Tại sao người Trung Quốc phạm tội ở VN không bị xét xử tại VN?

0:00 / 0:00

Gần đây, ngày càng nhiều vụ người Trung Quốc vi phạm pháp luật ở Việt Nam bị phát hiện. Tuy nhiên, lại ít khi thấy cơ quan chức năng Việt Nam đưa những trường hợp vi phạm ra xét xử. Sự việc gần đây nhất là Việt Nam đã phải trục xuất gần 400 người TQ vận hành đường dây đánh bạc về lại Trung Quốc đã khiến không ít người hoang mang…

Dư luận tiếp tục hoang mang và căm phẫn khi vừa mới đây (11/8/2019), 3 người TQ đã ra tay sát hại một tài xế taxi Việt Nam tại Lạng Sơn. Hình ảnh các tội phạm trẻ tuổi người TQ rất “an yên” trong đồn công an khiến người dân Việt Nam không khỏi lo lắng, liệu họ sẽ phải trả một cái giá thích đáng cho những gì họ gây ra hay sự việc lại “chìm xuồng”? Dư luận bàn tán và hồ nghi về hệ thống xử lý pháp luật tại Việt Nam!

Thực trạng nhức nhối

Cũng khó để buộc người dân không bàn tán về cách xử lý của chính quyền Việt Nam đối với tội phạm người TQ khi càng ngày số vụ người TQ vi phạm pháp luật tại Việt Nam càng tăng. Nhìn nhận lại thực trạng này, ắt hẳn không ai không nhớ đến vụ việc xảy ra vào ngày 27/7 khi Công an Việt Nam đã bắt giữ hơn 380 công dân TQ điều hành một đường dây đánh bạc bất hợp pháp tại thành phố cảng Hải Phòng, với số tiền vi phạm lên đến 10.000 tỷ đồng.

Theo Bộ Công an Việt Nam, đây là một tổ chức tội phạm với phương thức hoạt động mới và tinh vi, được thực hiện trên không gian mạng, tổ chức dưới 'vỏ bọc' của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đây cũng được coi là vụ án liên quan đến số lượng người nước ngoài phạm tội lớn nhất, số lượng cờ bạc và cá cược trực tuyến lớn nhất từng được phát hiện tại Việt Nam. Sự việc gây rúng động trong nước khi được biết “sào huyệt” khủng này đã qua mắt Công an Việt Nam nhiều tháng trời.

Người dân càng hồ hởi bao nhiêu về thành tích phá ổ cờ bạc khủng của người Trung Quốc của Công an Việt Nam thì họ lại càng thất vọng bấy nhiêu khi chỉ sau đó 4 ngày,Việt Nam đã phải bàn giao toàn bộ số người bị bắt giữ và tang vật cho công an Trung Quốc xử lý….

Trước đó, vào tháng 4 năm 2019, một nhóm 40 người Trung Quốc nghi dùng công nghệ cao để lừa đảo cũng bị bắt giữ tại Nha Trang. Sau đó, công an Đà Nẵng cũng phát hiện 35 người Trung Quốc có hành vi vi phạm sử dụng visa du lịch đến Đà Nẵng nhưng thực tế là thuê nhà và tổ chức đánh bạc qua mạng internet…

Việc xử lý có minh bạch?

Với rất nhiều vụ việc người Trung Quốc vi phạm pháp luật tại Việt Nam nhưng thường sau đó người dân không thấy Công an công bố đưa vụ án ra xét xử mà phần đông dẫn độ tội phạm và tang vật về Trung Quốc. Mặc dù Việt Nam và Trung Quốc chưa ký kết Luật dẫn độ, mà chỉ ký Hiệp định về tương trợ pháp lý về dân sự và hình sự.

Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, hôm 12/8 RFA liên lạc Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, và được ông cho biết như sau:

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh, ngày 17/04/19 phát hiện nhóm 11 người Trung Quốc gây nhiễu mạng di động ở thành phố Móng Cái.
Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh, ngày 17/04/19 phát hiện nhóm 11 người Trung Quốc gây nhiễu mạng di động ở thành phố Móng Cái. (Courtesy: Ảnh chụp màn hình nld.com.vn)

“Vấn đề tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự hình sự thì Việt Nam đã ký với nhiều nước như Hàn Quốc, Hungary, Bulgaria… trong đó có Trung Quốc, thì đã có rất lâu rồi, công dân nước này có thể hưởng bảo hộ pháp lý trên nước kia… Còn vấn đề dẫn độ là hợp tác tương trợ tư pháp giữa hai nước với nhau, có quyền yêu cầu bắt giữ hoặc chuyển giao người tội phạm. Việc dẫn độ được tiến hành giữa quốc gia yêu cầu và quốc gia được yêu cầu, toàn bộ quá trình thực hiện hoạt động pháp lý này được thực thi theo pháp luật nước sở tại và các điều ước quốc tế song phương về tương trợ tư pháp.”

Theo luật sư Hậu, việc dẫn độ hơn 300 người Trung Quốc phạm tội tổ chức đánh bạc ở Việt Nam cũng phù hợp Hiệp ước tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Tuy nhiên, hôm 12/8 từ Sài Gòn, Luật sư Đặng Đình Mạnh lại không đồng tình:

“Theo quy định luật hình sự Việt Nam thì dù là người nước ngoài đi nữa mà phạm tội trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam và vi phạm pháp luật Việt Nam thì Việt Nam hoàn toàn có thẩm quyền để xét xử. Thậm chí nó thể hiện thẩm quyền tài phán của quốc gia, nó thể hiện chủ quyền của quốc gia. Đây là vấn đề nghiêm trọng, nhưng tôi không hiểu sao hơn 300 người Trung Quốc vi phạm pháp luật Việt Nam một cách rõ ràng và cụ thể, thì việc xét xử rất là bình thường nhưng tôi không hiểu sao lại dẫn độ hết về Trung Quốc, rồi không biết họ có xử hay không? Đối với luật hình sự thì đây là vụ bỏ lọt tội phạm rất lớn nhất, vi phạm quyền tài phán quốc gia, vi phạm chủ quyền quốc gia.”

