Quy trình tuyển dụng cán bộ sai từ đâu?

Khi trả lời phiên chất vấn tại quốc hội chiều ngày 7/11/2019 liên quan những sai phạm trong công tác bổ nhiệm cán bộ, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân nói: “Tôi biết có những đồng chí sai phạm trong tuyển dụng hiện là cán bộ cấp cao. Thế nên việc xử lý vấn đề này hết sức nhạy cảm và phải theo từng tình huống cho phù hợp, vừa đảm bảo nghiêm minh pháp luật, vừa đảm bảo sự ổn định chính trị và chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp”.

Lỗi từ đầu vào

Trả lời RFA hôm 11/11 từ Thanh Hóa, ông Lê Văn Cuông nguyên phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa nhận định:

“Bây giờ chủ trương của nhà nước là sẽ rà soát lại các đối tượng, mà trước đây do lý do nào đó đã tuyển dụng không đúng tiêu chuẩn, hay có tiêu cực chạy chức chạy quyền, thân quen. Trên cơ sở xác minh chứng cứ, nhà nước sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Chứ không để tình trạng tồn tại, để cho dư luận phản ứng. Về vấn đề này, lâu nay ở Việt Nam cũng đã chấn chỉnh và xử lý rất nhiều trường hợp.”

Tuy nhiên, ông Lê Văn Cuông cũng đồng ý là những đối tượng cao cấp thì khó xử lý hơn, bởi vì họ có những mối quan hệ và điều kiện xử lý phức tạp hơn, nên bộ trưởng Bộ nội vụ cũng nêu lý do cần điều kiện xử lý phù hợp. Nhưng theo ông, dư luận rất mong muốn tất cả phải bình đẳng trước pháp luật.

Từ Hà Nội, Nhà báo Ngô Nhật Đăng khi trao đổi với RFA hôm 11/11 cho biết:

“Không riêng gì Việt Nam, hay các nước trên thế giới, từ truyền thống trong các triều đại phong kiến trong lịch sử Việt Nam, các quy định pháp luật đều theo nguyên tắc ‘quân pháp bất vị thân’, ông bà ta cũng có câu ‘quân tử phạm pháp thì như thứ dân’. Tức là không có một vùng cấm nào cho bất kỳ một người dân nào hoặc một địa vị nào trong xã hội, dù họ có quyền lực cao đến đâu, thì vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý. Điều đó cũng theo nguyên tắc, mọi người bình đẳng trước hiến pháp và pháp luật.”

Theo Nhà báo Ngô Nhật Đăng, sự thật đã không như câu nói mà nhà cầm quyền hay rao giảng ‘sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật’, qua lời ông Bộ trưởng Bộ Nội Vụ nói rằng ‘rất khó xử lý những cán bộ ở cấp cao’. Ông nói tiếp:

“Vấn đề hành pháp, lập pháp và tư pháp phải độc lập, những cái nhánh trong xương sống của một thể chế chính trị mà không độc lập thì sẽ dẫn đến một hệ lụy, kể cả trong việc tuyển dụng. Vì tư pháp không độc lập nên có những vùng không thể nhìn thấy sai sót trong tuyển dụng, vướng vào rào cản thân tình hay huyết thống. Nhưng chúng ta đã thấy, trong hệ thống chính trị của Việt Nam, thì đều con cháu của các vị đi trước tiếp tục vị trí của họ. Tất nhân chuyện như thế thì không phải là chuyện tài năng hay đạo đức đặt lên trên hết mà tiêu chuẩn huyết thống, phe nhóm. Do vậy, hệ thống tuyển dụng dần như bị mục ruỗng, bị thao túng.”

Cũng tại buổi chất vấn, một ĐBQH nêu vấn đề hiện nay quy trình tuyển dụng, đào tạo, đánh giá rồi quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ khá chặt chẽ, nhưng tại sao lại xảy ra hiện tượng nhiều cán bộ, công chức, viên chức vi phạm đạo đức công vụ, một bộ phận không đáp ứng yêu cầu? Như vậy nguyên nhân và giải pháp thế nào để khắc phục trong thời gian tới?

