Dịp lễ 30 tháng 4, ngày kỷ niệm kết thúc cuộc chiến Việt Nam mà Hà Nội gọi là ngày giải phóng Miền Nam, thường được chính quyền Việt Nam tổ chức rầm rộ với các hoạt động tuyên truyền nhiều mặt trong cả nước. Riêng năm nay thì hoạt động này có phần im ắng hơn hẳn, theo nhận xét của một số nhà quan sát.
Thay biểu ngữ, ít cờ quạt
Theo Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng - người hiện đang sống ở thành phố Hồ Chí Minh, việc tổ chức kỷ niệm ngày 30 tháng 4 của Nhà nước năm nay là một hiện tượng đặc biệt và bất thường khi liều lượng và mật độ tuyên truyền cho ngày 30 tháng 4 giảm hẳn, chỉ bằng từ một phần tư đến một phần ba so với những năm trước.
“Đặc biệt là khẩu hiệu “Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước” không còn nhiều trên mặt báo mà chủ yếu chỉ còn “Thống nhất đất nước” và bỏ đi cụm từ “Giải phóng miền Nam”. Các lễ hội cấp trung ương, địa phương không thấy tổ chức rình rang ở Sài Gòn, không duyệt binh, không bắn pháo hoa…liên quan đến ngày 30 tháng 4”.
Theo nhận định của một số người dân trong nước thì năm nay Nhà nước không có những hoạt động mà mấy chục năm qua họ vẫn thấy như bắt treo cờ, tổ chức những chương trình tuyên truyền ca ngợi ‘lịch sử hào hùng’. Anh Hùng từ Hà Nội cho biết:
"Không biểu ngữ, không băng rôn, không loa phường tuyên truyền như mọi năm. Mọi năm rầm rộ với các khẩu hiệu treo trên cột điện dọc khu phố, chăng ngang qua các tuyến đường. Tổ dân phố họp tại các khu chung cư để ăn mừng và ôn lại "lịch sử hào hùng".
Anh cho biết, trước đây tất cả các hộ dân đều phải treo cờ tổ quốc; loa phường hoạt động tối đa để tuyên truyền, thậm chí trong các cuộc nhậu “người ta” cũng hô khẩu hiệu ‘mừng giải phóng’... năm nay khẩu hiệu đó ít xuất hiện hẳn trong các cuộc nhậu. Ai muốn treo cờ thì treo, phía chính quyền họ chỉ đi nhắc nhở.
Anh Linh từ Sài Gòn cho biết mọi năm nhà nào cũng bị bắt phải treo cờ, thậm chí người trên phường xuống nhà dân treo rồi bắt dân phải trả tiền. Năm nay tình trạng đó không còn nữa.
“Sài Gòn chỉ khác hơn ngày thường một chút vì có vài nhà treo cờ chứ không như mọi năm. Những chương trình ăn theo lễ lạc do Nhà nước tổ chức gần như không có. TV cũng im ắng, không như mọi năm là chiếu phim lịch sử. Treo cờ cũng rất hời hợt, lác đác. Họ chỉ nhắc nhở chứ không bắt buộc phải treo.”
Giáo sư Hoàng Dũng từ Huế nêu ý kiến rằng ở Việt Nam, mọi tuyên truyền đều có chỉ thị từ Ban tuyên giáo, vì vậy chuyện truyền thông mạnh hay yếu đều do một ‘đạo diễn’. Việt Nam không có báo chí tư nhân mà chỉ là tiếng nói của Nhà nước, của đảng. Ông nói:
“Năm nay có một yếu tố khách quan là không phải năm chẵn nên họ không tổ chức lễ rầm rộ, nhưng yếu tố đó cũng không đến nỗi phải tổ chức một cách lặng lẽ như năm nay.”
Ảnh hưởng bởi quan hệ Việt - Mỹ
Là một người dân sống ở Sài Gòn từ trước năm 1975, chứng kiến việc tổ chức lễ kỷ niệm ngày “giải phóng đất nước” mấy chục năm qua, anh Linh cho rằng năm nay Nhà nước không tổ chức rình rang như mọi năm vì nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sắp đi Mỹ; thứ hai là chính quyền đã có một cách tiếp cận xã hội khác, có nghĩa là chính quyền hiểu tâm lý người dân nên đã hạn chế tuyên truyền.
Đánh giá về các nguyên nhân khiến chính quyền Việt Nam hạn chế tuyên truyền cho ngày 30/4 năm nay, nhà báo Phạm Chí Dũng cho rằng, đó là do quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đã thay đổi, và điều đặc biệt quan trọng là chuyến đi của TBT Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ trong thời gian tới:
“Càng về sau này tư tưởng và quan điểm ngả về Mỹ trong giới quan chức ở Việt Nam ngày càng lộ rõ, đặc biệt là dàn quan chức cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng và cấp Bí thư, Chủ tịch tỉnh, thành. Họ có thân nhân và tài sản ở nước ngoài, chủ yếu là ở Mỹ cho nên họ cần bảo đảm sinh mạng chính trị, sinh mạng sinh học cũng như tài sản của họ. Nhưng họ cũng rất e sợ Trung Quốc cho nên họ dựa vào quan điểm gần đây của Nguyễn Phú Trọng là giãn và ngả dần về Mỹ, do đó họ không còn hào hứng với việc tuyên tuyền cho ngày 30 tháng 4.”
Ông Dũng dẫn ra một so sánh về việc tuyên truyền cho ngày 30 tháng 4 năm nay và việc tuyên truyền cho ngày Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc, ngày 17 tháng 2 trong cùng năm 2019:
“Khi mật độ và liều lượng tuyên truyền cho ngày 30 tháng 4 năm nay giảm hẳn thì việc tuyên truyền cho ngày Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc, ngày 17 tháng 2 lại rộ lên. Báo chí Nhà nước đồng loạt lên tiếng tố cáo giặc Trung Quốc xâm lược Việt Nam và mô tả chi tiết một số trận đánh xâm lược của Trung Quốc. Đây là điều trước đây không có.
So sánh như vậy để thấy quan điểm đối ngoại của ĐCSVN đang có một sự thay đổi và tôi cho rằng đây là sự thay đổi mang tính chất bước ngoặt”.
Từng là cựu thù trong thời gian chiến tranh Việt Nam và trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh, Việt Nam và Mỹ giờ đây đã trở thành các đối tác. Hai nước đã chính thức bình thường hoá quan hệ từ năm 1995 và đến năm 2013 hai nước nâng tầm quan hệ lên đối tác toàn diện.
Những căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan đến những tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông cũng khiến quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam thêm gần. Trong chiến lược an ninh quốc gia của Hoa Kỳ công bố hồi năm 2017, Hoa Kỳ đã xác định Việt Nam là một đối tác đang lên về an ninh và kinh tế.
Sự kiện 30 tháng 4 năm 1975 được Nhà nước Việt Nam gọi là Ngày giải phóng miền Nam, Thống nhất Đất nước, nhưng cũng là ngày khiến hàng triệu người phải bỏ nước ra đi. Cuộc chiến cũng đã cướp đi sinh mạng của gần 3 triệu người Việt và 58.000 người Mỹ.
Cố Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt cũng đã từng thừa nhận việc nhắc lại cuộc chiến theo cách quen thuộc của chính quyền Việt Nam sẽ có “hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”.