Ngày 12 tháng 4 năm 2019, ông Phạm Nhật Vũ, Chủ tịch Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn cầu AVG bị bắt với cáo buộc đưa hối lộ. Hai cựu bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn cùng nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone Lê Nam Trà và cựu tổng giám đốc MobiFone Cao Duy Hải nhận quyết định bổ sung tội nhận hối lộ.
Cơ quan điều tra cũng khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nhà ông Võ Văn Mạnh, giám đốc và ông Hoàng Duy Quang, nhân viên ty TNHH tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 220 Bộ luật Hình sự năm 2015, vai trò đồng phạm.
Công ty AMAX là một trong bốn công ty được chọn để tư vấn định giá trong thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG.
Việc bắt giữ những nhân vật liên quan đến vụ mua bán trị giá hàng ngàn tỷ đồng chỉ mới thực hiện sau khi báo cáo kết luận sai phạm về vụ mua bán này của Thanh tra chính phủ đã được công bố từ tháng 3/2018. Thanh tra Chính phủ kết luận vụ mua bán đã làm thất thoát tiền của nhà nước đến 7.000 tỷ đồng.
Vì sao đến bây giờ công an mới bắt Phạm Nhật Vũ, cựu Đại tá công an Nguyễn Đăng Quang từ Hà Nội nhận định:
" Có hai khả năng: Một là cuộc đấu tranh chống tham nhũng bị nhiều sức++ ép cho nên bây giờ phải khởi tố tiếp những vấn đề trước đây chưa đụng tới. Thứ hai là khi bị tạm giam thì các bị can bị bắt trước đây khai ra là Phạm Nhật Vũ đưa hối lộ, cho nên phải khởi tố và bắt giam Phạm Nhật Vũ tội đưa hối lộ.
Khả năng nhiều là cơ quan điều tra có bằng chứng Phạm Nhật Vũ đưa hối lộ và các bị can đang bị tạm giam nhận hối lộ, nên cơ quan điều tra bổ sung quyết định khởi tố đối với hai cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông là Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn về tội nhận hối lộ."
Tiếp theo thì sẽ có nhiều khả năng mở ra: Hoặc là mở rộng vụ án nếu cơ quan điều tra quyết tâm và có bằng chứng, hoặc tạm dừng ở đó vì theo họ thì chống tham nhũng thế là đủ rồi. Để chờ xem! - Nguyễn Đăng Quang
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già thì cho rằng trong Bộ chính trị phải có sự cân não rất là lớn khi quyết định bắt Phạm Nhật Vũ, bởi Phạm Nhật Vũ là em ruột của Phạm Nhật Vượng, hai tỷ phú rất nổi tiếng ở Việt Nam.
Vụ án AVG được dư luận bắt đầu quan tâm vào đầu tháng 8 năm 2016, khi Thường trực Ban bí thư Trung ương lúc đó là ông Đinh Thế Huynh chỉ đạo thanh tra lại vụ Mobifone mua 95% cổ phần của công ty AVG.
Sự việc sau đó chìm vào im lặng, không có bất kỳ thông tin nào liên quan đến kết quả thanh tra trừ quyết định thuyên chuyển ông Lê Nam Trà, Tổng giám đốc MobiFone về công tác tại văn phòng Bộ thông tin và Truyền thông. Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng lúc bấy giờ đưa ra suy luận của mình:
“Cũng có những lời đồn đoán là trong vụ này có liên quan đến trách nhiệm của bà Nguyễn Thanh Phượng, con gái của ông cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Không biết đó có phải là lý do đặc biệt hay không mà cho đến mãi gần đây vụ này tương đối êm ả. Có những lời thanh minh cho bà Phượng là không dính dáng đến vụ MobiFone mua AVG.”
Bà Nguyễn Thanh Phượng là người sáng lập công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 11 năm 2007 với vốn điều lệ ban đầu là 360 tỷ đồng.
Tháng 2 năm 2012, bà Nguyễn Thanh Phượng chính thức giữ chức chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bản Việt (Viet Capital Bank). Bà cũng là thành viên sáng lập của Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư chứng khoán Bản Việt (Viet Capital Asset Management – VCAM) và Công ty Chứng khoán Bản Việt (Viet Capital Securities – VCSC).
Tháng 09 năm 2015, Công ty đầu tư chứng khoán Bản Việt (VCSC) được chỉ định thầu thực hiện tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp, xây dựng phương án cổ phần hóa và IPO cho Mobifone.
Đến ngày 27 tháng 4 năm 2018, ông Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo ‘Bổ sung vụ AVG vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng’ tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng do ông chủ trì.
Sau chỉ đạo trên của ông Nguyễn Phú Trọng thì một loạt quan chức bị bắt. Tháng 7 cùng năm, ông Lê Nam Trà, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, Cán bộ Văn phòng Bộ Thông tin và Truyền thông, và ông Phạm Đình Trọng, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp - Bộ Thông tin và Truyền thông bị khởi tố và bị bắt tạm giam về tội "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Khoản 3 Điều 220 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Bốn tháng sau đến lượt ông Cao Duy Hải (cựu tổng giám đốc MobiFone) và bà Phạm Thị Phương Anh (Phó tổng giám đốc) bị bắt để điều tra vì liên quan đến sai phạm trong thương vụ mua 95% cổ phần AVG.