Ảnh minh họa: Công chức làm việc
Ảnh minh họa: Công chức làm việc (Courtesy dongnai.gov.vn)

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết đã có rất nhiều quy trình, rất nhiều thủ tục, rất nhiều tiêu chuẩn nhưng chọn không đúng người, không hiểu được người, không hiểu được cán bộ…

Ông cho rằng trên thực tế, nhiều sai phạm trong công tác cán bộ vừa qua có việc quản lý hồ sơ của cán bộ, công chức. Nhiều người khai không trung thực nhưng cán bộ quản lý không phát hiện được vấn đề. Ông nói: “Rất nhiều bộ hồ sơ đã được cơ quan có thẩm quyền chuyển đến thì cơ quan, tổ chức đút vào tủ luôn, không đi xác minh”.

Và, cả hệ thống

Dư luận quan tâm cho rằng đây là vấn đề không thể không xử lý vì càng là lãnh đạo cấp cao càng phải làm gương và phải bị xử lý sớm để tránh những tai họa khác xảy ra trong quá trình điều hành, lãnh đạo.

Để tìm hiểu thêm về mặt pháp luật khi xử lý cán bộ cấp cao nhưng đã sai phạm trong tuyển dụng, RFA hôm 11/11 liên lạc Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam, hiện sinh sống ở Sài Gòn, và được ông cho biết ý kiến của mình:

“Tôi nghĩ việc tuyển dụng ban đầu nếu có sai, nhưng sau đó người ta làm việc một cách đúng mực, ví dụ như họ luôn chấp hành đường lối chính sách nhà nước và họ không tham nhũng, họ có ý thức kỷ luật tốt, trung thực, không cơ hội, họ gắn bó mật thiết với người dân, đủ trình độ năng lực, sức khỏe, đáp ứng yêu cầu được giao… Thì tôi thấy mình không nên đánh người chạy lại mà chúng ta nên theo hướng phát triển họ, nhưng nếu sau đó mà họ vẫn sai sót thì chúng nên xử lý những cán bộ đó.”

Tuy nhiên từ Hà Nội Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một đảng viên cộng sản cao niên đã từ bỏ đảng, nói với RFA hôm 11/11 rằng nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là vì Chủ nghĩa cộng sản, Chủ nghĩa Mác Lê Nin không thích hợp nữa, thế nhưng đảng cộng sản Việt Nam vẫn dựa vô học thuyết này để vạch ra các đường lối, trong đó có đường lối tuyển dụng cán bộ. Ông nói tiếp:

“Họ độc quyền, độc đoán theo cách đảng cử dân bầu, đảng đưa ra cho dân, bắt dân phải bầu cho những con người ấy, chứ dân không có quyền tự do lựa chọn. Hơn nữa, đảng CSVN chỉ muốn dùng những cán bộ trung thành với họ, những cán bộ một lòng một dạ đi theo đường lối Mac Lê Nin, chứ những người có tài có đức, tinh hoa của dân tộc, thì đảng CS tìm cách loại bỏ, vì những người ấy không bao giờ chịu trung thành với đường lối Mác Lê Nin. Họ sẽ phản biện và người ta tìm đủ mọi cách loại bỏ họ, triệt hạ họ.”

Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, những điều ông vừa nêu trong lịch sử đã có xảy ra rõ ràng và rất nhiều lần, như trường hợp Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Nguyễn Hữu Đang, Trần Độ… hay những nhà khoa học của Việt Nam Cộng Hòa ở lại như Nguyễn Duy Xuân thì không được đảng cộng sản Việt Nam tin dùng. Ông kết luận:

“Thành thử điều hạn chế của đảng CSVN là họ tự cho mình có quyền quyết định 100% công tác cán bộ, cái quy trình đào tạo các bộ, quy hoạch cán bộ của họ phạm phải 3 điều: phản dân chủ, phản khoa học và phản tiến bộ.”

Giáo sư Nguyễn Đình Cống là người cũng từng có nhiều bài góp ý cho đảng cộng sản Việt Nam. Ông kêu gọi từ bỏ chủ nghĩa Mác- Lê Nin, mà theo ông là không còn phù hợp nữa.