Bao giờ sạch nhóm lợi ích ở VN?

0:00 / 0:00

Thêm một nhóm lợi ích

Ủy ban Kiểm tra Trung ương mới công bố các sai phạm trong vụ Tổng công ty Viễn thông Mobifone của Nhà nước mua 95% cổ phần của công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu AVG tư nhân, trong đó nêu rõ trách nhiệm của nguyên Bộ trưởng và đương kim Bộ trưởng Thông tin Truyền thông.

Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, hai nhân vật chịu trách nhiệm lớn nhất trong vụ việc này là ông Nguyễn Bắc Son, nguyên Bộ trưởng TT&TT nhiệm kỳ 2011-2016, và ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ TT&TT.

Ngoài ra còn có ông Phạm Hồng Hải, thứ trưởng Bộ này, ông Phạm Đình Trọng, Vụ trưởng Vụ quản lý Doanh nghiệp, cũng thuộc Bộ TT&TT.

Phía Mobifone có ông Lê Nam Trà, Chủ tịch HĐTV. Ông Cao Duy Hải, Tổng giám đốc Mobifone.

Những vi phạm của các ông Nguyễn Bắc Son, ông Trương Minh Tuấn, ông Phạm Đình Trọng, ông Lê Nam Trà, Cao Duy Hải bị cho là rất nghiêm trọng. Còn vi phạm của ông Phạm Hồng Hải là nghiêm trọng.

Mobifone mua 95% cổ phần của AVG với giá gần 9.000 tỷ đồng bị đánh giá là quá cao so với giá trị thực của AVG. Giới quan sát cho rằng đây là hành vi cố tình trục lợi, có biểu hiện của nhóm lợi ích tham nhũng bằng cách khai khống giá trị của AVG và dùng tiền của Nhà nước chi trả.

Cũng đồng tình rằng đây là một ví dụ điển hình về lợi ích nhóm, TS. Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển phân tích:

Một nhóm lợi ích khổng lồ nhất, to nhất là Đảng Cộng sản VN. Bộ TT&TT cũng là một nhóm lợi ích rất lớn. Bộ Công an cũng là nhóm lợi ích rất lớn. Rồi các công ty tư nhân cấu kết với chính quyền cũng là những nhóm lợi ích rất lớn.

Những nhóm này cấu kết với nhau để làm ăn, có những lúc không cấu kết và gằm ghè nhau.

Vụ Mobifone mua AVG chỉ là một ví dụ trong rất nhiều trường hợp các nhóm lợi ích cấu kết với nhau để tham nhũng. Các dự án thu phí đường bộ BOT cũng được cho là một điển hình của các nhóm lợi ích lộng hành ở Việt Nam. Và gần đây nhất là vụ quy hoạch đô thị Thủ Thiêm cũng được các đại biểu Quốc hội nói thẳng là có lợi ích nhóm trong việc điều chỉnh quy hoạch để trục lợi.

Một nhóm lợi ích khổng lồ nhất, to nhất là Đảng Cộng sản VN<br/>- TS.Nguyễn Quang A

Thể chế nuôi lớn nhóm lợi ích

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng bản chất của nhóm lợi ích là một điều tất yếu của bất kỳ xã hội nào, một hiện tượng hiển nhiên của một nền kinh tế. Tức là, một nhóm người hay nhóm doanh nghiệp hợp tác làm ăn với nhau để cùng có lợi. Tuy nhiên, ở VN, cứ nhắc tới nhóm lợi ích, người dân thường có ác cảm, chuyên gia Bùi Kiến Thành giải thích:

Thường thường ở VN nhóm lợi ích đi đôi với nhóm có quyền lực. Mà nhân dân đã nhìn những người có quyền lực và lợi ích là những quan tham. Những nhóm lợi ích bâu vào đó để trục lợi thì dân chúng làm sao mà thích được.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng chính thể chế chính trị ở VN đã tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của các nhóm lợi ích tham nhũng:

