Vì sao khó hoàn thành việc sắp xếp lại khu vực quốc doanh năm 2025?

0:00 / 0:00

Năm 2025 Việt Nam sẽ hoàn thành việc sắp xếp lại khối Doanh Nghiệp Nhà Nước DNNN, sẽ tập trung nguồn lực đầu tư công vào các DNNN có vị trí quan trọng.

Đây là phát biểu tham luận của Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng tại Đại hội Đảng 13 hôm 27/1. Ông Đinh Tiến Dũng nói rằng nền tài chính quốc gia trong nhiệm kỳ vừa qua “tiếp tục có những bước phát triển quan trọng, có đóng góp quyết định vào các thành quả của đất nước, thể hiện ở một số điểm lớn”.

Trước hết, ông nói, ngành tài chính đã cơ cấu lại đồng bộ ngân sách Nhà Nước, thúc đẩy quá trình đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện các cân đối lớn, tăng cường ổn định vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế…

Ông còn đưa ra một loạt những con số cho thấy ‘tốc độ tăng nợ công giảm mạnh’, Ngân Sách Nhà Nước năm 2020 đạt trên 85%, hệ thống pháp luật về quản lý, phân bổ, sử dụng, kiểm soát chi Ngân Sách Nhà Nước tiếp tục được hoàn thiện theo hướng tăng cường phân cấp. minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả.

2018-09-12T110507Z_1904071860_RC1832470170_RTRMADP_3_VIETNAM-ECONOMY.JPG
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trong một cuộc họp Chính phủ ở Hà Nội vào ngày 11/9/2018. Reuters

Ông Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại, cho rằng những con số là thành tích mà ông Đinh tiến Dũng muốn trình bày, còn vấn đề mấu chốt là tại sao khối Doanh Nghiệp Nhà Nước, được đưa vào cổ phần hóa hay tư nhân hóa như chủ trương từ năm 1995, thì phải chờ tới 2025 mới gọi là hoàn thành việc sắp xếp lại:

"Quy luật phát triển đi từ người làm ra của cải vật chất chứ không phải từ doanh nghiệp này, doanh nghiệp nọ có tính cách quốc doanh, nhà nước. Đặt để ra nền kinh tế quốc doanh, làm ăn không được, lúng túng như con gà mắc thóc, rồi sắp xếp trở lại là sắp xếp cái gì?".

Muốn giải quyết khối Doanh Nghiệp Nhà Nước, vốn không hiệu quả, không sinh lợi, ông Lê Văn Triết nhấn mạnh, Việt Nam phải xác định xây dựng nền kinh tế của đất nước đi lên dựa trên nền tảng nào, căn bản nào? Ông nói tiếp:

"Nền tảng tư hữu hay quốc doanh khổng lồ kiểu Hàn Quốc, hay kiểu tiểu thủ công nghiệp mạnh lên như Đài Loan; kinh tế thị trường theo như các quốc gia trên thế giới, hay là kinh tế thị trường theo đinh hướng xã hội chủ nghĩa là dựa trên quốc doanh, dựa trên việc Nhà Nước nắm toàn bộ là chủ yếu. Hồi nào đến giờ còn chưa xác định được mà tự nhiên giờ nói là sắp xếp lại, nửa vời như thế thì không đi vào đâu hết".

Quy luật phát triển đi từ người làm ra của cải vật chất chứ không phải từ doanh nghiệp này, doanh nghiệp nọ có tính cách quốc doanh, nhà nước. Đặt để ra nền kinh tế quốc doanh, làm ăn không được, lúng túng như con gà mắc thóc, rồi sắp xếp trở lại là sắp xếp cái gì?- Nguyên Bộ trưởng TM Lê Văn Triết

Cần 5 năm nữa để hoàn thành việc tái sắp xếp khối DNNN thì không phải thời gian dài, và nếu lúc đó mà thành công càng là chuyện đáng mừng, lời kinh tế gia, Tiến Sĩ Ngô Trí Long:

"Trước thì tỷ trọng DNNN gần như tuyệt đối cao, nhưng trong xu thế phát triển đến giờ thì tỷ trọng này giảm dần. Nhà Nước xác định là không giải tán toàn bộ, cái gì tư nhân làm có hiệu quả thì để tư nhân làm, còn những cái trọng yếu về quốc phòng, an ninh thì Nhà Nước nắm giữ"

“Vấn đề cổ phần hóa được hoạch định từ lâu nhưng khi triển khai thì phải nói thật là cực kỳ khó, bao nhiêu lần đề ra mà cuối cùng có thực thi được đâu. Người ta đã nói cải cách, cổ phần hóa từ những năm ’90 mà đến 2025 nếu làm được là quá chuẩn, là mừng quá đi chứ”.

Có nhiều lý do khiến việc thanh lý khu vực quốc doanh không đạt hiệu quả. Đối với Tiến sĩ Ngô Trí Long, nói hoàn thành thì cũng có chứ không phải tất cả đều không hiệu quả. Thực chất, ông cho biết tiếp, đến giờ một số người vẫn còn tư tưởng chưa dám rời bỏ hẳn DNNN:

"Căn bản là chưa có sự quyết liệt, thứ nhất là không dám mạnh dạn, thứ hai là sợ trách nhiệm, thứ ba là thể chế vẫn chưa thật hoàn thiện, nó thay đổi liên tục và người ta chưa tìm ra phương án nào hữu hiệu nhất. Lý thuyết thì hay nhưng thực tế làm thì cũng thấy bao nhiêu là chuyện thất thoát tài sản cho nên một số đã hầu tòa đấy, ông nào cũng sợ".

