Khi cơ quan tố tụng từ chối dựng lại hiện trường

0:00 / 0:00

Tại phiên xử sơ thẩm 29 người dân Đồng Tâm với cáo buộc đổ xăng thiêu chết ba sĩ quan công an, diễn ra vào tháng 9 vừa qua, các luật sư tham gia bào chữa cho những bị cáo này yêu cầu cho dựng lại hiện trường nhưng không được Hội đồng xét xử đáp ứng.

Luật sư Nguyễn Hồng Bách, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ba nạn nhân công an phản đối việc dựng lại hiện trường với lý do là sẽ gợi lại nỗi đau của gia đình nạn nhân.

Đây là một vụ án chết người, có hai án tử hình nhưng lại không được cơ quan chức năng cho dựng lại hiện trường để thực nghiệm khiến dư luận bất bình. Câu hỏi được đặt ra là, nếu thực nghiệm điều tra làm khơi lại nỗi đau của các gia đình nạn nhân thì một bản án tử hình oan có là nỗi đau suốt đời của gia đình người bị kết án oan hay không?

Trao đổi với RFA hôm 10 tháng 9, khi phiên xử đã kết thúc phần tranh luận, Luật sư Ngô Anh Tuấn, một trong các luật sư bảo vệ pháp lý cho các bị cáo cho rằng, đối với một vụ án có chết người, có án tử hình thì nhất thiết phải dựng lại hiện trường. Tuy nhiên, vấn đề này thuộc về mặt chủ quan của Hội đồng Xét xử. Có nghĩa là họ cảm thấy cần thiết hay không là quyền của họ.

Còn những vụ án lớn, quan trọng có chết người như vụ Đồng Tâm thì việc thực hiện điều tra, dựng lại hiện trường thì càng cần thiết hơn nhưng họ không làm. Điều này không thuyết phục được mọi người. -Luật sư Hà Huy Sơn

Theo Điều 204 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, việc dựng lại hiện trường nhằm mục đích làm rõ các tình tiết, hành vi của người gây án. Đây cũng là một trong những công tác thực nghiệm điều tra, giúp cho cơ quan điều tra có thể kiểm chứng và xem xét lại các chứng cứ, lời khai của bị can, bị cáo có trung thực, khách quan, hợp logic không để xét xử đúng người, đúng tội. Khi thực nghiệm điều tra phải đo đạc, chụp ảnh, ghi hình, vẽ sơ đồ, ghi rõ kết quả thực nghiệm điều tra vào biên bản.

Vụ án Đồng Tâm được khơi lại trên mạng xã hội khi hôm 9 tháng 12 năm 2020, công an Thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đã dựng lại hiện trường một vụ va chạm giao thông dẫn đến hành hung.

Luật sư Hà Huy Sơn bày tỏ quan điểm của ông với RFA về vụ việc này:

“Theo ý kiến của tôi thì bất kỳ một vụ án nào mà cơ quan điều tra sử dụng hết các quy định của luật pháp để làm sáng tỏ sự thật khách quan vụ án thì đều đáng hoan nghênh và ủng hộ. Cụ thể là vụ va chạm xe gắn máy ở Thủ Dầu Một.

Còn những vụ án lớn, quan trọng có chết người như vụ Đồng Tâm thì việc thực hiện điều tra, dựng lại hiện trường thì càng cần thiết hơn nhưng họ không làm. Điều này không thuyết phục được mọi người. Nó có một cái dấu hiệu gì đó uẩn khúc chưa được làm sáng tỏ sự thật vụ án.”

Theo vị luật sư này, việc thực nghiệm điều tra đối với vụ án hình sự là để xác định sự thật khách quan. Nhưng có những vụ án để che đậy sự thật thì các cơ quan tiến hành tố tụng lại từ chối thực nghiệm điều tra.

