Vì sao xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam ngày càng nhiều?

Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục dưới nhiều hình thức tại Việt Nam trong thời gian qua được cả báo chí chính thống và mạng xã hội loan tải.

Một trong những vụ bị cư dân mạng xã hội phản ứng dữ dội cũng như tư gia bị người dân đến xịt sơn, ném rác… là vụ ông Nguyễn Hữu Linh, cựu Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng sàm sỡ bé gái trong thang máy. Vào ngày 21 tháng 4, đúng hai mươi ngày sau vụ việc xảy ra ông Linh mới bị cơ quan Cảnh sát điều tra ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội ‘Dâm ô với người dưới 16 tuổi’ theo quy định tại Điều 146 Bộ luật hình sự. Hiện ông Linh vẫn chưa bị bắt giam.

Hôm 18 tháng 4 năm 2019, Trung tâm Phát triển Cộng đồng và Công tác Xã hội (Codes Việt Nam) gởi đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự để điều tra vụ nghi tấn công tình dục bé gái 5 tuổi sau khi tan học ở lớp mầm non về thì bị người đàn ông trung niên có họ với bố mình lừa đưa tới khu nhà hoang gần đó và tấn công tình dục. Sự việc được phát hiện khi người mẹ đi đón tìm con và thấy bé gái đi ra từ khu nhà hoang cùng với nghi phạm. Sự việc xảy ra hôm 15 tháng 4 năm 2019.

Chúng tôi đã ý kiến nhiều, và tôi biết ngay cả Cục Trẻ em thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng ý kiến rồi nhưng không hiểu vì sao họ không sửa đổi, ngay khi sửa đổi BLHS năm 2015 có sửa đổi một số nội dung trong đó nhưng họ vẫn không đề cập vấn đề này. - LS. Ngô Anh Tuấn

Theo nhận định của các chuyên gia thì có ít nhất ba yếu tố dẫn đến tình trạng xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam. Thứ nhất là do pháp luật Việt Nam còn những kẽ hở; thứ hai là thói quen ở gia đình và thứ ba công tác giáo dục cho học sinh về nạn tấn công tình dục thường mang tính hình thức.

Luật sư Ngô Anh Tuấn cho rằng kẽ hở của luật pháp đã vô tình dung túng cho tội phạm xâm hại tình dục trẻ em:

"Đúng là kẽ hở của pháp luật. Chúng tôi có ý kiến rất nhiều lần rồi với Cục Trẻ em thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và cần phải sớm điều chỉnh, cụ thể là bổ sung lời khai của trẻ em qua một quy trình giám định, qua một quy trình lấy cung đặc biệt sẽ được xem như một chứng cứ buộc tội bị cáo. Khi mà xem lời khai là chứng cứ thì khả năng buộc tội dễ dàng và hợp pháp hơn. Hiện giờ những việc đó hoàn toàn chưa thừa nhận trừ khi mà họ nhận tội, còn lời khai của trẻ em không được xem là chứng cứ buộc tội nên rất khó".

Luật sư Ngô Anh Tuấn là người hay tham gia các chương trình hỗ trợ pháp lý cho trẻ em bị xâm hại hoặc bạo hành vào những ngày cuối tuần. Ông cho RFA biết ông và các đồng nghiệp đã có nhiều ý kiến sửa đổi luật nhưng mọi việc vẫn như cũ bởi những người ngồi bàn giấy làm luật thì lại không làm việc thực tiễn về thừa hành pháp luật, cho nên họ nghe rồi cũng để đó:

“Chúng tôi đã ý kiến nhiều, và tôi biết ngay cả Cục Trẻ em thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng ý kiến rồi nhưng không hiểu vì sao họ không sửa đổi, ngay khi sửa đổi BLHS năm 2015 có sửa đổi một số nội dung trong đó nhưng họ vẫn không đề cập vấn đề này. Lý do cụ thể thì tôi không biết được.”

Ngoài vấn đề liên quan đến quy định về pháp luật mà luật sư Tuấn đã nói ở trên, những thói quen và những ràng buộc gia đình, xã hội cũng là một yếu tố khiến loại tội phạm này xảy ra.

