Vì sao Campuchia đe dọa bắt giữ những người chỉ trích khu vực kinh tế với Việt Nam và Lào?

Khu vực kinh tế chung hình thành từ năm 1999 của Campuchia, Việt Nam và Lào bỗng nhiên tạo nên các cuộc biểu tình và chỉ trích.

Các quan chức hàng đầu của chính phủ Campuchia, trong tuần qua, đã đe dọa tiến hành các cuộc bắt giữ và triển khai lực lượng cảnh sát khắp đất nước để ngăn chặn các cuộc biểu tình phản đối Khu vực Tam giác Phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam (CLV).

Thỏa thuận hợp tác kinh tế giữa ba nước được hình thành vào năm 1999 và chính thức thiết lập năm 2004.

Nhưng tháng trước, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen – cựu thủ tướng/người cai trị lâu năm của nước này - đã ra lệnh bắt giữ ba nhà hoạt động lên tiếng chỉ trích thỏa thuận này trong một video kéo dài 11 phút trên Facebook. Các lãnh đạo cấp cao của chính phủ Campuchia đã phản ứng dữ dội về video này.

Cuối tuần qua, người lao động Campuchia ở các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada và Úc đã tổ chức biểu tình, lên tiếng bày tỏ quan ngại rằng Khu vực Tam giác Phát triển CLV có thể khiến Campuchia mất đất và tài nguyên thiên nhiên vào tay Việt Nam.

Đây là vấn đề nhạy cảm với nhiều người. Trong hôm thứ hai, ông Hun Sen đã lại cảnh báo về khả năng có thêm các vụ bắt giữ và vào ngày thứ ba, Bộ trưởng Tư pháp Koeut Rith cho biết những người tham gia biểu tình chống lại Khu vực CLV có thể sẽ phải đối mặt với tội phản bội tổ quốc và nhận án tù từ 15 đến 30 năm.

Các nhà hoạt động đã lập một nhóm chat trên Telegram để tổ chức một cuộc biểu tình ở Phnom Penh vào ngày 18/8. Đáp lại, Bộ Nội vụ nước này đã cử cảnh sát, cảnh sát quân sự, binh lính, vệ sĩ và lực lượng đặc nhiệm đến thành phố trung tâm của các tỉnh và lập các chốt kiểm tra trên các tuyến đường cao tốc.

Vậy điều gì đã khiến một đoạn video dài 11 phút đăng trên mạng xã hội trong tháng 7 vừa qua trở thành một tình huống an ninh nhạy cảm chỉ trong vài tuần?

Khu vực CLV là gì?

Khu vực CLV của ba quốc gia được thiết lập nhằm mục đích thúc đẩy phát triển kinh tế và thương mại giữa năm tỉnh biên giới của Việt Nam, bốn tỉnh lân cận của Lào và bốn tỉnh đông bắc của Campuchia là Ratanakiri, Mondulkiri, Kratie và Stung Treng.

Thỏa thuận này cho phép cư dân sinh sống ở những tỉnh nói trên có thể tự do di chuyển qua lại để kinh doanh thương mại và đầu tư.

Trong bối cảnh chính phủ Campuchia có cách tiếp cận lỏng lẻo đối với vấn đề nhập cư đồng thời nổi tiếng với tệ tham nhũng, một số người Campuchia lo ngại rằng việc Campuchia cho các nhà đầu tư Việt Nam và Lào thuê đất nông nghiệp trong nhiều thập kỷ có thể dẫn đến việc mất kiểm soát đối với nhiều khu đất lớn của nước này.

P2.jpeg
Thủ tướng Campuchia Hun Sen (trái) đến Sân bay Quốc tế Nội Bài, Hà Nội, ngày 30/3/2018. Nguồn ảnh: Thông tấn xã Việt Nam/AFP


Khu vực CLV "là vỏ bọc cho việc tiếp tục phá rừng, cưỡng chế đất đai và khai thác tài nguyên bất hợp pháp, thu lợi cho nước ngoài" – bà Mu Sochua, lãnh đạo đảng đối lập hiện đang sống lưu vong viết trên mạng xã hội X, vốn được gọi là Twitter, hôm thứ ba tuần trước.

"Việc người Việt tiếp tục nhập cư bất hợp pháp vào bốn tỉnh Campuchia tham gia thỏa thuận này và sự kiểm soát 'hiệu quả' của Việt Nam đối với kinh tế khu vực [CLV] cũng có nghĩa rằng các tỉnh này sẽ trở thành những chư hầu do Việt Nam kiểm soát" – bà này viết trên trang của Phong trào Khmer vì Dân Chủ.

Ông Hun Sen, Thủ tướng Hun Manet – con trai ông và các bộ trưởng hàng đầu khác đã công khai tuyên bố rằng Campuchia sẽ không mất đất cho Việt Nam theo thỏa thuận CLV.
Ông Chhay Kim Khoeun, phát ngôn viên Cảnh sát Quốc gia Campuchia nói với báo chí nước này đã có tới 10 người bị bắt trong tuần qua vì đưa ra những bình luận mang tính chỉ trích về CLV.

“Gần đây có một nhóm nhỏ những người muốn phá hoại đất nước bằng việc tung tin giả để lật đổ chính phủ hợp pháp hiện tại” – Bộ trưởng Nội vụ Sar Sokha viết trên Facebook hôm thứ sáu tuần trước. “Tôi muốn nhắc nhở nhóm nhỏ này... hãy thức tỉnh và rút lui khỏi cái nhóm nhỏ hải ngoại đang kích động, xúi giục quý vị”.

Vì sao khu vực CLV giờ đây lại khiến người dân xuống đường?

