Đại hội đại biểu toàn đảng cộng sản là dịp để chính thức bầu các ủy viên trung ương, Bộ chính trị, Ban bí thư và người lãnh đạo đảng là Tổng bí thư.
Người ta cho rằng “chiến dịch đốt lò” do ông Nguyễn Phú Trọng khởi xướng từ năm 2016 trên cương vị Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương ĐCS VN cũng như việc kỷ luật hàng loạt quan chức cao cấp là một cách dọn đường, loại đối thủ cho Đại hội 13.
Nói về việc chống tham nhũng, Nhà văn Nguyễn Nguyên Bình từng nói với RFA rằng, chống tham nhũng cần phải đạt được ít nhất hai mục tiêu: Trừng phạt được những quan chức tham nhũng và phải thu hồi được số tài sản bị thất thoát do tham nhũng. Tuy nhiên theo bà, cả hai mục tiêu này cho đến nay đều không đạt được mà cuộc chiến chống tham nhũng hay kỷ luật trong nội bộ đảng có liên quan đến sự đấu đá, tranh giành quyền lực giữa các phe cánh trong đảng:
“Trước kia, trong nội bộ cấp cao của đảng cũng có một vài phe phái, nhưng người ta cảm nhận được nó rõ và nó ít thôi. Và cái sự đấu tranh của người ta cũng còn kín đáo, thế nhưng đến gần đây thì tôi cảm nhận là có rất nhiều phe và họ đấu tranh với nhau có vẻ cũng lộ liễu. Nhưng mà cũng như dân gian nói là không biết mèo nào cắn mỉu nào!”
Còn về việc kỷ luật cán bộ thì từ đầu năm nay, hàng loạt cán bộ bị xử lý kỷ luật bằng nhiều hình thức, dù nhẹ, như ông Nguyễn Văn Sơn, chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang bị khiển trách; ông Trần Đức Quý phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang bị cảnh cáo vì những sai phạm liên quan đến kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018.
Ngoài ra, hai nguyên phó chủ nhiệm văn phòng Chính phủ là ông Nguyễn Hữu Vũ bị kỷ luật khiển trách; và ông Văn Trọng Lý bị cảnh cáo vì có những sai phạm trong công tác quản lý đối với dự án gang thép Thái Nguyên.
Việc siết kỷ luật để bớt tham nhũng là quản trị về mặt nhà nước. Việc cải thiện và quản trị nhà nước là việc cần thiết, cần phải làm tốt và liên tục. -Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Gần đây nhất là tại kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra trung ương hôm 27 và 28 tháng 4, ủy ban nhận thấy hai ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy và ông Trần Ngọc Căng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài chính ngân sách, dự án đầu tư và công tác cán bộ, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét kỷ luật.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, việc kỷ luật quan chức liên quan đến cái gọi là thượng tôn pháp luật, tức không chừa một ai cả. Ai làm sai thì phải bị trừng trị. Đó là việc rất quan trọng trong quản trị quốc gia. Tuy vậy, việc kỷ luật quan chức có hai khía cạnh cần phân tích:
“Một khía cạnh là phải cải thiện quản trị. Tức là một hệ thống nếu không được kiểm soát tốt, tham nhũng thì sẽ hoạt động kém hiệu quả. Việc siết kỷ luật để bớt tham nhũng là quản trị về mặt nhà nước. Việc cải thiện và quản trị nhà nước là việc cần thiết, cần phải làm tốt và liên tục.
Khía cạnh thứ hai là sắp sửa đại hội họ phải sửa đổi không biết bao nhiêu quy định để loại người này người khác…thì cũng có, nhưng thực sự chuyện xảy ra trong thời gian vừa qua như đốt lò hay thi hành kỷ luật hàng trăm cán bộ cao cấp nó có cả hai khía cạnh đấy.
Một khía cạnh thực sự nên khuyến khích, một khía cạnh đáng lên án. Nói chung là khó phân biệt.”
