Giữ sự trong sáng của tiếng Việt bằng cách dạy chữ Hán có hợp lý?

0:00 / 0:00

Báo chí trong nước hôm 7 tháng 6 năm 2020, lại nhắc lại ý kiến của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Lê Giang, Trưởng Khoa Văn học - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM cho rằng, muốn dùng tiếng Việt một cách trong sáng thì học sinh phải học chữ Hán.

Trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 8 tháng 6 năm 2020 từ Hà Nội liên quan vấn đề này, Đại biểu Quốc hội, Sử gia Dương Trung Quốc, giải thích:

“Văn hóa Việt Nam trong một thời gian khá dài phải mượn chữ Hán để truyền tải tinh thần mình. Nơi khác thì người ta sử dụng chữ Hán làm chữ viết, nhưng các cụ mình ngày xưa theo tôi là rất khôn ngoan, viết bằng chữ Hán nhưng ngôn ngữ Hán vẫn là tiếng Việt. Có nghĩa là, người Việt và người Hán nói chuyện với nhau phải có bút giảng, chứ nói với nhau thì không hiểu. Tức là mình học cái hay của họ, công cụ của họ, nhưng mình vẫn giữ được cái độc lập của mình. Đó là một cách mà trên cơ sở đó mới sáng tạo ra chữ Nôm. Chữ Nôm tuy chưa được hoàn thiện nhưng nó cũng là một cách ứng xử của người Việt Nam. Đến lúc có chữ Latin thì Việt Nam sử dụng chữ Quốc ngữ. Như thế là học cái hay của họ nhưng không bị lệ thuộc vào họ.”

Việc dạy trong nhà trường, tôi cho rằng nên dạy cái ý niệm hơn, còn những người nào đi chuyên môn sâu thì nên dạy chữ Hán như một thứ ngoại ngữ nào đó trong trí thức của mình thôi.<br/>-Sử gia Dương Trung Quốc

Sử gia Dương Trung Quốc cho rằng, vấn đề lịch sử vừa nói, nên truyền tải cho học sinh nhiều, để các cháu có nhìn vào đình, vào chùa, hay xem gia phả của tổ tiên mình thấy loằn ngoằn chữ Hán sẽ hiểu đấy không chỉ là chữ Hán mà là công cụ về mặt ngôn ngữ mà ông cha ta đã sử dụng. Liên quan việc dạy chữ Hán trong trường học phổ thông, ông nói tiếp:

“Việc dạy trong nhà trường, tôi cho rằng nên dạy cái ý niệm hơn, còn những người nào đi chuyên môn sâu thì nên dạy chữ Hán như một thứ ngoại ngữ nào đó trong trí thức của mình thôi. Chứ còn học sinh phổ thông thì nên có phần đó, khi dạy về lịch sử văn hóa hay lịch sử ngôn ngữ, cho các em hiểu, và có thể dạy một phần nào đó để các em hiểu một số chữ. Ví dụ như khi đọc ‘Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư’ thì các em hiểu cách viết như thế nào? Và vì sao phải viết bằng chữ Hán trong thời kỳ lịch sử ấy. Và bây giờ cái tinh thần ấy, tư tưởng ấy truyền đạt vào thế hệ hiện nay như thế nào?”

Vấn đề còn lại theo Sử gia Dương Trung Quốc, thì các nhà sư phạm nên bàn tính học như thế nào cho nó đúng mức để các bạn trẻ có ý niệm về lịch sử sử dụng ngôn ngữ của người Việt trong quá khứ... Chứ còn việc biến nó thành một phần tri thức, hiểu như một ngôn ngữ sử dụng thì ông cho rằng, lúc này chưa phải lúc.

Ảnh minh họa: Một lớp dạy tiếng Hán ở Hà Nội.
Ảnh minh họa: Một lớp dạy tiếng Hán ở Hà Nội. (Courtesy vnu.edu.vn)

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Lê Giang, trong số các quốc gia thuộc khu vực đồng văn, tức các quốc gia chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, chỉ có Việt Nam là từ bỏ chữ Hán hoàn toàn nên thế hệ sau ít hiểu biết về quá khứ dân tộc. (!?) Khi trả lời báo chi trong nước, Ông Giang dẫn ví dụ, ở Nhật, người tốt nghiệp phổ thông phải biết ít nhất 1.945 chữ Hán, đến hết đại học thì phải biết khoảng 3.000 chữ. Hàn Quốc thì hết phổ thông, học sinh phải biết khoảng 1.000 chữ. Chỉ có Việt Nam là không đặt ra yêu cầu này.

