Bao giờ người dùng có được giá điện “công bằng”?

0:00 / 0:00

Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN vừa đề nghị áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện tương tự như điều hành xăng dầu, tức khi các yếu tố đầu vào tăng thì giá điện tăng và ngược lại. Ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN đưa ra đề nghị này tại Hội nghị về huy động nguồn lực của các tập đoàn, tổng công ty vốn nhà nước hôm 12/12/2022.

Theo ông Nhân, giá chi phí đầu vào cho sản xuất điện trong năm 2022 tăng rất cao. Đơn cử như giá dầu và khí đốt tăng vài chục phần trăm, giá than tăng đến 600% so với đầu năm ngoái, trong khi giá bán điện vẫn giữ từ năm 2019. Tổng giám đốc EVN cho rằng, nếu kéo dài thì EVN sẽ không có tiền trả cho các đơn vị bán điện...

Theo vị lãnh đạo EVN, khó khăn của ngành sẽ được giải quyết nếu áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện, tức là khi các yếu tố đầu vào tăng thì giá điện tăng và ngược lại, tương tự điều hành giá xăng dầu.

Phương án tăng giá điện cũng phải tính đến mức tăng lũy tiến như thế nào để cho người nghèo có mức tăng ít hơn. Còn đối với những người dùng nhiều điện hoặc các cơ sở kinh doanh như nhà hàng, khách sạn, karaoke… thì có thể phải được tính giá khác.
-Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002, nhận định với RFA hôm 13/12:

“Hiện nay giá điện đang chịu một sức ép, thách thức rất lớn, bởi vì các đầu vào sản xuất điện bị tăng lên rất cao, giá dầu và than đều tăng lên… Trong khi đó, giá điện được Nhà nước ấn định cố định, nếu bây giờ cứ để tiếp như vậy ngành điện sẽ bị lỗ rất nặng. Vì vậy việc điều chỉnh giá điện có lẽ là một điều khó tránh khỏi và việc điều chỉnh như thế nào thì cần phải được thảo luận và có quyết định. Bởi vì giá điện này sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân, đến giá thành sản phẩm của các doanh nghiệp lớn và nhỏ.”

Vì vậy, theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, việc tính giá điện như cách tính giá xăng là một quyết định quan trọng, sẽ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các sản phẩm và ảnh hưởng đến đời sống của người dân… nên cần phải được thảo luận và giải thích rõ cho người dân. Ông Doanh nói tiếp:

“Đồng thời phương án tăng giá điện cũng phải tính đến mức tăng lũy tiến như thế nào để cho người nghèo có mức tăng ít hơn. Còn đối với những người dùng nhiều điện hoặc các cơ sở kinh doanh như nhà hàng, khách sạn, karaoke… thì có thể phải được tính giá khác. Đấy là một điều cần phải được tham khảo tính toán kỹ lưỡng và giải thích cho người dân hiểu và thông cảm.”

51c4041b-15f0-4949-97b5-8f6dfc55ee68.jpeg
Ảnh minh họa: Công nhân EVN tại Nhà máy Thủy điện Yaly ở Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai. Reuters.

Trước đó, vào tháng 9 năm 2021, khi giải trình trước Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định: “Giá điện sẽ có tăng, có giảm vào năm 2024 khi Việt Nam có thị trường điện cạnh tranh hoàn toàn và chấm dứt sự can thiệp của Nhà nước vào giá điện.”

Theo ông Tuấn Anh, sở dĩ giá điện có tăng, có giảm do theo cơ chế giá đầu vào, giá thành sản xuất... trên cơ sở công khai, minh bạch theo quy luật của thị trường với sự cạnh tranh bình đẳng của các thành phần tham gia thị trường điện.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, thời gian qua, Bộ Công Thương cũng như EVN mặc dù mong muốn xây dựng giá điện theo cơ chế thị trường nhưng theo Luật Giá, Nhà nước phải điều tiết giá, hỗ trợ cho các đối tượng xã hội, người nghèo. Từ năm 2011 đến năm 2020, EVN đã thực hiện thị trường điện cạnh tranh, nhưng trên thực tế, người sử dụng điện vẫn chưa có cơ hội được hưởng cơ chế giá thị trường.

