, khi đọc nhiều tài liệu bên ngoài hơn thì em mới biết ngày đấy không nên được hiểu là ngày "giải phóng dân tộc" hay "thống nhất đất nước" gì cả vì thực sự đã có rất rất nhiều người phải chết, phải rời bỏ tổ quốc, phải chịu "cải tạo", bị tịch thu tài sản sau biến cố đấy."

Vy Nguyễn, thạc sỹ chuyên ngành Quản trị kinh doanh chia sẻ cô cũng từng tự hào về lịch sử dân tộc hào hùng được giảng dạy ở nhà trường. Tuy nhiên, niềm tự hào đó cũng thay đổi kể từ khi cô đi du học và được tự do tiếp cận thông tin ở một đất nước dân chủ:

"Lúc trước được học ở trong trường ở Việt Nam thì ngày 30/4 là ngày "giải phóng hoàn toàn miền Nam". Nói chung cũng biết bao tự hào về lịch sử dân tộc, về chuyện mình thắng Trung Quốc, chống Mỹ, chống Pháp…

Khi mình sang Đài Loan đi học, mình tiếp nhận thêm những những nguồn thông tin khác ở bên ngoài, tìm hiểu thì mình mới biết được sự thật về ngày 30/4 nó không giống như những cái gì mình được học trước đó. Mình biết được là sự thật lịch sử nó đã không được viết đúng. Người chiến thắng lúc nào cũng là người được viết nên lịch sử hết.

Ví dụ như một nước Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam Việt Nam, mà hồi xưa ở trong sách chỉ gọi là Mỹ Ngụy thôi, chứ họ không nói chính xác là một đất nước, nhưng họ có nói đến nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Bắc."

Cho đến thay đổi quan điểm về cuộc chiến

Theo Đình Kim, quan điểm của về cuộc chiến giữa hai miền Nam Bắc và ngày 30/4 có sự thay đổi theo từng giai đoạn. Từ mang trong lòng niềm tự hào, cho đến giờ, thì anh coi biến cố 30/4/1975 như là một tiến trình thay đổi thể chế ở miền Nam Việt Nam:

"Các quan điểm về sự kiện này, "tháng tư đen", "ngày thống nhất đất nước" hay "ngày quốc hận"… nó tùy thuộc và đánh giá chủ quan tư tưởng của người suy nghĩ về nó.

Còn đối với mình thì ngày 30/4 nó cũng không hẳn là một cuộc xâm lược. Thực ra, lực lượng tiến hành ngày 30/4 này không chỉ có Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà còn có cả Mặt trận Giải Phóng ngay bên trong lòng miền Nam…

Cho nên, không hẳn là một cuộc xâm lược mà nó là một tiến trình thay đổi thể chế, thay đổi Chính phủ, tiến trình sụp đổ của một Chính phủ mà không còn được Mỹ bảo trợ. Mình cũng biết là từ năm 1973 thì Mỹ không còn bảo trợ cho miền Nam nữa."

Chiếc xe tăng của quân đội húc đổ cánh cổng vào Dinh Độc Lâp ở Sài Gòn ngày 30/4/1975
Chiếc xe tăng của quân đội húc đổ cánh cổng vào Dinh Độc Lâp ở Sài Gòn ngày 30/4/1975 (AFP)

Bạn Minh thì khẳng định luôn quan điểm của mình về cuộc chiến này là “nội chiến” chứ không phải “giải phóng dân tộc”, bởi vì rõ ràng là “người Việt đánh người Việt”:

"Biến cố 30/4 là không đơn giản là một sự kiện lịch sử, mà nó là bước ngoặt thay đổi số phận của hàng triệu con người. Sau 45 năm, hệ quả của biến cố đấy vẫn còn gây ảnh hưởng đến nhiều người đang sống ở thời điểm hiện tại. Ví dụ: việc phân biệt đối xử với con cái của những cựu binh Việt Nam Cộng Hoà…

Và cần phải thừa nhận rằng đấy là một cuộc nội chiến chứ không phải là chiến tranh giải phóng dân tộc."

Thế hệ trẻ Việt Nam nên được giáo dục về cuộc chiến như thế nào?

Cả ba người mà chúng tôi phỏng vấn đều nhìn nhận rằng chương trình lịch sử sách giáo khoa hiện nay mà tất cả học sinh Việt Nam phải học có quá nhiều điều không khách quan, không đúng sự thật và còn nhiều điều bị che dấu về chiến tranh Việt Nam giai đoạn 1954-1975.