Theo luật sư Mạnh, trong trường hợp xử lý về người thì tài sản cũng vậy, đó là tang vật vụ án thì phải tịch thu. Thậm chí khi xử lý tại tòa còn có thể căn cứ theo những con số tang vật, để đưa ra mức phạt tài chính phù hợp.

Luật sư Nguyễn Văn Miếng, khi trả lời RFA hôm 12/8, giải thích thêm:

“Bộ luật hình sự Việt Nam có quy định về dẫn độ, tuy nhiên phải theo hiệp ước giữa hai bên, thứ hai là trường hợp viên chức ngoại giao, một trường hợp nữa là do hai bộ ngoại giao làm việc với nhau để giải quyết. Tuy nhiên một nguyên tắc tối thượng trong bộ luật hình sự là tội phạm hình sự xảy ra ở đâu, thì xử ở đó. Tức là xảy ra ở Việt Nam thì Việt Nam phải xử, riêng trường hợp Trung Quốc thì nó đặc biệt như thế nào đó mà hiện nay tôi chưa hiểu rõ là họ căn cứ vào đâu để họ dẫn độ những công dân Trung Quốc phạm tội ở Việt Nam, vì về nguyên tắc là phải xử ở Việt Nam.”

Ngoài ra, theo điều 27 của Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam đã ký với Trung Quốc. Việt Nam cũng có thể từ chối tương trợ tư pháp về các vấn đề hình sự.

Trở lại vụ Công an Việt Nam bắt giữ hơn 380 công dân Trung Quốc điều hành đường dây đánh bạc ở Hải Phòng. Khi trả lời báo An Ninh Thủ Đô hôm 29/7/2019 về việc người nước ngoài phạm tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc ở Việt Nam sẽ bị xử lý ra sao? Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội, dẫn Khoản 2 Điều 5 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi quy định, đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên, hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó.

Tuy nhiên Luật sư Đặng Đình Mạnh lại không đồng tình:

“Chắc chắn không, theo quy chế về đối xử ngoại giao thì theo một công ước gọi là công ước Vienna (Công ước Vienna về Quan hệ ngoại giao, được thông qua năm 1961 và có hiệu lực vào năm 1964). Theo công ước này thì chỉ miễn trừ cho những người có hộ chiếu ngoại giao, còn lại là xử lý theo bộ luật hình sự chứ không theo hiệp ước về lãnh sự của Vienna. Cho nên vị luật sư đó nói chỉ đúng trong phạm vi đó thôi, chứ áp dụng cho hơn 300 người Trung Quốc tổ chức đánh bạc ở Việt Nam thì không đúng, những người này là thường dân, không thể hưởng quy chế ngoại giao.”

Ở một diễn biến khác, hôm 12/8 theo báo Pháp Luật, Bộ Công An cho biết, tính đến tháng 5/2019, hơn 1.400 phạm nhân là người nước ngoài thuộc 30 quốc tịch khác nhau đang chấp hành án hình sự tại Việt Nam. Đa số các phạm nhân bị kết án liên quan đến các tội phạm về ma túy và kinh tế. Số phạm nhân quốc tịch Trung Quốc (bao gồm Đài Loan, Hong Kong, Macao) chiếm khá nhiều…(?!)

Nhìn ra thế giới

Mặc dù Anh đã trao trả Hong Kong lại cho Trung Quốc từ năm 1997 và Hong Kong cũng đã ban hành chính sách “một quốc gia, 2 chế độ” sau đó. Tương tự các nước khác, Hong Kong cũng đã ký kết hiệp định tương trợ tư pháp với 20 nước khác nhau (tuy nhiên danh sách 20 vùng tài phán này không có Trung Quốc và Việt Nam) nhưng khi chính quyền Hong Kong đưa ra dự luật dẫn độ xác nhận các nhóm tội có thể bị dẫn độ về Trung Quốc xử lý, liền bị người dân phản ứng gây gắt. Nhìn nhận từ sự việc ở Hong Kong với Việt Nam, từ Sài Gòn, Luật sư Đặng Đình Mạnh nói lên suy nghĩ của mình:

“Vấn đề này cũng đưa ra nhiều suy nghĩ, mặc dù HongKong hiện nay là một quốc gia hai chế độ, nhưng rõ ràng người HongKong vẫn muốn đòi hỏi sự độc lập nhất định cho HongKong, ít nhất là độc lập về tài phán, chứ không phụ thuộc vào chế độ Đại Lục. Trong khi đó, Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia hoàn toàn độc lập với nhau, có chủ quyền riêng, nhưng lại hành xử y như là một dạng lục địa, thậm chí còn tệ hơn HongKong. Trong khi HongKong không chấp nhận chuyện đó, thì Việt Nam lại hết sức dễ dàng chấp nhận khả năng đó.”

Luật sư Đặng Đình Mạnh cay đắng cho rằng, thậm chí địa vị pháp lý của Việt Nam còn tệ hơn địa vị pháp lý mà HongKong đang có.