Vào khi Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng phát biểu trong buổi tham luận trước đại hội đảng XIII rằng “tốc độ tăng của nợ công giảm”, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại Lê Văn Triết lại cho rằng Việt Nam đang ngập trong những món nợ lớn mà nguyên nhân là sự làm ăn thua lỗi bao năm của các tập đoàn quốc doanh:

"Thực tế diễn ra rất khác với những gì được công bố. Không thể phủ nhận mình đang nợ đầm đìa. Trong các công trình lớn của Việt Nam thì 70% do Trung Quốc trúng thầu. Mình vay tiền Trung Quốc để làm công trình, đường sắt Cát Linh-Hà Đông có 13Km mà hơn chục năm nay đã chạy được đâu, tiền phải vay thêm, đổ thêm vào trong đó. Nói rằng trước Đại Hội XIII đường sắt Cát Linh sẽ chạy, giờ Đại Hội XIII giờ kết thúc rồi mà vẫn chưa chạy, thành ra là mình nợ đầm đìa".

Nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan trong việc cổ phần hóa, là giải thích bổ sung của chuyên gia tài chính và ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu:

"Chủ quan là có một số những lãnh đạo DNNN không muốn thoái vốn. Họ biết một khi công ty của họ bị cổ phần hóa thì họ mất việc, Hội Đồng Quản Trị của công ty mới chắc chắn không giữ họ lại. Không những lãnh đạo mà người lao động cũng không muốn cổ phần hóa vì không muốn công việc bị thay đổi"

"Rồi đến yếu tố khách quan là việc cổ phần hóa cũng không phải chuyện dễ dàng. Muốn bán cổ phần cho tư nhân đâu có thể là bán được ngay. Thứ nhất là phải bán được giá, nếu bán ra với giá thị trường thấp quá thì chính người quản lý những công ty có vốn Nhà Nước đó phải chịu trách nhiệm làm mất vốn Nhà Nước. Ở Việt Nam làm mất vốn Nhà Nước là tội hình sự".

Đó là chưa nói đến công việc bức bách như giải trình, bạch hóa tài chính và qui trình hoạt động kinh doanh mà DNNN phải công khai khi đi vào cổ phần hóa.

Cũng không phải tất cả những doanh nghiệp có vốn Nhà Nước đều kinh doanh thua lỗ và gây thất thoát ngân sách Nhà Nước, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu khẳng định:

"Chẳng hạn những doanh nghiệp có vốn Nhà Nước như Vietcombank, Viettinbank, BIDV là những ngân hàng thương mại có lợi nhuận và đã có đóng góp cho ngân sách một cách đáng kể. Thành ra không phải DNNN nào cũng "ăn hại"ngân sách, nhưng trong một nền kinh tế thị trường thì rõ ràng phải trả lại sân chơi cho kinh doanh tư nhân ".

2017-11-23T051057Z_939690114_RC1464973700_RTRMADP_3_GLOBAL-FINANCE.JPG
Hình minh hoạ. Tấm biển của Ngân hàng Vietcombank ở Hà Nội. Reuters

Cơ quan chức năng Việt Nam lâu nay đề cập nhiều đến 12 dự án công thua lỗ nghìn tỷ thuộc Bộ Công Thương. Điển hình như Nhà máy DAP số 1-Hải Phòng; DAP số 2-Lào Cai; Đạm Ninh Bình; Đạm Hà Bắc; Công nghiệp tàu thủy Dung Quất; Nhà máy thép Việt-Trung; Nhà máy Đình Vũ; Công ty Gang thép Thái Nguyên...

Hiện có 17 ngân hàng thương mại và 1 công ty tài chính đang cấp tín dụng cho 12 dự án này với tổng dư nợ gần 21 ngàn tỷ đồng. Ngoài ra, các ngân hàng còn cấp gần 23 ngàn tỷ đồng tín dụng đối với các chủ đầu tư liên quan.

Để có thể hoàn thành việc sắp xếp lại khối DNNN vào năm 2025, đẩy mạnh cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính-ngân sách, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, công khai, minh bạch; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…là những mục tiêu phải thực hiện trong vòng 5 năm tới theo như cam kết của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Việt Nam nên ngừng so sánh thực tế lúc này của mình với hiện trạng của mình lúc trước để nói là có tiến bộ, trái lại hãy mạnh dạn so sánh mình với khu vực rồi với quốc tế thì mới tiến được, là góp ý của Tiến Sĩ Ngô Trí Long:

"Quan trọng nhất trong điều kiện bây giờ mình phải so bì mình với quốc tế và với khu vực. Trong bối cảnh thế giới bị Covid làm kinh tế suy thoái mà Việt Nam là một trong ít nước tăng trưởng dương 2.9% như vậy thì cũng chớ nên tự mãn".

Tiến sĩ Ngô Trí Long nhấn mạnh, trong việc ổn định kinh tế vĩ mô bao gồm cả việc sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước cồng kềnh tốn kém, hiện vẫn còn quá nhiều điều mà Việt Nam phải thực hiện. Ông nói Việt Nam phải thực hiện một cách quyết liệt để nâng đà phát triển quốc gia lên bằng Thái Lan, Singapore , Đài Loan.