Đình Kim nói:

"Rõ ràng, hiện tại, người thắng là người có quyền nói. Cho nên những điều mà họ đưa vào sách vở được dựng lên theo một hướng chủ quan nhất định từ phía miền Bắc. Chính vì vậy mà nó sẽ có sự không khách quan về mặt thông tin, sự kiện lịch sử, nhiều khi có những sự kiện lịch sử đã bị che lấp đi, không đưa vào sách vở.

Nó dẫn đến một sự thật đó là thế hệ trẻ Việt Nam, thậm chí là mình, khi mà được giáo dục ở trong môi trường đó thì mình cũng chỉ hiểu biết giới hạn về sự thật chủ quan một phía mà thôi.

Ví dụ đơn giản là các cách mà sách lịch sử giáo khoa Việt Nam nói về một chủ thể là "Chính quyền Mỹ Ngụy" thôi thì đó cũng đã thể hiện sự chủ quan của miền Bắc Việt Nam rồi."

Nếu được thay đổi cách giảng dạy lịch sử cho thế hệ trẻ Việt Nam về cuộc chiến tranh này, Đình Kim nói cần phải tôn trọng sự thật lịch sử, đúng và đủ, cần xác định rõ ba điều cơ bản sau:

"Thứ nhất, mình xác định rõ đây là cuộc nội chiến giữa hai miền. Nó không phải là cuộc kháng chiến chống Mỹ, hay là chống xâm lược từ Miền Bắc. Đó là cuộc nội chiến giữa hai phe có tư tưởng khác nhau.

Thứ hai, ngày 30/4 là ngày mà Chính phủ phía Nam bị thất bại trước Chính phủ phía Bắc.

Thứ ba, ngày này không phải là "giải phóng". Đây là ngày mà nói rằng "thống nhất đất nước" cũng có thể chấp nhận được, vì đây là ngày hai nước thống nhất trở thành một nước, nhưng nó không phải là ngày "giải phóng". Bởi vì, người miền Nam chưa bao giờ có ý định muốn được giải phóng. Và nếu là ngày "giải phóng" thì tại sao sau ngày này lại có hàng triệu người phải ra đi để thoát khỏi cái đất nước vừa được "giải phóng" đó."

Bạn Minh cho rằng ít nhất, những người biên soạn sách giáo khoa lịch sử Việt Nam cần nhìn nhận khách quan hơn về cả hai bên:

"Họ nên có cái nhìn khách quan và công bằng hơn với cả hai phe, cả Việt Nam Cộng Hoà và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ngoài ra nên loại bỏ những từ tiêu cực và mang tính phân biệt khi nói về chính quyền Việt Nam Cộng Hoà như "Ngụy quân", "Ngụy quyền", "Bán nước", "theo đế quốc Mỹ"…"

Theo Vy Nguyễn thì bây giờ có góp ý thay đổi cách giảng dạy bộ môn lịch sử cũng không có tác dụng. Chỉ có một nền dân chủ, tự do thực sự mới giúp người dân tự do tìm hiểu, tự do nhận định đâu là sự thật mà thôi:

"Thực tế lịch sử Việt Nam đã bị thay đổi khá nhiều. Bây giờ muốn thay đổi thì chỉ có một cách duy nhất là phải có sự tự do thật sự, một nền dân chủ thực sự thì mới có sự thay đổi trên tất cả mọi mặt, không chỉ về mặt giáo dục, kinh tế… Chứ còn bây giờ nói để góp ý thay đổi cũng không được. Chỉ có thay đổi được thực sự gốc rễ, khi có được tự do thì họ sẽ được tự do tìm kiếm, sẽ tự soạn thảo ra những chương trình để học thôi."

Trong những ngày cuối tháng Tư này, báo chí Nhà nước rầm rộ đưa tin chào mừng ngày 30/4 với những từ ngữ quen thuộc như “dấu ấn lịch sử hào hùng” hay “đất nước trọn niềm vui”.

Vẫn không có thông tin về những gia đình bị chia cắt, những con người bị vùi dập, dòng người trốn chạy khỏi đất nước kể từ sau tháng 4/1975 được đưa lên mặt báo trong nước. Báo chí, sách vở ở Việt Nam vẫn im lặng về những vấn đề đó, cho dù chiến tranh đã qua gần nửa thế kỷ.