Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Đồng Nai, ông Trần Văn Vĩnh tại một hội nghị chuyên đề về quản lý đất đai ở các tỉnh, thành phía Nam tuyên bố rằng chính quyền địa phương đang có sự lo lắng về hiện tượng các thế lực phản động nhằm vào sự bất ổn của từng địa phương mà đưa tin không đúng, chủ yếu là về vấn đề khiếu kiện đất đại.
Đài RFA ghi nhận ý kiến của người dân Việt Nam, là những người liên quan việc khiếu kiện đất đai xoay quanh phát biểu vừa nêu của giới chức lãnh đạo tỉnh Đồng Nai.
Thế lực phản động tác động?
Truyền thông quốc nội, vào ngày 6 tháng 9, dẫn lời của ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết tại Hội nghị chuyên đề một số vấn đề về ban hành quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đại tại các tỉnh, thành phía Nam, do Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, rằng Chính quyền tỉnh Đồng Nai đã cố gắng xử lý ngay những vấn đề người dân có ý kiến bức xúc, đặc biệt là khiếu nại về đất đai, không để đến mức ra tòa.
Mặc dù vậy, ông Trần Văn Vĩnh cũng nhấn mạnh rằng chính quyền địa phương đang lo ngại hai việc, đó là người dân tin theo sự xúi giục của các đối tượng cò đất khi chính quyền có quyết định thu hồi; đồng thời những thế lực phản động nhằm vào các bất ổn để đưa thông tin không đúng, chủ yếu là khiếu kiện về đất đai.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai còn khẳng định tỉnh nhà có hơn 1 triệu người có đạo, đông nhất trên cả nước do đó nếu chính quyền không giải quyết tốt các khiếu kiện về đất đai thì việc lợi dụng vấn đề tôn giáo để kích động rất dễ xảy ra, gây hậu quả rất lớn.
Giải quyết rốt ráo
<i>Rõ ràng chính những vấn nạn trong đất đai là môi trường màu mỡ cho tham nhũng. Thật ra, tham nhũng đất đai là tham nhũng hàng đầu ở Việt Nam. Chính sách đất đai hiện hành gây ra tham nhũng, tạo ra lợi ích nhóm và nó gieo rắc bao nhiêu đau thương, mất mát cho người dân, biến đất nước Việt Nam hiện nay thành cường quốc của dân oan<br/>-Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc</i>
Trao đổi với một số người dân ở các số tỉnh, thành liên quan vấn đề khiếu kiện đất đai tại Việt Nam, Đài RFA ghi nhận hầu như ai cũng bày tỏ sự phấn chấn trước những thông tin mà giới chức lãnh đạo Việt Nam từ trung ương đến địa phương lần lượt tuyên bố tập trung giải quyết tình trạng khiếu nại, khiếu kiện đất đai kéo dài của dân chúng.
Trong báo cáo với đoàn Giám sát của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội về kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Bộ Tài nguyên-Môi trường, hồi trung tuần tháng 7 vừa qua, cho biết đơn thư tập trung vào khiếu nại liên quan đất đai chiếm gần 96% tính từ năm 2018 cho đến cuối tháng 5 năm 2019. Trước đó, Thanh tra Bộ Tài nguyên-Môi trường cũng công bố số liệu trong tổng số hơn 1.500 lượt đơn khiếu nại trong nửa đầu năm 2017, có đến hơn 95% liên quan đến vấn đề đất đai.
Vào đầu tháng 2 năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiếp tục tập trung kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài.
Đơn cử như hồi hạ tuần tháng 6, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản yêu cầu lãnh đạo thành phố Đà Nẵng dành thời gian tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, chủ yếu liên quan đất đai.
Và mới đây nhất, trước lời phát biểu của ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai rằng chính quyền địa phương cố gắng xử lý kịp thời các bức xúc liên quan đất đai, không ít người dân lên tiếng với RFA cho rằng đó là một dấu hiệu đáng mừng, nhưng đối với họ, thì niềm tin vào nỗ lực giải quyết khiếu kiện đất đai mà Chính phủ Việt Nam đang hô hào thật sự không có, thậm chí họ còn hoài nghi vì có cáo buộc việc dân chúng đi khiếu kiện đất đai là do bị lợi dụng và kích động.
Nhận diện thế lực kích động
Nhắc đến tỉnh Đồng Nai, Đài RFA ghi nhận một trường hợp đã xảy ra từ lâu khi hàng trăm hộ dân khu kinh tế mới tại thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, đã khai hoang nơi rừng thiêng nước độc với hy vọng được an cư lạc nghiệp và cũng sẵn lòng để chính quyền trưng dụng gần 500 héc-ta đất cho dự án trọng điểm quốc gia, xây đập thủy điện Trị An.
Thế nhưng công trình thủy điện Trị An hoàn thành vào năm 1992 và hàng trăm hộ dân lâm vào cảnh không chốn nương thân khi gần 500 héc-ta đất mà họ đã đổ công sức lẫn tính mạng khẩn hoang lại lần lượt phân phát, chia cho cán bộ công nhân viên và thân nhân của giới chức địa phương. Hơn 20 năm khiếu kiện ra đến tận Trung ương và kết quả mà họ nhận được là:
"Đi thưa cá nhân cũng có, tập thể cũng có nhưng bị bác đơn, không xử cho ai hết. Ra Văn phòng Chính phủ lấy 5 tờ giấy của Văn phòng Chính phủ chuyển vô cho tỉnh thì cũng không giải quyết. Khi đi lấy tài liệu hay đi xin tài liệu thế nào cũng bị xe theo cán. 3 lần như vậy. Nói thật phim xã hội đen sao thì còn hơn thế nữa. Ba lần như vậy. Cuối cùng 8 ông đi tù nhưng cũng không được trả gì hết."