Ba nhà hoạt động bị bắt hôm 23/7 đã tổ chức các hội thảo về Hiệp định Hòa bình Paris năm 1991- một hiệp định đã chính thức chấm dứt nhiều thập kỷ nội chiến của Campuchia. Các cuộc hội thảo này là một phần trong những nỗ lực nâng cao nhận thức cho người dân Campuchia về sự phát triển của nền dân chủ nghị viện ở nước này.
Trong video dài 11 phút trên Facebook, ba nhà hoạt động - Srun Srorn, Peng Sophea và San Sith - đã nói về những quan ngại nói chung của người Campuchia về khu vực CLV.

Đáp lại, ông Hun Sen tức giận tuyên bố trong một bài phát biểu trên truyền hình rằng ông đã ra lệnh bắt giữ những nhà hoạt động này. Ông đưa ra cảnh cáo đối với việc đưa ra các bình luận về việc Campuchia có thể mất sự toàn vẹn lãnh thổ (mất đất) vào tay Việt Nam – một vấn đề chính trị nhạy cảm đã dẫn tới việc bắt giữ nhiều nhà hoạt động đối lập trong những năm qua.

P3..png
Amanda Weisbrod/RFA. Nguồn ảnh: RFA


Thêm vào đó, ông Hun Manet đã nói hôm 2/8 rằng người Campuchia nên cẩn trọng trong việc biểu tình chống chính phủ, viện dẫn các cuộc xuống đường gần đây ở thủ đô của Bangladesh đã khiến người đứng đầu nước này phải từ chức và chạy trốn khỏi đất nước.

"Tôi không muốn nhìn thấy loại tình huống như thế này xảy ra ở Campuchia" – ông nói và thêm rằng: "Đặc biệt là ở Phnom Penh".
Việc bắt giữ ba nhà hoạt động này đã khiến một số người trẻ tuổi Campuchia tức giận – những người đã theo dõi việc chính phủ nước này vô hiệu hóa báo chí độc lập cũng như hầu hết các lực lượng đối lập chính trị kể từ năm 2017.

Kế hoạch xây dựng kênh đào mới cũng góp phần?

Một yếu tố khác đó là lễ động thổ triển khai xây dựng kênh đào Phù Nam Techo trị giá 1,7 tỷ USD vào hôm 5/8 – công trình kết nối thủ đô Phnom Penh của Campuchia và khu vực Vịnh Thái Lan.

Chính phủ Campuchia xem dự án này là một cơ hội để trở nên ít phụ thuộc hơn vào Việt Nam vì kênh đào này có thể giúp hàng hóa của Campuchia không phải đi qua vùng Đồng bằng Sông Cửu long (ĐBSCL) của Việt Nam nữa. Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Campuchia cung cấp thêm các thông tin về các tác động môi trường của dự án kênh đào dài 180km này.

“Mặc dù chính phủ đang cố gắng quảng bá [dự án] kênh đào Phù Nam Techo, vấn đề khu vực CLV đã làm người dân sao nhãng, dành ít sự chú ý và ủng hộ đối với kênh đào hơn” – nhà bình luận chính trị Seng Sary nói với Đài Á Châu Tự Do.

“Nhưng nói chung, ông Hun Sen rất giỏi khai thác các tình huống [có vấn đề]. Khi thấy người dân đứng lên chống lại thỏa thuận CLV thì ông ta đã dùng điều đó làm cái cớ để hành động chống lại các nhà hoạt động chính trị đối lập còn sót lại, các nhà phê bình xã hội và các tổ chức phi chính phủ.” – nhà bình luận này nói tiếp.

Những yếu tố lịch sử nào ảnh hưởng?

Nhiều người Campuchia coi Việt Nam là “kẻ thù lịch sử” và thường nhắc tới việc mất vùng đất có tên “Campuchia Krom” vào tay Việt Nam – một khu vực nằm ở vùng hạ lưu sông Mekong, bao gồm phần lớn diện tích khu vực phía Nam của Việt Nam ngày nay.

Thêm vào đó, ông Hun Sen và đảng cầm quyền - Đảng Nhân dân Campuchia – đã có mối quan hệ có tính lịch sử với Đảng Cộng sản Việt Nam. Hun Sen, lần đầu tiên, trở thành một Bộ trưởng của chính phủ Campuchia ngay sau khi cuộc xâm lược do Việt Nam dẫn dắt đã đánh đuổi và lật đổ chính quyền Pol Pot và Khmer Đỏ vào năm 1979. Ông Hun Sen từ chức Thủ tướng vào cuối năm ngoái để mở đường cho việc bổ nhiệm con trai cả Hun Manet của mình vào vị trí này.

Theo nhà bình luận Seng Sary, gần đây, chính phủ Campuchia đã không làm tốt việc giải thích cho người dân Campuchia về khu vực tam giác phát triển CLV. Ông nói:

"Họ dường như đã làm cho vấn đề này thành một bí mật khó hiểu với người dân" – ông nói và cho rằng: "Các cuộc bắt giữ gần đây chỉ làm gia tăng các nghi ngờ và quan ngại."
Những nỗ lực dập tắt các cuộc tranh luận về khu vực CLV của ông Hun Sen "cho thấy chứng hoang tưởng độc tài của ông ta" và việc ông ta công khai đưa ra những yêu cầu đối với tòa án về những vụ bắt bớ gần đây "cho thấy rất rõ ràng rằng hệ thống tư pháp không có sự độc lập và chỉ hoạt động như một vũ khí để chính phủ sử dụng" – bà Mu Sochua viết trên kênh X.

Đài Á Châu Tự Do đã không thể liên lạc được với người phát ngôn Cảnh sát Quốc gia Campuchia Chhay Kim Khoeun và ông Pen Bona, người phát ngôn của chính phủ Campuchia để tìm kiếm bình luận.