Nhà báo Phạm Thành có nhiều năm làm việc cho Đài Tiếng Nói Việt Nam. Người từng tự ứng cử Đại biểu Quốc hội năm 2016 đồng thời là tác giả cuốn “Nguyễn Phú Trọng: Thế thiên hành đạo hay Đại nghịch bất đạo”, nhận định tất cả quan chức hiện nay, từ xã cho đến Tổng bí thư, Thủ tướng đều có tội tham ô, tham nhũng hết nếu chiếu theo luật. Vấn đề là họ diệt ai và không diệt ai mà thôi. Ông nói:
“Họ chọn lựa trên tinh thần là ê kíp của họ chứ không chọn những người tài đức, thật sự vì dân vì nước đâu. Cái ê kíp có thể vào được trung ương, vào vị trí lãnh đạo thì họ phải có biện pháp để loại những đối thủ không cùng phe cánh. Tất nhiên cũng cộng sản với nhau nhưng nhóm lợi ích khác nhau.
Trong một chế độ cộng sản thì họ cùng nhau bảo vệ chế độ. Cùng nhau cướp bóc tài nguyên đất đai, bóc lột mồ hôi nước mắt người dân. Đấy là cái chung nhất. Còn cái riêng là mỗi nhóm lợi ích có ‘thủ lĩnh’ riêng và đấu tranh với các nhóm lợi ích khác.”
Theo ghi nhận định của RFA, đa số những người được hỏi ý kiến đều chưa mấy tin vào việc chống tham nhũng hay kỷ luật cán bộ để làm trong sạch bộ máy chính quyền; mà mục đích chỉ để thanh trừng lẫn nhau, nhất là trước các kỳ hội nghị trung ương hoặc đại hội đảng.
Đại hội Đại biểu toàn quốc là đại hội then chốt của ĐCS VN do Ban Chấp hành Trung ương triệu tập 5 năm 1 lần. Ðại biểu chính thức dự Đại hội đại biểu toàn quốc gồm các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và Đại biểu do Đại hội cấp dưới bầu; Ðại biểu dự Đại hội phải được Đại hội thẩm tra tư cách và biểu quyết công nhận.
Cái ê kíp có thể vào được trung ương, vào vị trí lãnh đạo thì họ phải có biện pháp để loại những đối thủ không cùng phe cánh. -Nhà báo Phạm Thành
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nêu quan điểm:
“Chắc chắn đây là lúc tranh giành nhau từ cấp cơ sở xem ai lên nắm quyền ở các địa phương, ai sẽ được đi đại hội thứ 13. Cả một cuộc tranh giành rất là khốc liệt đã diễn ra cả năm nay và ngày càng khốc liệt cho đến hết năm nay.”
Nhiệm vụ của đại hội đảng là đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của nhiệm kỳ vừa qua; Quyết định đường lối, chính sách của đảng nhiệm kỳ tới; Bầu Ban chấp hành trung ương; Số lượng ủy viên trung ương chính thức và ủy viên trung ương dự khuyết do đại hội quyết định; Bổ sung, sửa đổi cương lĩnh chính trị và điều lệ đảng khi cần.
Nhà báo Phạm Thành kết luận:
“Các nhóm lợi ích trước nay đã đấu đá với nhau nhưng đến giai đoạn này thì nó quyết liệt hơn. Những người không cùng cánh với ông Trọng là đối tượng mà trong nhóm cầm quyền hiện nay, đứng đầu là ông Nguyễn Phú Trọng sẽ loại hết.”
Giới quan sát thường nhắc đến một số tên tuổi từng làm việc dưới thời ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hiện đang phải ở tù như trường hợp ông Đinh La Thăng. Ông Thăng cũng từng là cựu ủy viên Bộ Chính Trị và chức vụ khi bị bắt là bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh.
Đích thân ông Võ Văn Thưởng, trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, vào ngày 28 tháng 12 năm ngoái, trong phát biểu tại Hội nghị báo chí toàn quốc nhắn nhủ các cơ quan báo chí Nhà nước trước kỳ đại hội đảng 13 phải “… hết sức tỉnh táo trước những việc lợi dụng báo chí để đấu đá nội bộ, cạnh tranh phe nhóm, PR hình ảnh mang màu sắc dân túy, mị dân.”