Vì sao các chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài của Việt Nam không hiệu quả?

0:00 / 0:00

Ban hành quyết định mới về thu hút, trọng dụng nhân tài

Quyết định số 297/QĐ-BNV về Kế hoạch xây dựng Đề án Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, vào ngày 28/4/2020 ký ban hành thay cho Quyết định số 470/QĐ-BNV, được ký vào ngày 05/6/2019.

Theo đó, kế hoạch đề án này được nói là nhằm nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách, giải pháp để hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật thu hút những người tài giỏi, trong đó có chính sách thu hút người gốc Việt về nước làm việc.

Đồng thời, đề xuất cơ chế phát hiện bồi dưỡng tài năng cho những học sinh, sinh viên; nhất là các sinh viên tốt nghiệp giỏi và xuất sắc cả trong nước lẫn nước ngoài để đào tạo thành nguồn cán bộ cốt cán.

Bộ Nội vụ cho biết sẽ tiến hành khảo sát tại 10 bộ ngành và địa phương và khảo sát tập trung vào chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao và thực trạng tuyển dụng, sử dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thực tế tuyển dụng và sử dụng nhân tài

Đài RFA ghi nhận chủ trương thu hút nhân tài vào làm việc trong bộ máy các cơ quan nhà nước được Chính phủ Việt Nam thực hiện qua những kỳ thi tuyển dụng công chức, viên chức. Truyền thông, báo giới quốc nội thường trực đưa tin liên quan các kỳ thi tuyển dụng này và luôn phanh phui tình trạng quan liêu, sai trái xảy ra tại các kỳ thi. Điển hình một trong những trường hợp mới nhất, được ghi nhận vào đầu hạ tuần tháng 3 vừa qua, là Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông ký quyết định công nhận cho con trai chưa có bằng đại học được tuyển dụng vào viên chức.

Mặc dù vậy, các kỳ thi tuyển dụng công chức, viên chức được đánh giá như là sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam đã và đang từng bước thay đổi hệ thống nhân sự nhà nước.

Ông Lê Huân, một người từng tham dự kỳ thi tuyển dụng công chức, viên chức ở tỉnh An Giang, vào tối ngày 1/5 cho RFA biết ông đã đậu kỳ thi tuyển và được nhận vào làm việc ở một cơ quan hành chính nhà nước. Ông Huân chia sẻ ông cảm thấy hài lòng về môi trường làm việc trong những năm qua:

“Mình hài lòng. Những gì không hài lòng thì mình có quyền góp ý. Người ta cũng dân chủ, cũng cho mình nói ý kiến của mình.”

Tuy vậy, không ít người quan tâm đến tình hình thu hút, trọng dụng nhân tài của Chính phủ Việt Nam khẳng định rằng hiệu quả rất thấp.

<i>Đối với những người nghiên cứu khoa học thuần túy thì việc về nước đúng là lãng phí. Bởi vì nghiên cứu khoa học cần sáng tạo, cần nghĩ điều người khác không dám nghĩ, làm những điều người khác chưa dám làm. Tuy nhiên ở nước mình thì người nghĩ những điều người khác không dám nghĩ và làm những việc người khác không dám làm thì khó lắm. Nói chung guồng máy không hoan nghênh những người dám nghĩ dám làm như thế. Nghiên cứu khoa học thì ở đâu cũng có cái hay và có cái dở nên có thể gọi là khác biệt. Không phát huy được trong công việc và suy nghĩ khác cách suy nghĩ thông thường của Việt Nam</i> <i>nên khó hòa hợp và hội nhập, không còn phù hợp với môi trường đó nữa<br/>-Tiến sĩ An Hà</i>

Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng, từ Sài Gòn vào tối ngày 1/5, nói với RFA theo nhận định của ông tại Việt Nam tồn tại hai yếu tố quan trọng khiến cho những người tài giỏi, đặc biệt là giới trẻ không muốn làm việc trong các cơ quan nhà nước. Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng nêu lên yếu tố thứ nhất:

“Chế độ giáo dục đào tạo tuyên truyền và giáo dục tầm bậy bạ mà vẫn có bằng cấp gây phản cảm xã hội cà gây cản trở cho sự phát triển của giáo dục. Ví dụ như họ ban phát những cái bằng tại chức cho những người đã có chức quyền rồi mới đi học, mà nhiều khi cũng không có giờ tới lớp và gần như không học hành gì cả nhưng vẫn có bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Nhất là mới hồi năm ngoái, họ đã ban hành đạo luật chính thức công nhận bằng tại chức ngang tầm với bằng chính quy. Có nghĩa là họ để cho những người vô học có bằng ngang tầm với những người học hành nghiêm túc mới có thể có được tấm bằng. Như vậy, một cách đương nhiên họ khuyến khích bằng dỏm, họ khuyến khích những cách giáo dục lung tung. Và do đó, những vị trí có quyền lực, những vị trí có thể giúp được nhiều cho xã hội đã bị những người học bằng chuyên tu, học bằng tại chức lấy hết, chiếm hết thì làm sao tuổi trẻ có động lực để phát huy việc học thuật của mình sau này đóng góp cho xã hội, cho quốc gia?”

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng nhấn mạnh về yếu tố thứ hai:

“Những cơ sở nhà nước liên quan các khâu nghiên cứu khoa học là những nơi cơ cấu nhân sự khép kín. Và cuối cùng thì những nơi đó rất đông đảo những người phải nói là bất tài, thiếu tầm, thiếu tâm hiện hữu chiếm chỗ, chiếm việc và họ là các lực cản đối với sự tham gia của những người trẻ có tài năng.”

