Mấy tuần qua, mạng xã hội tràn ngập bình luận, hình ảnh của hai ứng cử viên Tổng Thống Mỹ. Một người thuộc Đảng Cộng Hòa là đương kim Tổng Thống Donald Trump. Một người thuộc Đảng Dân Chủ là cựu phó Tổng Thống Joe Biden.
Trong khi đó, sinh hoạt đại hội đảng tại các địa phương bầu chọn những người đi dự đại hội đảng toàn quốc vào đầu năm tới nhằm bầu ra các chức vụ lãnh đạo trong nước dường như im ắng trên mạng xã hội.
Theo dự kiến, đại hội 13 sẽ diễn ra vào đầu năm tới để bầu ra các vị lãnh đạo quốc gia trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Tổng Bí thư. Tất cả đều theo thủ tục quy định tại Điều lệ Đảng và Quy chế bầu cử trong Đảng của Ban Chấp hành Trung ương.
Một nhà nghiên cứu về biển Đông, ông Đinh Kim Phúc nhận xét rằng, hầu như những người quan tâm đến chính trị ở Việt Nam đều đặc biệt quan tâm đến kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 này. Họ quan tâm đến tiến trình bầu cử cũng như quan điểm của hai ứng viên khi đi vận động. Từ đó dẫn đến việc anh em, bạn bè từng cà phê thuốc lá với nhau bất đồng quan điểm lại ‘mạt sát’ nhau, thậm chí không nhìn mặt nhau. Ông giải thích về hiện tượng này:
Vì bầu cử trong nước từ trước đến nay thì người dân không được trực tiếp lựa chọn. Hình thức bầu cử của Việt Nam là Mặt trận tổ quốc và các cơ quan chức năng hiệp thương với sự lãnh đạo của đảng đưa ra một danh sách cho dân bầu. Gọi là đảng cử, dân bầu. - Ông Đinh Kim Phúc
“Vì sao vậy? Vì bầu cử trong nước từ trước đến nay thì người dân không được trực tiếp lựa chọn. Hình thức bầu cử của Việt Nam là Mặt trận tổ quốc và các cơ quan chức năng hiệp thương với sự lãnh đạo của đảng đưa ra một danh sách cho dân bầu. Gọi là đảng cử, dân bầu.
90% đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân đều là đảng viên Đảng Cộng Sản. Quá trình mong muốn được cầm lá phiếu bầu trực tiếp, quá trình mong muốn được tự do ứng cử, tự do vận động… ở Việt Nam không có. Chính cái khát khao đó làm người ta đổ sang theo dõi bầu cử Mỹ. Coi như cuộc bỏ phiếu lần thứ hai của người dân sau việc ùn ùn đổ tiền cho ca sĩ Thủy Tiên đi cứu trợ.
Hai hiện tượng này xảy ra trong một tháng đã nói lên cái tâm tư, nguyện vọng của người dân Việt Nam. Họ mong muốn có một cuộc bầu cử theo thể thức của các nước dân chủ trên thế giới. Nhưng điều đó không thể được vì theo Điều 4 Hiến pháp là đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện.”
Theo Giáo trình Hiến pháp Việt Nam, thuật ngữ bầu cử được cho là gắn mật thiết với khái niệm dân chủ, trong đó những cuộc bầu cử tự do và công bằng là phương thức đảm bảo cho việc tôn trọng các quyền tự do, dân chủ đó. Theo đó, trong một nền dân chủ, quyền lực của Nhà nước chỉ được thực thi khi có sự nhất trí của người dân. Cơ chế căn bản để chuyển sự nhất trí đó thành quyền lực Nhà nước là tổ chức bầu cử tự do và công bằng. Bầu cử cũng được hiểu là cách thức nhân dân trao quyền cho Nhà nước và với tư cách là một chế độ tiên tiến, Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam không thể bằng một phương pháp nào khác hơn là bầu cử để thành lập ra các cơ quan của mình.
Thực tế bầu cử ở Việt Nam không như những gì được rao giảng trong Giáo trình Hiến pháp bởi quy chế ‘đảng cử, dân bầu’. Theo nhiều nhà quan sát thì chính điều này đã thu hút nhiều người dân trong nước quan tâm đến cuộc bầu cử tự do ở Mỹ.
Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam cho rằng, đây là dịp để người Việt Nam tìm hiểu và học hỏi về cách thức bầu cử ở Mỹ công khai, minh bạch như thế nào. Điều mà ở Việt Nam họ không có được. Bà nói thêm lý do vì sao đa số người dân không quan tâm đến bầu cử trong nước:
“Ở Việt Nam không có những hoạt động như thế. Những cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên đã cho những người quan tâm hiểu biết hơn những vấn đề đang xảy ra ở nước Mỹ cũng như những giải pháp được đưa ra.
