“Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ nhất”, sẽ diễn ra trong các ngày từ 10 tháng 5 đến 12 tháng 5 sắp tới.
Nhân dịp này, chúng tôi đã tóm lược quá trình hình thành và phát triển đội ngũ luật sư ở Việt Nam cũng như những trục trặc trong việc thành lập Liên đòan Luật sư Việt Nam.
Hội đồng Luật sư lâm thời
Dù năm 2006 đã từng bị Đòan Luật sư TP.HCM phản đối vì dự tính cử công chức lãnh đạo tổ chức luật sư và đầu năm 2008, Thủ tướng Việt Nam từng chính thức yêu cầu: “Người đứng đầu tổ chức luật sư toàn quốc phải có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, am hiểu sâu sắc nghề luật sư, có khả năng lãnh đạo và thuyết phục đối với đội ngũ luật sư...”
Song Bộ Tư pháp vẫn không chọn những luật sư thực thụ, giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, đủ uy tín để lãnh đạo “Hội đồng Luật sư lâm thời”.
Đầu tháng 6 năm 2008, Bộ Tư pháp công bố “Quyết định thành lập Hội đồng lâm thời luật sư toàn quốc”. Ba nhân vật được Bộ Tư pháp sắp xếp làm chủ tịch, phó chủ tịch, trước đó chưa bao giờ là luật sư.
Ông Lê Thúc Anh, chủ tịch, chỉ là một cựu thẩm phán, từng làm Phó Chánh án Tòa án Tối cao. Hai phó chủ tịch là ông Nguyễn Văn Thảo, ông Trần Đại Hưng thì một người từng đảm nhiệm vai trò Vụ phó Vụ Bổ trợ Tư pháp (một cơ quan thuộc Bộ Tư pháp, chuyên giám sát luật sư, công chứng viên,...), một người từng là Phó Ban Nội chính Trung ương Đảng (cơ quan thay mặt Đảng CSVN chỉ đạo họat động của hệ thống Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an, Thanh tra,...).
Do được sắp xếp làm lãnh đạo “Hội đồng lâm thời Luật sư Tòan quốc”, cả ba ông được Bộ Tư pháp cấp “Chứng chỉ hành nghề luật sư”. Thế nhưng chừng đó chưa đủ để được xem là luật sư, nên cả ba ông phải xin gia nhập đòan luật sư nào đó.
Người đứng đầu tổ chức luật sư toàn quốc phải có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, am hiểu sâu sắc nghề luật sư, có khả năng lãnh đạo và thuyết phục đối với đội ngũ luật sư.
TT Nguyễn Tấn Dũng<br/>
Vì cư trú tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Thảo và ông Trần Đại Hưng xin gia nhập Đòan Luật sư Hà Nội và được chấp nhận.
Đoàn Luật sư TP.HCM phản đối
Riêng ông Lê Thúc Anh, cư trú tại TP.HCM, gửi hồ sơ xin gia nhập Đòan Luật sư TP.HCM thì bị đòan này bác, vì: “Ông Lê Thúc Anh đã được Ban Chỉ đạo Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc quyết định làm Chủ tịch Hội đồng lâm thời Luật sư Toàn quốc, có nghĩa là ông Lê Thúc Anh đã là luật sư đại diện cho Đoàn luật sư nào đó”.
Việc Đòan Luật sư TP.HCM từ chối kết nạp ông Lê Thúc Anh, tuy có làm dư luận xôn xao nhưng cuối cùng, ông Lê Thúc Anh vẫn trở thành luật sư của Đòan Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và đạt đủ yêu cầu mà Thủ tướng Việt Nam đặt ra (phải là luật sư mới được tham gia Hội đồng lâm thời Luật sư Toàn quốc)
Luật sư Vũ Bá Thanh, Chủ nhiệm Đòan Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết, ông không nhớ cụ thể ngày, tháng ông Lê Thúc Anh gia nhập Đòan Luật sư Bà Rịa – Vũng Tàu, song ông Anh mới gia nhập đòan luật sư này trong năm nay.
Trả lời câu hỏi vì sao Đòan Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp nhận ông Anh làm thành viên, ông Thanh nói:
“Anh Lê Thúc Anh có hộ khẩu tại TP.HCM. Theo quy định của Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành thì nơi cư trú không hẳn là nơi có hộ khẩu, mà có thể là nơi người ta hành nghề”.
