Ai đánh giá và bảo vệ cán bộ ‘dám nghĩ, dám làm’?

0:00 / 0:00

Thực trạng

Phát biểu tại buổi thảo luận ở tổ chiều 10/11 về các văn kiện trình Đại hội Đảng XIII, Đại biểu Quốc hội Đào Thanh Hải, Phó giám đốc Công an Hà Nội, cho biết sau một loạt vụ việc xảy ra thời gian qua, nhiều cán bộ đảng viên không dám đổi mới, sáng tạo. Vẫn theo ông Hải, tình trạng này không chỉ xảy ra ở một phạm vi nhỏ mà đang diễn ra ở tất cả cấp, ngành, địa phương.

Giáo sư Nguyễn Đình Cống, người có hơn 30 năm tuổi Đảng, đã từ bỏ Đảng vào năm 2016 đồng tình với phát biểu của người đại diện đoàn Hà Nội.

“Lời phát biểu ấy nói lên đúng sự thật. Nhiều người đảng viên, cán bộ không có khả năng sáng tạo, không có khả năng suy nghĩ mới và chỉ làm theo chỉ thị cấp trên. Còn một số ít có khả năng suy nghĩ vấn đề mới, vấn đề bất hợp lý nhưng người ta không dám nói, phải giữ kín trong lòng.”

Với kinh nghiệm là một viên chức đang hoạt động trong ngành giáo dục, Thầy Đỗ Việt Khoa từ Hà Nội nêu ra nguyên nhân vì sao cán bộ đảng viên không dám đổi mới, sáng tạo:

“Một chính quyền dựa trên sự bất nhất, bảo kê lẫn nhau để họ cùng chung mục đích là hưởng quyền lợi nhưng bên ngoài lại nói bảo vệ đảng, tức độc quyền. Nên sinh ra cán bộ, đảng viên nước nổi thì nổi theo chứ không bao giờ đi trước, sáng tạo, chiến đấu với những cái sai trong nội bộ đảng, hay đột phá khoa học kỹ thuật, công nghệ, xã hội, chính trị. Họ không bao giờ làm và có thể họ nhìn thấy cũng không làm. Đấy là chuyện tất yếu của bộ máy đã duy trì quá lâu thể chế một đảng, một chính quyền không có sự giám sát, đấu tranh thanh lọc của người dân.

Trong khi đó, triết học Marx-Lenin mà họ đưa vào Việt Nam và bảo rằng là kim chỉ nam của họ có nói rất rõ đấu tranh, giải quyết mâu thuẫn là động lực để phát triển xã hội. Thực tế thì các quan chức đó tiêu diệt mọi cuộc đấu tranh, mọi sáng tạo, mọi thay đổi, ý kiến góp ý.”

Ranh giới đúng – sai

Đại biểu Đào Thanh Hải khi nói trước phiên thảo luận ngày 10/11 cho hay nghị quyết có nêu đổi mới sáng tạo, đột phá để hoàn thành mục tiêu yêu cầu của nghị quyết. Dù vậy, ông nhìn nhận trong đổi mới sáng tạo và đột phá, ranh giới giữa đúng và sai rất mong manh, thậm chí “vô cùng mong manh”.

Đồng tình với quan điểm nêu trên, GS. Nguyễn Đình Cống nhận định:

Hình minh họa.
Hình minh họa. (AFP)

“Hiện nay giữa cái đúng cái sai mong manh, nói câu đó đúng nhưng ai đánh giá? Hiện nay chưa có lực lượng nào đánh giá. Muốn như thế thì phải đưa ra để đối thoại, tự do ngôn luận, trao đổi, anh viết báo này tôi viết báo kia rồi mọi người đến xem hoặc có đối thoại. Đằng này tự do ngôn luận không có, đối thoại không ai tổ chức thì việc đánh giá đúng sai là tùy quan điểm mỗi người, khó lắm. Người ta có câu sáng đúng chiều sai ngày mai lại đúng.”

