Vì sao doanh nghiệp không mong đợi gì vào các gói hỗ trợ của Nhà nước?

0:00 / 0:00

Vào trung tuần tháng 7 năm 2021, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị quyết 68 hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19 với số tiền hỗ trợ khoảng 26 ngàn tỷ đồng. Trong số đó, 7.500 tỷ đồng sẽ được dành cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh.

Khi trả lời RFA từ Sài Gòn hôm 15/7, Anh Đ - chủ một doanh nghiệp sản xuất hàng điện tử gia dụng, nói:

“Doanh nghiệp tư nhân tụi tôi không có trông mong vào sự hỗ trợ của nhà nước đâu? Qua hơn hai năm nay, dịch bệnh COVID-19 đem lại cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân khó khắn rất nhiều, mà không nhận được sự hỗ trợ nào hết. Trong khi đó, doanh nghiệp tư nhân chúng tôi đóng góp cho GDP đất nước là gần 60%, còn doanh nghiệp Nhà nước chỉ làm ăn thua lỗ. Nhưng những đồng hỗ trợ không bao giờ đến các doanh nghiệp tư nhân chúng tôi. Hơn 100 ngàn doanh nghiệp phải đóng cửa là con số chứng minh, cho thấy Nhà nước nói và làm hoàn toàn không giống nhau. Điều này gây bức xúc rất lớn, chúng tôi đã đóng góp cho đất nước này, nhưng người dân - doanh nghiệp chỉ nhận được con số 0.”

Theo vị chủ doanh nghiệp này, chỉ có những doanh nghiệp Nhà nước, những doanh nghiệp sân sau của đảng viên, thì mới dễ dàng nhận được những hỗ trợ này mà thôi.

Doanh nghiệp tư nhân tụi tôi không có trông mong vào sự hỗ trợ của nhà nước đâu? Qua hơn hai năm nay, dịch bệnh COVID-19 đem lại cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân khó khắn rất nhiều, mà không nhận được sự hỗ trợ nào hết.
-Chủ DN sản xuất hàng điện tử

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, gói hỗ trợ này sẽ được giản lược tối đa thủ tục, tạo điều kiện đơn giản, thông thoáng nhất cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi trả lời truyền thông Nhà nước, không ít doanh nghiệp lại bày tỏ e ngại, không mặn mà gì với gói cứu trợ. Các doanh nghiệp cho rằng, dù điều kiện đã được nới lỏng hơn nhưng cần phải cụ thể hóa chính sách hơn nữa thì doanh nghiệp mới có thể tiếp cận được.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, người có nhiều kinh nghiệm trong ngành dệt may và da giầy, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do, nhận định:

“Các gói hỗ trợ đấy được tuyên bố lên, nhưng mà nó có đến tay doanh nghiệp cần được giúp đỡ hay không, thì chưa thấy được rõ ràng. Theo những thông tin tôi nhận được thì rất nhiều doanh nghiệp cần được giúp đỡ, nhưng chưa tiếp cận được sự giúp đỡ của Nhà nước. Vì vậy cho nên người ta không có cách nào khác là phải đóng cửa thôi...”

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, có nhiều lý do, một là điều kiện để tiếp cận các gói cứu trợ quá khắc khe, hai là các cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm về vấn đề đó chưa làm hết mức có thể, để nhanh chóng thực hiện các gói cứu trợ đấy. Ông nói tiếp:

“Nhà nước cần phải nhanh chóng phối hợp với các hội đoàn, ví dụ như phòng thương mại, hay các câu lạc bộ doanh nghiệp vừa và nhỏ... để mà đưa ra các phương án để giúp đỡ cho các doanh nghiệp trong thời kỳ khó khăn này, và phải nhanh chóng triển khai. Hiện nay, vấn đề đưa ra chính sách đến triển khi thì thời gian hơi quá dài, nên doanh nghiệp không có sức chịu đựng nổi.”

125f9d4b-96db-4fe6-b992-14a9c29e3ae4.jpeg
Một người ngồi bên ngoài một quán cà phê đóng cửa do đại dịch COVID-19 bùng phát ở Hà Nội, ngày 31 tháng 5 năm 2021. REUTERS / Thanh Huệ.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát từ năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã công bố nhiều gói cứu trợ để vực dậy nền kinh tế bị đình trệ, như gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ đồng cho người dân và doanh nghiệp, hay gói tín dụng 16 ngàn tỉ đồng với lãi suất 0%/năm cho doanh nghiệp vay để trả cho người lao động ngừng việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hay gói hỗ trợ doanh nghiệp lên đến 250 ngàn tỷ đồng...