Quang cảnh cuộc họp của tổ chuyên gia xây dựng đề án thu hút, trọng dụng nhân tài hôm 29/4/2020
Quang cảnh cuộc họp của tổ chuyên gia xây dựng đề án thu hút, trọng dụng nhân tài hôm 29/4/2020 (Courtesy: moha.gov.vn)

Trong một lần trò chuyện với một số du học sinh Việt Nam quyết định ở lại nước ngoài làm việc mà không về nước, Đài RFA được nghe Tiến sĩ An Hà, từ Anh Quốc, bày tỏ:

"Đối với những người nghiên cứu khoa học thuần túy thì việc về nước đúng là lãng phí. Bởi vì nghiên cứu khoa học cần sáng tạo, cần nghĩ điều người khác không dám nghĩ, làm những điều người khác chưa dám làm. Tuy nhiên ở nước mình thì người nghĩ những điều người khác không dám nghĩ và làm những việc người khác không dám làm thì khó lắm. Nói chung guồng máy không hoan nghênh những người dám nghĩ dám làm như thế. Nghiên cứu khoa học thì ở đâu cũng có cái hay và có cái dở nên có thể gọi là khác biệt. Không phát huy được trong công việc và suy nghĩ khác cách suy nghĩ thông thường của Việt Nam nên khó hòa hợp và hội nhập, không còn phù hợp với môi trường đó nữa."

Hiệu quả của Nghị quyết mới?

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng cho rằng Nghị quyết về Kế hoạch xây dựng Đề án Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài mà Bộ Nội vụ vừa ký ban hành là việc làm đáng được khuyến khích. Thế nhưng, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng khẳng định điều đầu tiên và cơ bản mà Chính phủ và Nhà nước Việt Nam phải làm là thay đổi tư duy và cách thức làm việc. Bằng không thì các nghị quyết thu hút, trọng dụng nhân tài đều không mang lại hiệu quả cao.

Trong khi đó, Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn, thuộc Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan và Đại học New South Wales, ở Úc, lên tiếng với RFA rằng ông lưu ý đến khái niệm “nhân tài” được đề cập trong Nghị quyết mới về Kế hoạch xây dựng Đề án Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài. Qua ứng dụng messenger, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho biết quan điểm của ông:

“Năm nay, tôi thấy đề án có đề cập đến câu hỏi ‘thế nào là nhân tài’, rồi trả lời rằng ‘chỉ có quần chúng Nhân dân mới đánh giá được một người có tài hay không’. Theo tôi đây là một sai lầm. Trước hết, hãy bỏ qua khái niệm 'nhân tài', vì đó là khái niệm rất ư là chung chung và các lí thuyết gia chẳng ai đồng thuận thế nào là 'nhân tài'. Kế đến là để nhận dạng một nhà khoa học, một giáo sư, hay một chuyên gia, quần chúng không thể làm việc đó. Chỉ có người trong ngành mới có thể đánh giá khả năng chuyên môn của một chuyên gia trong ngành (trong khoa học người ta gọi là "peer reviewer").”

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh rằng"Không nên sáng tạo ra một cách bình duyệt bởi quần chúng làm gì. Thật ra, câu hỏi là 'ai là quần chúng'?".

Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn là người hướng dẫn rất nhiều sinh viên Việt Nam đến Úc học tập và nghiên cứu trong lĩnh vực y khoa và ông cũng thường xuyên về Việt Nam công tác và làm việc. Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cũng từng phổ biến một bài viết về cơ hội và khó khăn của Việt Nam trong việc thu hút chuyên gia nước ngoài. Trong bài viết vừa nêu, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn đề ra một số biện pháp như Việt Nam phải sẵn sàng đầu tư cho phòng “lap” nghiên cứu, trao quyền độc lập cho các nhà khoa học và tiền lương phải hợp lý.

<i>Tôi đã làm trong 20 năm cuối đời cho giáo dục Việt Nam và gặp nhiều khó khăn. Khó khăn đến nỗi mà tôi có cảm tưởng như mình đang sống lưu vong tại quê hương Việt Nam<br/>-Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng</i>

Vào tối khuya hôm 1/5, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn nói với RFA rằng trong thực tế những ai muốn về làm việc ở Việt Nam thì đã về. Họ tự tìm đến các trường đại học hay viện nghiên cứu, chứ họ không trông chờ gì từ một chánh sách chung. Và dù bản thân ông đóng góp ý kiến của mình như thế, nhưng ông không nhìn thấy được viễn ảnh gần trong tương lai về chủ trương này của Chính phủ Việt Nam, bởi lý do là môi trường làm việc trong hệ thống nhà nước luôn do Đảng quyết định. Giáo sư Nguyễn văn Tuấn buông lời một câu kết luận với chúng tôi:

“Không có hy vọng gì đâu. Bởi vì bao nhiêu năm nay họ cũng như vậy mà!”

Và Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng, một vị giáo sư dành hết thời gian nghỉ hưu ở Vương quốc Bỉ trở về Việt Nam tận sức đóng góp cho ngành giáo dục của nước nhà, nhưng ông phải ngậm ngùi rằng:

“Tôi đã làm trong 20 năm cuối đời cho giáo dục Việt Nam và gặp nhiều khó khăn. Khó khăn đến nỗi mà tôi có cảm tưởng như mình đang sống lưu vong tại quê hương Việt Nam.”