Còn theo ông Vũ Minh Trí, trước đây từng là cán bộ Tổng cục Tình báo quốc phòng Tổng cục II lại có đề xuất như sau:

“Tôi nghĩ tự họ đánh giá với nhau thì sẽ không chính xác vì tất cả bọn họ, trên dưới trước sau đều cùng một giuộc. Tôi nghĩ tiêu chuẩn duy nhất và chính xác là phải để người dân chúng tôi đánh giá.”

Cơ chế bảo vệ?

Báo Nhà nước Việt Nam đưa tin cho biết có nhiều ý kiến góp ý về cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới được đưa ra trong buổi hội thảo chiều ngày 10/11.

Cụ thể, theo Phó giám đốc Công an Hà Nội, nghị quyết Đại hội Đảng cần nhấn mạnh vấn đề bảo vệ cán bộ vì tình hình hiện nay cho thấy khi cán bộ đổi mới sáng tạo, nếu làm được thì khen, nhưng nếu không làm được thì quy trách nhiệm rất nặng nề, dù nguyên nhân không thành công có thể do khách quan đem lại.

Do đó, thiếu tướng Đào Thanh Hải cho rằng nếu không bảo vệ được cán bộ thì chắc chắn không ai sáng tạo, không ai dám đổi mới, đột phá.

Sau khi nghe trình bày, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ sau đó đã đề nghị thư ký nhấn mạnh nội dung có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm, đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung.

Theo GS. Nguyễn Đình Cống, hiện tại chính phủ Hà Nội vẫn chưa có cơ chế, tổ chức, hay lực lượng nào bảo vệ cho người dám nghĩ, dám làm, dám ra ngoài khuôn khổ. Ông nêu lên thực tế:

“Nếu như đang ở trong Đảng thì bị kỷ luật Đảng, bị điều cấm đảng viên ràng buộc mà người ta phải theo. Còn nếu không thể chấp nhận những điều ấy thì tốt nhất là ra khỏi Đảng, khi đó có thể hành động như một công dân. Nếu còn ở trong tổ chức, còn ở trong Đảng, đang làm việc với nhà nước thì buộc lòng phải thực thi nghĩa vụ mà trong điều lệ của Đảng, kỷ luật của Đảng có nói cấm không được nói ngược lại điều lệ Đảng, Marx-Lenin, cấm không được làm việc này việc nọ, nếu làm thì bị kỷ luật.”

Ông Vũ Minh Trí lại có cách nhìn nhận khác:

“Tôi nghĩ tất cả những người dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm thì họ sẽ biết cách tự bảo vệ, chẳng ai làm gì được họ. Còn việc có người phát biểu như vừa nói chỉ chứng tỏ một điều rằng những người như vậy (dám nghĩ, dám làm) là thiểu số ít trong xã hội Việt Nam hiện nay. Vì vậy có một người như vậy thì lập tức sẽ có người tấn công, sẽ bị tẩy chay, bị trù dập… và họ có nhu cầu được bảo vệ. Tôi nói thật rằng trong toàn bộ số cán bộ hiện nay tôi nghĩ rằng có đốt đuốc tìm thì cũng chẳng có người cán bộ nào theo tiêu chuẩn người dân bình thường chúng tôi mong muốn.”

Kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm đang được nêu lên rộng rãi thời gian gần đây.

Ông Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trước đây cũng đã cho rằng “trong lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, phải có quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn, thật sự năng động, sáng tạo, chú trọng tạo đột phá để phát triển; coi trọng chất lượng, hiệu quả thực tế của công việc và đề cao trách nhiệm người đứng đầu” trong bài viết “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới” của ông.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quan sát cho rằng trong tình hình hiện nay, có thể các cán bộ dám nghĩ, nhưng chuyện dám làm lại là vấn đề khó nói khác!