Trở lại với Đòan Luật sư TP.HCM, không chỉ từ chối kết nạp ông Lê Thúc Anh, giữa tháng 6 năm ngóai, đòan này còn gửi một công văn cho Bộ Tư pháp, yêu cầu rút tên Luật sư Nguyễn Đăng Trừng ra khỏi Hội đồng lâm thời Luật sư Toàn quốc.
Một tháng sau, Ban Chỉ đạo Ðại hội Ðại biểu Luật sư Toàn quốc thông báo: “Không chấp nhận cho Luật sư Trừng rút tên khỏi hội đồng lâm thời bởi lý do mà ông Trừng nêu ra là không chính đáng. Theo ‘Đề án thành lập Tổ chức Luật sư Toàn quốc’, chủ nhiệm đoàn luật sư thành phố Hà Nội và Sài Gòn là hai thành viên đương nhiên”.
Cách đang làm sẽ không nhận được sự tín nhiệm của giới luật sư, khó lòng kết nối các đoàn luật sư trong cả nước và bảo vệ được quyền lợi cho luật sư trong quá trình hành nghề.
LS Nguyễn Đăng Trừng<br/>
Vẫn còn nhiều khác biệt
Về nguyên tắc, Hội đồng lâm thời Luật sư Toàn quốc chỉ tổ chức “Đại hội đại biểu Luật sư lần thứ nhất” và chính đại biểu sẽ bầu các thành viên chính thức của “Hội đồng Luật sư toàn quốc”, để lãnh đạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Nói cách khác, vai trò của hội đồng chỉ có tính cách tạm thời. Vậy thì vì sao, Bộ Tư pháp vẫn khăng khăng bảo vệ phương án nhân sự mà họ đã xác lập, bất kể đủ thứ rắc rối?
Hôm 10 tháng 4 vừa qua, giải thích về quy trình bầu Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, với VietNamNet, ông Nguyễn Văn Thảo tiết lộ một phần lý do:
“Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ do Hội đồng Luật sư toàn quốc bầu, chứ không để đại hội bầu trực tiếp. Một số ý kiến cho rằng cần bầu trực tiếp nhưng đây là đại hội lần thứ nhất nên hội đồng lâm thời sẽ phải lên danh sách dự kiến cho các vị trí”.
Việt Nam hiện có khỏang 5.300 luật sư nhưng chỉ có 328 luật sư được chọn làm đại biểu dự “Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ nhất”. 328 đại biểu này sẽ bầu 91 luật sư tham gia “Hội đồng Luật sư toàn quốc” và 91 luật sư đó mới có quyền bầu Chủ tịch Liên đòan Luật sư, sau khi “hội đồng lâm thời đã lên danh sách dự kiến cho các vị trí”!
Cũng vì vậy, Luật sư Nguyễn Đăng Trừng nêu nhận xét của ông với VietNamNet:
“Đây là một tổ chức nghề nghiệp nên quá trình bầu cử phải dân chủ. Thực tế lại không được như vậy. Cách đang làm sẽ không nhận được sự tín nhiệm của giới luật sư, khó lòng kết nối các đoàn luật sư trong cả nước và bảo vệ được quyền lợi cho luật sư trong quá trình hành nghề”.
Bạn nghĩ gì về vấn đề này? Hãy gửi đến Ban Việt Ngữ ý kiến của Bạn, hoặc tham gia thảo luận tại <a href="http://www.rfavietnam.com/" target="new">Trang blog Ban Việt ngữ RFA</a>
Trước những ý kiến tương tự, Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ trấn an:
“Trong điều kiện hiện tại ở Việt Nam thì có lẽ không thể làm khác được. Chúng tôi chấp nhận như vậy và bổ sung vào các nhược điểm đó là thành phần đã có kinh nghiệm họat động luật sư lâu năm!”.
Kế họach thành lập Liên đòan Luật sư Việt Nam vốn thuộc khuôn khổ dự án “Hỗ trợ cải cách tư pháp và pháp luật tại Việt Nam”, quen được gọi là “Dự án Danida” do Đan Mạch và Thụy Điển hỗ trợ cho Bộ Tư pháp Việt Nam. Chưa rõ chính phủ Đan Mạch và Thụy Điển có ý kiến nào về vấn đề này hay không?