Bầu cử trong nước thực sự nó không thể giống bên Mỹ. Những cuộc bầu cử trong nước thì người dân không có dịp bàn luận gì cả. Cái gì cũng trong tổ chức, có những cuộc họp chính thức và mọi người chỉ bàn luận trong những cuộc họp chính thức đó thôi. Tức là các đại biểu họp và bàn luận chứ dân chúng đâu có biết nội dung cuộc họp. Tất nhiên họ cũng đưa lên báo nhưng báo chí thì một chiều, không có tương tác. Vì thế dân không quan tâm.”
Là một nhà báo tự do, ông Ngô Nhật Đăng có dịp đi qua một số nước, tiếp xúc với cộng đồng người Việt cũng như người bản xứ ở đó. Ông nêu một vài yếu tố mà ông nhận thấy có thể lý giải cho hiện tượng nhiều người Việt trong nước quan tâm mạnh mẽ đến bầu cử ở nước Mỹ năm nay:
“Thứ nhất, người ta có sự so sánh về cách tổ chức bầu cử rất dân chủ của Mỹ và bầu cử không có dân chủ ở Việt Nam. Nó phản ánh nguyện vọng của người dân là nhìn để mà mơ ước, không biết đến bao giờ Việt Nam mới có một cuộc bầu cử dân chủ như thế.
Thứ hai, nếu nhìn sâu vào văn hóa, truyền thống thì chúng ta thấy giữa người dân Mỹ và người Việt Nam nó có một cái gì đó gần gũi. Có lẽ từ rất sâu trong lịch sử, Mỹ là đất nước của di dân và người Việt Nam chúng ta cũng mang giòng máu di dân. Ông bà từ ngày xưa di cư từ Bắc vào Nam sau 1954, rồi hàng triệu người bỏ nước ra đi sau 1975 chấp nhận mọi hiểm nguy.”
Ông Ngô Nhật Đăng nói thêm rằng, so với cộng đồng người Việt ở các nước khác trên thế giới thì cộng đồng người Việt ở Mỹ đông nhất. Họ thành công một cách đặc biệt và được tôn trọng. Do đó, người Việt trong nước cũng có mối liên hệ và quan tâm đặc biệt với những gì xảy ra ở Mỹ.
Thứ nhất, người ta có sự so sánh về cách tổ chức bầu cử rất dân chủ của Mỹ và bầu cử không có dân chủ ở Việt Nam. Nó phản ánh nguyện vọng của người dân là nhìn để mà mơ ước, không biết đến bao giờ Việt Nam mới có một cuộc bầu cử dân chủ như thế.- Ông Ngô Nhật Đăng
Nhà hoạt động Vũ Quốc Ngữ, giám đốc tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders) nêu nhận xét của ông:
“Tôi nghĩ người Việt Nam trong nước khát khao được bầu cử tự do. Tuy nhiên điều đó không được nhà cầm quyền Đảng Cộng sản Việt Nam cho phép. Từ khi thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa và sau đó là Nhà nước CHXHCN Việt Nam thì chưa có một cuộc bầu cử tự do thật sự nào được tổ chức.
Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 không phải là cuộc bầu cử tự do vì theo một số tài liệu tôi được đọc thì số ghế trong Quốc Hội do ông Hồ phân chia. Mặc dù đó là cuộc bầu cử được coi như đa nguyên nhiều chính đảng.”
Sau ngày 02 tháng 9 năm 1945, Việt Nam đã thành một nước độc lập, tự do. Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới thành lập, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, là cơ quan điều hành nhà nước cao nhất giữ trọng trách lịch sử chỉ đạo toàn dân thực thi các nhiệm vụ cấp bách về nội trị, ngoại giao, về quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội đợi đến ngày bầu Quốc hội để cử ra một Chính phủ chính thức, hợp pháp, hợp hiến.
Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được tổ chức vào ngày 6 tháng 1 năm 1946, diễn ra tại 71 tỉnh thành trong cả nước theo lối phổ thông đầu phiếu và lựa chọn ra 333 đại biểu cho Quốc hội khóa I.
Theo trang tin Điện tử Ban quản lý lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh, trong trả lời một nhà báo nước ngoài vào ngày 16 tháng 7 năm 1947, ông Hồ Chí Minh nói rằng: Quốc hội Việt Nam là do toàn dân đầu phiếu cử ra. Tất cả đàn ông và đàn bà 18 tuổi trở lên đều có quyền tuyển cử.
Thực tế sau hơn 70 năm, trong những cuộc bầu cử lâu nay đều là ‘đảng cử, dân bầu’. Cách thức bầu cử này bị nhiều người Việt Nam hiểu biết cho là ‘dân chủ giả hiệu’ vì họ không được trực tiếp bầu chọn người mà họ tin tưởng, có đủ năng lực, phẩm chất để đại diện cho họ.