Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 31/3 đã ban hành Chỉ thị số 16, yêu cầu thực hiện cách ly toàn xã hội, nhằm hạn chế tình hình dịch bệnh Covid-19 lây lan mạnh mẽ.
Chỉ thị này yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men... khiến nhiều người dân sống bằng nghề buôn bán dạo, người bán vé số... không thể buôn bán, khiến người nghèo càng thêm khổ cực trong thảm họa dịch covid-19 lan tràn.
Đồng cảm với khó khăn của người dân nghèo, trong khi các khoản cứu trợ do chính phủ công bố, lại chưa đến tay họ, một số người có hoàn cảnh tốt hơn tại một số nơi, đã tổ chức trao tặng những phần cơm miễn phí, hay những phần quà với khẩu hiệu “Ai cần xin lấy một phần, ai ổn xin nhường cho người khác”.
Em nghĩ nếu sự việc này chỉ là một cá nhân bình thường, thì người ta cũng chỉ nhắc nhở sơ sơ, nhưng vì em là thành phần họ coi là đặc biệt, lầu lâu có cơ hội là người ta ưng làm khó làm dễ. <br/>-Bùi Tuấn Lâm
Anh Bùi Tuấn Lâm hay còn được biết đến là Facebooker Peter Lam Bui, một thành viên của ‘Con đường Việt Nam’, hiện sống ở Đà Nẵng, cho Đài Á Châu Tự Do biết hôm 7/4 về công việc từ thiện của cá nhân mình:
“Chuyện phát từ thiện này thì em đã làm hơn một tháng nay, kể từ khi mở quán ăn. Trong mùa dịch này thì em hay phát những phần ăn cho bà con khó khăn đi ngang qua quán, hay em biết ai khó khăn thì em đưa phiếu. Trong quá trình làm thì có hai vợ chồng anh chị hay ghé quán em ăn, họ thấy việc em làm, họ thích, ủng hộ và cùng làm với em. Họ mua một số phần đồ ăn gồm gạo, mì tôm, dầu ăn, khẩu trang... nhờ em phát cho bà con. Mình nghĩ đây là điều tốt thôi, trong lúc khó khăn này thì chia sẻ được gì cho bà con khó khăn là điều tốt, nên em làm thôi.”
Anh Bùi Tuấn Lâm cho biết, lần làm từ thiện gần đây thì lại nằm trong đợt có thông báo của thủ tướng chính phủ cách ly toàn xã hội, cấm tụ tập đông người. Nên anh đã cố gắng không để tập trung đông người:
“Em để các phần quà trên bàn, và ghi giấy, ai cần thì ghé lấy, ai đủ rồi thì xin nhường người khác. Không ngờ mức độ lan tỏa và chia sẻ, người ta biết, hôm đó đến rất đông. Sau đó công an phường đến làm khó dễ em, nói là tập trung đông người, không làm theo quy định của nhà nước. Nhưng em nói là chuyện em phát quà là thiện nguyện, chuyện người ta đến đông là chuyện người ta. Sau đó công an giải tán, và nói chuyện với em, rồi thôi. Nhưng công an khu vực lại gọi điện thoại kêu em lên phường, em tưởng chỉ nói chuyện, nhưng em lên thì có an ninh rất đông, đặt máy quay phim... buổi làm việc rất căng thẳng. Em làm việc hết 3 tiếng đồng hồ, người ta viết biên bản, bắt em ký tường trình... Nhưng em không ký vì không đồng ý lập luận của họ, vì nếu theo điều 16, em không chủ đích tập trung đông người, nhưng mà họ cố gán ghép.”
Không chỉ trường hợp anh Bùi Tuấn Lâm, cách đây vài ngày, cựu tù nhân chính trị, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa và gia đình, khi tham gia phát khẩu trang miễn phí tại Hải Phòng bị chính quyền gây khó khăn đòi tịch thu số khẩu trang dù được mua từ doanh nghiệp có đăng ký.
Hay trường hợp các thành viên nhà xuất bản tự do khi làm từ thiện đều nhận được ánh mắt cảnh giác và câu hỏi “auto” từ công an, dân phòng, chính quyền địa phương như: Anh/chị ở tổ chức nào? Anh/chị có động cơ, mục đích gì? Tại sao anh/chị không mang đồ sang bên Mặt trận Tổ quốc hay Ủy ban Nhân dân phường, tập kết ở đấy, tập trung vào đấy, lại tự đi phát?
Cơ quan chức năng khiến cho, ngay cả những người nhận hàng cứu trợ cũng hoang mang và buộc phải… cảnh giác theo.
Mới nhất, là hôm 7/4/2020, tại Hà Nội, Công an phường Nam Đồng, Đống Đa đã giải tán điểm phát quà miễn phí tại 72 Nam Đồng, khi dự định phát mỗi người từ 5 đến 10kg gạo, một thùng mì gói, một chai dầu ăn, 5 đến 10 khẩu trang, bánh ngọt + 100.000 đồng tiền mặt. Lý do cơ quan chức năng đưa ra là hoạt động tự phát, quá đông người đến nhận...
Với cách làm việc máy móc, đặc biệt đối với người bất đồng chính kiến; nhiều người nghèo mất cơ hội nhận quà cứu trợ.
Anh Bùi Tuấn Lâm nói tiếp:
“Em nghĩ nếu sự việc này chỉ là một cá nhân bình thường, thì người ta cũng chỉ nhắc nhở sơ sơ, nhưng vì em là thành phần họ coi là đặc biệt, lầu lâu có cơ hội là người ta ưng làm khó làm dễ. Tới hôm nay thì bên phường có gởi một tờ giấy đến sách nhiễu, yêu cầu em ngày mai đến làm việc, em chắc chắn sẽ không đi, vì em đã nói hết với công an bữa đầu tiên rồi. Em thấy em chẳng có gì đáng phải lên để phiền phức như vậy hết, người ta muốn làm gì thì làm, em không đi họp thôi.”