Vừa rồi là hồi tưởng của bà Lê Thị Tưởng, một dân oan tại tỉnh Đồng Nai.
Chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do, bà Lê Thị Tưởng hay cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Mai Trung Tuấn, một trẻ vị thành niên ở Long An bị tuyên án tù vì đã cùng gia đình phản đối chính quyền địa phương cưỡng chế nhà cửa đất đai hồi trung tuần tháng 4 năm 2015, đều nói rằng những hoàn cảnh mà họ vướng phải là do sự bất công mà chính quyền gây ra đối với đời sống của họ.
Dư luận trong và ngoài nước không thể nào quên một vụ việc gây chấn động hồi trung tuần tháng 4 năm 2017 liên quan tranh chấp đất đai tại Việt Nam, đó là người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội đã bắt giữ 38 cảnh sát cơ động và cán bộ làm con tin để yêu cầu được đối thoại với Chính quyền thành phố Hà Nội, liên quan cánh đồng Sênh, nơi canh tác nông nghiệp của người dân thôn Hoành được chính quyền địa phương thông báo thu hồi để giao lại cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel. Cụ Lê Đình Kình, đại diện cho người dân xã Đồng Tâm từng tuyên bố:
<i>Dân Đồng Tâm bây giờ nói thẳng đây là giặc nội xâm cướp đất này. Dân Đồng Tâm cương quyết tuyên chiến với giặc nội xâm. Bất kể ai không có quyết định thu hồi đất mà vào đây cướp đất thì dân Đồng Tâm sẽ sẵn sàng chiến đấu và nhiều người sẽ sẵn sàng hy sinh. Anh em chúng tôi đương đầu cả về đầu tư, tài chính, kinh tế, thời gian và thậm chí cả xương máu như tôi. Đây là quyền lợi của toàn dân, hoàn toàn không vì một cá nhân nào cả<br/>-Ông Lê Đình Kình</i>
“Dân Đồng Tâm bây giờ nói thẳng đây là giặc nội xâm cướp đất này. Dân Đồng Tâm cương quyết tuyên chiến với giặc nội xâm. Bất kể ai không có quyết định thu hồi đất mà vào đây cướp đất thì dân Đồng Tâm sẽ sẵn sàng chiến đấu và nhiều người sẽ sẵn sàng hy sinh. Anh em chúng tôi đương đầu cả về đầu tư, tài chính, kinh tế, thời gian và thậm chí cả xương máu như tôi. Đây là quyền lợi của toàn dân, hoàn toàn không vì một cá nhân nào cả.”
Không chỉ vụ việc đất đai ở Đồng Tâm, mà người dân Thủ Thiêm sau hơn 2 thập niên ròng rã khiếu kiện, dù cho vụ việc đang được Chính phủ Hà Nội yêu cầu giải quyết rốt ráo và dứt điểm, nhưng những người dân oan Thủ Thiêm chia sẻ rằng họ luôn tranh đấu đòi công lý trên tình thần quyết hy sinh tính mạng để giữ đất.
Và còn đó, hơn trăm hộ dân ở vườn rau Lộc Hưng cũng tuyên bố họ kiên trì với hành trình pháp lý vì mảnh đất mà tổ tiên khai phá đã bị Chính quyền phường 6, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh phá tan hoang trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.
Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, một trong số những luật sư hỗ trợ pháp lý cho bà con ở vườn rau Lộc Hưng, từng khẳng định rằng chính sách đất đai của Việt Nam là căn nguyên của vấn đề khiếu kiện đất đai kéo dài mà không thể nào giải quyết xuể:
"Rõ ràng chính những vấn nạn trong đất đai là môi trường màu mỡ cho tham nhũng. Thật ra, tham nhũng đất đai là tham nhũng hàng đầu ở Việt Nam. Chính sách đất đai hiện hành gây ra tham nhũng, tạo ra lợi ích nhóm và nó gieo rắc bao nhiêu đau thương, mất mát cho người dân, biến đất nước Việt Nam hiện nay thành cường quốc của dân oan."
Tiến sĩ Xã hội học Trịnh Hòa Bình cũng từng đưa ra nhận định có thể xem sự phản kháng của người dân trong vấn đề đất đai tại Việt Nam như là cuộc chiến đấu “một mất một còn” mà người dân đã dự liệu được phần thua thuộc về mình. Và, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình nhấn mạnh những tiếng súng của Đoàn Văn Vươn, Đặng Văn Hiến…đó là hồi chuông gióng lên cảnh báo dân chúng phản đối sự quản lý hà khắc cùng với cách ứng xử cường quyền về đất đai khiến cho cuộc sống của người dân không còn lối thoát.
Còn rất nhiều dân oan khẳng khái tuyên bố rằng bản án tử hình mà tòa tuyên cho nông dân Đặng Văn Hiến thì lại "càng kích động và xúi giục dân phải can đảm hơn và đấu tranh quyết liệt đến cùng."