Dù có nhiều gói cứu trợ, nhưng theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2020 có tổng cộng 101,7 ngàn doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, khi trả lời RFA hôm 15/7, nhận định:

“Gói hỗ trợ chưa phát huy được hiệu quả mong muốn là bởi vì người thiết kế ra gói hỗ trợ muốn bảo đảm an toàn, cho nên đưa ra nhiều quy định, nhiều thủ tục, đòi hỏi nhiều giấy tờ chứng minh quá... Cho nên rất ít doanh nghiệp tiếp cận được với gói hỗ trợ đó. Rút kinh nghiệm lần này, Chính phủ đã giảm nhiều thủ tục, giấy tờ... Như tôi được biết, Chính phủ cũng có chủ trương tạm hoãn thời hạn nộp hạn thuế, nhưng chưa rõ có giảm thuế hay không? Các ngân hàng cũng cho tạm hoãn thời hạn trả nợ, cũng như những nỗ lực để giảm lãi suất ngân hàng. Tôi hy vọng tất cả những biện pháp đó sẽ giúp những doanh nghiệp vượt qua khó khăn này. Tuy vậy, theo thông tin tôi nhận được thì số doanh nghiệp đóng cửa, kể cả các hộ gia đình và các cửa hàng đóng cửa như ở Hà Nội đây cũng khá nhiều, và điều đó ảnh hưởng đời sống người dân.”

Trong sáu tháng đầu năm 2021, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp đã giải thể là 9.942 doanh nghiệp, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có gần 1.953 doanh nghiệp trước đó đã đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn.

Nói 26 ngàn tỷ nhưng thật ra nó chẳng được bao nhiêu đâu, bởi vì lượng doanh nghiệp ất đông, người lao động rất rất đông. Thật ra như muối bỏ biển thôi, chưa kể cái người ta quan tâm là chia bằng cách nào, dựa vào đâu để chia?
-Ông Nguyễn Văn Mỹ

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 15 tháng 7 năm 2021 liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Văn Mỹ, chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Du lịch Lửa Việt, nhận định:

“Nói 26 ngàn tỷ nhưng thật ra nó chẳng được bao nhiêu đâu, bởi vì lượng doanh nghiệp rất đông, người lao động rất rất đông. Thật ra như muối bỏ biển thôi, chưa kể cái người ta quan tâm là chia bằng cách nào, dựa vào đâu để chia? Tôi có một đề nghị, mình không thể phát tiền như các nước giàu, bản thân tôi là doanh nghiệp, chúng tôi đang hết sức khó khăn để cầm cự, chúng tôi chỉ đề nghị ngân hàng chính sách cho được vay không lãi suất để trả lương cho nhân viên. Dù cái lương đó chỉ là lương bao cấp, ví dụ ngày xưa lương hồi xưa 10 triệu, thì giờ được ba bốn triệu. Chúng tôi đang phải cầm cự, gọi là giữ bộ khung, trước đây có khoảng 160 người, giờ còn khoảng ba mươi mấy bốn chục người. Với đồng lương rất eo hẹp, anh em ráng cầm cự làm thêm này kia. Nhưng lâu dài thì không biết thế nào?”

Ông Nguyễn Văn Mỹ đề nghị về việc doanh nghiệp được vay nhiều hay ít, kể cả việc phân chia gói hỗ trợ của Chính phủ... thì phải dựa trên khả năng đóng góp cho nhà nước của các doanh nghiệp đó khi chưa xảy ra đại dịch:

“Tốt nhất là nên dựa vào báo cáo tài chính, ai đóng thuế nhiều thì được vay nhiều, được hỗ trợ nhiều hơn, chứ không thể cào bằng, nếu tiêu chuẩn không rõ ràng thì dễ phát sinh tiêu cực. Một việc nữa là phải cứu doanh nghiệp đang cầm cự chứ không phải cứu doanh nghiệp chết rồi. Hàng loạt vấn đề chưa rõ lắm, cho nên tôi cho là khả năng hỗ trợ chỉ chừng mực nào đấy thôi.”

Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, tất cả mọi hình thức cứu trợ phải minh bạch rõ ràng, chứ nếu chỉ dựa vào bao cấp từ gói hỗ trợ rồi chia đều, thì theo ông không thể phát huy hiệu quả. Chưa kể, nếu không biết dựa vào tiêu chuẩn gì, thì dễ phát sinh tiêu cực, đó là chưa nó đến vấn đề thủ tục. Ông Mỹ cho rằng, từ chuyện nói đến chuyện làm còn nhiều khoảng cách, và những người quản lý phải tìm ra cách khắc phục thì mới mong giúp được giới doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn vì đại dịch COVID-19.