Đúng như lời anh Bùi Tuấn Lâm, cũng tại Đà Nẵng nhiều ngày qua, mỗi ngày có đến hàng trăm suất cơm được các mạnh thường quân phát miễn phí để giúp những hoàn cảnh khó khăn khi có dịch covid-19. Điển hình là Câu lạc bộ “Bạn thương nhau” đã vận động các mạnh thường quân triển khai phát cơm miễn phí ở 5 điểm trên địa bàn quận Hải Châu, quận Thanh Khê và Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Hay quán cơm Yên Vui ở quận Thanh Khê cũng đã tổ chức phát cơm miễn phí cho người dân.
Trong khi đó báo chí nhà nước trong những ngày ngày qua tiếp tục tuyên truyền về những tấm gương tham gia góp tiền chống dịch. Như việc tuyên truyền 5 cụ bà ở Cà Mau, đều có hoàn cảnh cô đơn, không nơi nương tựa, không người thân ủng hộ 23 triệu đồng phòng chống dịch COVID-19; Hay một cụ bà ở Nghệ An ủng hộ 50.000 đồng từ tiền bán gà để chống Covid-19... Và một đảng viên ở Kiên Giang được khen thưởng vì dừng tổ chức tiệc thôi nôi cho con trong mùa dịch. Tấm ảnh một cụ bà mà báo chí Nhà nước đăng và cho là một người neo đơn vẫn góp tiền chống dịch bị cư dân mạng chỉ rõ yếu tố bất hợp lý là trên cổ cụ này có đeo dây chuyền vàng, tay đeo đồng hồ dưới lớp áo!
Trả lời RFA hôm 7/4, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định liên quan vấn đề này:
“Tôi nghĩ đây là lối tuyên truyền đã hằn rất sâu trong óc người cộng sản từ thời xa xưa, hàng nhiều chục năm rồi. Người ta cố gắng đưa lên những tấm gương hy sinh cao cả của những người rất là khó khăn, yếu đuối, để muốn động viên tinh thần của người dân. Nhưng nhiều khi nó trở thành, hết sức lố bịch, bởi vì nhiệm vụ của chính phủ là giúp những người đấy chứ không phải đưa những người đấy làm tấm gương. Như chuyện tuyên truyền cô y tá có thai chín tháng ở lại săn sóc bệnh nhân, cho thấy sự man rợ của cả một hệ thống. Nhưng người ta không để ý đến chuyện đó. Tôi nghĩ đấy là cách tuyên truyền không hay ho gì cả.”
Như chuyện tuyên truyền cô y tá có thai chín tháng ở lại săn sóc bệnh nhân, cho thấy sự man rợ của cả một hệ thống. Nhưng người ta không để ý đến chuyện đó. Tôi nghĩ đấy là cách tuyên truyền không hay ho gì cả.<br/>-TS Nguyễn Quang A
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, những người thật sự làm từ thiện, nhưng nếu đó là những người đấu tranh cho nhân quyền thì họ sẽ bị đàn áp ngay, chính quyền cho là những người này là bọn hoạt động lợi dụng để làm cái này cái kia... Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng, đây là căn bệnh cũng giống như căn bệnh ung thư, của bộ máy tuyên truyền cộng sản từ xưa đến nay.
Anh Bùi Tuấn Lâm, nhận định:
“Từ lâu rồi, chính quyền luôn có sự trớ trêu và vô lý vậy, chính quyền muốn làm cái gì cũng phải thông qua chính quyền hết. Giống như khi làm việc với em, họ cũng nói em vi phạm pháp luật vì không thông qua phường, không chịu xin phép phường... Hôm nay cộng đồng mạng cũng bóc mẽ những điều tuyên giáo làm, như tuyên truyền cụ già neo đơn giúp chống dịch, nhưng neo đơn sống khó khăn mà đeo giây chuyền vàng, vòng vàng... Bản thân em không tin vào những việc đó.”
Đảng Việt Tân, có trụ sở tại Hoa Kỳ, vào ngày 7 tháng 4 năm 2020, đã ra Thông Cáo Báo Chí về việc, cùng nhau hỗ trợ những người đang bị bỏ quên trong đại dịch Covid-19.
Cụ thể, để giúp đối phó với đại dịch Covid-19, anh chị em Việt Tân đã hỗ trợ và phân phát hơn 120.000 khẩu trang tại nhiều nơi trên toàn quốc. Theo các giới chức y tế, khẩu trang là một trong những phương tiện cần thiết để chống lan truyền bệnh dịch.
Theo Thông Cáo Báo Chí, đại dịch Covid-19 là một thử thách to lớn đối với thế giới hiện nay, trong đó có Việt Nam. Để vượt qua đại dịch này đòi hỏi chính quyền phải có những biện pháp y tế và kinh tế sáng suốt, và mọi người dân phải có ý thức và trách nhiệm với cộng đồng xung quanh. Hơn bao giờ hết, các tổ chức xã hội dân sự có vai trò tương trợ và đùm bọc mọi người Việt Nam.
Đảng Việt Tân cũng chân thành ghi nhận sự giúp đỡ từ các nguồn cung cấp khẩu trang, các mạnh thường quân đã cung cấp phương tiện, và các tình nguyện viên đã hỗ trợ phân phát. So với nhu cầu rất lớn của 100 triệu dân, đây chỉ là một nỗ lực nhỏ trong nhiều việc cần làm để giúp người dân Việt Nam vượt khỏi dịch Covid-19.