Dù không dựng lại hiện trường để làm rõ nhiều tình tiết bị cho là vô lý nhưng phiên sơ thẩm vẫn diễn ra và kết thúc với hai án tử hình dành cho hai ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức, một án chung thân cho ông Lê Đình Doanh. Hai ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức cho biết sẽ kháng án.

Để chuẩn bị cho phiên phúc thẩm trong tương lai, Luật sư Lê Văn Hòa từ Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị dựng lại hiện trường. Ông khẳng định những vụ án lớn như vụ Đồng Tâm với nhiều uẩn khúc mà không được dựng lại hiện trường để làm sáng tỏ thì Hội đồng xét xử đã vi pham luật tố tụng. Ông nói:

“Quan điểm của tôi là phải dựng lại hiện trường vụ án Đồng Tâm. Việc này đã được chúng tôi kiến nghị. Nếu không dựng lại hiện trường thì không làm rõ được cái chết của ba vị công an có khách quan hay không. Để chuẩn bị cho phiên phúc thẩm thì chúng tôi tiếp tục kiến nghị đề nghị cơ quan điều tra dựng lại hiện trường. Không dựng lại hiện trường rõ ràng đó là điều vi phạm tố tụng.”

Dù không tham gia phiên tòa xử vụ Đồng Tâm với tư cách một luật sư bào chữa, nhưng với kinh nghiệm của mình, Luật sư Phạm Công Út nhận định, để người dân tâm phục khẩu phục và quốc tế không phản ứng với vụ Đồng Tâm thì buộc lòng cơ quan có thẩm quyền phải cho thực nghiệm lại hiện trường. Còn không thì rõ ràng Hội đồng xét xử đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Ông nói thêm:

"Cơ quan tiến hành tố tụng họ nói không muốn thực nghiệm hiện trường bởi họ không muốn tái hiện sự kiện đau lòng. Lý do này không nằm trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015 sửa đổi 2017. Trong bộ luật này không có điều khoản loại trừ những trường hợp khơi dậy sự việc đau lòng để không dựng lại hiện trường. Việc không thực nghiệm lại hiện trường, theo tôi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Ở đây nó có hai vấn đề. Một là họ không muốn làm rõ và hai là họ không dám làm rõ. Không muốn làm rõ là họ xem thường dư luận. Không dám làm rõ là họ sợ dư luận, họ sợ vấn đề công lý. Nếu chiếu theo luật tố tụng hình sự thì họ phải làm rõ.

Vụ này tôi nghĩ nó sẽ nằm trong lịch sử tư pháp, tố tụng của Việt Nam sau này về một Nhà nước được nói là pháp quyền, sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật. Thực tế họ không sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật bởi họ không cho thực nghiệm hiện trường đối với những vụ án như thế này.”

Cơ quan tiến hành tố tụng họ nói không muốn thực nghiệm hiện trường bởi họ không muốn tái hiện sự kiện đau lòng. Lý do này không nằm trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015 sửa đổi 2017. -Luật sư Phạm Công Út

Vụ án Đồng Tâm là vụ án gây nhiều sự chú ý trong dư luận ở cả trong và ngoài nước. Vụ án xảy ra khi chính quyền huy động khoảng 3.000 công an tấn công vào xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội vào rạng sáng ngày 9 tháng 1 năm 2020, giết chết một dân thường là cụ Lê Đình Kình.

Bộ Công an sau đó cho biết vụ tấn công xảy ra là do chính người dân trong xã tấn công lực lượng chức năng bảo vệ khu đất đang tranh chấp giữa người dân và chính quyền dẫn đến xung đột.

Người dân Đồng Tâm đã phản bác lập luận này. Báo cáo của các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam sau đó cho thấy có nhiều khuất tất trong việc công an tấn công vào Đồng Tâm cũng như việc điều tra, xét xử sau đó.

Tuy nhiên, những kêu gọi của quốc tế về một điều tra độc lập đối với vụ án Đồng Tâm đã không được chính quyền Hà Nội đáp ứng.