Tháng 2 năm 2019, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam và cho xét nhà hai cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, được quy định tại khoản 3 Điều 220 Bộ luật hình sự năm 2015 liên quan đến thương vụ mua bán AVG.
Khi ông Phạm Nhật Vũ bị bắt hôm 12 tháng 4 vừa qua, dư luận cho rằng vụ án sắp sửa nóng lên như cái lò của ông Trọng thì ông Nguyễn Đăng Quang lại không lạc quan lắm cho bước tiếp theo:
“Tiếp theo thì sẽ có nhiều khả năng mở ra: Hoặc là mở rộng vụ án nếu cơ quan điều tra quyết tâm và có bằng chứng, hoặc tạm dừng ở đó vì theo họ thì chống tham nhũng thế là đủ rồi. Để chờ xem!”
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng vụ AVG hay những vụ chống tham nhũng khác sẽ đi vào ngõ cụt và chiến dịch ‘đốt lò’ của ông Trọng sẽ thất bại bởi nó là bản sao ‘đả hổ diệt ruồi’ của Tập Cận Bình nhưng không hề tương thích. Ông dẫn chứng những yếu tố mà Việt Nam sẽ không thể thực hiện chiến dịch ‘đả hổ diệt ruồi’ như Trung Quốc:
“Thứ nhất là về kinh tế: Nền kinh tế Trung Quốc đứng thứ hai trên thế giới trong khi kinh tế Việt Nam chả là gì với thế giới.
Thứ hai là Tập Cận Bình thâu tóm được quyền lực còn Nguyễn Phú Trọng thì không mặc dù ông Trọng nắm được chức Chủ tịch nước.
Thứ ba là tầm ảnh hưởng quốc tế thì Nguyễn Phú Trọng hầu như không có so với ông Tập Cận Bình.
Thứ tư là Tập Cận Bình thu phục được nhân tâm với việc thu hồi giang sơn về một mối thông qua tranh chấp biển đảo với các nước trong khu vực. Còn ông Nguyễn Phú Trọng thì không hề có.
Thứ năm là uy tín cá nhân, Tập Cận Bình chưa hề có vết nhơ nào trong việc bao che cho cánh hẩu trong việc chống tham nhũng. Còn Nguyễn Phú Trọng thì quá nhiều ví dụ cho chúng ta thấy, ví dụ như vụ Võ Kim Cự, vụ Mường Thanh, vụ tập đoàn FLC…”
Tôi không nghĩ rằng có thể lôi được Nguyễn Thanh Phượng vô mà thậm chí có thể buộc phải trả tự do cho Phạm Nhật Vũ bởi chính trị luôn có sự bất ngờ ... - Nguyễn Ngọc Già
Ông Võ Kim Cự, nguyên Chủ tịch, nguyên Bí thư tỉnh Hà Tĩnh, được cho là người trực tiếp vận động đưa dự án Formosa về Hà Tĩnh, cấp phép cho thuê đất 70 năm vượt thẩm quyền nhưng được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hợp thức hóa năm 2008. Sau khi rời Hà Tĩnh một cách bình an vô sự, cuối năm 2015 ông Cự đã tiếp tục đắc cử Đại biểu Quốc hội khóa 14, đắc cử Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
Còn vụ Mường Thanh được báo chí trong nước cho là sai phạm từ Bắc đến Nam nhưng hầu hết các sai phạm sau đó đều được hợp thức hóa. Nhiều dự án nhà cao tầng xây cao hơn mức cho phép hoặc bán hết cho người mua khi chưa hoàn tất thủ tục theo quy định.
Ngoài ra còn hàng loạt sai phạm tại các dự án nghìn tỷ của đại gia Trịnh Văn Quyết, chủ tịch Tập đoàn FLC như chuyển đổi đất rừng làm sân golf trái quy định tại Thanh Hóa, hay việc triển khai xây dựng các dự án bất động sản nghỉ dưỡng trải dọc theo đường bờ biển từ Bắc vào Nam gây nên những mối đe doạ về vị trí an ninh quốc phòng… nhưng bản thân ông Quyết và tập đoàn FLC vẫn bình yên vô sự.
Trong một lần trò chuyện với RFA về những đồn đoán trong dư luận về vai trò của bà Nguyễn Thanh Phượng, con gái cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong vụ AVG, ông Phạm Chí Dũng nêu câu hỏi rằng "Giả thuyết đặt ra nếu bà Nguyễn Thanh Phượng dính dáng sâu đến vụ MobiFone và AVG thì thế nào? Liệu bà có bị khởi tố, thậm chí bị bắt giam hay không?"
Đó cũng là câu hỏi mà dư luận quan tâm khi đến hôm nay ông Phạm Nhật Vũ bị bắt, vụ án liệu sẽ được tiếp tục như thế nào?
RFA đặt câu hỏi với nhà báo Nguyễn Ngọc Già về khả năng vụ án sẽ mở rộng đến cửa nhà bà Nguyễn Thanh Phượng hay không, ông cho rằng:
“Tôi không nghĩ rằng có thể lôi được Nguyễn Thanh Phượng vô mà thậm chí có thể buộc phải trả tự do cho Phạm Nhật Vũ bởi chính trị luôn có sự bất ngờ và nền tư pháp cũng như hệ thống pháp luật của Việt Nam không đơn thuần là pháp lý mà nó bị chính trị hóa quá nặng rồi.”