Anh Thọ ở Sài Gòn có con gái 9 tuổi thường xuyên phải dạy con cách tự bảo vệ mình cũng phải thừa nhận rằng rất khó xử với những người thân quen hay họ hàng:

"Nó cũng khó lắm. Với người lạ thì mình dạy cháu phản ứng mạnh khi có bất cứ ai đụng vô người như la to lên, đẩy họ ra rồi bỏ chạy…Nhưng với người quen thì khó lắm vì chẳng lẽ ông bà chú bác đụng đến lại la lên, nên tôi có dạy con không cho người quen đụng đến một số điểm cụ thể trên cơ thể."

Rất nhiều gia đình ở Việt Nam vẫn có thói quen người lớn thay quần áo trước mặt con hoặc thay quần áo cho trẻ trước mặt mọi người. Điều này vô tình tạo cho trẻ sự chủ quan trong các mối quan hệ xung quanh khiến trẻ mất đi giới hạn an toàn của bản thân.

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội gửi Quốc Hội vào 6 năm 2018 thì có đến 90% trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân quen, trong đó có cả bố ruột, thầy giáo...

Với người lạ thì mình dạy cháu phản ứng mạnh khi có bất cứ ai đụng vô người như la to lên, đẩy họ ra rồi bỏ chạy…Nhưng với người quen thì khó lắm vì chẳng lẽ ông bà chú bác đụng đến lại la lên, nên tôi có dạy con không cho người quen đụng đến một số điểm cụ thể trên cơ thể. - Anh Thọ

Một phụ huynh ở Đồng Tháp từng cho RFA biết chị chưa từng dạy con phải tự bảo vệ mình bởi chị không có thời gian:

"Không có quan tâm vì bận đi làm tối ngày và gửi con ở trường mầm non hay chỗ giữ trẻ , ít có thời gian gần gũi với con. Đi làm từ sáng đến chiều, rước con về nhà, cho ăn uống rồi ngủ chứ đâu có dạy gì mấy chuyện đó."

Có lẽ do quan niệm của người Việt Nam là không vạch áo cho người xem lưng nên nhiều tội phạm loại này không bị xét xử đúng tội. Cha mẹ các bé gái bị xâm hại lại thường che giấu, vì sợ xấu hổ, sợ bé còn bị tổn thương hơn khi đi học, bạn bè chế giễu.

Không thể phủ nhận mạng xã hội là một kênh thông tin lên tiếng mạnh mẽ cho những trường hợp xâm hại tình dục trẻ em, và cũng là một kênh để trẻ em học hỏi.

Anh Tùng ở Sài Gòn có con gái 11 tuổi cho biết con gái anh coi facebook rồi nói với bạn bè cách tự bảo vệ mình khi bị xâm hại rồi về kể lại cho anh nghe. Trong trường chỉ dạy qua loa cho có.

Hiệu trưởng một trường tư thục chuyên biệt ở Sài Gòn cho biết do học sinh ở trường chị không hiểu biết nhiều và tiếp thu cũng chậm nên không dạy như trẻ thường được. Cô nói:

T uy có dạy nhưng trẻ chậm khôn, cũng không ai bảo đảm được mọi lúc mọi nơi. Chưa kể, có trẻ cũng thích sán vào người khác và thích được đụng chạm. Những ca này rất khó bảo vệ trẻ. B ây giờ, hầu như trường nào cũng có camera, nhưng người muốn lợi dụng thì sẽ biết điểm mù. "

Theo báo cáo mang tên ‘Out of the shadows: Shining light on the response to child sexual abuse’ (tạm dịch: Ra khỏi vùng tối: Tìm hiểu về phản ứng đối với xâm hại tình dục trẻ em) do Economist Intelligence Unite (EIU) thực hiện và được công bố hôm 16 tháng 1 năm 2019, thì Việt Nam đứng thứ 37 trong xếp hạng 40 nước về chống xâm hại tình dục trẻ em với điểm yếu nằm ở thu thập dữ liệu, chế tài dành cho người phạm tội và sự can thiệp của truyền thông.