Để tìm hiểu thêm về chuyên môn, Đài Á Châu Tự Do hôm 8 tháng 6 năm 2020 liên lạc Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng liên quan đề nghị của ông Đoàn Lê Giang, và được ông cho biết ý kiến của mình:

“Tôi không không cho ý kiến đó là đúng theo mấy lẽ. Thứ nhất là logic, nói dạy chữ Hán để dùng tiếng Việt tốt hơn, như thể mấy từ chữ Hán ấy với tiếng Việt là hai thứ khác nhau. Ngày nay, một số từ ngữ gốc Latin mà có trong tiếng Anh, thì không ai coi đó không phải tiếng Anh, người ta coi đó là một bộ phận của tiếng Anh, mặc dù truy nguyên thì nó có gốc Latin. Tình hình đó giống hệt những từ ngữ trong tiếng Việt mà mượn từ tiếng Hán, đọc Hán - Việt, đó là một bộ phận của tiếng Việt. Cho nên cách nói đó đối lập một bên là tiếng Việt, một bên là tiếng Hán là không đúng.”

Những từ gốc Hán là một bộ phận của tiếng Việt thì hoàn toàn có thể xử lý theo cách dùng cho tiếng Việt đối với bộ phận chữ gốc Hán ấy, chứ không cần đi theo con đường viết bằng chữ Hán.<br/>-PGS. TS. Hoàng Dũng

Điểm thứ hai, theo PGS. TS. Hoàng Dũng là quan trọng hơn, khi cho những từ gốc Hán là một bộ phận của tiếng Việt thì hoàn toàn có thể xử lý theo cách dùng cho tiếng Việt đối với bộ phận chữ gốc Hán ấy, chứ không cần đi theo con đường viết bằng chữ Hán.

PGS. TS. Hoàng Dũng cho biết, khi trao đổi với PGS. TS. Đoàn Lê Giang, ông Giang cho rằng sở dĩ vì sao phải viết bằng chữ Hán vì có một số chữ như chữ ‘minh’ nghĩa là sáng thì tiếng Hán viết khác, trong khi nếu chữ ‘minh’ nghĩa là tối thì viết khác... hay chữ ‘minh’ nghĩa là bạn bè thì viết khác. Do đó ông Giang cho rằng phải dạy cho học trò chữ Hán thì mới phân biệt được nghĩa. Nhưng PGS. TS. Hoàng Dũng cho rằng không đúng:

“Nghe thì có lý, nhưng không đúng, vì không ai đặt vấn đề trong tiếng Việt chữ ‘đường’ có nghĩa là đường ăn, và chữ ‘đường’ là đường đi mà căn cứ vào cách viết. Trong chữ quốc ngữ, việc xử lý từ đồng âm dựa vào ngữ cảnh, và dạy cho học sinh bằng ngữ cảnh, như vậy là có thể giải quyết được. Tương tự, ‘minh’ trong liên minh là bạn bè, ‘minh’ trong u u minh minh thì đó là tối. Tôi nói ví dụ như vậy thì hoàn toàn có thể dùng ngữ cảnh để giải quyết rất đơn giản.”

Theo PGS. TS. Hoàng Dũng, nếu cho rằng học chữ Hán là hết sức quan trọng, rất cần cho tiếng Việt... thì thật ra có một triệu chuyện khác cần học, nhưng thời gian cho học trò học là có hạn. Nếu muốn dạy, phải chứng minh là nó rất cần cho trường học, bắt buộc phải đưa vào học... Việc đề nghị dạy chữ Hán theo ông, phản ánh tâm lý lo lắng giới trẻ ngày này sử dụng tiếng Việt sai bậy nhiều quá... Sự lo lắng ấy theo ông là đáng chia sẻ, và ông cũng lo lắng như thế.

Nhưng cách giải quyết ấy, theo PGS. TS. Hoàng Dũng là không ổn, rất mất thời gian, công lao bỏ ra sẽ rất nhiều, thay vì để thời gian đó để làm chuyện khác, có ích lợi hơn.