Rất đáng tiếc, VN không cho phép các lực lượng đối lập hợp pháp, ví dụ các đảng chính trị khác hoạt động một cách hợp pháp để luôn săm soi Đảng Cộng sản VN. Nếu ông làm điều gì bậy bạ thì tôi sẽ vung hết những bậy bạ của ông ra cho dân biết, và đến đợt bầu cử tiếp thì dân không bầu cho các ông nữa. Chúng tôi kéo các ông xuống, để chúng tôi được phiếu chúng tôi lên thay các ông. Lúc đó, các ông lại ở thế đối lập hợp pháp và lại săm soi chúng tôi.

Đó là một cơ chế dân chủ rất hùng mạnh để nó làm cho các nhóm lợi ích bớt hoành hành hơn.

Khác với phần đông các quốc gia trên thế giới, VN theo chế độ Cộng sản do một đảng duy nhất lãnh đạo. Chế độ này bị nhiều nhà bất đồng chính kiến chỉ trích là mầm mống gây ra nhiều tai họa trong xã hội, và lợi ích nhóm là một ví dụ.

Giới lãnh đạo ở VN, từ ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đều nhiều lần nhắc đến tình trạng nhóm lợi ích cấu kết để tham nhũng. Tuy nhiên hiện tại tình trạng này vẫn tiếp tục xảy ra trong xã hội, mà nhiều vụ việc được phanh phui là nhờ phản ứng từ dư luận, điển hình như các dự án BOT.

Chuyên gia Bùi Kiến Thành cho rằng việc xóa bỏ các nhóm lợi ích ở VN nói thì dễ chứ làm thì khó, bởi môi trường VN vốn tạo thuận lợi cho các nhóm này phát triển:

Nếu trong xã hội mà công tác cán bộ không làm được tốt, những cán bộ có chức có quyền bị tha hóa, xa đọa, tham nhũng, chính là môi trường để các nhóm lợi ích phát triển mạnh hơn. Mà đồng tiền nó phá nhân nghĩa!

Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng Cộng sản VN đã nêu ra từ Trung ương đến địa phương, từ các bộ các ngành tới các làng xã đều bị tha hóa hết, thì đó là một quốc nạn. Dựa trên cái đó mà phát huy ra các nhóm lợi ích.

<i>những cán bộ có chức có quyền bị tha hóa, xa đọa, tham nhũng, chính là môi trường để các nhóm lợi ích phát triển mạnh hơn.<br/>- chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành</i>

Tình trạng cán bộ tha hóa được chính báo chí trong nước phanh phui thường xuyên. Từ cấp thấp nhất là làng xã đã xảy ra tình trạng tham nhũng vặt của dân qua các thủ tục hành chính, hay những vụ cả họ làm quan xã, quan huyện. Cho đến cấp trung ương, với những vụ tham nhũng lên đến hàng ngàn tỷ đồng mà đối tượng vi phạm người thì là thành viên Bộ Chính trị, kẻ thì là lãnh đạo doanh nghiệp lớn của Nhà nước.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, để giảm tình trạng lợi ích nhóm lộng quyền trục lợi thì phải có sự thay đổi cơ bản nhất từ thể chế:

Chỉ có cách là phải minh bạch, phải công khai, nhất là phải có báo chí độc lập. Người dân phải có quyền được nói và phải có nền luật trị được gọi là rule of law, tức là luật là trên hết, ai cũng phải theo kể cả ông Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản, lẫn Đảng Cộng sản VN, cũng như Bộ Chính trị của Đảng CSVN. Chứ không phải để các ông ấy ngồi chôm hổm trên luật.

Ông cũng nói thêm rằng pháp luật VN phải công nhận các lực lượng đối lập để họ nêu ra những sai phạm của cơ quan chức năng nhằm sửa đổi cho một xã hội tốt đẹp hơn, chứ không phải cứ hễ họ lên tiếng là bị gọi là bọn phản động và bị trừng trị theo luật.