Giá điện hiện nay của Việt Nam có là giá thị trường chưa?

PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả, giải thích với RFA hôm 13/12/2022 rằng Nhà nước vẫn đang định giá điện gần với giá thị trường:

“Điện là lĩnh vực độc quyền, mà đã là độc quyền thì nhà nước đều phải kiểm soát bằng giá và Nhà nước định giá. Nhưng đối với độc quyền thuần túy thì Nhà nước định giá cụ thể, còn đối với độc quyền nhóm như xăng dầu hiện nay thì Nhà nước định giá trần. Đối với điện thì Nhà nước định giá dựa trên cơ sở nào thì tùy theo khâu sản xuất phát điện, khâu truyền tải, khâu phân phối bán lẻ và khâu cuối cùng là khâu điều hành. Người ta tính toán dựa trên yếu tố chi phí từng khâu một và trên cơ sở đó người ta tính ra giá thành. Giá điện tác động đến toàn dân, đến người sản xuất, người tiêu dùng…”

Với quan điểm cá nhân tôi là xu hướng của thế giới là giá điện không bao giờ giảm, hầu như các nước đều tăng. Chứ nói giá điện có tăng có giảm thì khó. Giá xăng dầu có tăng có giảm vì nói phụ thuộc quan hệ cung cầu, phụ thuộc sản lượng, phụ thuộc rất nhiều yếu tố.
-PGS. TS. Ngô Trí Long

Theo ông Long, vì giá điện tác động rất lớn, cho nên Nhà nước phải tính toán rất cẩn trọng khi điều chỉnh tăng hoặc giảm theo nguyên tắc nếu chi phí đầu vào tăng thì Nhà nước tăng, còn nếu chi phí đầu vào giảm thì giá phải giảm. Tuy nhiên theo PGS. TS. Ngô Trí Long, xu hướng giá điện thường chỉ tăng:

“Với quan điểm cá nhân tôi là xu hướng của thế giới là giá điện không bao giờ giảm, hầu như các nước đều tăng. Chứ nói giá điện có tăng có giảm thì khó. Giá xăng dầu có tăng có giảm vì nói phụ thuộc quan hệ cung cầu, phụ thuộc sản lượng, phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Nhưng giá điện thì đầu vào luôn luôn là tăng, mà đầu vào cao thì chắc chắn điều kiện đó không có tính khả thi.”

Nhiều chuyên gia cho rằng, muốn có giá điện cạnh tranh thực sự thì phải tiến tới một thị trường điện cạnh tranh thật sự, thì khi đó mới có thể có.

Giáo sư, Viện sĩ, Tiến sĩ khoa học Trần Đình Long, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Điện lực Việt Nam, hiện là Phó chủ tịch Hội điện lực Việt Nam nhiệm kỳ 2018 - 2022, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do liên quan vấn đề này, nhận định:

“Theo tôi nghĩ, nếu thực hiện đúng lộ trình điện cạnh tranh tại Việt Nam, thì đến giai đoạn thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, giá điện phải là một giá thống nhất. Tức là theo lộ trình mà đã được Chính phủ phê duyệt, thì thị trường bán lẻ điện cạnh tranh sẽ được xây dựng hoàn chỉnh vào năm 2024. Cho nên trên lộ trình từ giờ cho đến khi giá điện thống nhất, theo tôi nên có giai đoạn chuẩn bị. Tức là nên có giai đoạn quá độ, chuyển về 3 bậc trước khi về 1 bậc. Để hỗ trợ cho các gia đình nghèo hoặc khó khăn trong việc chi trả, thì tôi nghĩ nên có giai đoạn quá độ khoảng vài năm, hay 3 năm gì đó.”

Giáo sư, Viện sĩ, Tiến sĩ khoa học Trần Đình Long cho rằng như vậy sẽ công bằng hơn đối với mọi tầng lớp người dùng điện, cũng nhưng nhà cung cấp điện EVN trong giai đoạn sắp đến.